Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Đừng cho tôi tự do: Càng nhiều lựa chọn, càng nhiều đau khổ.

 

ĐỪNG CHO TÔI TỰ DO: CÀNG NHIỀU LỰA CHỌN, CÀNG NHIỀU ĐAU KHỔ.

Nhà tâm lý học Barry Schwartz đã viết nguyên một cuốn sách đầy ảnh hưởng mang tên, Nghịch lý của sự lựa chọn, với một quan điểm hoàn toàn đối lập rằng: Nhiều lựa chọn không những không tốt hơn, mà nó còn làm đời bạn bất hạnh, hối tiếc, thất vọng, chán nản…nói chung là đau khổ hơn.

 

Chẳng phải càng có nhiều lựa chọn, bạn càng dễ chọn ra thứ mình thích hay sao. Đó là giả định của một xã hội tiến bộ, cho rằng con người càng hạnh phúc khi họ càng nhiều lựa chọn hơn. Nhưng liệu nó có đúng hoàn toàn?

Trọng tâm của cuốn sách Nghịch lý của sự lựa chọn bàn đến câu hỏi trên, sử dụng hàng trăm các nghiên cứu từ các ngành tâm lý học, kinh tế học hành vi, xã hội học, và lý thuyết ra quyết định để chứng minh rằng ngược lại mới đúng: quá nhiều lựa chọn đang làm chúng ta ngột thở và làm giảm hạnh phúc của mỗi cá nhân.

Nó tạo ra cảm giác hối tiếc, băn khoăn khôn nguôn nó tạo ra sự tê liệt phân tích (Chiếc váy nào cũng đẹp, làm sao để chọn được một cái đấy), nó tạo ra cảm giác so sánh xã hội, kẻ thù số một của hạnh phúc (Nhưng nhà hàng xóm có chiếc xe đẹp hơn chiếc mình mới mua)…


Có một vấn đề triết học rất quan trọng mà tôi nghĩ tác giả đã không phân tích đầy đủ. Lựa chọn không chỉ giới hạn trong những quyết định tiêu dùng thông thường, mà ngày nay bạn còn có thể lựa chọn mình là ai, công việc của mình là gì, mục đích sống của mình là gì...


Cách đây vài trăm năm, nếu ông bạn làm nông dân, bố bạn làm nông dân thì chẳng có lý do bạn phải băn khoăn tương lai của mình lại không bám với cánh đồng làm gì cả. Bạn là ai, bạn nên làm gì, bạn nên sống thế nào không phải do bạn quyết định, mà do tổ tiên của bạn, sắc tộc của bạn, hoàn cảnh xã hội của bạn, các cuốn Kinh Thánh, Kinh Phật, Luận Ngữ quyết định.

Bạn không có nhiều tự do lựa chọn, nhưng bù lại bạn không phải gánh trên vai sức nặng của những câu hỏi "nguy hiểm" đó.

 

Người dân xưa nay vẫn sống phụ thuộc vào quyết định của "bề trên", nay lại được tự do quyết định...muốn làm gì với cuộc đời mình thì làm. Nhưng nhiều tự do có đồng nghĩa với nhiều hạnh phúc, hay bạn sẽ trở nên bơ vơ giữa cuộc đời này, không có ai chỉ cho mình nên làm gì, phải làm gì, đâu là đúng sai hay bạn sẽ đi tìm những ông chủ mới để tìm lại cảm giác thân thuộc xưa kia? 

 

Đó cũng chính là Nghịch lý của sự lựa chọn: quá nhiều lựa chọn sẽ khiến bạn đau khổ, quá ít cũng sẽ khiến bạn đau khổ, thoái thác lựa chọn cho người khác sẽ khiến bạn trở thành nô lệ, nhưng làm nô lệ lại được thoát khỏi gánh nặng của tự do. Bạn phải làm gì, tôi phải làm gì, con người phải làm gì? Với một tên mọt, tôi nghĩ, có lẽ, sách sẽ cứu rỗi và chỉ đường cho chúng ta!

 

Trạm Đọc

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2024

Câu chuyện tình của các cặp đôi càng giống nhau càng thú vị

 

CÂU CHUYỆN TÌNH CỦA CÁC CẶP ĐÔI CÀNG GIỐNG NHAU CÀNG THÚ VỊ

Khi gặp một chàng trai có tiềm năng trở thành "nửa kia", tự nhiên bạn sẽ tìm hiểu quan điểm về tình yêu của anh ấy rồi sau đó mới phán đoán xem liệu người này có phải là ý trung nhân của mình hay không.

Mỗi người trong chúng ta ngay từ nhỏ đã thêu dệt một câu chuyện tình. Và bạn có yêu đối phương hay không là tùy thuộc vào câu chuyện của anh ấy giống nhiều hay ít chuyện của bạn. Nếu như câu chuyện của hai người không phù hợp thì sẽ nảy sinh vấn đề.

Qua nhiều cuộc nghiên cứu, điều tra, các nhà khoa học đã xác định được 26 câu chuyện tình khác nhau, bao gồm:

- Câu chuyện "vườn hoa" (cho rằng tình yêu phải vun đắp và chăm sóc chu đáo)
- Câu chuyện "chiến tranh" (tình yêu có tranh chấp vừa kích thích vừa gợi cảm)
- Câu chuyện "ước mơ" (tin vào tình yêu chân thật trong chuyện cổ tích thiếu nhi)
- Câu chuyện "chuyến đi du lịch" (tình yêu là một chuyến đi du lịch để thay đổi và trưởng thành)...

Đối với nam nữ tin vào câu chuyện "chiến tranh", trong mắt bạn bè có lẽ họ rất không xứng đôi nhưng tranh chấp có thể chính là điều thú vị trong cuộc sống tình yêu của họ.

Câu chuyện tình yêu của một cặp trai gái càng giống nhau thì họ cư xử với nhau càng vui vẻ. 

Triết lý Wabi sabi của người Nhật

 

TRIẾT LÝ WABI SABI CỦA NGƯỜI NHẬT

Văn hóa xứ sở mặt trời mọc cũng chứa đựng muôn vàn những điều hay ho, đáng học hỏi. Một trong số đó phải kể đến triết lý sống Wabi sabi, chấp nhận trên đời này không có gì là hoàn hảo và nhìn thấy vẻ đẹp trong tất cả các khiếm khuyết.

Vào mùa thu ở Kyoto của nhiều thế kỷ trước, một nghệ nhân pha trà bảo học trò chuẩn bị một buổi trà đạo ngoài sân vườn. Người đệ tử nghe vậy liền nhanh chóng đi quét lá cây, nhặt bỏ những viên đá vương vãi khắp nơi và cắt tỉa mọi thứ trông thật gọn gàng.

 

Lúc này, người thầy của anh mới âm thầm đi kiểm tra. Ông tìm đến một cây lá phong sum suê và ra sức lay nó để lá trên cây rơi xuống khắp nơi.

Đây chính là khởi nguồn của triết lý sống Wabi sabi, khi mà con người không thể thao túng được vẻ đẹp thiên nhiên cũng như những quy luật cuộc sống mà việc họ có thể làm là chấp nhận và tìm thấy tinh hoa trong sự khiếm khuyết.

Và người thầy trong câu chuyện không ai khác chính là Rikyu - cha đẻ của bộ môn trà đạo ở Nhật Bản.

Nói về Wabi sabi, triết lý sống này bắt nguồn từ học thuyết Zen (Thiền) trong đạo Phật Nhật Bản.

Học thuyết này quan niệm từ ngữ đôi khi lại ngăn cản sự giác ngộ của con người nhưng có thể hiểu đơn giản, rằng Wabi sabi là tập trung tìm kiếm những điều không hoàn hảo, khiếm khuyết trong cuộc sống để từ đó chấp nhận và có được cuộc đời an yên.

 

Theo giải thích của Richard Powell, tác giả cuốn "Wabi sabi Simple", Wabi sabi là chấp nhận cuộc sống là không hoàn thiện, không vĩnh viễn và không hoàn tất, để rồi đi sâu vào những điều chưa hoàn hảo của hiện thực để rồi trân trọng chúng hơn.

Wabi sabi khó giải thích về mặt ngôn ngữ nhưng nó lại len lỏi trong cuộc sống của người Nhật nói riêng và tất cả mọi người nói chung. Triết lý này thật ra vô cùng đơn giản và dễ hiểu nếu như chúng ta biết đơn giản hóa tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống.

Wabi sabi trong mối quan hệ xã hội

Cuộc đời không tránh khỏi tổn thương, vấp ngã và thất bại nhưng đừng xem thường sự không hoàn hảo bởi đằng sau nó luôn là những câu chuyện, kỷ niệm đẹp và đáng nhớ nhất đời người.

Đau khổ từ một cuộc tình tan vỡ chính là trao cho chúng ta cơ hội tìm được một nửa đích thực của đời mình. Thất bại hôm nay là thành công của ngày mai.

 

Nếp nhăn hay dấu chân chim có thể không đẹp về mặt thẩm mỹ nhưng chúng nhắc nhở rằng chúng ta đã từng cười giòn giã thế nào, từng khóc cạn nước mắt ra sao… tất cả những khiếm khuyết đều có nguyên nhân của nó và con người nếu không biết chấp nhận sẽ mãi sống trong những ảo tưởng về một cuộc sống hoàn hảo chỉ có trong sách vở.

 

Wabi sabi trong vẻ đẹp con người

 

Chúng ta thường có xu hướng tôn sùng thời thanh xuân nhưng thời gian trôi qua, ai cũng phải già đi. Trong triết lý Wabi sabi, thứ kiên định nhất trên đời này chính là sự thay đổi, nó không vì bất cứ ai hay bất cứ điều gì mà dừng lại.

Việc con người có thể làm được là trân trọng quá trình trưởng thành của bản thân từng ngày, đừng cố gắng chỉ để níu giữ tuổi trẻ và cho rằng nó là phần quan trọng nhất của cuộc sống.

 

Đối với các bậc thầy trà đạo của Nhật thì ấm trà và tách trà không khác gì châu báu nhưng họ vẫn trân trọng mỗi khi chúng bị sứt mẻ, đến nỗi dùng vàng để hàn gắn chúng trong nghệ thuật Kintsugi.

Từ đó, món đồ tưởng chừng như phải vứt đi giờ lại hồi sinh mạnh mẽ, hệt như loài phượng hoàng vực dậy từ đống tro tàn.

Tương tự như vậy, chúng ta lúc nào cũng phải yêu thương bản thân mình nhưng không vì vậy mà chối bỏ khiếm khuyết, nhất thiết phải ép buộc bản thân luôn hoàn hảo mà đi ngược lại quy luật cuộc sống.

 

"Hãy quên đi những thức hoàn mỹ mà bạn thường mơ tưởng, một chiếc hình đẹp nhất cũng có vết nứt để ánh sáng có thể lọt vào. Wabi sabi không ép mọi người phải chấp nhận hay sống chung với những khiếm khuyết mà triết lý này nói về mọi thứ không hoàn thiện, chúng là sự thật và vẫn luôn ở đó. Việc bạn cần làm là hãy tập quen dần với chúng đi".

Cafef.vn - Theo Imacho