Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

7 triết lý sống của Thiền sư Thích Nhật Hạnh

 

7 TRIẾT LÝ SỐNG CỦA THIỀN SƯ THÍCH NHẬT HẠNH

 

7 bài học sâu sắc từ thiền sư Thích Nhất Hạnh giúp hàng triệu người thay đổi quan niệm sống, tìm được sự bình an và ý nghĩa thực sự của cuộc đời.

 

1. Đổ lỗi không có ích gì.

Thấu hiểu là cách để chúng ta đi về phía trước, bạn trồng cây, nhưng cái cây không thể tươi tốt. Bạn có thể tìm ra các lý do cho điều đó như: quá ít phân bón, thiếu nước tưới hay thiếu ánh sáng... Nhưng bạn không bao giờ đổ lỗi cho cho cái cây.

 

Tuy nhiên, khi có vấn đề với bạn bè hay gia đình, chúng ta thường có xu hướng đổ lỗi cho đối phương. Đổ lỗi cho người khác không bao giờ có tác động tích cực, dù cho bạn có lập luận hay đến thế nào. Nếu bạn biết cách chăm sóc các mối quan hệ như chăm sóc cây nhỏ, cuộc sống của bạn cũng trở nên tốt đẹp hơn.

 

Kinh nghiệm của tôi là không đổ lỗi, không lý luận, không tranh cãi, chỉ có thấu hiểu. Thấu hiểu cũng chính là tên gọi khác của sự yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu và cảm thông cho người khác, bạn cũng sẽ chẳng yêu thương được chính mình.

 

2. Tất cả cảm xúc, trải nghiệm đều xứng đáng được hoan nghênh

Các cảm xúc từ yêu thương đến cáu giận đều xứng đáng được hoan nghênh, công nhận và đối xử bình đẳng. Bởi chúng đều thể hiện chính bản thân ta.

Trái quýt ngọt tôi đang ăn là tôi. Cây ớt cay tôi đang trồng với cả tấm lòng cũng là tôi. Tôi rửa những chiếc chén này với sự nâng niu nhiều nhất. Mọi thứ đều bình đẳng và xứng đáng nhận được sự chú ý như nhau.

Trong chánh niệm, từ bi, cáu giận, việc trồng một cái cây hay rửa những chiếc chén đều bình đẳng như nhau và rất thiêng liêng.

 

3. Quá khứ cho bạn nhiều bài học, nhưng hiện tại mới là nơi bạn đang sống

Sống ở đây, bây giờ không có nghĩa là bạn không bao giờ nhớ lại quá khứ hay không có trách nhiệm với tương lai.

Ý tưởng đơn giản của chánh niệm là không cho phép bản thân lạc lối trong sự nuối tiếc quá khứ hay quá lo lắng về tương lai. Quá khứ có thể cho bạn nhiều kinh nghiệm nhưng cuộc sống của bạn là giây phút hiện tại.

 

4. Tình yêu đích thực là sự hiểu biết về người khác

Chúng ta thực sự phải hiểu đối tượng mà chúng ta yêu. Nếu tình yêu chỉ là ý muốn sở hữu, đó không phải là tình yêu. Nếu chúng ta chỉ nghĩ về bản thân, nếu chúng ta chỉ biết đến nhu cầu riêng và bỏ qua mong muốn của đối phương, chúng ta không thể yêu thật lòng.

Chúng ta phải có cái nhìn sâu sắc để thấy và hiểu được ý muốn, sự đau khổ, hạnh phúc của người mà ta yêu thương.

Đó là nền tảng của tình yêu đích thực. Khi đã thấu hiểu đối phương, bạn không thể không yêu thương người đó.

 

5. Bạn đẹp nhất khi là chính mình

Chỉ khi là chính mình, bạn mới thực sự đẹp nhất. Vẻ đẹp đó không cần sự công nhận của người khác, chỉ cần bạn công nhận chính mình.

Nếu được sinh ra là một bông sen, hãy là đóa sen tuyệt đẹp, chứ đừng cố gắng trở thành một bông mộc lan.

Nếu bạn khao khát sự chấp nhận và cố gắng thay đổi để phù hợp với ý muốn của người khác, bạn sẽ phải chịu đựng đau khổ suốt cuộc đời.

 

6. Đừng sợ hãi sự đau khổ

Đừng tránh tiếp xúc với sự đau khổ. Đừng đánh mất nhận thực về sự tồn tại của khổ đau trong cuộc đời.

Đến bên cạnh những số phận bất hạnh bằng mọi cách bạn có thể sẽ giúp thức tỉnh bản thân bạn và nhiều người khác về sự khổ đau trên thế giới này.

Chỉ khi nhận thức và thấu hiểu được sự đau khổ, chúng ta mới có thể giúp đỡ được những người bất hạnh.

 

7. Lo lắng quá nhiều về tương lai khiến bạn bỏ lỡ hạnh phúc hiện tại

Chúng ta liên tục suy đoán, mơ ước, lên kế hoạch cho "điều kiện hạnh phúc" trong tương lai. Chúng ta liên tục theo đuổi tương lai, ngay cả trong giấc ngủ.

Đó là một trong những thói quen tiêu cực của tinh thần mà nhiều người thường xuyên lặp lại.

Lo lắng vì những điều chưa tới khiến chúng ta bỏ lỡ hiện tại và dường như không bao giờ cảm thấy hạnh phúc thực sự.

 

ST

 

Thứ Bảy, 16 tháng 12, 2023

Ông tổ của ngành di truyền học

 

ÔNG TỔ CỦA NGÀNH DI TRUYỀN HỌC

 

Nhân loại đã và đang chứng kiến những thành tựu to lớn của sinh học nói chung và di truyền học nói riêng. Có lẽ, bất kỳ ai quan tâm đến sinh học hay từng được học thời phổ thông đều nhớ đến Gregor Johann Mendel, ông tổ của ngành di truyền học. Quy luật di truyền của ông đã và đang là nền tảng cho công nghệ sinh học ngày nay.

 

Vào thời của ông, người ta chưa nhận thức được tầm quan trọng và giá trị to lớn mà những nghiên cứu của Mendel mang lại cho nhân loại. Trong con mắt mọi người thời đó, ông chỉ là một tu sĩ vô danh, một người làm khoa học nghiệp dư.

Nhưng những đánh giá chưa đúng của giới khoa học khi đó không khiến Mendel dừng công việc nghiên cứu. Ông vẫn lặng thầm tìm tòi, khám phá như thể một nhu cầu tự thân vậy.

 

Năm 18 tuổi, Mendel tốt nghiệp trung học vào loại xuất sắc và được cử đi học triết học. 3 năm sau, ông phải bỏ dở việc học vì gia đình quá nghèo và xin vào làm ở Tu viện Augustinian tại thành phố Brunn (nay là Brno, Cộng hòa Séc).

 

Năm 1847, Mendel được Nhà thờ phong làm giáo sĩ và 2 năm sau, ông được cử dạy môn Toán và tiếng Hy Lạp tại tu viện.

 

Năm 1851, ông trở lại học Toán, Lý, Hóa, Động vật học và Thực vật học tại Trường Đại học Tổng hợp Viên. Năm 1853, sau khi tốt nghiệp, Mendel quay trở về sống trong tu viện Augustinian và dạy học ở Trường Cao đẳng Thực hành của thành phố.

 

Với vốn kiến thức vững vàng về khoa học, Mendel đã chuyên tâm vào việc nghiên cứu. Lĩnh vực mà ông đặc biệt quan tâm và dành nhiều thời gian nghiên cứu là khoa học sinh vật.

 

Năm 1856, ông bắt đầu làm những thí nghiệm công phu trên đậu Hà Lan. Mendel nhận thấy cây đậu Hà Lan có cấu tạo hoa đặc biệt, che chở cho phấn các nhị không vương vãi ra ngoài. Do đó, khi cần để hoa tự thụ phấn hay lấy phấn hoa này thụ phấn cho hoa khác đều rất dễ dàng và bảo đảm, cho biết chính xác cây bố, cây mẹ.

 

Trong suốt 8 năm (1856-1863), Mendel đã tiến hành thực nghiệm trên khoảng 37.000 cây đậu và 300.000 hạt đậu. Ông đã chứng minh sự di truyền do các nhân tố di truyền (ngày nay gọi là gene).

 

Năm 1865, Mendel mang kết quả này trình bày tại Hội Khoa học Tự nhiên thành phố Brunn và một năm sau, các kết quả về di truyền này được công bố trên tập san của Hội dưới tiêu đề “Một số thực nghiệm lai thực vật”.

Nhưng khi đó, mọi người đều cho rằng, các giả thuyết về di truyền đương thời thì vô cùng phức tạp, trong khi thí nghiệm của Mendel lại “quá giản dị”. Do vậy, công trình nghiên cứu của ông bị chìm trong quên lãng.

Mặc dù vậy, ông vẫn miệt mài vừa dạy học vừa truyền đạo và tiếp tục làm thực nghiệm trong vườn của tu viện.

 

Năm 1868, Mendel được phong chức Tổng Giám mục và được cử làm Giám đốc Tu viện vào năm 1879. Ông còn là người sáng lập Hội Nghiên cứu Thiên nhiên và Hội Khí tượng học của thành phố Brunn.

 

Ngày 6/1/1884, Mendel qua đời tại thành phố Brno, Cộng hòa Séc, thọ 62 tuổi. Mãi 6 năm sau khi Mendel qua đời, các nghiên cứu quý giá của ông mới được nhân loại biết tới, thông qua các nghiên cứu độc lập nhưng cùng một lúc vào năm 1900 của 3 nhà khoa học ở 3 nước khác nhau là: Hugo Marie de Vries ở Hà Lan, Carl Correns ở Đức và Erich Tschermark của Áo.

 

Tuy công trình nghiên cứu về di truyền học của Mendel được công nhận khá muộn màng, nhưng ngày nay các nhà khoa học vẫn xem năm 1900 là “mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của ngành di truyền học” và Mendel vẫn là “Ông tổ của ngành di truyền học”.

 

Hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, di truyền học đã có một bước tiến nổi bật, giúp cho sinh học trở thành một trong mũi nhọn của khoa học hiện đại cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Công nghệ di truyền, Công nghệ tế bào, Công nghệ vi sinh vật, Công nghệ enzym/protein.

 

Đó là kỹ thuật nhân bản vô tính để tạo ra cừu Dolly của Wilmut (năm 1997), thành công của Đề án giải mã bộ gene người (năm 2001) và gần đây nhất là việc ứng dụng các tế bào gốc để mong muốn điều trị nhiều bệnh lý hiểm nghèo.

 

Tất cả đều khởi nguồn từ các thí nghiệm lai tạo đậu Hà Lan cách đây gần 160 năm của Gregor Mendel.

 

Ảnh: "Cha đẻ" ngành di truyền học Gregor Mendel

Mối quan hệ giữa người với người là khó giải quyết nhất

 

MỐI QUAN HỆ GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI LÀ KHÓ GIẢI QUYẾT NHẤT

 

“Cuộc sống luôn cần có tình bạn, nhưng có được tình bạn thực sự lại không dễ. Mỗi một mối quan hệ đều yêu cầu ta phải gieo giống bằng trung thành, tưới tắm bằng nhiệt tình, vun vén bằng nguyên tắc

 

Thời gian khiến chúng ta gặp gỡ rất nhiều người, kết giao rất nhiều bạn. Bản chất của việc kết bạn không hề khó, cái khó nhất là cách để duy trì các mối quan hệ đó.

Cho dù mối quan hệ tốt đẹp đến đâu, tuyệt đối đừng bỏ qua 3 quy tắc bất thành văn này trong việc đối nhân xử thế hàng ngày.

 

Quy tắc 1: Đừng ỷ quan hệ tốt mà phá vỡ giới hạn

Tất cả các mối quan hệ đều có một giới hạn xác định không được phép vượt qua. Một khi mọi thứ đi quá giới hạn, đó cũng là khởi đầu của những rắc rối không dứt.

Dù thân thiết đến mấy thì giữa người khác phái với nhau vẫn cần có một giới hạn rõ ràng.

 

Giới hạn này giúp bạn duy trì khoảng cách và ứng xử từ lời nói tới việc làm một cách thích hợp. Giống như cách nói của cổ nhân: “Quân tử chi giao, đạm nhược thủy”, có nghĩa là, tình cảm giao hảo của người quân tử chỉ cần nhạt như nước là được.

 

Một mối quan hệ thực sự vừa phải đem lại cảm giác tự tại, thoải mái khi ở bên, vừa phải xác lập được giới hạn rõ ràng. Có như vậy, mối quan hệ đó mới kéo dài lâu bền.

Có người nói “Sống trên đời, hãy đột phá giới hạn của bản thân, đừng đột phá giới hạn của người khác".

 

Quy tắc 2: Đừng ỷ vào quan hệ tốt mà nói năng khắc nghiệt

Nếu 10 người được hỏi rằng: “Bạn từng nghe những lời động chạm nhất từ ai?”, có tới 6 - 7 người đưa ra đáp án đến từ những người thân thiết nhất, có thể là gia đình, người yêu, bạn thân...

 

Trong hiện thực, rất nhiều người dùng danh nghĩa “thân thiết thì nói đùa thôi mà” để ngụy trang cho những lời nói làm tổn thương bạn bè, người thân của chính mình, chẳng hạn như là:

“Bộ quần áo cậu mới mua xấu thế, gu thẩm mỹ kém quá!”

“Dạo này ăn gì mà béo vậy?”

“Sao mặt mũi lắm mụn thế, trông sợ quá đi.”

Kỳ thật, từ bạn tốt trở thành người xa lạ cũng chỉ bằng vài câu nói bình phẩm vu vơ vậy thôi.

Người nói sẽ cảm thấy đùa giỡn vui vẻ, người nghe lại nhận cảm giác tổn thương, xấu hổ và tự ti. Chính vì càng thân thiết, những lời nói ra lại càng khiến người khác đau lòng.

 

Hãy nhớ rằng, một người trưởng thành có phẩm đức sẽ không bao giờ cố tình hay vô ý chọc vào vết thương của người khác, lại càng không lấy điểm yếu của bạn bè xung quanh ra trêu đùa.

 

Muốn cải thiện mối quan hệ chính là thấu hiểu. Chỉ có thấu hiểu bản thân và thấu hiểu người khác là tiền đề quan trọng nhất.

 

Quy tắc 3: Đừng ỷ vào quan hệ tốt mà đánh mất lễ tiết

Thường càng có mối quan hệ thân thiết, chúng ta lại càng dễ đánh mất lễ tiết trong giao tiếp thường ngày.

Với người lạ, chúng ta tươi cười đón chào, niềm nở lịch thiệp. Còn với bạn bè, người thân, chúng ta trở nên nóng nảy, bộp chộp, to tiếng, cự cãi…

 

Vì thân thiết, chúng ta tự cho mình là đúng khi nói năng, phán xét hay hành động mà không giữ đúng lễ tiết của bản thân, trở nên vô cùng bất lịch sự. Đến cuối cùng, cảm tình ngày một hao mòn mà bản thân không tự nhận ra.

 

Câu nói “Tiên học lễ, hậu học văn” cũng không hề xa lạ với bất cứ ai. Lễ tiết ở đây chính là phong độ, trực tiếp tác động tới tiền đồ, số phận và tương lai của mỗi người, có khả năng dẫn dắt và cải thiện đường đời.

Lễ tiết làm cho cuộc sống trở nên sống động và phát triển.

 

Đúng như lời nhà Xã hội học người Ý - Piriano đã từng nói:

“Lễ nghi giao tiếp góp phần tạo dựng hình tượng, thể hiện tính cách con người, ai không biết hoặc biết mà không vận dụng là sơ suất đáng kể trong môi trường giao tiếp.

Ngược lại nếu ai nhận biết và vận dụng linh hoạt từng chi tiết nhỏ nhặt trong lễ nghi xã giao, tức là thích ứng với những yêu cầu cơ bản trong mối quan hệ ứng xử giữa người với người, thì sẽ tạo ra nhiều cơ may quý báu cho cuộc đời và sự nghiệp của mình.”

 

Triết gia Marcus Tullius Cicero đã nhận xét: “Sự lịch sự là tấm gương phản chiếu chân dung rõ ràng nhất của một người.”

 

Tình cảm con người nói dài thì rất dài, nói ngắn cũng có thể rất ngắn. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta đối xử và giữ gìn nó như thế nào.

Tuy rằng, sau khi trưởng thành, rất ít trường hợp kết giao đều vô tư và không vụ lợi nhưng bất kể xuất phát từ mục đích gì, chỉ cần chúng ta dùng sự chân thành để ươm mầm, vun vén và quan tâm, nhất định mối quan hệ đó sẽ sớm ngày trưởng thành bền lâu vững chắc.

 

ST