Chủ Nhật, 19 tháng 5, 2024

Muốn yêu người khác, hãy yêu thương bản thân trước tiên

 

MUỐN YÊU NGƯỜI KHÁC, HÃY YÊU THƯƠNG BẢN THÂN TRƯỚC TIÊN

Dù mối quan hệ gì, cũng đều là sự trao đổi qua lại; nếu không, hãy xoay người ra đi một cách thanh thản, đừng tự làm tổn thương, tự làm mất sức mình, sẽ có người tốt hơn đến bên bạn.

Chúng ta nên chân thành và nhiệt huyết làm vui lòng chính mình, thay vì mắc kẹt trong tình yêu và không yêu.

Chân thành không có gì sai, chỉ là mỗi người có lựa chọn khác nhau, kết quả khác nhau.

Tôn trọng mọi điều xảy ra là cách tốt nhất, có lẽ kết cục cuối cùng là điều bạn mong muốn.

Cuộc đời là những duyên phận đến rồi đi, mối quan hệ giữa người với người càng đơn giản càng tốt, hãy bình tĩnh đối diện với mọi sự bắt đầu và kết thúc.

Như gió đến, như gió đi, chỉ là khách qua đường trong cõi trần này mà thôi.

Học cách yêu, làm trọn vẹn tình yêu, mới là điều cốt lõi nhất. Người không yêu chính mình thì làm gì có tư cách yêu người khác?

Tình yêu cần có khả năng, chỉ khi tâm hồn đủ phong phú và có nền tảng kinh tế vững chắc mới có khả năng yêu lấy mình, để yêu người khác.

 

Bài thơ Bác Hồ dành tặng cho thanh niên Việt Nam.

 

BÀI THƠ BÁC HỒ DÀNH TẶNG CHO THANH NIÊN VIỆT NAM.

 

”Câu chuyện diễn ra trong một đêm lửa trại ở rừng Nà Tu (Bắc Cạn) vào trung tuần tháng 9/1950, khi Bác Hồ đến thăm liên phân đội thanh niên xung phong 321.

Người đã để lại cho thanh niên Việt Nam bài học quý giá.

 

Bài học đó thiết nghĩ mọi người dân Việt Nam càng phải thấm nhuần, vì chính đó là bí quyết để chúng ta vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

 

Nội dung câu chuyện:

 

Liên phân đội Thanh niên xung phong 321 của chúng tôi được nhận trọng trách bảo vệ cầu Nà Cù (Bắc Kạn).

Cầu Nà Cù lúc này không những đã trở thành mục tiêu ném bom bắn phá của máy bay địch, mà còn có nguy cơ bị nước lũ cuốn trôi.

 

Trung tuần tháng 9/1950, chúng tôi được tin báo có đồng chí Trần Đăng Ninh, chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp sẽ đến thăm đơn vị. Đêm hôm đó chúng tôi tổ chức lửa trại trong rừng Nà Tu để đón khách.

 

Vừa trong thấy ánh đèn pin thấp thoáng từ ngoài cửa rừng đi vào, đoán là khách đã đến, Khách vào tới nơi, định thần nhìn lại, tất cả chúng tôi sững sờ trước niềm hạnh phúc bất ngờ:

 

“Bác Hồ! Bác Hồ!”. Rõ ràng Bác đang ở trước mắt mà chúng tôi cứ ngỡ như một giấc chiêm bao! Bác vẫn giản dị với bộ quần áo bà ba màu nâu, chiếc khăn quàng cổ che kín cả chòm râu. Đi bên cạnh Bác là đồng chí Trần Đăng Ninh.

 

Bác tươi cười nhìn chúng tôi và giơ tay ra hiệu:

- Các cháu ngồi cả xuống.

Sau đó Bác hỏi:

………

 

Rồi Bác đột ngột hỏi tiếp:

- Đào núi có khó không?

 

Chúng tôi ai cũng dè dặt không dám trả lời ào ào như trước nữa. Thế là người trả lời: khó, người sợ nói khó bị cho là tư tưởng ngại khó nên trả lời không khó.

Trả lời xong mà cứ nơm nớp sợ Bác hỏi thêm. Bác chưa kết luận mà hỏi thêm chúng tôi:

 

- Có ai dám đào núi không?

Và chỉ định một đội viên gái ngồi ngay trước mặt Bác, đồng chí này mạnh dạn đứng lên thưa:

 

- Thưa Bác có ạ! Thanh niên xung phong chúng cháu ngày ngày vẫn đang đào núi để đảm bảo giao thông đấy ạ! Nghe xong, Bác cười:

Đào núi không khó là không đúng, nhưng khó mà con người vẫn dám làm và làm được. Chỉ cần cái gì?

 

Chúng tôi đã bình tĩnh, lấy lại được tinh thần và mạnh dạn hẳn lên, thi nhau giơ tay lên phát biểu, có người trả lời “cần quyết tâm cao”, có người “cần kiên gan bền chí”, “cần vượt khó vượt khổ”, có người “cần xung phong dũng cảm”, toàn là những khẩu hiệu hành động của Thanh niên xung phong chúng tôi hồi đó.

 

Bác động viên chúng tôi:

- Các cháu trả lời đều đúng cả: Tóm lại việc gì khó mấy cũng làm được, chỉ cần quyết chí. Tục ngữ ta có câu: “Có công mài sắt có ngày nên kim”.

Để ghi nhớ buổi nói chuyện của Bác cháu ta hôm nay, Bác tặng các cháu mấy câu thơ:   

                        

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

 

Đọc xong mỗi câu thơ, Bác lại bảo chúng tôi đồng thanh nhắc lại. Cuối cùng Bác chỉ định nhắc lại cả bài thơ cho tất cả đơn vị nghe. Thật may mắn, tôi đã nhắc trôi chảy không sai chữ nào.

 

Giữa rừng đêm khuya, dưới ánh lửa bập bùng, Bác cùng chúng tôi hòa nhịp theo bài ca “Nhạc tuổi xanh”. Chúng tôi hát hào hứng say mê.

Đến khi bài hát được hát lại lần thứ hai, nhìn lại thì không thấy Bác đâu nữa! Bác xuất hiện và ra đi như một ông tiên trong truyện cổ tích huyền thoại.

Đám thanh niên chúng tôi ngẩn ngơ tiếc nuối hồi lâu.

 

Bài thơ nổi tiếng của Bác Hồ căn dặn thanh niên được ra đời như thế đó. Rất mộc mạc, giản dị nhưng lại vô cùng sâu sắc.

Bài thơ đã là nguồn cổ vũ, động viên lớp lớp Thanh niên xung phong chúng tôi lao vào cuộc kháng chiến và kiến quốc.

 

Sau này mỗi khi gặp khó khăn, hình ảnh của Bác Hồ và bốn câu thơ của Bác lại được tái hiện trong lòng chúng tôi, tiếp cho chúng tôi thêm sức mạnh để vượt qua.

------

Câu chuyện được trích trong cuốn “Kể chuyện Bác Hồ” do Trung tâm Thông tin công tác tư tưởng chọn lọc và biên soạn trong cuốn 117 chuyện kể về tấm gương đạo dức Hồ Chí Minh

 

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Các gia đình Việt chi cho giáo dục đào tạo ngày càng tăng

 

CÁC GIA ĐÌNH VIỆT CHI CHO GIÁO DỤC ĐÀO TẠO NGÀY CÀNG TĂNG

Tổng cục Thống kê cho biết, theo kết quả khảo sát mức sống dân cư 2020, đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam ngày càng được chú trọng hơn qua các năm.

Trung bình, các hộ dân cư phải chi hơn 7 triệu đồng cho một thành viên đang đi học, tăng khoảng 7,0% so với năm 2018.

Ở thành thị, các hộ chi 10,7 triệu đồng cho một thành viên đi học, gấp 2,1 lần so với mức chi ở nông thôn.

Đáng chú y, nhóm hộ có mức thu nhập cao nhất chi hơn 15,4 triệu đồng/người/12 tháng, tăng 4,7% so với năm 2018 và gấp 6,2 lần so với nhóm hộ có mức thu nhập thấp nhất (2,5 triệu đồng/người/12 tháng).

Đầu tư cho giáo dục tại Việt Nam ngày càng được chú trọng hơn qua các năm. Nếu xét về giới, chi tiêu cho giáo dục và đào tạo không có sự khác biệt nhiều.

Tuy nhiên, nếu xét thực tế chi cho giáo dục và đào tạo theo vùng miền, lại có sự chênh lệch tương đối lớn giữa 6 vùng kinh tế.

Vùng có chi tiêu cho giáo dục, đào tạo cao nhất là vùng Đông Nam Bộ hơn 11 triệu đồng/người/12 tháng, gấp 3,6 lần so với vùng Trung du và miền núi phía Bắc (3,1 triệu đồng/người/12 tháng). Mức chi phân biệt giữa các vùng cũng phản ánh được trình độ học vấn có sự phân hóa theo vùng.

Trong cơ cấu chi cho giáo dục, các khoản chi chiếm tỷ trọng lớn là khoản học phí, trái tuyến 2,5 triệu đồng (chiếm 35,1%), học thêm 1,2 triệu đồng (chiếm 17,5%) và chi giáo dục khác 1,9 triệu đồng (chiếm 26,6%).

Các khoản chi khác chiếm tỷ trọng nhỏ như: Chi đóng góp cho trường, lớp 521.000 đồng (chiếm 7,4%); Chi quần áo, đồng phục 326.000 đồng (chiếm 4,6%); chi mua sách giáo khoa 333.000 đồng (4,7%); Chi mua dụng cụ học tập 294.000 đồng (chiếm 4,2%).

Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2020 cũng cho thấy, các hộ gia đình thuộc nhóm thu nhập cao có xu hướng cho con học tại các trường dân lập, tư thục cao hơn nhiều các hộ thuộc nhóm thu nhập thấp (12,3% so với 1,3%).

Chi cho giáo dục, đào tạo bình quân 1 người đi học tại trường công lập hơn 6,1 triệu đồng/người/1 năm, thấp hơn nhiều so với trường dân lập (25,3 triệu đồng/người/1 năm) và tư thục (17,8 triệu đồng/người/1 năm). 

Theo dantri.com.vn