Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

72 giờ chia tay Tiểu đường tuýp I & II



https://tailieu.vn/doc/ebook-72-gio-chia-tay-tieu-duong-2065027.html

Leptin - Chúa tể của Vương quốc Hooc-môn

Vào năm 1994, một khám phá làm rung chuyển cả giới y học. Các nhà khoa học phát hiện ra một hooc-môn quan trọng mà trước đó họ không hề biết. Hơn thế nữa, nó không phải chỉ là một hooc-môn quan trọng; nó là một hooc-môn có ảnh hưởng đến tất cả các hooc-môn khác và kiểm soát hầu như tất cả hoạt động của vùng dưới đồi trong não bộ. Họ tìm ra nó ở nơi mà không ai ngờ tới: trong các tế bào mỡ của chúng ta.
Tên của hooc-môn đó là leptin.
Không một rối loạn hooc-môn nào trong cơ thể có thể được chữa lành nếu leptin chưa hoạt động được bình thường. Giữ nồng độ leptin ở mức bình thường có thể giúp tránh được hầu hết các căn bệnh của tuổi già và gia tăng tuổi thọ. Nồng độ leptin ở mức cao trong thời gian dài có liên quan đến hầu hết các căn bệnh thoái hóa và sưng tấy cũng như chứng béo phì và giảm tuổi thọ.
Hệ thống nội tiết là một hệ thống kết nối lẫn nhau cực kỳ phức tạp và nó được điều khiển thông qua một hệ thống quản lý rất tinh vi. Ở trên đỉnh hệ thống quản lý đó là leptin. Ngay dưới nó là người trợ lý insulin. Dưới nữa là hai hooc-môn tuyến thượng thận, adrenaline và cortisol. Rồi đến các hooc-môn tuyến yên. Chúng kiểm soát các hooc-môn tuyến giáp và hooc-môn sinh trưởng (và nhiều hooc-môn khác nữa). Sau đó là các hooc-môn tuyến giáp, hooc-môn sinh dục, v.v...
Đôi khi nồng độ một loại hooc-môn quá thấp nên được coi là dấu hiệu về một rối loạn nào đó bên trong hơn là trạng thái thiếu hụt cần được bổ sung. ( ví dụ tiêm insulin cho người bị tiểu đường …)
Vậy cái gì làm rối loạn leptin và hệ thống nội tiết?
Yếu tố mạnh nhất gây rối loạn nội tiết là các đợt dâng trào đường huyết do ăn carbohydrat nhiều và thường xuyên.
Hóa ra là leptin và insulin có liên quan chặt chẽ với nhau. Cái gì gây rối loạn insulin thì cũng gây ảnh hưởng xấu đến leptin. Thủ phạm nguy hại nhất là carbohydrat trong những thực phẩm có thành phần chủ yếu là tinh bột hoặc đường. Chúng bao gồm bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, mì ống, gạo và cồn trong rượu bia. Các loại đường "tự nhiên" như mật ong, mật mía cũng gây tác hại tương tự. HFCS (một loại chất làm ngọt tự nhiên có nguồn gốc từ tinh bột bắp), sản xuất từ ngô biến đổi gen (GMO) bằng một loạt hóa chất độc hại, là thứ chết người.
Rất nhiều loại thuốc cũng góp phần gây tác hại cho leptin và insulin. Caffeine và các loại chất kích thích khác cũng khiến nồng độ đường huyết gia tăng mạnh. Sự dâng trào đường huyết gây ra bởi những chất này làm nồng độ leptin tăng mạnh, tràn ngập các thụ cảm trên bề mặt tế bào và cùng với thời gian khiến chúng 'nhờn' với các thông điệp của leptin (tương tự quá trình xảy ra với insulin).
Thứ duy nhất có thể phục hồi hoạt động bình thường của leptin là một chế độ ăn rất ít đường và tinh bột ( có nghĩa là loại trừ ngũ cốc, bánh mì, mì ống, gạo, khoai tây và kẹo bánh) và đầy đủ mỡ tự nhiên.
Nó rất đơn giản và rõ ràng. Một chế độ ăn đầy đủ mỡ tự nhiên và rất ít carbohydrat là chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến sức khỏe, hạnh phúc và tuổi thọ cho bạn. Hãy nhớ điều này: Đối với cơ thể nguyên thủy của chúng ta, đầy đủ mỡ trong bữa ăn mang ý nghĩa sống còn.
Làm sao tôi biết mình bị kháng leptin?
Bất cứ triệu chứng nào dưới đây (lấy từ cuốn Chế độ ăn Rosedale của Ron Rosedale và Carol Coleman) có thể báo hiệu bạn bị kháng leptin:
• Béo phì
• Bụng phệ

• Không giảm cân được dù tập thể dục bao nhiêu chăng nữa
• Mệt mỏi sau bữa ăn
• Cao huyết áp
• Thường xuyên thèm ăn vặt
• Thường xuyên thèm đồ ngọt hay chất kích thích (như caffeine)
• Thường xuyên cảm thấy lo lắng hay stress
• Lúc nào cũng thấy đói hay thấy đói vào ban đêm
• Loãng xương
• Nồng độ triglyceride khi đói cao, hơn 100 mg/dL - đặc biệt là khi bằng hoặc cao hơn nồng độ cholesterol
• Khó ngủ hay ngủ không sâu
Danh sách ấy có quen thuộc với bạn không?
Nora Gedgaudas Sách Cơ thể Nguyên thủy, Tâm trí Nguyên thủy
Xem thêm: https://vi.sott.net/…/405-Che-do-an-it-carb-nhieu-mo-tu-nhi…



Thứ Tư, 6 tháng 6, 2018

Lý thuyết Thang bậc nhu cầu của Maslow


Năm 1943, Nhà tâm lý học Abraham Maslow (1908-1970) đã phát triển lý thuyết về Thang bậc nhu cầu (Hierarchy of Needs) của con người. Trong lý thuyết này, ông sắp xếp các nhu cầu của con người theo một hệ thống trật tự cấp bậc, trong đó, các nhu cầu ở mức độ cao hơn muốn xuất hiện thì các nhu cầu ở mức độ thấp hơn phải được thỏa mãn trước.
Trong thời điểm đầu tiên của lý thuyết Thang bậc nhu cầu của Maslow (Maslow’s Hierarchy of Needs), Maslow đã sắp xếp các nhu cầu của con người theo 5 cấp bậc:
– Nhu cầu cơ bản (basic needs)
– Nhu cầu về an toàn (safety needs)
– Nhu cầu về xã hội (social needs)
– Nhu cầu về được quý trọng (esteem needs)
– Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs)
1. Nhu cầu cơ bản (basic needs):
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu của cơ thể (body needs) hoặc nhu cầu sinh lý (physiological needs), bao gồm các nhu cầu cơ bản của con người như ăn, uống, ngủ, không khí để thở, tình dục, … đây là những nhu cầu cơ bản nhất và mạnh nhất của con người. Trong hình kim tự tháp, nhu cầu này được xếp vào bậc thấp nhất.
Maslow cho rằng, những nhu cầu ở mức độ cao hơn sẽ không xuất hiện trừ khi những nhu cầu cơ bản này được thỏa mãn và những nhu cầu cơ bản này sẽ chế ngự, hối thúc, giục giã một người hành động khi nhu cầu cơ bản này chưa đạt được.
Chúng ta có thể kiểm chứng dễ dàng điều này khi cơ thể không khỏe mạnh, đói khát hoặc bệnh tật, lúc ấy, các nhu cầu khác chỉ còn là thứ yếu. Sự phản đối của người lao động khi đồng lương không đủ nuôi sống họ cũng thể hiện các yêu cầu cơ bản của họ chưa đáp ứng được.
– Muốn kìm hãm hay chặn đứng sự phát triển của một người nào đó, cách cơ bản nhất là tấn công vào các nhu cầu bậc thấp của họ. Nhiều người làm việc chịu đựng các đòi hỏi vô lý, các bất công, vì họ sợ bị mất việc làm, không có tiền nuôi bản thân và gia đình, họ muốn được yên thân,…
2. Nhu cầu về an toàn, an ninh (safety, security needs):
Khi con người đã được đáp ứng các nhu cầu cơ bản, thì các nhu cầu về an toàn, an ninh sẽ bắt đầu được kích hoạt. Nhu cầu an toàn và an ninh này thể hiện trong cả thể chất lẫn tinh thần.
Con người mong muốn có sự bảo vệ cho sự sống còn của mình khỏi các nguy hiểm.
Một đứa trẻ bị sợ hãi, bị đe dọa thì càng không thể học. Lúc này, các nhu cầu an toàn, an ninh của nó chiếm quyền ưu tiên so với các nhu cầu học hành. Các nghiên cứu về não bộ cho thấy, trong các trường hợp bị sợ hãi, bị đe doạ về mặt tinh thần và thể xác, não người tiết ra các hóa chất ngăn cản các quá trình suy nghĩ, học tập.
Nhu cầu này cũng thường được khẳng định thông qua các mong muốn về sự ổn định trong cuộc sống, được sống trong các khu phố an ninh, sống trong xã hội có pháp luật, có nhà cửa để ở,… Các chế độ bảo hiểm xã hội, các chế độ khi về hưu, các kế hoạch để dành tiết kiệm, …cũng chính là thể hiện sự đáp ứng nhu cầu an toàn này.Nhiều người tìm đến sự che chở bởi các niềm tin tôn giáo, đây chính là việc tìm kiếm sự an toàn về mặt tinh thần.
3. Nhu cầu về xã hội (social needs):
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu mong muốn thuộc về một bộ phận, một tổ chức nào đó (belonging needs) hoặc nhu cầu về tình cảm, tình thương (needs of love). Nhu cầu này thể hiện qua quá trình giao tiếp như việc tìm kiếm, kết bạn, tìm người yêu, lập gia đình, tham gia một cộng đồng nào đó, đi làm việc, đi chơi picnic, tham gia các câu lạc bộ, làm việc nhóm, …
Nhu cầu này là một dấu vết của bản chất sống theo bầy đàn của loài người chúng ta từ buổi bình minh của nhân loại. Mặc dù, Maslow xếp nhu cầu này sau 2 nhu cầu phía trên, nhưng ông nhấn mạnh rằng nếu nhu cầu này không được thoả mãn, đáp ứng, nó có thể gây ra các bệnh trầm trọng về tinh thần, thần kinh.
Nhiều nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, những người sống độc thân thường hay mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, thần kinh hơn những người sống với gia đình. Chúng ta cũng biết rõ rằng: sự cô đơn có thể dễ dàng giết chết con người. Nhiều em ở độ tuổi mới lớn đã lựa chọn con đường từ bỏ thế giới này với lý do: “Những người xung quanh, không có ai hiểu con!”.
Để đáp ứng cấp bậc nhu cầu thứ 3 này, nhà trường áp dụng các phương pháp làm việc theo nhóm, các phương pháp giảng dạy dựa trên vấn đề, các tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường được giao trách nhiệm tập hợp các em, định hướng các em vào những hoạt động bổ ích. Các kết quả cho thấy: các hoạt động chung, hoạt động ngoài trời đem lại kết quả tốt cho tinh thần và hiệu suất cho công việc được nâng cao.
Kinh nghiệm giảng dạy của nhiều giáo viên cũng đưa đến kết luận: phần lớn các em học sinh sống trong các gia đình hay bất hòa, vợ chồng lục đục, thiếu quan tâm, tình thương của gia đình thường có kết quả học tập không cao như các em học sinh khác.
4. Nhu cầu về sự tôn trọng bản thân (esteem needs):
Nhu cầu này còn được gọi là nhu cầu tự trọng (self esteem needs) vì nó thể hiện 2 cấp độ: nhu cầu được người khác quý mến, nể trọng thông qua các thành quả của bản thân, và nhu cầu cảm nhận, quý trọng chính bản thân, danh tiếng của mình, có lòng tự trọng, tự tin vào khả năng của bản thân. Sự đáp ứng và đạt được nhu cầu này có thể khiến cho một đứa trẻ học tập tích cực hơn, một người trưởng thành cảm thấy tự do hơn.
Chúng ta thường thấy trong công việc hoặc cuộc sống, khi một người được khích lệ, tưởng thưởng về thành quả lao động của mình, họ sẵn sàng làm việc hăng say hơn, hiệu quả hơn. Nhu cầu này được xếp sau nhu cầu “thuộc về một tổ chức”, nhu cầu xã hội phía trên. Sau khi đã gia nhập một tổ chức, một đội nhóm, chúng ta luôn muốn được mọi người trong nhóm nể trọng, quý mến, đồng thời chúng ta cũng phấn đấu để cảm thấy mình có “vị trí” trong nhóm đó.
Kinh nghiệm giáo dục cũng chỉ ra rằng: các hành động bêu xấu học sinh trước lớp, cho các học sinh khác “lêu lêu” một em học sinh bị phạm lỗi,… chỉ dẫn đến những hậu quả tồi tệ hơn về mặt giáo dục, tâm lý.
“Bản chất tâm lý con người ai cũng muốn được tôn trọng, chạm đến lòng tự trọng là chạm đến điều sâu và đau nhất, là điểm tử huyệt nhất của con người (cho dù đó là đứa trẻ khó dạy, chưa ngoan).
Khi được tôn trọng là đã cho con người ở đúng vị trí “Người” nhất của mình. Do vậy, cần có trách nhiệm buộc phải sống và hành xử đúng đắn với sự tôn trọng đó.”
5. Nhu cầu được thể hiện mình (self-actualizing needs):
Không phải ngẫu nhiên mà nhu cầu này được xếp đặt ở mức độ cao nhất. “Thể hiện mình” không đơn giản có nghĩa là nhuộm tóc lòe lẹt, hút thuốc phì phèo, “xổ nho” khắp nơi, nói năng khệnh khạng, …
Maslow mô tả nhu cầu này như sau: “self-actualization as a person’s need to be and do that which the person was “born to do”” (nhu cầu của một cá nhân mong muốn được là chính mình, được làm những cái mà mình “sinh ra để làm”). Nói một cách đơn giản hơn, đây chính là nhu cầu được sử dụng hết khả năng, tiềm năng của mình để tự khẳng định mình, để làm việc, đạt các thành quả trong xã hội.
Có nhiều trường hợp, một người đang giữ một vị trí lương cao trong một công ty, lại vẫn dứt áo ra đi vì muốn thực hiện các công việc mà mình mong muốn, cái công việc mà Maslow đã nói “born to do”. Đó chính là việc đi tìm kiếm các cách thức mà năng lực, trí tuệ, khả năng của mình được phát huy và mình cảm thấy hài lòng về nó.
Nhu cầu này cũng chính là mục tiêu cao nhất mà giáo dục hiện đại nhắm đến. Trong báo cáo của Unesco Learning: the Treasure Within, vấn đề học tập đã được mô tả qua 4 trụ cột của giáo dục (The Four Pillars of Education):
– Learning to know: Học để biết.
– Learning to do: Học để làm.
– Learning to live together: Học để chung sống.
– Learning to be: Học để tự khẳng định mình.
Thông qua lý thuyết về Thang bậc nhu cầu Maslow, mỗi người trong chúng ta có thể rút ra nhiều điều thú vị về những nhu cầu, giá trị trong cuộc sống, tìm hiểu các khó khăn mà học sinh gặp phải, các phương thức cần thiết để giáo dục hiệu quả.





Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ


Một nhà tâm lý học hình sự của nước Mỹ vì muốn nghiên cứu sự ảnh hưởng của người mẹ đến cuộc đời của con cái đã làm một cuộc thí nghiệm thú vị.
Ông đã lựa chọn ra 50 người Mỹ thành đạt. Những người này làm trong các ngành nghề khác nhau và đều rất xuất sắc trong lĩnh vực của mình, đã thu được rất nhiều thành tựu nổi bật. Đồng thời, ông cũng lựa chọn ra 50 tội phạm. Nhà tâm lý học gửi cho mỗi người một lá thư và thỉnh cầu họ kể về sức ảnh hưởng trong cách giáo dục của mẹ đối với họ.
Sau nửa tháng, nhà tâm lý học thu được một loạt thư hồi âm. Trong loạt thư hồi âm đó, ông đặc biệt chú ý đến hai bức thư. Đó đều là câu chuyện kể lại cách người mẹ phân chia quả táo cho các con như thế nào.
- Một tù nhân đang bị giam giữ tại nhà tù tiểu bang Pelican Bay ở California, Mỹ đã viết rằng:
“Tôi nhớ, khi tôi còn nhỏ, có một lần vào lễ Giáng Sinh, mẹ tôi lấy ra mấy quả táo to nhỏ khác nhau. Tôi liếc mắt qua đã thấy quả táo ở chính giữa vừa chín mọng lại vừa to. Tôi rất muốn có được nó. Lúc ấy, mẹ tôi đem số táo đặt lên bàn rồi hỏi tôi và John em trai tôi là: ‘Các con muốn lấy quả nào?’. Tôi vừa định nói là muốn lấy quả táo to nhưng khi còn chưa thốt lên lời, John đã nói trước tôi ý muốn của cậu ấy.
Mẹ tôi nghe xong, trừng mắt liếc em trai tôi một cái rồi quở trách: ‘Đứa trẻ ngoan là phải đem những thứ tốt tặng cho người khác, đừng chỉ nghĩ đến bản thân mình!’.
Thế là vì để được mẹ khen ngợi, tôi nhanh nhẹn đổi giọng: ‘Mẹ ơi con muốn lấy quả bé nhất ạ! Mẹ hãy lấy quả táo to nhất cho John đi!’. Mẹ tôi nghe xong, quả nhiên vô cùng mừng rỡ và khen ngợi tôi, hơn nữa bà còn đem quả táo vừa to vừa chín mọng kia thưởng cho tôi, còn John chỉ nhận được quả táo bé nhất.
Từ đó về sau, để đạt được những thứ mình mong muốn, tôi sẽ ngụy trang suy nghĩ thật trong lòng mình và không ngừng nói dối lựa theo ý của mẹ. Trong gia đình, tôi đều dùng cách này để đạt được thứ mình mong muốn. Lên cấp 3, để đạt được những thứ mình muốn, thỏa mãn ham muốn của bản thân, tôi sẽ không từ một thủ đoạn nào. Tôi thường xuyên đánh nhau, ăn cắp, hút hít rồi sát nhân và bây giờ tôi đang bị tù chung thân”.
Khi nhìn thấy quả táo ngon trước mắt trẻ sẽ phát sinh tâm lý muốn chiếm hữu lấy phần hơn, dạy trẻ nhường nhịn một cách thoải mái từ tâm sẽ tốt hơn là dạy trẻ nhường nhịn khôn lỏi.
- Một nhân vật nổi tiếng đang làm việc cho Nhà Trắng viết rằng:
“Tôi nhớ, lúc tôi còn nhỏ, đến ngày sinh nhật của cha tôi, mẹ tôi lấy ra mấy quả táo. Mẹ tôi hỏi: ‘Các con muốn lấy quả táo nào?’. Tôi cùng các anh tôi ai cũng nói rằng muốn lấy được quả to và đỏ nhất. Nhưng mẹ tôi không đưa cho ai ngay mà lại cầm nó trong tay rồi nói với chúng tôi rằng:
‘Được rồi, các con, các con ai cũng muốn có được quả táo to nhất, chín nhất và ngon nhất này phải không? Nhưng mà quả táo này lại chỉ có một nên bây giờ mẹ muốn các con làm một việc như thế này. Mẹ sẽ chia mảnh vườn trước cửa nhà mình thành ba mảnh. Các con mỗi người sẽ phụ trách nhổ cỏ ở một mảnh. Ai hoàn thành được phần việc của mình một cách nhanh nhất, tốt nhất thì người đó xứng đáng nhận được nó!’.
Kết quả là thông qua sự cố gắng, nỗ lực của bản thân tôi đã giành được quả táo to nhất kia. Tôi vô cùng cảm ơn mẹ tôi, bà đã cho tôi hiểu rõ một đạo lý đơn giản nhất và cũng là quan trọng nhất là muốn đạt được thứ mình mong muốn nhất định phải trả giá, phải có sự cố gắng thực sự của bản thân mình.
Mẹ tôi luôn giáo dục chúng tôi như vậy. Trong nhà tôi, anh em tôi muốn được thứ gì mà mình muốn thì đều phải thông qua làm tốt một việc gì đó bằng chính sức lực của mình. Tôi thấy điều này rất công bằng. Bạn muốn giành được điều gì, thì nhất định phải vì nó mà cố gắng, mà trả giá!”.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên của con trẻ, cha mẹ có thể dạy cho con trẻ nói lời nói dối đầu tiên, cũng có thể dạy con trẻ trở thành một người thành thật cố gắng vươn lên.




Thứ Tư, 30 tháng 5, 2018

Lễ Tổng kết năm học 2017 – 2018 Trường tiểu học Lê Văn Việt Q9.


Lễ Tổng kết năm học 2017 – 2018 Trường tiểu học Lê Văn Việt Q9. 
Trong năm học qua nhà trường đã đạt nhiều kết quả trong giáo dục và các mặt hoạt đông khác.
99,6 % HS được lên lớp thẳng, 499 HS đạt thành tích xuất sắc, HS của Trường đạt khá nhiều giải từ cấp Quốc gia, Thành phố, Quận và Trường.
Trường đã được công nhận chuẩn Quốc gia cấp độ 2 chỉ trong 5 năm, rút ngắn được 5 năm so với kế hoạch là 10 năm.
Vài hình ảnh ghi lại buổi lễ trên :




















Người Việt trẻ thì "chọi nhau" già thì "chọi" con

Người Việt trẻ thì đọ xe đọ nhà, già thì đọ con, lấy bảng điểm, trường học của con làm thước đo thể diện.
Tâm lý "quan tâm" và so đo đời tư của nhau là một trong số những thói xấu của người Việt, gây áp lực nặng nề cho bản thân mình và cho cả con cái.
Thói xấu này khiến từ nhỏ đến lớn, cứ ra đường là chúng ta bị bủa vây bởi hàng chục câu hỏi.
Tốt nghiệp ĐH được ít năm thì bị hỏi làm ở công ty nào, lương bao nhiêu? Làm được vài năm lại bị hỏi có nhà chưa, mua ô tô chưa? Kết hôn rồi thì bị hỏi có con chưa, đẻ 1 hay 2 đứa, đẻ 2 đứa thì được 1 trai 1 gái hay "1 gái 1 trai"? Con đi học thì bị hỏi con học giỏi không, học trường chuyên không?
Con lớn rồi thì bị hỏi đỗ Đại học không, đỗ trường nào? Có đi du học không? Nếu du học thì du học tự túc hay có học bổng? Có học bổng thì được học bổng bán phần hay toàn phần?...
Và cứ thế, sau mỗi đợt tổng kết học kỳ, các bậc bố mẹ lại tấp nập khoe điểm thi của con ngập tràn Facebook…
Người Việt rất quan tâm tới đời tư của nhau. Tôi lên sân bay Nội Bài, thấy không ai quen ai mà ngồi một lúc họ đã khai hết đời tư".
"Họ khoe có 5 đứa con đi Hàn Quốc hết, các con đưa cả họ đi luôn. Rồi họ được mời sang bên nớ 3 lần rồi. Họ khoe cả việc con họ làm ở đâu, lương bao nhiêu. Tôi đâu biết con họ, không có nhu cầu biết, nhưng họ có nhu cầu khoe. Người Việt mình rất khổ", bà Hoa kể.
Ở nước ngoài, du học sinh ở cùng phòng cũng không ai hỏi chuyện đời tư một vợ mấy con, nhà ở đâu, có thân thiết lắm cũng chỉ biết sơ sơ.
"Ở Việt Nam, bố mẹ làm giáo sư nổi tiếng mà con đi lái xe tải, có lẽ cả làng phải kể đến 5 đời", bà Hoa hài hước.

Ảnh : Sáng 30/5/2018, 7.400 thí sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội

Thứ Sáu, 18 tháng 5, 2018

Chi tiêu cho giáo dục trong các hộ gia đình ở Việt Nam năm 2015


Trong những năm gần đây, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có mức chi tiêu cho giáo dục vào loại cao trên thế giới.

Nhìn từ phía Nhà nước, trong tổng chi phí, phần chi ngân sách nhà nước cho giáo dục tăng từ 4,2% GDP năm 2000 (chiếm 16,9% tổng chi ngân sách nhà nước) và giai đoạn 2009-2014 giữ ở mức 5,5% GDP hàng năm, chiếm 20% tổng chi ngân sách nhà nước.

Xét ở mức chi tiêu xã hội cho giáo dục, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước chiếm 60% tổng mức chi tiêu và tỷ lệ chi từ dân và các nguồn khác chiếm 40%. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2006, tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục từ phía người dân và các hộ gia đình ở Việt Nam cao hơn cả các nước đang phát triển như Mỹ, Pháp, Nhật Bản và các nước OECD*
.
Trong năm 2015 - 2016, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tiến hành một cuộc điều tra đối với các hộ gia đình đang có con cái theo học từ bậc giáo dục tiểu học đến hết đại học. kết quả điều tra cho thấy mức chi tiêu của các hộ gia đình Việt Nam cho giáo dục ở mức tương đối cao. Kết quả cho thấy:
  
Mức chi giáo dục bình quân của hộ gia đình là 2,53 triệu đồng/con/tháng, trong đó: mức chi giáo dục bình quân của khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn khoảng 2,7 lần (tương ứng 3,07 triệu đồng/con/tháng so với 1,15 triệu đồng/con/tháng).

Xét theo nhóm hộ chi cho giáo dục thì nhóm hộ nghèo có mức chi thấp nhất (0,69 triệu đồng/con/tháng) nhóm hộ giàu (4,85 triệu đồng/con/tháng).

Trong 6 tỉnh thành phố điều tra, TP. Hồ Chí Minh có mức chi giáo dục bình quân cao nhất (3,4 triệu đồng/con/tháng); Hà Nội có mức chi giáo dục bình quân thấp hơn TP. Hồ Chí Minh (2,37 triệu đồng/con/tháng, Phú Thọ có mức chi giáo dục bình quân thấp nhất (0,98 triệu đồng/con/tháng).

Thanh Hóa và Hà Tĩnh mặc dù là hai tỉnh gần nhau và cùng thuộc khu vực miền Trung - vùng được đánh giá là hiếu học (ở đây mọi người dân - đặc biệt là những người nghèo đều có ý thức đầu tư cho giáo dục để thoát nghèo), nhưng nhóm hộ nghèo của Thanh Hóa thì có mức chi giáo dục bình quân thấp nhất (14,1%), còn nhóm người nghèo của Hà Tĩnh lại có mức chi giáo dục bình quân cao nhất (18,2%) trong 6 tỉnh nghiên cứu.

Qua kết quả điều tra, có thể thấy, giáo dục và đào tạo đóng vai trò quan trọng trong chi tiêu của hộ gia đình Việt Nam nói chung, thông qua mức độ quan tâm của hộ gia đình đối với giáo dục - đào tạo là rất cao. Tuy nhiên, với tỷ lệ chi tiêu cho giáo dục chiếm tới hơn 30% tổng chi tiêu của hộ gia đình thì đây cũng là một gánh nặng tương đối lớn đối với phần đông các hộ gia đình ở Việt Nam hiện nay. Nhìn từ góc độ chính sách, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa việc thực thi các chính sách giáo dục và đào tạo để san sẻ gánh nặng với các hộ gia đình, tạo điều kiện để việc tiếp cận dịch vụ giáo dục và đào tạo có thể đến được với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội.

* Tỷ lệ chi từ phía người dân và các nguồn khác ngoài ngân sách nhà nước cho giáo dục năm 2006 của Mỹ là 26%, Pháp là 7%, Nhật là 26%, Hàn Quốc là 41% và các nước OECD là 20%.

Nguồn: Trích kết quả thực hiện dự án điều tra cấp Bộ “Nghiên cứu, điều tra thực trạng đầu tư giáo dục cho con cái trong các hộ gia đình ở Việt Nam” do Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia thực hiện trong năm 2015-2016