Thứ Tư, 10 tháng 1, 2024

Nhà văn Mạc Ngôn nói về lòng tham

 

NHÀ VĂN MẠC NGÔN NÓI VỀ LÒNG THAM

 

Hồi tháng 4, Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn đăng trích đoạn trong tập tản văn Giàu nghèo và dục vọng, nói về lòng tham và ý nghĩa của văn học trong việc kìm hãm dục vọng của con người, thu hút chú ý của nhiều khán giả.

Dưới đây là phần lược dịch bài viết của nhà văn.

 

Thời cổ đại, Tư Mã Thiên từng nói: Người trong thiên hạ chen chúc nhau vì lợi ích, người trong thiên hạ lao lực bốn phương cũng vì lợi ích.

Dục vọng của con người là hố đen không bao giờ lấp đầy.

Dục vọng ban đầu của vợ ông lão đánh cá chỉ là một chiếc máng lợn, có máng lợn rồi, bà ta muốn có ngôi nhà. Có ngôi nhà rồi, bà ta muốn làm phu nhân. Làm phu nhân rồi, bà ta muốn làm nữ hoàng. Trở thành nữ hoàng, bà ta muốn làm bá vương biển cả để điều khiển cá vàng.

 

Lúc này, bà vợ đã đi quá giới hạn. Như thổi bong bóng xà phòng, thổi to quá, bóng sẽ vỡ. Mọi việc đều có giới hạn. Một khi phá vỡ giới hạn, người ta sẽ phải trả giá. Đây là lý lẽ đơn thuần nhất trong đời, cũng là quy luật của nhiều hiện tượng tự nhiên.

 

Dân gian lưu truyền nhiều câu chuyện nhằm nhắc nhở khắc chế dục vọng. Ấn Độ có chuyện một người làm chiếc lồng gỗ để bắt khỉ, trong lồng để đồ ăn. Khỉ thò tay lấy thức ăn nhưng không rút tay ra được. Chỉ cần buông bỏ đồ ăn, khỉ sẽ rút được tay nhưng chú khỉ không chịu bỏ miếng ăn.

 

Khỉ không sáng suốt để "buông bỏ", vậy con người đủ sáng suốt để "buông bỏ" không? Có người có, người không. Có người có lúc đủ sáng suốt, có lúc không.

Có người cứng rắn trước cám dỗ của đồng tiền nhưng chưa chắc bình thản trước cám dỗ của mỹ nhân. Có người vượt qua được ải mỹ nhân nhưng chưa chắc vượt qua được cám dỗ của quyền lực.

 

Con người thường có thứ gì đó không thể buông bỏ được, đó là nhược điểm, cũng là biểu hiện của sự phức tạp trong tâm lý con người.

Tham lam là bản tính, cũng gọi là mặt tối trong tính cách con người. Qua các bài học đạo đức và câu chuyện văn học, người ta có thể tỉnh táo hơn một chút, nhưng căn bản không thể giải quyết vấn đề.

 

Thế nên, Phật giáo mới có câu "Vạn vật là không, vạn sự cũng là không" nhằm nhắc nhở khắc chế sự tham lam. Tham lam là cội nguồn của cái ác, của nhiều sự đau khổ.

Thế nên, sách Hồng lâu mộng mới có bài ca:

"Nhân thế đều ham cõi thần tiên, chỉ có công danh không gạt bỏ được. Nhân thế đều ham cõi thần tiên, chỉ có kim tiền không quên được. Nhân thế đều ham cõi thần thiên, chỉ có vợ yêu không quên được. Nhân thế đều ham cõi thần tiên, chỉ có cháu con không quên được".

 

Chúng ta cần văn học nói với mọi người: Thong thả thôi, chậm rãi thôi. 10 phần thông minh thì dùng tám phần, tích hai phần cho con cháu.

Chúng ta cần văn học nói với mọi người: Những điều cơ bản nhất duy trì sinh mệnh là không khí, ánh nắng, thức ăn và nước. Tất cả đều là xa xỉ phẩm. Đương nhiên, quần áo và nhà cửa rất quan trọng.

 

Chúng ta cần văn học nói với mọi người: Những ngày tốt đẹp của thế giới không còn nhiều. Khi ở sa mạc, sẽ hiểu nước và đồ ăn quý hơn vàng bạc, kim cương. Khi động đất và sóng thần xảy ra, mới hiểu được biệt thự xa hoa cỡ nào cũng chỉ là nắm bùn giữa tự nhiên.

Văn học của chúng ta có thực làm con người tiết chế lòng tham không? Câu trả lời là bi quan, nhưng cho dù kết quả bi quan, chúng ta cũng không được ngừng cố gắng. Vì làm việc đó không chỉ giúp người khác mà đồng thời là giúp chính mình.

 

Ảnh: Mạc Ngôn ở buổi giao lưu với độc giả tại Bắc Kinh, Trung Quốc hôm 16/5.

----------

 

Mạc Ngôn sinh ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, sáng tác văn chương từ năm 1978, gây tiếng vang qua loạt tiểu thuyết Báu vật của đời, Cao lương đỏ, Đàn hương hình, Củ tỏi nổi giận, Rừng xanh lá đỏ.

Ông đoạt giải Nobel Văn học năm 2012. Sáng tác của Mạc Ngôn được dịch nhiều thứ tiếng, chuyển thể thành phim điện ảnh, truyền hình. Nhiều sách của ông được phát hành ở Việt Nam như: Báu vật của đời, Ếch, Sống đọa thác đày, Đàn hương hình.

Thứ Ba, 9 tháng 1, 2024

Vì sao sau khi thất tình, người ta lại thường thành công hơn?

 

VÌ SAO SAU KHI THẤT TÌNH, NGƯỜI TA LẠI THƯỜNG THÀNH CÔNG HƠN?

 

Khi chúng ta từng hết lòng yêu một người, mơ tưởng về đủ mọi kết cục tươi đẹp, nhưng khi ta đang mơ mộng về một hôn lễ rực rỡ và ngập tràn hạnh phúc thì anh/cô ta bỗng nhiên yêu người khác.

 

Tình cảm bao nhiêu năm, chỉ hai từ chia tay là chấm hết, làm sao không khiến người ta đau lòng. Nhưng đau lòng thì có sao, tình cảm vốn dĩ là thứ không thể miễn cưỡng. Ngoài việc mỉm cười nói tạm biệt, lấy lại dũng khí bước tiếp về phía trước, chúng ta còn có thể làm gì hơn được nữa.

 

Nhưng bất luận là thế nào, những người sau khi thất tình sẽ một lòng một dạ lao vào công việc thay vì nhanh chóng đi tìm một người khác.

Những ai mạnh mẽ sẽ đặt toàn bộ tâm tư vào công việc, bận rộn tới mức không muốn kết giao với ai. Họ cho rằng cách này sẽ giúp quên đi những tổn thương và đau khổ, nhưng thực ra, thứ thực sự chi phối họ lao vào công việc, chính là "hành vi thay thế" trong tâm lý học.

 

"Hành vi thay thế?", chính là một người khi gặp phải khó khăn hay trở ngại, họ sẽ từ bỏ mục tiêu ban đầu, thông qua phương pháp hiện thực các mục tiêu khác để lấp đầy khoảng trống bên trong. Hệ quả là cơ hội Thành Công sẽ đến.

 

Cuộc sống "làm ra làm, chơi ra chơi" của người Đức

 

CUỘC SỐNG "LÀM RA LÀM, CHƠI RA CHƠI" CỦA NGƯỜI ĐỨC

Đức là một quốc gia có nền kinh tế đáng ngưỡng mộ. Là cỗ máy kinh tế của EU, Đức không chỉ là nhà sản xuất hàng đầu châu Âu, mà còn từng giúp khu vực này khỏi sụp đổ vào năm 2012. 

 

Sở hữu thành tích đáng nể như vậy nhưng Đức lại là nơi có số giờ làm việc ngắn hơn nhiều so với các nước láng giềng khác. 

Người Đức chỉ phải làm việc 35 tiếng/tuần và còn được cấp 24 ngày nghỉ trong năm, người Đức vẫn có hiệu suất làm việc cao bậc nhất trên thế giới.

Làm hết sức

 

Trong văn hóa làm việc của người Đức, khi đến công ty, nhân viên không nên làm gì khác ngoài tập trung vào công việc của mình. Lướt facebook, nói chuyện phiếm với đồng nghiệp, giả vờ mở trang làm việc khi sếp đi qua… đều được coi là những hành vi không thể chấp nhận được đối với người lao động Đức.

 

Trong bộ phim tài liệu "Hãy biến tôi thành người Đức" của BBC, một người phụ nữ trẻ người Đức đã bị sốc văn hóa khi tới Anh để làm việc. Cô bất ngờ trước sự thoải mái của các đồng nghiệp người Anh.

"Tôi đến văn phòng và nhận thấy mọi người nói chuyện cả buổi về những điều rất riêng tư, chẳng hạn như ‘Tối nay có kế hoạch gì chưa?’. Họ cũng uống cà phê suốt", cô nhớ lại.

Người phụ nữ này cũng cho biết, người Đức không được phép dùng Facebook tại nơi làm việc vì bất kỳ lý do gì. Thậm chí, email riêng tư cũng bị cấm.

 

Chơi hết mình

 

 

Người Đức khi làm việc nghiêm túc như thế đó thì khi nghỉ ngơi họ cũng y như vậy. Cứ hết giờ làm việc, họ sẽ nghỉ ngơi liền một mạch 11 tiếng liên tiếp, không bị quấy rầy bởi công việc.

Trong thời đại công nghệ như ngày nay, sếp hoàn toàn có thể liên lạc với nhân viên bằng smartphone.

Để ngăn chặn điều này, chính phủ Đức đã ban hành luật cấm làm việc hay nhận email liên quan đến công việc sau 6h chiều.

 

Cũng bởi vì môi trường và văn hóa làm việc nghiêm túc này mà người Đức không hay tụ tập đi chơi với nhau sau giờ làm việc. Họ luôn đặt ranh giới rõ ràng giữa cuộc sống riêng tư và công việc.

Trong thời gian rảnh, họ thường đến các câu lạc bộ để gặp gỡ những người cùng sở thích với mình. Người Đức thường đam mê thể thao, ca hát, leo núi, chăm sóc động vật…

Thay vì ngồi xem TV cả đêm, đa phần họ sẽ giao lưu với mọi người trong cộng đồng và cùng nhau học hỏi.

 

Người Đức cũng có số ngày nghỉ phép thuộc nhóm cao nhất châu Âu. Mỗi năm, họ được phép nghỉ 25-30 ngày mà vẫn được trả lương đầy đủ. Nhờ vậy, các gia đình có thể tận hưởng những kỳ nghỉ dài bên nhau, thuê một căn hộ gần biển để nghỉ dưỡng hoặc đi du lịch xa tới một thành phố mới mẻ và hấp dẫn.

 

Thẳng thắn và có mục tiêu

 

Người Đức vốn nói chuyện rất thẳng thắn và rõ ràng. Nếu người Mỹ thường hay nói chuyện phiếm để tạo không khí vui vẻ, người Đức lại ít rất khi vòng vo.

Họ sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với quản lý về chuyện đánh giá năng lực, tham gia xông xáo các cuộc họp, thẳng thắn yêu cầu không phải dùng những từ ngữ văn hoa lịch sự. 

 

Nếu một người Mỹ nói “Tôi sẽ rất vui nếu bạn có thể nộp cái này cho tôi trước 3h” thì người Đức chỉ đơn giản là “Tôi cần cái này trước 3h”.

Khi người Đức làm việc, họ sẽ rất tập trung và chăm chỉ, do đó có thể đạt hiệu suất cao chỉ trong thời gian ngắn.

 

Đúng giờ

 

Người Đức cũng nổi tiếng là luôn đúng giờ. Đối với họ, “đúng giờ” nghĩa là đến sớm 10 phút. Người Đức luôn hoàn thành mọi thứ đúng thời hạn, kể cả những dự án như xây sân bay quốc tế. Trong cuộc sống cá nhân họ cũng vẫn duy trì thói quen này, bằng chứng là các phương tiện công cộng như tàu hỏa, xe buýt, máy bay… ở Đức đều luôn đúng giờ. 

Chính vì thế, việc đến trễ ở quốc gia này được xem như một hành động thiếu tôn trọng và kém lịch sự.

 

Tôn trọng quyền làm cha mẹ

 

Đức là một trong những quốc gia phát triển có nhiều chính sách hỗ trợ các bậc phụ huynh nhất. Trong thời gian người mẹ nghỉ thai sản, cả cha và mẹ đều có thể nhận được rất nhiều các phúc lợi, giúp họ có thể yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trước và sau khi đi làm trở lại.

 

Bất kỳ ai có hợp đồng lao động trên 12 tháng đều được hưởng phúc lợi này, bao gồm việc được nghỉ phép tới 3 năm để ở nhà chăm con, chỉ cần họ cam kết đi làm trở lại sau khi nghỉ.

Trong 3 năm này, họ sẽ được nhận lương 1 năm và được phép làm bán thời gian lên tới 30 giờ đồng hồ.

 

Thêm vào đó, để duy trì hợp đồng của người lao động, chính phủ sẽ trả 67% tiền lương của người lao động (khoảng 1800 EUR/tháng ~ 41 triệu đồng) trong vòng 14 tháng của kỳ nghỉ. Cha mẹ có thể chia 14 tháng này một cách tùy ý. Ngay cả những cặp đôi đồng tính cũng được hưởng quyền lợi này.

 

Theo Huffpost