Thứ Ba, 22 tháng 10, 2024

4 giai đoạn của cuộc đời

 

4 GIAI ĐOẠN CỦA CUỘC ĐỜI

Giai đoạn 1: Bắt chước - Trở thành “bản sao” của ai đó

Đây là giai đoạn đầu tiên mà ai cũng từng trải qua. Nhờ có giai đoạn này mà chúng ta học được cách sinh sống, tồn tại và tự điều khiển bản thân sau này.

Ai trong chúng ta cũng đều trưởng thành bằng cách quan sát và bắt chước những hành động của những người ở xung quanh.

Giai đoạn 1 bắt đầu khi chúng ta chỉ là những đứa trẻ non nớt, yếu đuối, thường giai đoạn đầu tiên này sẽ kéo dài đến hết thời niên thiếu. Một số người sẽ mắc kẹt trong giai đoạn này mãi sau khi họ đã trưởng thành, thậm chí có người phải đến những năm trung niên mới nhận ra họ chưa bao giờ thực sự sống cho bản thân mà chỉ sống vì cái nhìn của người khác.

Như vậy, với giai đoạn đầu tiên giống như một cuộc kiếm tìm sự thừa nhận mà không hề tồn tại suy nghĩ về giá trị cá nhân. Chúng ta sống theo chuẩn mực và mong muốn của xã hội; nhưng đồng thời phải đủ mạnh mẽ để hành động đi ngược lại với những chuẩn mực đó khi cần thiết.

Kết quả tốt của giai đoạn này chính là hình thành được chủ kiến và những hành động vì chính bản thân. “Bạn sinh ra là một nguyên bản, đừng chết như một bản sao”.

Giai đoạn 2: Khám phá bản thân

Sang đến giai đoạn này, chúng ta sẽ biết được điều gì khiến chúng ta trở nên khác biệt. Những ai bước sang giai đoạn 2 hầu hết đã có thể tự đưa ra quyết định, hiểu rõ về bản thân và chấp nhận khó khăn để nhận ra điểm khác biệt.

Đây là giai đoạn của những thử thách, thất bại và trải nghiệm. những hành động, thử thách điên rồ nhất đều nằm trong giai đoạn này và mỗi người sẽ có những trải nghiệm riêng biệt, chẳng ai giống ai cả.

Giai đoạn 2 là cả một quá trình khám phá bản thân. Với một số người, quá trình này diễn ra suôn sẻ, họ sẽ giữ lại cho bản thân những điểm tốt đẹp và tiếp tục bước sang giai đoạn tiếp theo.

Dấu hiệu cho thấy bạn đã vượt qua giai đoạn 2 là khi bạn nhận thức được giới hạn của bản thân và dám đối mặt với nó. Một số người sẽ cảm thấy khó để chấp nhận nhưng mà trên thực tế, nhận thức được giới hạn của mình ở đâu là một điều vô cùng có ích.

Những giới hạn này rất quan trọng vì nó khiến chúng ta thức tỉnh và nhận ra cuộc sống có hạn và do đó nên dành cho những thứ quan trọng.

Bạn có thể làm điều gì đó không có nghĩa là bạn nên làm điều đó, hay chỉ do bạn thích nhiều người không có nghĩa bạn nên ở với tất cả bọn họ.

Mọi thứ đều đi kèm với chi phí cơ hội, có cái này thì mất cái kia và không ai có thể có hết tất cả được.

Có người những giới hạn này không tồn tại hay nói cách khác, họ không cho phép bản thân thừa nhận thất bại. Những người này sẽ mãi mãi mắc kẹt ở giai đoạn 2.

Đó có thể là những "nhà khởi nghiệp" đã 38 tuổi mà vẫn sống cùng mẹ, trắng tay sau 15 năm cố gắng nhưng không được gì. Hoặc còn có thể là những người đi từ mối quan hệ này đến mối quan hệ khác, mãi chưa ổn định do bị ám ảnh bởi suy nghĩ vẫn còn có ai đó tốt hơn đang chờ đợi…

Đây đều là những con người cố tình quên đi thất bại và họ luôn cho rằng, cuộc sống của họ không ngừng phát triển trong khi mọi người đều thấy rất rõ ràng là họ chỉ đang giậm chân tại chỗ.

Vào một lúc nào đó, chúng ta cần học cách thừa nhận cuộc sống này là hữu hạn, vì vậy, phải chọn ra những gì tốt nhất và chỉ nên gắn chặt cuộc đời mình với những thứ đó mà thôi.

Với đa số mọi người thì Giai đoạn 2 sẽ bắt đầu vào giữa hoặc cuối thời kỳ trưởng thành và kéo dài đến ngưỡng trước khi bước vào tuổi trung niên.

Những ai ở quá lâu trong giai đoạn này được gọi là những người mắc Hội chứng Peter Pan hay hội chứng Hoàng tử bé vốn là những người đã trưởng thành về tuổi tác lẫn ngoại hình, nhưng tâm lý, nhận thức và cách hành xử không khác gì trẻ con.

Giai đoạn 3: Ổn định

Sau khi đã chạm tới giới hạn, tìm ra điểm dừng ở đâu hoặc cảm thấy mất hứng thú với một số việc nhất định, bạn sẽ nhận ra điều thực sự quan trọng với bạn và việc bạn có thể làm tạm ổn là gì. Bấy giờ chính là lúc xây dựng chỗ đứng cho riêng mình.

Giai đoạn 3 là giai đoạn vững chắc nhất trong cuộc đời mỗi người. Đây còn là lúc chúng ta hoàn thành những mục tiêu quan trọng nhất đã nhận ra ở Giai đoạn 2. Những thứ gì tồi tệ hay có ảnh hưởng tiêu cực sẽ bị bạn xóa sạch khi sang đến giai đoạn này.

Sau này, khi ra đi bạn sẽ để lại thứ gì? Những người xung quanh sẽ nhớ về bạn như thế nào? Giai đoạn 3 cho phép bạn tạo nên giá trị riêng của bản thân và kết thúc khi hai điều sau đồng thời xảy ra:

1) bạn cảm thấy đã đạt được đủ thành tựu và 2) bạn cảm thấy già và muốn ngồi một chỗ nghỉ ngơi hơn là lao ra bên ngoài kia.

Thường thì giai đoạn 3 sẽ bắt đầu khi người ta bước vào tuổi 33 và chỉ kết thúc khi người ta đến tuổi nghỉ hưu.

Giai đoạn 4: Di sản

Những người đi đến giai đoạn 4 này đều đã dành cả đời để theo đuổi những gì họ coi là quan trọng và có ý nghĩa.

Họ đã làm được những điều vĩ đại, lao động chăm chỉ, có được tất cả những gì họ muốn và giờ là lúc họ nghỉ ngơi. Họ đã đến độ tuổi không cho phép họ thực hiện tham vọng xa hơn nữa.

Mục đích của giai đoạn 4 này không phải là tạo ra di sản mà làm sao để di sản đó còn tồn tại ngay cả khi người đó không còn nữa. Những hành động rất giản đơn như đưa ra lời khuyên với con cháu, tham gia vào nhóm hỗ trợ cộng đồng để bảo tồn các giá trị đã cũ trong xã hội mới này… đều là những biểu hiện của giai đoạn 4.

Chúng ta sẽ điều khiển bản thân tốt hơn theo từng giai đoạn của cuộc sống.

- Nếu như, ở giai đoạn 1, một cá nhân hoàn toàn dựa vào hành động và ý kiến của người khác để cảm thấy vui vẻ. Đây chẳng phải là một điều tốt đẹp gì vì suy nghĩ của những người xung quanh đều khó mà đoán trước được và không đáng tin cậy chút nào.

- Sang đến giai đoạn 2, cá nhân đó dựa vào bản thân, tuy nhiên vẫn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố ngoại cảnh - tiền bạc, danh dự, chiến thắng, chinh phục để cảm thấy hạnh phúc.

- Giai đoạn 3 là thời điểm của những mối quan hệ vững chắc và nỗ lực đã qua kiểm chứng ở giai đoạn 2. Thường thì những điều này đáng tin hơn rất nhiều.

- Cuối cùng, giai đoạn 4 là khi cá nhân đó giữ lại những thành tựu đã đạt được.

Mỗi giai đoạn giống như một cuộc sắp xếp lại thứ tự các ưu tiên trong cuộc đời mỗi người.

Chính vì thế, cứ sau mỗi giai đoạn, con người sẽ trải qua một cuộc thay đổi, cải tổ chính bản thân cũng như các mối quan hệ.

Khi bạn bước tiếp sang giai đoạn 3 trong khi mọi người vẫn ở giai đoạn 2 thì chắc chắn sự bất đồng về quan điểm và lối sống sẽ xuất hiện.

Ở bất cứ giai đoạn nào, chúng ta đều bị ám ảnh bởi một cảm giác, đó là cảm giác “không bao giờ là đủ”. Hầu hết chúng ta đều phải chống chọi với cảm giác này dù đang trong bất cứ giai đoạn nào.

Một người mắc kẹt ở giai đoạn 1 vì họ luôn cảm thấy không được tốt đẹp và giống với những người xung quanh. Do đó, họ cố gắng để trở nên giống, nhưng dù có nỗ lực bao nhiêu thì có thể sẽ chẳng bao giờ họ thấy đủ.

Giai đoạn 2 đem đến một nỗi lo khác cho con người, đó là cảm giác họ phải làm thêm, làm tốt hơn, làm những gì mới và thú vị, phát triển lên một tầm cao mới. Dĩ nhiên, dù có lên cao đến bao nhiêu thì cũng sẽ chẳng bao giờ thấy thỏa mãn.

Sang đến giai đoạn 3, người ta có xu hướng mắc kẹt với suy nghĩ chẳng làm được gì ý nghĩa cho cuộc đời hay trong công việc, lĩnh vực hoạt động. Và có nỗ lực hơn nữa thì cũng không thấy đủ.

Ở giai đoạn cuối cùng tưởng chừng như đã thỏa mãn với những di sản để lại cho đời sau, tuy nhiên trên thực tế, nỗi ám ảnh về việc chưa bao giờ là đủ cũng sẽ luôn luôn thường trực trong tâm trí của bất cứ ai đang trong giai đoạn này.

Vậy làm sao để vượt qua cảm giác không bao giờ đủ tốt? Câu trả lời là hãy chấp nhận sự thật đi. Để đi qua giai đoạn 1, chúng ta cần học cách chấp nhận rằng, không bao giờ có thể hoàn toàn giống một ai đó và trở nên khác biệt là điều bắt buộc.

Để vượt qua giai đoạn 2, chúng ta nên hiểu rõ bản thân sẽ không bao giờ đạt được tất cả mọi mong muốn mà chỉ chọn ra những thứ thực sự quan trọng.

Giai đoạn 3 sẽ kết thúc với sự chấp nhận rằng, thời gian và sức lực là có hạn và chỉ nên tập trung vào những gì cần thiết cũng như chuẩn bị để truyền lại những gì đã gây dựng được cho thế hệ sau.

Và giai đoạn 4 sẽ chỉ được hoàn thành khi bạn thừa nhận tất cả sự vĩ đại, quyền lực, ý nghĩa sớm muộn gì cũng sẽ tan biến theo dòng thời gian.

Và cuộc đời vẫn sẽ cứ thế mà xoay vòng.

ST

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Hãy trân trọng cuộc sống của bạn

 

HÃY TRÂN TRỌNG CUỘC SỐNG CỦA BẠN

 

Khi bạn có thể hiểu rằng cuộc sống đáng giá hơn tất cả mọi thứ, điều đồng nghĩa với việc bạn đã trưởng thành.

Khi bạn có thể thấy rằng, cuộc sống này thật sự có giá trị, điều đó có nghĩa là bạn có lý trí.

Khi bạn có thể thấy cuộc sống quý giá hơn tất cả mọi thứ, điều đó có nghĩa là bạn đã giác ngộ.

 

Khi bạn hiểu rằng, mọi thứ trong cuộc sống đều vô thường, có đến có đi, nhưng những kinh nghiệm của bạn sẽ còn lại mãi. Những người trải qua một cuộc hành trình, dù là buồn, vui, hờn, giận nhưng tất cả đều không đáng sợ bằng sự sinh tử.

 

Trong thực tế, bất kỳ tranh chấp hay những rắc rối nào cũng đều là vô thường. Là một người, bạn phải hiểu rằng tất cả mọi thứ ngoại trừ chuyện sinh tử, thì mọi việc đều có cách giải quyết.

 

Mọi thứ đều có thể xuất hiện và tồn tại trên thế giới. Nhưng, nếu cuộc sống bị lãng phí thì thực sự không có cách nào để thay thế nó bằng bất cứ thứ gì. Hãy trân trọng cuộc sống và bắt đầu với sức khỏe, với hạnh phúc. 

 

Đừng thèm khát những điều mình không có, để rồi chìm trong danh vọng, đánh mất chính mình.

 

ST

Người già luôn kề vai với cộng đồng

 

NGƯỜI GIÀ LUÔN KỀ VAI VỚI CỘNG ĐỒNG

 

Chúng ta đều đã biết, văn hoá và đạo đức của người Việt Nam ta từ xưa đến nay là "Kính già, yêu trẻ", "Kính lão đắc thọ", "Kính già, già để tuổi cho"; người già luôn luôn được đề cao, được tôn trọng. Vì sao?

Vì người già là người có nhiều tuổi, đã từng trải, tích luỹ được nhiều kinh nghiệm phong phú trong cuộc sống, trong thực tiễn sản xuất, chiến đấu, am hiểu sâu sắc về văn hoá, ứng xử trong cộng đồng, dòng họ, gia đình.

 

Trong lịch sử phát triển của dân tộc ta, người cao tuổi có nhiều đóng góp to lớn cả trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Hội nghị Diên Hồng là một biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần quyết tâm, đồng lòng bảo vệ đất nước của các bậc phụ lão.

 

Năm 1941, ngay sau khi về nước, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã viết "Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão". Trong đó Bác viết:

 

"Đất nước hưng thịnh là do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại là do phụ lão giúp sức. Đất nước bị mất thì phụ lão cứu. Đất nước suy sụp thì phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề...

 

Đối với gia đình, đối với Tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng. Đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao".

-------

 

Trích bài phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng với Hội Người cao tuổi Việt Nam

Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2024

Cậu ấm cô chiêu

 

CẬU ẤM CÔ CHIÊU

 

Ngày xưa con cái các quan thường nhờ công trạng, sự nghiệp của tổ phụ mà được làm quan, như đời Trần ở nước ta, con các quan đều được ra làm quan hết.

Lệ ấy gọi là tập ấm. "Tập" là cái áo, cũng có nghĩa là khoác áo. "Ấm" là bóng. "Tập ấm" là khoác bóng, tức là nương bóng (mẹ cha) mà được ra làm quan. Con cái các quan được quyền tập ấm gọi là ấm tử hoặc ấm sinh.

 

Ngày nay, dù lệ tập ấm không còn nhưng trong dân gian vẫn dùng các từ “cậu ấm”, “cô chiêu” có ý mỉa mai những kẻ lười biếng không chịu học tập, tu dưỡng, phấn đấu mà chỉ biết ỷ lại, trông chờ vào địa vị, chức quyền của cha mẹ để tiến thân. 

 

Như cụ Tú Xương châm biếm trong bài thơ “Bỡn ông ấm Điềm”: 

 

Ấm không ra ấm, ấm ra nồi,

Ấm chạy lăng quăng, ấm chẳng ngồi.

Chán cả đồ chuyên cùng chén mẫu,

Luộc giò, nấu thịt, lại đồ xôi.