Thứ Ba, 8 tháng 10, 2024

Hiệu ứng lồng chim

 

HIỆU ỨNG LỒNG CHIM


Nhà tâm lý học James và nhà vật lý Carlson là bạn tốt của nhau. Một ngày nọ, James nói với Carlson: "Tôi sẽ khiến bạn phải nuôi một con chim”. Carlson đã lắng nghe và lúc đó cũng không để ý đến lời nói của James.

 

Trong vòng vài ngày, James đã tặng Carlson một chiếc lồng chim đẹp và tinh xảo như một món quà. Chẳng bao lâu sau, Carlson phát hiện ra một điều rất kỳ lạ. Bất cứ khi nào bạn bè đến nhà anh và nhìn thấy chiếc lồng chim, họ hầu như luôn hỏi anh rằng con chim đã đi đâu.

 

Lúc đầu, Carlson chỉ giải thích với bạn bè rằng anh chưa bao giờ nuôi chim và chiếc lồng chim chỉ là quà của người khác. Tuy nhiên, bạn bè vẫn liên tục hỏi những câu hỏi tương tự khiến anh khó chịu.

Cuối cùng một ngày nọ, Carlson đi đến cửa hàng và mua một con chim rồi bỏ nó vào lồng chim.

 

Đây chính là “hiệu ứng lồng chim”. "Hiệu ứng lồng chim" chỉ con người nếu ngẫu nhiên có được thứ mà mình vốn dĩ không cần, vì muốn tránh lãng phí hoặc vì những nguyên nhân khác, họ sẽ cố ý hoặc vô thức tiếp tục mua bổ sung nhiều thứ mà họ không cần khác.

 

Đặc điểm của hiệu ứng lồng chim là những tác động tâm lý mà nó tạo ra có thể ảnh hưởng đến hành vi của chúng ta. Chúng ta có thể tận dụng điều này để giúp bản thân phát triển những thói quen tốt.

Ví dụ, để tạo thói quen đọc sách, bạn hãy mua một cuốn sách, đặt ở nơi mà có nhiều người nhìn thấy.

 

Chắc chắn, bạn sẽ thường xuyên bị hỏi: "Đã đọc cuốn sách này chưa?"; "Cuốn này như thế nào, có hay không?". Và đến một ngày, bạn sẽ ngồi xuống và đọc cuốn sách đó.

 

 

 

Đại thi hào Nguyễn Du thời trẻ


ĐẠI THI HÀO NGUYỄN DU THỜI TRẺ

Xưa kia, Trường Lưu vốn có phường vải rất nổi tiếng với nhiều cô gái đẹp người, hát hay và nhiều ông thầy mách lời tài ba là các nhà thơ mang họ Nguyễn Huy như Nguyễn Huy Oánh, Nguy Huy Quýn,,,,. Tài tử giai nhân khắp nơi nghe tiếng đều muốn đến để đọ tài và thưởng sắc con gái Trường Lưu.

Một cách rất tự nhiên, Trường Lưu trở thành địa điểm hát ví phường vải nổi tiếng của Xứ Nghệ. Trong đó, những giai thoại về cậu Chiêu Bảy Nguyễn Du với hát ví phường vải Trường Lưu cho thấy sự hấp dẫn đặc biệt của vùng quê này.

Chuyện xưa kể lại rằng, thời gian Nguyễn Du sống ở Tiên Điền, lấy cớ đi lại thăm thông gia (Nguyễn Huy Tự là con rể của Nguyễn Khản - anh trai của Nguyễn Du), ông thường sang Trường Lưu để được hát phường vải với tư cách là một chàng trai trong cuộc. Sau những đêm hát say sưa, cậu Chiêu Bảy đã để thương để nhớ lại rằng:

Phiên nào chợ Vịnh ra trông

Mồng ba chẳng thấy lại hòng mười ba.

Đến khi Nguyễn Du ra làm quan cho triều đình nhà Nguyễn thì cô Tuyết, một trong những cô gái hát phường vải ấy trách:

Cái tình là cái chi chi

Anh làm tham tri em cũng biết rồi.

Lại có chuyện khác kể lại rằng, một đêm hát nọ, Chiêu Bảy gặp một cô gái tên Cúc, người đẹp, giọng hay, nhưng phải một nỗi quá thì mà vẫn chưa chồng. Chiêu Bảy biết thóp, liền hát chơi:

Trăm hoa đua nở về xuân

Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?

Nhưng cô Cúc nào phải tay vừa, thoáng nghe đã hiểu ngay ý tứ của đối phương, bèn cất tiếng hát đáp lại:

Vì chưng tham chút nhụy vàng

Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu.

Cúc vốn là loài hoa nở về mùa thu, cúc nở về thu mới đang độ tươi đẹp, đúng kỳ chớ không phải muộn. Câu hỏi khôn và câu trả lời cũng thật khéo.

Nhiều câu hát ví phường vải Trường Lưu đã ra đời từ những cuộc gặp gỡ như thế và cũng từ mối duyên nợ ấy, 2 bài thơ “Thác lời gái phường vải” và “Thác lời trai phường nón” nổi tiếng cũng ra đời trong hoàn cảnh ấy.

Chuyện là, sau một đêm hát ví say sưa đến tảng sáng, bỗng dưng, một thời gian dài sau đó, Nguyễn Du không sang hát nữa, cô gái Trường Lưu đem lòng tương tư bỏ bê cả khung cửi, thấy vậy, ông nghè Nguyễn Huy Quýnh mới làm hộ bài thơ “Thác lời gái phường vải” để gửi tặng Nguyễn Du với những lời hờn trách khéo léo:

Tảng mai Hầu trở ra về

Hồn tương tư vẫn còn mê giấc nồng.

Cơi trầu chưa kịp tạ lòng,

Tỉnh ra đã cách non sông mấy vời.

….

Khi lên, đổ rối cho nhau,

Khi về, trút một gánh sầu về ngay.

Sau đó, Nguyễn Du đã viết bài “Thác lời trai phường nón” đáp lại để nói về tình cảm của mình đối với các cô gái Trường Lưu, trong đó có những câu thơ rất ý nhị:

.......

Bã trầu chưa quét, nào người tình chung?

Hồng Sơn cao ngất mấy trùng

Ðò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu

Làm chi cắc cớ lắm điều

Mới đêm hôm trước lại chiều hôm nay…

Những giai thoại về Nguyễn Du cho thấy sức hấp dẫn của hát ví làng Trường Lưu, đồng thời cũng khẳng định những giá trị văn hóa dân gian đặc sắc, phong cảnh và con người Trường Lưu cũng đã góp phần kiến tạo nên tâm hồn của Đại thi hào thời trai trẻ…

Theo Baohatinh.vn

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2024

Bài học Tây du ký

 


BÀI HỌC TÂY DU KÝ

NGƯỜI THÔNG MINH ĐỪNG KHOE KHOANG 4 ĐIỀU NÀY

Cuốn U Mộng Ảnh của Trương Triều đời nhà Thanh có nói rằng bộ truyện Tây Du Ký là một bộ “Ngộ Sách”. Nhìn bề mặt bộ sách dường như chỉ mô tả lại hành trình Đường Tăng đi Tây Trúc thỉnh kinh nhưng thực tế nội hàm của câu chuyện diễn giải giá trị nhân sinh vô cùng sâu sắc. Mỗi nhân vật, mỗi kiếp nạn đều ẩn chứa trong nó cách đối nhân xử thế trí tuệ.

Sau khi đọc Tây Du Ký nhiều người mới nhận ra rằng bậc cao nhân không bao giờ khoe khoang 4 điều này.

Đừng khoe khoang sự giàu có

Khi đi ngang qua thiền viện Quan Âm, thầy trò Đường Tăng đã được Kim Trì trưởng lão tiếp đón nhiệt tình. Ông nhìn thấy tướng mạo phi phàm của hòa thượng đến từ Đông Thổ Đại Đường thì nghĩ rằng hẳn là trên người Đường Tăng có mang theo bảo vật quý hiếm.

Đường Tăng là người xuất gia thì không có bảo vật, cho dù có đi chăng nữa ông cũng không mang ra khoe khoang. Nhưng Tôn Ngộ Không lại hành động ngược lại. Con khỉ này không chỉ thích thể hiện mà còn thích gây chuyện. Khi gặp Kim Trì trưởng lão tính khí tự cao tự đại thì trong lòng Hành Giả cảm thấy tức giận. Hắn đã thúc Đường Tăng lấy ra chiếc áo gấm cà sa mà Phật Tổ ban cho.

Đường Tăng nghe xong vội vàng lắc đầu nói: “Đồ đệ, đừng khoe giàu với người ta. Chúng ta chỉ có hai người đơn độc, lỡ xảy ra việc gì thì sao?”.

Dù Sư phụ đã nói vậy nhưng Ngô Không vẫn không cho là đúng, chỉ một mực muốn lấy áo cà sa ra khoe khoang trước mặt trưởng lão.

Kết quả là khiến lòng tham của Kim Trì trưởng lão nổi lên, ông ta đã nghĩ cách hại người đoạt lấy bảo vật, thậm chí còn dẫn yêu quái gấu ra ngoài gây ra rất nhiều rắc rối không cần thiết.

Đừng khoe khoang tài năng

Tôn Ngộ Không rất chăm chỉ học các phép biến hóa từ sau khi bái lạy tổ sư Bồ Đề làm sư phụ. Chẳng bao lâu, Ngộ Không đã học thành 72 phép biến hóa và thuật Cân đẩu vân.

Một lần, khi đang luyện tập, bạn đồng môn nhìn thấy và thúc giục Ngộ Không thi triển phép biến hóa. Vốn nghĩ đây là việc tốt nên khi được xúi giục, Ngộ Không liền thực hiện phép Cân đẩu vân, biến hóa không ngừng.

Sau khi Tổ sư Bồ Đề biết chuyện đã khiển trách Tôn Ngộ Không.Trước sự quở trách của Sư phụ, Ngộ Không mặc dù liên tục nói lời xin lỗi nhưng vẫn không nhớ lỗi lầm đã mắc. Sau này khi đại náo thiên cung, Tôn Ngộ Không lại khoe khoang bản sự của mình trước mặt Phật tổ Như Lai.

Thật đúng là cao nhân ắt có cao nhân trị, cuối cùng Ngộ Không đã bị Phật Tổ nhốt dưới núi ngũ hành suốt 500 năm.

“Thái Căn Đàm” có viết: Người có tài năng thật sự không bao giờ khoe khoang mà chỉ lặng yên lắng nghe học hỏi. Một người dù có tài giỏi đến đâu đi nữa thì cũng cần biết xem xét thời thế, ít khi thể hiện bản thân.

“Chu Dịch” có viết: “Người quân tử che giấu tài nghệ trong thân, chờ đợi thời cơ mới hành động”. Tài năng là điều đáng trân quý, nhưng nếu bạn thể hiện một cách thiếu hiểu biết thì nó sẽ dẫn đến những tai họa không đáng có. Đừng bao giờ cùng người khác nói hết khuyết điểm của bản thân cũng như tài năng của mình. Bởi vì ngay lúc khoe tài năng cũng là lúc bạn bị đánh giá thấp trong mắt người khác.

Đừng tỏ ra thông minh

Trên hành trình đi thỉnh kinh, người được cho là thông minh nhất lại chính là Sa Ngộ Tĩnh. Sa Tăng để lại ấn tượng cho mọi người bởi sự chất phác và trung thực. Trên thực tế thì trong lòng Ngộ Tĩnh vô cùng tỏ tường, rất hiểu đạo lý đối nhân xử thế. Chỉ có điều, Ngộ Tĩnh biết che giấu rất tốt, không khoe khoang bản thân thông minh. Suốt dọc đường, chỉ vào những thời khắc quan trọng, Sa Ngọ Tĩnh mới nói ra ý kiến của mình.

“Thái Căn Đàm” có viết: “Khôn khéo ẩn trong sự vụng về, dùng ngốc nghếch mà lại là thông minh, ngoài đục mà trong sáng, cong mà lại thành thẳng”. Người càng thông minh thì càng hiểu được nội hàm của sự che giấu. Nếu một người để lộ ra sự thông minh thì thường không làm nên trò trống gì. Bởi vì người ta thường nói kẻ có trí tuệ tuyệt vời thường giả ngốc, lù khù vác cái lu mà chạy, tẩm ngẩm tầm ngầm mà đấm chết voi. Những người thông minh thực sự thường rất biết giả hồ đồ.

Đừng khoe công lao

Lúc Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung, mười vạn thiên binh cũng không bắt được. Sau đó, Quan Âm Bồ Tát đã tiến cử Nhị Lang Thần với Ngọc Hoàng đi bắt Ngộ Không.

Quả thật, Nhị Lang Thần không phụ sự mong đợi của mọi người. Được Thái Thượng Lão Quân giúp đỡ, cuối cùng Nhị Lang Thần cũng bắt được Tôn Ngộ Không. Nhị Lang không nhận bất cứ công lao nào về mình.

Lão Tử từng nói: “Sống mà không có, thành công mà không lưu luyến”. Làm việc chăm chỉ mà không khoe khoang, có công mà không cao ngạo, đó là những phẩm chất mà một người cần phải có.

Công lao lớn đến mấy cũng không bù được một chữ kiêu căng, trí tuệ thông minh đến mấy cũng không nằm ngoài chữ “Ẩn”. Thành công không kiêu căng, có công lao sẵn sàng đem chia sẻ, người như vậy nhất định sẽ có tương lai rộng mở.

Quỷ Cốc Tử nói: “Đạo của Thánh nhân, tại ẩn và che giấu”. Bồ Đề tổ sư cũng cảnh báo Ngộ Không rằng: “Thành danh bởi biết sống nghèo khổ mỗi ngày, thất bại bởi vì luôn đắc ý”.

Ở đời, hư vinh là cái ác rõ ràng, biết cúi mình chính là lòng thiện ẩn. Khoe khoang không là gì ngoài một biểu hiện của sự trống rỗng. Chỉ khi biết che giấu mới có thể sống thật dài thật lâu.

Theo: ĐKN