Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

“Chậm bây giờ là nhanh thời thượng”

 

“CHẬM BÂY GIỜ LÀ NHANH THỜI THƯỢNG”

Chắc hẳn nhiều người cũng có chung cảm giác như tôi khi mới cầm trên tay cuốn “Ngợi ca sống chậm” của Carl Honoré. Chậm chạp ở thời buổi này vốn bị coi là tối dạ, lười biếng, cù lần, kém năng lực v.v… 

Khi mà thế giới đang có xu hướng phẳng hơn, quay cuồng trong cơn lốc tốc độ nhanh hơn, cao hơn, xa hơn thì lại có người đi ngợi ca sống chậm rõ là cái anh hấp lìm rồi còn gì?

Thế mà “Ngợi ca sống chậm” lại là cuốn sách bestseller ở tầm quốc tế, đưa tên tuổi tác giả của nó, một nhà báo sống ở Anh, trở nên lừng lẫy cấp toàn cầu.


Trước hết nó đề cập tới một triết lý sống “chậm không phải lúc nào cũng có nghĩa là chậm”, và “thực hiện một nhiệm vụ theo cách Chậm lại thường mang lại kết quả nhanh hơn” bởi vì Chậm có nghĩa là thư thái, thấu đáo, cẩn trọng, kiên nhẫn, chất-lượng-trên-số-lượng; nó ngược với Nhanh là bận rộn, hời hợt, nôn nóng, stress, số-lượng-trên-chất-lượng.

 

Chậm được tóm tắt bởi một từ duy nhất đã bao trùm lên học thuyết Âm Dương của người Á đông: cân bằng. Hãy nhanh khi đáng để nhanh và chậm khi không cần nhanh nữa. Chậm tự thân chỉ là sự buông thả nếu không có cái mãnh liệt của nhanh.

 

“Máy vi tính nhanh kinh ngạc, chính xác nhưng đần độn. Con người lại chậm chạp kinh ngạc, nhưng ưu tú.

Kết hợp với nhau sẽ là sức mạnh vượt quá mọi tưởng tượng”

 

Từ Đồ ăn Chậm, tới Đô thị Chậm, Giáo dục Chậm, rồi cả Tình dục Chậm. Mục tiêu cuối cùng là mỗi người hãy tìm ra một Nhịp Chuẩn cho mình, tự giải phóng khỏi tình trạng “nô lệ của tốc độ” cũng như trước kia từng là “nô lệ của thời gian”.

 

“Thời gian là gì? Nếu chẳng ai hỏi, thì tôi biết, nhưng nếu muốn giải thích cho ai đó hỏi tôi, thì tôi lại không biết” (Saint Augustine, thế kỷ thứ 4). Và sử dụng thời gian thế nào cho đúng, cho đủ vẫn còn là một câu hỏi hóc búa với con người.

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói: “Hãy (sống) chậm lại để có thời gian sống sâu hơn”. “Sang số” cho tinh thần ta chậm lại giúp sức khỏe tốt hơn, nội tâm tĩnh tại, năng lực tập trung và khả năng tư duy sáng tạo cao hơn.

 

Honoré đã kể một câu chuyện thú vị về Hiệu trưởng trường ĐH Harvard, người đã gửi bức thư ngỏ tới các SV năm thứ nhất có nhan đề Hãy thong thả.

Nó không phải là hiến chương để những kẻ lười biếng vịn vào. Mỗi một sự chậm lại nho nhỏ, có chọn lọc, có thể giúp SV sống và thành công hơn.

 

Maurice Holt, giáo sư ĐH Colorado đã kêu gọi một phong trào rộng khắp mang tên “Giáo dục Chậm”, lấy cảm hứng từ phong trào “Đồ ăn Chậm”. Nếu ăn chậm kích thích hệ tiêu hóa thì học chậm có thể mở rộng và tiếp thêm sinh lực cho trí não.

Cuối cùng Honoré đưa ra những “bài tập” về sống chậm, bởi không có công thức chung nào cho việc này, cũng như không có một “tốc độ chuẩn” cho tất cả mọi người.

 

Hãy khởi đầu từ những việc nhỏ như tự mình nấu một bữa ăn từ A đến Z, đọc báo mà không mở TV, thêm những cử chỉ âu yếm vào chuyện làm tình…

Khi cảm thấy những hành vi chậm lại nho nhỏ ấy phát huy hiệu quả, hãy chuyển tới những việc lớn hơn… cho đến lúc thời gian không còn giống gã đốc công tàn bạo suốt ngày lăm le quất ngọn roi vào lưng của bạn.

 

Với những ai còn nghi ngờ, xin nhắc lại câu nói của cô gái nhân vật trong Ngợi ca sống chậm hân hoan thuyết phục bạn mình : “Tin tớ đi mà. Chậm bây giờ là Nhanh thời thượng đấy!”.

Hữu Việt