Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén

 

LỬA GẦN RƠM LÂU NGÀY CŨNG BÉN

Không chỉ ở ta, mà cả ở… Tây, cũng tồn tại quan niệm rằng “lửa gần rơm, lâu ngày cũng bén”. Dù phương Tây có thể không có hẳn câu thành ngữ như vậy, nhưng trong văn hóa của họ cũng có những quan niệm tương đồng cho rằng sự quen thuộc đưa tới những xúc cảm.

Thực tế, nghiên cứu đã cho thấy rằng khi chúng ta càng gặp gỡ ai đó nhiều, chúng ta càng dễ nhìn thấy ở họ nét hấp dẫn và ngày càng có nhiều thiện cảm hơn.

Bên cạnh một dạng tâm lý rất đặc biệt trong tình yêu mà chúng ta thường gọi là “sét đánh”, “say như điếu đổ”, thì còn có một dạng tình cảm nữa cũng đặc biệt thú vị, đó là dạng “mưa dầm thấm lâu”.

Đó là dạng tình cảm kiểu “lửa gần rơm”, có thể kể tới như mối tình giữa chàng Darcy và nàng Elizabeth trong “Kiêu hãnh và định kiến” - một tác phẩm văn chương nổi tiếng của nữ nhà văn Anh Jane Austen.

Mới đây, các nhà nghiên cứu ở trường Đại học Hamilton, New York, Mỹ, đã thực hiện một nghiên cứu xoay quanh vấn đề tâm lý xã hội này.

 

Trong thử nghiệm của nhóm nghiên cứu đến từ trường Đại học Hamilton, họ đưa ra tổng cộng 112 bức ảnh chân dung, một nửa số nhân vật xuất hiện trong ảnh có thể nói là khá hấp dẫn về mặt ngoại hình.

Bộ ảnh này được đưa cho 22 người đàn ông và phụ nữ trẻ chấm điểm độc lập. Cũng chính những bức ảnh này, sau đó, lại được đưa trở lại chấm điểm vòng 2 nhưng theo một trật tự đổi khác.

 

Điều thú vị là ở vòng chấm điểm thứ hai, những gương mặt hấp dẫn lại càng trở nên hấp dẫn hơn và số điểm được chấm cao hơn so với vòng 1. Đồng thời các máy móc theo dõi sóng não cũng cho thấy ở lần chấm điểm thứ hai, sóng não cho thấy sự phấn khích gia tăng khi người tham gia thử nghiệm chấm điểm lại cho những bức ảnh chân dung hấp dẫn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng tâm lý con người nói chung thường bị hấp dẫn sau nhiều lần gặp gỡ, quan sát, ngay cả khi không có những thiện cảm ban đầu, thì về sau vẫn có thể nảy sinh cảm xúc mới.

Nhà nghiên cứu tâm lý học - Giáo sư Ravi Thiruchselvam - người đứng đầu nghiên cứu cho rằng: “Có thể nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết rằng con người nhìn chung thường bị hấp dẫn sau nhiều lần gặp gỡ, thậm chí ngay cả khi ban đầu không hề có thiện cảm”.

 

“Mũi tên của thần Tình yêu nhiều khi bắn cũng khá chậm. Một nét quan trọng của hiện tượng tâm lý này đến từ việc não bộ con người sẽ dần dần có những nhận định thay đổi sau nhiều lần tương tác với cùng một đối tượng”.

 

Bích Ngọc Theo Daily Mail

Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Cái giá của Tự do là Cô đơn

 

CÁI GIÁ CỦA TỰ DO LÀ CÔ ĐƠN

Cái vòng lẩn quẩn luôn khiến cho con người thấy đời luôn là những bi kịch! Khi không có ai để kết đôi thì cảm giác cô đơn, một mình, thiếu thốn năng lượng yêu thương làm cho con người cảm giác chông chênh mất thăng bằng, bơ vơ yếu đuối. Có biết đâu “Tận cùng của cô đơn là hòa đồng trong tất cả. Tận cùng của tất cả là mình ta tròn đầy”.

 

Cô đơn được hiểu như là khi một người không tìm thấy được những mối quan hệ có ý nghĩa với ai khác, nhưng cũng có thể hiểu như là khi một người mất đi sự kết nối với cái chân ngã thật sự của chính mình.

Rất nhiều người đang trong hoàn cảnh trái ngang, rơi vào sự cân phân giữa việc lựa chọn TỰ DO dù cái giá phải trả là Cô đơn, hay tiếp tục chịu đựng sự ràng buộc để giữ hình ảnh rằng mình đang hạnh phúc!

 

Thật ra, đó là những quan niệm của số đông những người hiểu lầm về khái niệm Cô đơn và Tự do. Người ta vẫn cho rằng Cô đơn là cảm xúc tiêu cực, là đáng thương, tội nghiệp, cái cảm giác bị cô lập, bỏ rơi, bị tách ra khỏi bên lề của đời sống.

Là khi không có ai hiểu và thương, là khi không thể kết nối với người khác, không có một mối quan hệ có chất lượng.

 

Thực ra, cô đơn là trạng thái tuyệt vời nhất, là cơ hội để con người sống có chất lượng nhất. Chỉ khi Cô đơn trở về bên trong với chính mình, có thời giờ để quan sát và lắng nghe chính mình, để suy ngẫm và điều chỉnh, tận hưởng và hân hoan, biết ơn và yêu tương... Ta mới là mình nhất, xứng đáng là CON NGƯỜI nhất!

Người dám và có thể sống với trạng thái cô đơn của mình là người có bản lĩnh và nội tâm mạnh mẽ nhất, cũng là người có cơ hội trải nghiệm sâu nhất sự khám phá và thấu hiểu bản thân mình.

 

Khả năng cảm nhận sự thú vị trong đồng hành của chính mình là một món quà vô giá từ cuộc sống. Sự thật là chúng ta ai cũng cô đơn, cho dù bạn có đang trong một mối quan hệ khăng khít hài lòng nhất, ở giữa đám đông ồn ào đủ đầy yêu thương và tôn trọng, thì cái khoảnh khắc cô đơn vẫn hiện diện trong ta từng ngày.

Nỗi cô đơn hiện sinh đó luôn nhắc nhở chúng ta rằng: Ta được sinh ra trong một mình và cũng sẽ một mình lìa bỏ cõi đời này lúc ra đi!

 

Có cách nào Tự do mà không Cô đơn?

"Làm điều bạn thích là tự do. Thích điều bạn làm là hạnh phúc" - Frank Tyger. Học cách sống tức là học cách tự do và tự do nghĩa là việc gì phải đến cứ đến: “Người mà tâm trí tự do thì có thể mang lại lợi ích cho người khác.”

 

Cô đơn chỉ là một trạng thái của cảm xúc, một tình trạng tạm thời và luôn biến đổi.

Cho nên chúng ta nên tận dụng nỗi cô đơn để làm nên giá trị cho đời sống của mình, nó giúp cho ta sống sâu sắc và nhận biết rõ ràng mọi sự.

Nó cho ta cơ hội kết nối với bản thể của mình, giúp nuôi dưỡng năng lượng sống cho bản thân. Và trong sự mạnh mẽ nội tâm đó, ta đủ sức vượt qua mọi biến cố bất ngờ, những chướng ngại của đời sống, với một sự thấu hiểu rằng:

 

TỰ DO là ung dung trong ràng buộc. HẠNH PHÚC là tự tại giữa khổ đau. Và như thế thì đâu còn khái niệm nào của sự chịu đựng, của gò bó lệ thuộc, của buộc ràng trói cột ai đâu!

 

ThS Tâm lý Nguyễn Thị Tâm

 

Bạn chính là những gì bạn nghĩ

 

BẠN CHÍNH LÀ NHỮNG GÌ BẠN NGHĨ

 

Bạn nói những gì, làm điều gì, cảm thấy như thế nào- tất cả đều có nguồn gốc từ trong tâm trí bạn, và bắt đầu chỉ bằng một ý nghĩ.

 

Suy nghĩ chúng ta cũng giống như những hạt giống, mỗi suy nghĩ sẽ đơm hoa kết trái để tạo ra một hương vị riêng biệt.

Suy nghĩ có thể là sự sáng tạo hay phá hủy, yêu thương hay hận thù, nâng đỡ hay vùi dập. khi chúng ta hiểu và học cách kiểm soát những ý nghĩ của bản thân thì chúng ta sẽ trải nghiệm được sự bình an, niềm hạnh phúc và sự vững vàng trong tâm hồn.

Suy nghĩ tích cực dạy chúng ta hành động thay vì phản ứng; ” hướng dẫn” cuộc đời ta thay vì để cho hành vi của người khác, những trải nghiệm quá khứ, hay hoàn cảnh hiện tại điều khiển tinh thần của chúng ta.

 

Bạn đã bao giờ dừng lại để quan sát những hình ảnh hiện ra trong tâm trí bạn cũng như những suy nghĩ mà bạn tạo ra? Theo tính toán, mỗi người trung bình có khoảng 30000- 50000 ý nghĩ mỗi ngày. Một tâm trí đang trong tình trạng stress sẽ tạo ra nhiều suy nghĩ hơn, có thể lên đến 80000 suy nghĩ. Hẳn bạn đã từng rơi vào trạng thái căng thẳng thần kinh vì gặp phải một sự kiện đột ngột xảy ra trong đời, lúc đó có đến hàng ngàn ý nghĩ chạy dồn dập trong đầu bạn.


Tâm trí chúng ta có một khả năng rất lớn, làm việc không ngừng nghỉ ngay cả khi ngủ. Như đã nói, suy nghĩ chính là hạt giống cho những hành động và cảm xúc. Vì vậy, bằng cách tạo nên những suy nghĩ tích cực và lành mạnh, chúng ta đã kích hoạt tiềm năng tích cực của chính mình.”

Triết gia Emerson: “Tất cả sự việc, hoàn cảnh và hành động xảy ra trong đời bạn chỉ là sự phản ánh và hưởng ứng đối với chính tư tưởng của mình.”