BẢN CHẤT CỦA “TIỀN”
Có người thần thánh hóa đồng tiền, ca tụng về nó rằng:
“không cánh mà bay, không chân mà chạy. Không nơi xa nào là không đến, không nơi tăm tối nào mà không tới.
Người vô đức tôn thờ, người không quyền thế thích. Nguy có thể hóa thành an, chết có thể khiến cho sống, sang có thể làm cho hèn, sống có thể làm cho chết”…
Trương Duyệt* có bài tản văn Tiền không dài, thông tục dễ hiểu nhưng gây khắc khoải, thấm thía lòng người:
Tiền, vị ngọt, đại nhiệt, có độc.
- Tác dụng phụ lưu giữ dung nhan, tốt tươi sáng nhẵn, chữa bệnh đói, giải khốn khó có hiệu nghiệm ngay. Tiền có thể lợi cho quốc gia, thiệt hại cho người hiền đạt và rất sợ người thanh liêm.
- Người tham uống thuốc “tiền”, thì phân chia đều là tốt nhất, nếu không phân chia đều thì nóng lạnh công kích nhau, khiến người hỗn loạn.
Thuốc tiền thu hái không theo thời vụ. Thu nhận không đúng lễ thì tổn thương đến tinh thần.
- Tiền rất thịnh hành, có thể chiêu mời thần linh, thông với khí quỷ. Nếu tích lũy mà không phân tán thì sẽ sinh ra tai họa thủy hỏa đạo tặc. Nếu phân tán mà không tích lũy thì sẽ sinh bệnh đói rét khốn khó.
Vừa tích lũy vừa phân tán thì gọi là đạo.
Không coi nó là trân quý thì gọi là đức.
Nhận và cho hợp lễ nghi thì gọi là nghĩa.
Không cầu tiền không phải của mình gọi là lễ.
Thí xả rộng rãi cứu tế dân chúng thì gọi là nhân.
Chi trả không sai hẹn gọi là tín.
Người không vì thuốc “tiền” làm tổn hại đến mình thì gọi là trí.
Tinh luyện 7 thuật này thì mới có thể uống thuốc “tiền” lâu dài, khiến người trường thọ. Nếu uống thuốc “tiền” mà không theo lý lẽ thì ý chí suy nhược, tinh thần tổn thương, nhất định phải kiêng kỵ”.
Bài tản văn này là tổng kết kinh nghiệm 70 năm cuộc đời của tác giả, khổ tâm đúc rút mà thành, vỏn vẹn trên 200 chữ mà miêu tả tường tận rõ ràng tính chất, lợi hại, đạo tích tán của tiền.
Lấy tiền ví với thuốc, chẩn trị tệ nạn thời thế, luận lợi hại, giàu triết lý, có tính giáo dục sâu sắc, quả xứng danh là kiệt tác kỳ văn.
------
* Trương Duyệt – nhà văn đời Đường, đã từng làm quan 30 năm trải qua 4 triều vua, 3 lần nắm đại quyền, cai quản văn học.