Chủ Nhật, 28 tháng 1, 2024

9 câu nói siêu kinh điển trên tường thư viện Đại học Harvard

 

9 CÂU NÓI SIÊU KINH ĐIỂN TRÊN TƯỜNG THƯ VIỆN ĐẠI HỌC HARVARD

Trên tường thư viện của Đại học Harvard lưu lại 9 câu nói siêu kinh điển truyền cảm hứng và thú vị giúp phát triển bản thân, đáng để chúng ta suy ngẫm!

Harvard là trường đại học hàng đầu của Mỹ và là niềm mơ ước của hầu hết các du học sinh trên toàn thế giới. Harvard là viện đại học nghiên cứu tư thục, là thành viên của Liên đoàn Ivy, ở Cambridge, Massachusetts, Hoa Kỳ.

Với lịch sử lâu đời cùng tầm ảnh hưởng và tài sản của mình, Harvard là một trong những viện đại học có danh tiếng đứng đầu thế giới và trở thành những thước đo của sự thành công!

 

Đại học Harvard thành lập vào năm 1636 bởi John Harvard – một mục sư ở Charlestown, người đã trao tặng thư viện cá nhân của ông cho nhà trường và tặng một nửa tài sản của ông trước khi qua đời ở tuổi 30 (năm 1638).

Ngôi trường được mệnh danh là chiếc nôi đào tạo nhân tài và liên tiếp đứng đầu các bảng xếp hạng trong nhiều trường đại học trên thế giới.

Có đến 32 nguyên thủ quốc gia và có hơn 150 chủ nhân của giải thưởng Nobel, từng theo học tại viện Đại học danh giá này.

 

Theo thống kê của Đại học Harvard, trường đã có 1.830 cựu sinh viên giàu có, với tổng tài sản của họ lên đến 1,9 nghìn tỷ USD, và hàng trăm cựu sinh viên bây giờ là các tỷ phú hàng đầu của thế giới.

Thư viện của Đại học Harvard thuộc TOP 10 các thư viện lớn nhất thế giới. Hơn nữa, là trường Đại học giàu có hơn 109 quốc gia trên thế giới.

Và mức lương khởi điểm trung bình của một sinh viên tốt nghiệp trường Harvard là 118.200 USD/năm.

 

Thư viện luôn bật đèn sáng để các học viên đến có thể tự học. Điều đặc biệt hơn là, trên tường của hệ thống 80 thư viện của đại học Harvard có lưu lại 9 câu nói siêu kinh điển đáng để suy ngẫm!

 

9 câu nói nổi tiếng truyền cảm hứng:

 

1. Lúc này nếu ngủ bạn sẽ có một giấc mơ, nhưng lúc này nếu học, bạn sẽ giải thích được ước mơ.

2. Ngày hôm nay nếu bạn lãng phí, đồng nghĩa với việc bạn bóp chết quá khứ và vứt bỏ ngày mai.

3. Sự khổ nhọc khi học chỉ là tạm thời, sự đau khổ vì không học đến nơi là mãi mãi.

4. Khi nào bạn cảm thấy thời khắc đã muộn, khi đó thực sự là thời điểm hành động.

5. Hạnh phúc có lẽ không có thứ lượt, nhưng thành công thì có.

6. Học tập phải chăng là nhiệm vụ cả đời, ngay cả người học cũng không thể chứng minh, còn có thể làm gì?

7. Hãy đón nhận sự khó nhọc không thể chối từ.

8. Nước bọt hiện tại sẽ là nước mắt của ngày mai.

9. Người đầu tư cho tương lai, là người thực hiện đến cùng.

 

Hy vọng bài viết giúp bạn biết thêm thông tin về trường đại học danh giá thuộc top hàng đầu thế giới này và học hỏi được từ các câu nói truyền cảm hứng trên để giúp bản thân phát triển tốt hơn.

 

ST

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2024

Nguyễn Ánh dùng mỹ nhân kế ly gián Nhà Tây Sơn chiếm Thành Sài Gòn.

 

Thiếu phụ xinh đẹp vô tình thành "gián điệp" của Nguyễn Ánh. Ảnh minh họa.

NGUYỄN ÁNH DÙNG MỸ NHÂN KẾ LY GIÁN NHÀ TÂY SƠN CHIẾM THÀNH SÀI GÒN.

Năm 1787, sau một thời gian nương náu ở Xiêm La, Nguyễn Ánh quyết định về nước tìm cách khôi phục cơ đồ. Vào lúc này, Tây Sơn đã nắm quyền trong cả nước, nhưng không phải là một triều đình thống nhất mà chia ba thiên hạ, 3 anh em Tây Sơn mỗi người chiếm giữ một miền.

Từ Phú Xuân trở ra Bắc do Nguyễn Huệ cai quản. Từ Phú Xuân trở vào đến Bình Thuận do Nguyễn Nhạc làm chủ với tư cách trung ương ở miền Trung, còn miền đất phía nam Bình Thuận trở vào là của Nguyễn Lữ.

Nguyễn Ánh từng bại trận 4 lần dưới tay Nguyễn Huệ ở Gia Định, và lần này nhờ vào bối cảnh lịch sử nội bộ chia rẽ sâu sắc của Tây Sơn, cộng thêm mưu lược của mình mà ông đã chiếm thành Sài Gòn một cách dễ dàng vào tháng 9 năm 1788.

Lợi dụng Gia Định bỏ trống, Nguyễn Ánh liền chia quân tấn công. Trong 3 anh em Tây Sơn thì Nguyễn Lữ là yếu kém nhất. Khi Nguyễn Ánh tấn công, Nguyễn Lữ không chống được, phải rút lui về Lạng Phụ (Biên Hòa ngày nay), còn thành Sài Gòn giao cho Phạm Văn Tham chống giữ.

Nguyễn Ánh vây hãm thành mà không hạ được. Hai bên đang giao tranh quyết liệt thì bỗng một ngày, quân thám thính của Nguyễn Lữ đi tuần thấy thành Sài Gòn đã kéo cờ trắng. Tin ấy báo về, Nguyễn Lữ ở Lạng Phụ (Biên Hòa) rụng rời chân tay.

Sở dĩ, Lữ còn đóng được ở đây là vì có Tham ở thành Sài Gòn chống Nguyễn Ánh, nay thành đã hàng thì sớm tối quân Nguyễn Ánh sẽ kéo đến.

Đúng lúc lại có tin Tham dẫn thủy quân đến khiêu chiến. Lữ sợ hãi cho là Tham đã hàng Nguyễn Ánh và đến đây muốn bắt mình nộp cho Ánh để lập công. Quân của Lữ rối loạn không đánh mà tan. Lữ cùng vài tâm phúc bỏ chạy theo đường bộ ra Quy Nhơn.

Hé lộ bí mật

Bí mật Phạm Văn Tham bỗng dưng phản chủ về sau dần dần mới được đưa ra ánh sáng. Cuốn sách Gián điệp cung đình của Lưỡng Kim Thành cho biết, sự việc thành công nhờ một người thiếu phụ đã vô tình trao thư ly gián cho Phạm Văn Tham.

Đang thời điểm Phạm Văn Tham và Nguyễn Ánh giao chiến ở thành Sài Gòn, quân Nguyễn Ánh đi tuần trên sông Sài Gòn phát hiện một chiếc thuyền lớn treo cờ Tây Sơn đang tiến từ cửa biển vào nội địa. Quân của Nguyễn Ánh phục kích bắt được chiếc thuyền này, giết chết viên chỉ huy thuyền là Hộ Đốc Lý.

Cùng với số chiến lợi phẩm trên thuyền, quân Nguyễn Ánh còn bắt được một thiếu phụ. Người này mặt bôi lem luốc bẩn thỉu nhưng người vẫn toát ra vẻ đẹp. Quân lính bèn áp giải đến trước mặt Nguyễn Ánh. Bị tra hỏi, thị khai tên là Thị Lộc, là vợ lẽ của Hộ Đốc Lý – là viên chỉ huy chiếc thuyền bị bắt.

Để khỏi bị hại, thị liền khóc lóc thảm thiết nói rằng mình là con nhà nghèo, khó khăn quá nên bố mẹ gả bán cho Lý làm vợ lẽ. Thân phận đàn bà con gái như hạt mưa sa không chọn được chỗ đậu chứ không làm gì nên tội.

Nhận thấy Thị từ lúc lẩn trốn cho đến khi bị bắt, lúc nào cũng giữ khư khư cái tay nải, quan quân và Nguyễn Ánh đã sinh nghi nên bèn tìm cách giữ Thị lại để xem trong tay nải là cái gì. Nguyễn Ánh mới bảo Thị rằng:

“Nay tên Đốc Lý theo giặc ta đã giết, còn ngươi chỉ là vợ lẽ, phận gái cha mẹ đặt đâu ngồi đấy ta cũng không bắt tội làm gì. Nhưng nay đang lúc hỗn quân hỗn quan, giặc cướp không ít, nếu ta thả ngươi thì thân gái dặm trường dễ bị kẻ xấu làm cho bại hoại rồi mang tiếng đến quân ta.

Vậy hãy tạm cho ở trong quân, khi nào thuận đường đi ta sẽ cho người đưa trả về nguyên quán”.

Rồi Nguyễn Ánh cho Thị Lộc tạm ở một cái trại nhỏ ven sông, cấm hết quân tướng không ai được lai vãng trêu ghẹo. Mấy ngày sau, nhân Thị Lộc ngủ say, quân Nguyễn lẻn vào lấy cắp cái tay nải. Mở ra xem thì tìm được 1 vật còn quý hơn vàng bạc.

Đó là bức thư của Nguyễn Nhạc gửi cho Phạm Văn Tham dặn dò việc giữ thành Sài Gòn cho vững chờ viện binh từ Quy Nhơn vào. Thư này do Nhạc trao cho Hộ Đốc Lý cầm vào cho Phạm Văn Tham nhưng đến đây thì bị quân Ánh bắt.

Nghĩ ngay ra mưu hiểm, Nguyễn Ánh sai người giả theo nét chữ và con dấu son làm bức thư khác rồi lặng lẽ cho vào như cũ, bí mật đem trả cho Thị Lộc.

Nói đến Thị Lộc, mấy ngày ở trong trại, Thị cũng dần bình tâm và bắt đầu suy nghĩ bèn tính kế trốn. Nhân khi lính canh lơ là Thị lấy trộm chiếc xuồng rồi chèo đi. Quân Nguyễn biết nhưng cứ vờ như không để Thị đi trót lọt.

Thị Lộc thoát được bèn tìm đường đến thành Sài Gòn. Quân tuần tra của Phạm Văn Tham bắt được bèn giải lên chủ tướng. Ngờ là gián điệp của Nguyễn Ánh, Tham quát hỏi bắt khai tên họ và cho lính lục soát đồ đạc. Thị Lộc lại một phen khóc lóc kể lể chuyện chồng là Hộ Đốc Lý bỏ mình vì việc quân ra sao, Thị bị bắt thế nào. Để động lòng thương của Tham, Thị Lộc còn thêu dệt thêm chuyện Nguyễn Ánh thấy thị có chút nhan sắc muốn giữ lại trong quân để ép làm tì thiếp nhưng thị không chịu rồi bỏ trốn.

Phạm Văn Tham cảm động mới cho ngồi lên ghế trình bày. Vừa lúc ấy, quân lính đưa lên 1 bức thư. Tham đọc lướt qua thì mặt tái mét, giọng run run quát hỏi: Thư gì đây, mau khai rõ đầu đuôi không thì ta chém đầu. Thị Lộc sợ quá lắp bắp: “Bẩm tướng quân, thiếp ngu muội có biết gì đâu? Những gì trong tráp đều do chồng thiếp sắp xếp, thiếp chỉ biết cất giữ thôi, thật lòng không dám giấu giếm gì ạ”.’

Thì ra tờ giấy mà Tham đọc là thư giả của Nguyễn Nhạc gửi Nguyễn Lữ. Trong thư viết: “Phạm Văn Tham kiêu ngạo ngang ngược, không phải là người có thể tin. Vừa qua em (tức Nguyễn Lữ) đã theo mưu kế của ta bỏ thành Sài Gòn lại cho nó giữ, vậy là rất tốt. Sớm tối quân ta từ Quy Nhơn sẽ kéo vào. Lúc đó em từ Lạng Phụ đánh thốc lại để gây sức ép bắt được Tham sẽ giết lập tức để trừ hậu họa”.

Tham nghiến răng căm hận: “Ta cả đời phò tá anh em chúng bay, sao bây giờ lại nghĩ kế sâu độc hại ta như vậy?”. Rồi không ngồi yên đợi chết, Tham cho kéo cờ trắng lên cổng thành còn mình âm thầm dẫn thủy quân đến Lạng Phụ bắt Nguyễn Lữ. Vậy là Nguyễn Ánh chỉ bằng một bức thư giả đã dễ dàng vào được thành Sài Gòn mà suốt mấy tháng hao binh tổn tướng chưa bén mảng đến gần được.


Bài học từ một đời tiết kiệm của cô chú U50 để “ngồi không cũng đủ tiền sống”

 

BÀI HỌC TỪ MỘT ĐỜI TIẾT KIỆM CỦA CÔ CHÚ U50 ĐỂ “NGỒI KHÔNG CŨNG ĐỦ TIỀN SỐNG”

* Dưới đây là lời chia sẻ của Sunshine Finance (Trung Quốc) - một người phụ nữ 42 tuổi đã nghỉ hưu sớm để chăm sóc gia đình và quản lý 5 căn nhà cho thuê.

Tôi và chồng đã tiết kiệm tiền trong suốt cuộc đời mình. Nhưng chúng tôi không muốn dùng từ “keo kiệt" để nói về các thói quen tài chính. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng đó là “quyết tâm không tiêu một đồng xu bừa bãi, từ đó có khoản chi phí để tiết kiệm tiền hoặc đầu tư".

 

Trên đời này, không có quá nhiều người sinh ra đã giàu có. Của cải của chúng ta được tích lũy dần theo năm tháng. Khi chi tiêu tiết kiệm, chúng tôi có tiền để mua các tài sản khác, trả hết nợ vay mua nhà, mua xe, đồng thời có một quỹ dự phòng khi về già.

Dưới đây là những thói quen tiết kiệm của vợ chồng tôi và cách dùng số tiền này sau đó.

 

1. Mua quần áo

Chúng tôi cố gắng mua những trang phục kiểu dáng thoải mái, bình dân, chú trọng đến chất lượng. Với các con nhỏ, số lượng quần áo có thể nhiều hơn song với bố mẹ, mỗi người chỉ cần 3-5 bộ trang phục là đủ để thay và giặt. Khi mua quần áo, chúng tôi không quan tâm quá nhiều đến thương hiệu mà chú trọng đến sự thoải mái và tối giản.

 

2. Ăn thực phẩm nấu sẵn

Trong năm chúng tôi hiếm khi đi ăn ngoài. Kể cả trong những ngày lễ, sinh nhật thì gia đình cũng mua đủ loại nguyên liệu về nhà và nấu các bữa ăn thịnh soạn.

 

3. Lên kế hoạch khi đi mua sắm

Tất nhiên, bạn sẽ không bao giờ có thể tránh khỏi việc lỡ chi tiêu quá tay khi đi mua sắm hàng hoá. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng ghi chép lại cẩn thận kế hoạch mua sắm trước khi vào cửa hàng trong những dịp lễ lớn. Ngoài ra, với độ tuổi của chúng tôi, các trang thương mại điện tử không bao giờ là lựa chọn tốt để mua hàng, từ đó có thể hạn chế lãng phí tiền bạc và mua sắm quá đà.

 

4. Quan tâm đến sức khoẻ

Trước khi nghỉ hưu, nếu không có chuyện gì đặc biệt thì vợ chồng chúng tôi luôn dậy lúc 6h sáng, bắt đầu làm việc từ 8h và trở về nhà vào 18h tối. Sau đó, chúng tôi dành 1 tiếng đi bộ hàng ngày để nâng cao sức khoẻ. Chu trình đó gần như đã lặp đi lặp lại suốt 20 năm.

Đến khi nghỉ hưu, sức khỏe của hai vợ chồng vẫn rất tốt và hiếm khi cần đến bệnh viện điều trị. Chúng tôi luôn tin rằng, khoản đầu tư cho sức khoẻ và chữa bệnh có thể lớn hơn rất nhiều số tiền bạn kiếm được, nếu một ngày bạn dính đến các căn bệnh nguy hiểm.

 

5. Tiết kiệm trong từng món nhu yếu phẩm hàng ngày

Giấy vệ sinh mua về là loại bình dân và bền nhất. Xà phòng dùng gần hết thì tận dụng để lau bồn rửa. Túi nước giặt, kem đánh răng, chai lọ mắm muối… đều được dùng đến khi hết sạch. Đó là những cách để vợ chồng tôi không lãng phí các món đồ nhu yếu phẩm hàng ngày. Chúng tôi luôn dùng mọi thứ đến khi hết sạch và tận dụng các đồ cũ, bởi chúng tôi hiểu rằng, một món đồ đánh đổi bằng bao nhiêu công sức lao động.

 

Nhiều người luôn nói rằng, mỗi ngày tiết kiệm từng khoản như vậy nhưng đánh đổi cuộc sống có nhiều gò bó thì có đáng không. Câu trả lời là “có".

Sau khi dành cả cuộc đời để tiết kiệm, cuộc sống của vợ chồng tôi ra sao?

- Do chúng tôi mua quần áo đơn giản và chất lượng nên không cần suy tính mỗi ngày ra đường mặc đồ gì. Từ đó chúng tôi rút ra kết luận: Cuộc sống hoàn thiện hơn nếu bạn bắt đầu sống tối giản và thay đổi từ những thói quen nhỏ.

- Thói quen duy trì tập thể dục trong suốt nhiều năm giúp vợ chồng chúng tôi khoẻ, ít vào bệnh viện.

 

Nhờ tài khoản tiết kiệm tích lũy dần theo năm tháng, chúng tôi đã mua được những thứ có ý nghĩa hơn. Chúng tôi dùng tiền mua nhiều bất động sản, trong thời điểm giá cả thị trường đi xuống, từ đó có được 5 căn nhà cho thuê sau này.

 

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng có khoản bảo hiểm và một quỹ lương nhỏ, đủ để nghỉ hưu sớm mà không cần theo đuổi công việc văn phòng. Giờ đây, tuy không quá giàu có nhưng chúng tôi không nợ nần và lo lắng sẽ tạo gánh nặng tài chính cho các con khi về già.

Theo Phụ nữ số