Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân cách. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân cách. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Hai, 14 tháng 4, 2025

Tôn trọng người khác niềm vui luôn đến với bạn

 

TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC NIỀM VUI LUÔN ĐẾN VỚI BẠN


Có thể bạn nghĩ rằng mình là người yêu, là vợ của anh ấy, mình có quyền quản lý anh ấy, hay cô ấy là vợ mình thì mình có thể kiểm soát cuộc sống của cô ấy. Nếu vậy cuộc sống sẽ trở nên thật ngột ngạt.

 

Bạn yêu thương và chăm sóc những đứa con của mình và nghĩ mình có quyền lựa chọn và quyết định thay chúng bởi chúng còn quá nhỏ và phải biết vâng lời. Nhưng khi chúng không đồng ý và bắt đầu quấy khóc bạn lại cảm thấy chúng không phải là những đứa trẻ ngoan?

 

Cũng có thể bạn không sai, nhưng dẫu còn nhỏ trẻ cũng rất cần sự tôn trọng của người lớn. Nếu được người lớn hỏi ý kiến và dẫn dắt, khuyên nhủ và tôn trọng quyết định của mình, trẻ sẽ vui vẻ làm những gì bạn muốn và có trách nhiệm hơn với cuộc sống của chính mình.

 

Dẫu là cấp trên cũng không đồng nghĩa với việc bạn có thể áp đặt ý kiến của mình cho người khác. Có thể nhân viên của bạn sẽ tuân thủ bởi không muốn làm bạn mất lòng hay ảnh hưởng tới tiền đồ sau này của mình. Nhưng chưa hẳn bạn đã có thể thực sự thu phục được nhân tâm, thậm chí còn khiến họ nảy sinh ý nghĩ muốn rời xa bạn.

 

Khi con người tự cảm thấy mình cần có trách nhiệm làm tốt việc gì đó, họ sẽ tự nguyện dốc sức làm tròn bổn phận của mình mà không cần bất kỳ sự đốc thúc hay giám sát nào.

Ngược lại, khi cảm thấy mình không được tôn trọng con người sẽ dễ dàng nảy sinh tâm lý chống đối. Thậm chí họ dám bất chấp hậu quả, sẵn sàng làm tổn thương người khác để bù đắp lại sự đói khát nhân tính của mình.

 

Vậy nên tôn trọng người khác là cách giúp bạn có được một gia đình đầm ấm, hạnh phúc và thành công mà không phải lao tâm khổ tứ hay gây áp lực cho các mối quan hệ của mình.

 

ST

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2025

Cho cháu xin 1 đô la

 

CHO CHÁU XIN 1 ĐÔ LA

Nhà từ thiện người Mỹ Kenneth Behring đã từng nói: “Đừng bao giờ phán đoán bừa bãi về người khác!”

Vào những năm 1990 của thế kỷ 20, Behring đang đi ngang qua vùng Vịnh San Francisco thì bất ngờ phát hiện chiếc ví của mình bị mất. Người trợ lý lo lắng nói: “Có lẽ nó đã bị mất khi đi bộ qua khu ổ chuột ở Berkeley vào buổi sáng. Vậy phải làm sao bây giờ?”

Behring tỏ ra bất đắc dĩ nói: “Chúng ta chỉ có thể chờ người nhặt được ví liên lạc tới mà thôi.”

Hai giờ sau, người trợ lý thất vọng nói: “Mất rồi, đừng đợi nữa. Chúng ta không nên hy vọng vào những người ở khu ổ chuột”.

“Không, ta vẫn muốn chờ thêm một chút”. Behring bình tĩnh nói.

Người trợ lý cảm thấy rất khó hiểu, nói: “Trong ví có danh thiếp, người nhặt được nếu như muốn trả lại cho chúng ta thì họ chỉ cần mất vài phút gọi điện thoại. Nhưng chúng ta đã đợi cả buổi chiều, rõ ràng là họ không có ý định trả rồi.”

Behring vẫn kiên trì chờ đợi. Khi trời sắp tối, chuông điện thoại đột nhiên vang lên. Chính người nhặt ví đã gọi điện và yêu cầu họ đến nhận ví tại một địa điểm trên phố Kata.

Người trợ lý càu nhàu: “Đây lẽ nào là một cái bẫy? Chẳng lẽ họ bắt cóc tống tiền?”

Behring không để ý đến lời nói của người trợ lý, lập tức lái ô tô đến khu phố Kata.

Khi đến nơi hẹn, một cậu bé mặc quần áo rách rưới đi tới, trên tay cầm chiếc ví của Behring. Người trợ lý cầm chiếc ví, ông mở ra và đếm đếm, phát hiện thấy trong ví không thiếu một đồng tiền nào.

“Cháu có một thỉnh cầu.” Cậu bé nghèo nói. “Các ông có thể cho cháu một chút tiền không?”

Lúc này, người trợ lý cười ha hả: “Ta biết ngay…” Behring vội ngắt lời người trợ lý rồi mỉm cười hỏi cậu bé muốn bao nhiêu tiền.

Cậu bé nghèo không suy nghĩ nhiều liền nói: “Chỉ cần một đô la là đủ. Cháu mất rất nhiều thời gian mới tìm được nơi có điện thoại công cộng, nhưng cháu không có tiền, vì vậy cháu phải mượn một đô la của người khác để gọi điện. Giờ cháu cần phải trả lại số tiền này cho người ta.”

Nhìn vào đôi mắt trong veo của cậu bé, người trợ lý cúi đầu xấu hổ. Behring hào hứng ôm cậu bé.

Ngay lập tức, Behring đã thay đổi kế hoạch từ thiện trước đó của mình. Thay vào đó, ông đầu tư vào việc xây dựng một số trường học ở Berkeley để trẻ em nghèo từ các khu ổ chuột dù không có tiền vẫn được đến trường.

Trong buổi lễ khai giảng, Behring nói: “Đừng phán đoán bừa bãi về người khác. Chúng ta cần cho mỗi người một cơ hội, chào đón một trái tim nhân hậu thuần khiết. Một trái tim như vậy đáng để chúng ta đầu tư.”

 

San San

Thứ Sáu, 4 tháng 4, 2025

Tâm phục Khẩu phục – Nghệ thuật của tranh luận và lý trí

 

TÂM PHỤC KHẨU PHỤC – NGHỆ THUẬT CỦA TRANH LUẬN VÀ LÝ TRÍ

Người đời thường nhầm lẫn giữa chiến thắng và thuyết phục. Có những cuộc tranh luận kết thúc bằng sự im lặng của một bên, nhưng đó không phải là tâm phục, mà là một sự chịu thua tạm thời. Bề ngoài có vẻ như lý lẽ đã thắng, nhưng bên trong, một bức tường vô hình đã được dựng lên, ngăn cách con người với nhau. Bởi lẽ, áp đảo không đồng nghĩa với thuyết phục, và khuất phục không phải là sự công nhận từ trái tim.

 

Tôi từng nghĩ rằng lý lẽ sắc bén có thể khiến người ta thay đổi. Rằng khi ta có trong tay những luận điểm không thể bác bỏ, ta sẽ khiến người khác phải gật đầu đồng ý.

Nhưng rồi tôi nhận ra, có những người dù không nói một lời, trong lòng vẫn đầy phản kháng. Có những cuộc tranh luận mà dù ta thắng về lý, nhưng lại đánh mất đi sự kết nối giữa con người.

 

Một ngày nọ, tôi chứng kiến một cuộc đối thoại giữa hai người bạn cũ. Một người là doanh nhân thành đạt, người kia là họa sĩ với lối sống phóng khoáng. Người doanh nhân khẳng định:

 

  •  “Anh sống như thế là không thực tế. Tiền bạc mới là thứ quyết định cuộc đời”.

Người họa sĩ cười, nhấp một ngụm trà, nhẹ nhàng đáp:

  • Có thể anh nói đúng. Nhưng tôi lại thấy mỗi bức tranh của tôi là một phần đời mình, còn tiền bạc chỉ là thứ tôi dùng để sống”.

Người doanh nhân chững lại. Anh ta không thể phản bác, nhưng cũng không thể tiếp thu ngay lập tức. 

Lẽ ra, nếu người họa sĩ lớn tiếng tranh luận, bảo vệ quan điểm bằng những lập luận hùng hồn, có lẽ cuộc trò chuyện đã kết thúc bằng sự xa cách. Nhưng chính sự lặng lẽ ấy, sự điềm tĩnh ấy, lại khiến người kia phải suy nghĩ.

 

Bởi thế, muốn người khác tâm phục khẩu phục, ta không thể vội vàng. 

Một hạt giống khi gieo xuống chưa thể nảy mầm ngay. Một tư tưởng khi đưa ra chưa thể ngay lập tức được đón nhận. Nhưng nếu ta gieo bằng sự chân thành, bằng sự đồng cảm, bằng cách để họ tự chiêm nghiệm, thì một ngày nào đó, hạt giống ấy sẽ lớn lên trong họ.

Khi ta nói, điều quan trọng không phải là nói điều gì, mà là nói như thế nào. 

Một lời nói sắc bén có thể đâm thủng lập luận, nhưng một lời nói khéo léo mới có thể mở ra lòng người. Một câu phán xét có thể làm người khác im lặng, nhưng một câu hỏi đúng có thể khiến họ tự tìm thấy câu trả lời trong chính tâm hồn mình.

 

Có một nghệ thuật cao nhất trong tranh luận, đó là không tranh luận. 

Đó là khi ta không cố gắng chiến thắng, mà để sự thật tự tỏa sáng qua cách ta sống, qua cách ta đối xử với người khác. Khi lý lẽ không còn là vũ khí để công kích, mà trở thành ánh sáng để dẫn đường. Khi ta không cần phải buộc ai chấp nhận quan điểm của mình, mà để họ tự cảm nhận được điều đó trong sự tự do của tâm trí.

Và khi ấy, dù không có kẽ thắng người thua, ta mới thực sự chinh phục, không chỉ bằng lời, mà bằng sự thấu hiểu.

 

An Hậu.