Thứ Hai, 18 tháng 11, 2024

Người hiểu chuyện

 

NGƯỜI HIỂU CHUYỆN

 

Hiểu chuyện có thể được hiểu là sự thấu hiểu, cảm thông, đặt lợi ích của người khác lên trên lợi ích cá nhân và luôn nghĩ tốt cho đối phương.

Ví dụ, những đứa trẻ hiểu chuyện sinh ra trong những gia đình khó khăn thường không đòi hỏi việc mình phải mặc quần áo đẹp, được đi du lịch mà gắng làm việc để phụ giúp bố mẹ.

Hoặc sự hiểu chuyện trong tình yêu, cô gái biết chàng trai đang gặp khó khăn trong công việc nên cũng không yêu cầu anh phải mua hoa và quà vào những dịp đặc biệt.

 

Những biểu hiện của một người hiểu chuyện

  • khả năng kiểm soát cảm xúc tốt, không để cảm xúc chi phối hành động.
  • Luôn lắng nghe và thấu hiểu người khác.
  • Có tính tự lập cao, không thích ỉ nại vào người khác.
  • Mạnh mẽ và lạc quan.
  • Luôn nghĩ tốt cho người khác.
  • Thường hy sinh lợi ích cá nhân để tránh xung đột.

Hiểu chuyện là đức tính tốt, thể hiện sự dĩ hòa vi quý và thấu cảm, nhưng quá hiểu chuyện thì không hẳn là như vậy.

Họ luôn nhận phần thiệt về bản thân và dành phần hơn cho người khác. Tâm lý “sợ” làm phiền người khác.

 

Do đó, đôi lúc hiểu chuyện thì thiệt thòi. Dù là một người biết thấu hiểu, nhưng bạn đừng để người khác lợi dụng tính cách tốt này của bạn để lấn át, chèn ép bạn trong cuộc sống.

Đừng để bản thân trở thành người ba phải, gió chiều nào theo chiều ấy.

 

Hãy nhớ rằng, hiểu chuyện không có nghĩa là mù quáng nhượng bộ và nhẫn nhịn một cách vô điều kiện.

Hãy biết đứng lên bảo vệ chính kiến và quyền lợi của mình khi cần thiết bạn nhé.

10 bài học có có thể rút ra được từ cuốn sách "Sức mạnh của hiện tại".

 

 10 BÀI HỌC CÓ CÓ THỂ RÚT RA ĐƯỢC TỪ CUỐN SÁCH "SỨC MẠNH CỦA HIỆN TẠI". 

1/ Thời điểm hiện tại là tất cả những gì chúng ta có.

Quá khứ đã qua và tương lai thì chưa đến, vì thế tất cả những gì chúng ta có là giây phút hiện tại. Khi chúng ta đắm chìm trong quá khứ hoặc lo lắng về tương lai, chúng ta đang bỏ lỡ khoảnh khắc duy nhất có thật.

2/ Bạn không phải là tâm trí của bạn.

Tâm trí của bạn là một công cụ mà bạn có thể sử dụng, nhưng nó không nói lên con người bạn. Bạn là người quan sát tâm trí mình và bạn có quyền lựa chọn cách phản ứng với suy nghĩ của mình.

3/ Chấp nhận những gì đang có.

Chống lại thời điểm hiện tại sẽ tạo ra đau khổ. Khi chúng ta chấp nhận mọi thứ như hiện tại, chúng ta có thể tìm thấy sự bình yên và tĩnh lặng bên trong.

4/ Từ bỏ cái tôi.

Bản ngã là cảm giác sai lầm về bản thân luôn tìm kiếm sự chú ý và chấp thuận. Khi buông bỏ cái tôi, chúng ta có thể trải nghiệm bản chất thực sự của mình, đó là tình yêu và ý thức.

5/ Hiện diện trong các mối quan hệ.

Khi hiện diện với người khác, chúng ta có thể kết nối với họ ở mức độ sâu sắc hơn. Chúng ta cũng có thể giải quyết xung đột dễ dàng hơn và tạo dựng được nhiều mối quan hệ yêu thương hơn.

6/ Tìm niềm vui từ những điều đơn giản.

Giây phút hiện tại tràn đầy vẻ đẹp và niềm vui nếu chúng ta dành thời gian để ý đến nó. Khi chúng ta trân trọng những điều nhỏ nhặt, chúng ta sẽ có nhiều khả năng hạnh phúc và hài lòng hơn.

7/ Sống trong thời điểm hiện tại.

Khi chúng ta hiện diện trọn vẹn, chúng ta có thể trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn nhất. Chúng ta cũng có nhiều khả năng đưa ra những lựa chọn sáng suốt hơn và tạo ra cuộc sống mà chúng ta yêu thích.

8/ Thiền là một công cụ mạnh mẽ để sống trong thời điểm hiện tại.

Thiền giúp chúng ta tĩnh tâm và tập trung vào thời điểm hiện tại. Đó là một phương pháp thực hành mà bất kỳ ai cũng có thể thực hiện và đó là một cách tuyệt vời để cải thiện sức khỏe tổng thể của chúng ta.

9/ Bạn không đơn độc. Tất cả chúng ta đều được kết nối với nhau và với vũ trụ.

Khi cảm thấy lạc lõng hoặc cô đơn, chúng ta có thể nhớ rằng mình là một phần của điều gì đó lớn lao hơn chính bản thân mình rất nhiều.

10/ Cuộc sống là một món quà.

Mỗi khoảnh khắc đều là một món quà quý giá. Khi chúng ta biết ơn cuộc sống, chúng ta có nhiều khả năng tận hưởng nó và sống một cách trọn vẹn nhất.

Theo "Sức mạnh của hiện tại" của tác giả Eckhart Tolle

Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2024

Thiên kiến tiêu cực (The Negativity Bias)

 

THIÊN KIẾN TIÊU CỰC (THE NEGATIVITY BIAS)

Thiên kiến tiêu cực là khuynh hướng không chỉ ghi nhận kích thích tiêu cực dễ dàng hơn mà còn chìm đắm trong những sự kiện tiêu cực.

Còn được gọi là phi đối xứng tích cực-tiêu cực, thiên kiến tiêu cực còn xuất hiện khi ta cảm nhận được sự “châm chích” từ lời quở trách mạnh mẽ hơn khi cảm nhận niềm vui có được từ lời khen.

 

Hiện tượng tâm lý này lý giải tại sao ấn tượng xấu ban đầu lại rất khó để vượt qua và tại sao những sang chấn trong quá khứ lại để lại tác động kéo dài dai dẳng đến vậy.

 

Thiên kiến tiêu cực đến từ đâu.

 

Khuynh hướng chú ý hơn đến những điều không hay và bỏ qua những điều tốt đẹp khả năng cao là kết quả của tiến hóa.

Từ thời điểm đầu tiên trong lịch sử nhân loại, chú ý đến những mối đe dọa nguy hiểm, những thứ xấu, tiêu cực trong thế giới thực sự là một vấn đề sống còn.

 

Những người chú ý nhiều hơn đến mối nguy hiểm và để ý hơn đến những thứ tệ hại quanh họ sẽ có khả năng sinh tồn cao hơn.

Điều này có nghĩa là ta cũng sẽ truyền gene chú ý đến mối nguy hiểm này cho các thế hệ sau.

 

Thiên kiến tiêu cực có thể có tác động cực lớn lên các mối quan hệ của bạn. Thiên kiến này có thể khiến con người ta cứ chăm chăm vào những điều tệ hại nhất của người khác, đặc biệt là trong các mối quan hệ thân thiết nơi mà con người ta đã biết nhau qua một thời gian dài.

 

Quá trình ra quyết định.

 

Thiên kiến tiêu cực có thể gây ảnh hưởng lên quá trình ra quyết định. Trong công trình nổi tiếng của mình, nhóm các nhà nghiên cứu đạt giải Nobel bao gồm Kahneman và Tversky đã phát hiện ra rằng khi ra quyết định, con người ta liên tục đặt nặng khía cạnh tiêu cực của một sự kiện hơn là những mặt tích cực.

 

Khi hình thành ấn tượng về người khác, ta thường chú ý vào những thông tin tiêu cực hơn.

Ví dụ, nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi được cung cấp các tính từ “tốt” và “xấu” để mô tả tính cách của một người khác, các tham dự viên đã đặt nặng mô tả cái xấu nhiều hơn khi hình thành ấn tượng đầu tiên về người đó.

 

Làm sao để vượt qua thiên kiến tiêu cực.

 

Thiên kiến tiêu cực có thể gây tổn hại lên sức khỏe tinh thần của bạn, May mắn là có một số bước bạn có thể thực hiện để thay đổi suy nghĩ và chống lại khuynh hướng rơi vào lối suy nghĩ tiêu cực, bao gồm:

 

Ngưng độc thoại nội tâm tiêu cực.

 

Hãy bắt đầu để ý đến dạng suy nghĩ xuất hiện trong đầu. Sau khi một sự kiện diễn ra, bạn có thấy mình hay suy nghĩ kiểu “Mình không nên làm như vậy.” Dạng độc thoại nội tâm tiêu cực này hình thành quá trình suy nghĩ của bạn về bản thân và mọi người.

 

Bạn nên ngừng những suy nghĩ kiểu này bất cứ khi nào chúng bắt đầu. Thay vì cắm chốt vào những lỗi lầm trong quá khứ vốn chẳng thể thay đổi, hãy cân nhắc những gì bạn đã học được và cách bạn sẽ áp dụng nó trong tương lai.

 

Chỉnh lại nhận thức về tình huống.

 

Cách bạn nói chuyện với chính mình về những sự kiện, trải nghiệm và mọi người đóng một vai trò lớn trong việc định hình cách bạn phiên giải sự kiện.

Khi bạn thấy mình phiên giải một thứ gì đó theo hướng tiêu cực, hoặc chỉ tập trung vào mặt xấu của tình huống, hãy tìm cách để tái chỉnh khung các sự kiện theo hướng tích cực hơn.

 

Điều này không có nghĩa là ngó lơ các nguy hiểm tiềm tàng hoặc nhìn đời bằng lăng kính màu hồng – bạn đơn giản chỉ tập trung trở lại để cân nhắc một cách công bằng cái được và cái chưa được của tình huống.

 

Kết luận.

 

Thiên kiến tiêu cực có thể tác động mạnh mẽ lên hành vi của bạn, nhưng việc nhận thức rõ nó cũng cho thấy bạn từng bước tiếp nhận một góc nhìn tích cực hơn về cuộc sống.

Việc chú tâm hơn ở đây bao gồm nhận thức rõ khuynh hướng tìm đến sự tiêu cực của bản thân và chủ động gia tăng những suy nghĩ hạnh phúc hơn, đưa chúng lên trên bề mặt của ý thức – đây là một trong những cách tốt nhất để đương đầu với thiên kiến tiêu cực.

 

Việc chìm đắm trong sự tiêu cực có thể gây tổn hại nghiêm trọng, vậy nên việc từng bước chống lại thiên kiến này đóng một vai trò lớn trong thúc đẩy sức khỏe tinh thần của bạn.

 

Tham khảo.

Cacioppo JT, Cacioppo S, Gollan JK. The negativity bias: Conceptualization, quantification, and individual differences. Behavioral and Brain Sciences. 2014;37(3):309-310. doi:10.1017/s0140525x13002537