Thứ Bảy, 25 tháng 11, 2023

Trần Đại Nghĩa một lòng vì nước vì dân

 

TRẦN ĐẠI NGHĨA MỘT LÒNG VÌ NƯỚC VÌ DÂN

Người ôm mộng hải hồ


Trần Đại Nghĩa tên thật là Phạm Quang Lễ, sinh ngày 13/9/1913 tại xã Chánh Hiệp, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long. Cha là ông giáo Phạm Văn Mùi, mẹ là bà Lý Thị Diệu. Gia đình nghèo khổ, năm lên 6 tuổi thì cha qua đời với lời trăn trối “...phải lo học hành đến nơi đến chốn… phải biết mang hiểu biết của mình giúp ích cho đời”. Người chị gái là Phạm Thị Nhẫn đã phải nghỉ học, tần tảo nuôi nấng cho em ăn học.

Thời đó, học trò nghèo mà được gia đình cho ăn học là rất hiếm. Cuộc sống rất nghèo đói, tù túng.


Ở lớp tiểu học, Lễ học giỏi nhiều môn, đặc biệt là môn toán, lý hóa, cơ học.

Năm 1926, Lễ thi đỗ hạng ưu vào trường Trung học đệ nhất cấp Mỹ Tho, được nhận học bổng trong 4 năm học (1926 – 1930).

Năm 1930, Lễ thi đỗ vào Trường Petrus Ký (nay là Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM) và được học bổng liên tục 3 năm liền.

Bạn đồng học với Lễ tại trường có các học sinh Phạm Văn Thiện (tức Phạm Hùng), Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Tấn Ghi Trọng…là những học trò xuất sắc của khoá học.

Đến 1933, Lễ thi đậu loại giỏi bằng tú tài Tây và tú tài ta, được học bổng đi Hà Nội, nhưng Lễ không đi vì ở Việt Nam không có trường cũng như tài liệu dạy về vũ khí. Sau 2 năm đi làm ở Toà sứ Mỹ Tho, Phạm Quang Lễ gặp nhà báo Dương Quang Ngưu (1897-1938) - một Việt kiều Pháp yêu nước làm việc ở Toà bố Mỹ Tho.

Dương Quang Ngưu biết Lễ có tư chất thông minh hiếm có đã vận động Hội Ái Hữu trường Chasseloup Laubat cấp một năm học bổng đi du học tại Paris. Học bổng này là của Hội Phụ huynh học sinh người Pháp và người Việt có quốc tịch Pháp mới được cấp.

Ngày 5/9/1933 Phạm Quang Lễ xuống tàu tại bến Nhà Rồng bắt đầu xa quê hương, xa mẹ và chị gái ở Trà Ôn để sang Pháp du học. Tiếp tục học lên, nắm vững những tri thức khoa học quan trọng để về giúp nước, giúp đời là ý chí và lòng ham muốn cuả người học trò giỏi đó khi từ Nam Bộ sang Paris.


Từ Marseille, Lễ đến Paris trên một chiếc tàu hoả tốc hành. Vì học bổng của Trường Chasseloup Laubat chỉ cấp cho 1 năm, để có đủ tiền cho 2 năm đại học, Lễ phải nhảy vào học năm thứ hai, ở nhà trọ, tìm sách tự học năm thứ nhất và dồn sức làm 16 tiếng/ngày kiếm tiền trang trải.

Quyết chí học rút 2 năm làm một, để chỉ 1 năm thôi là Lễ đã đủ điều kiện vào trường Đại học tại Paris.

 

 

Cuối năm 1936, Phạm Quang Lễ thi đậu vào Trường Quốc gia cầu cống và được học bổng tiếp. Anh học thêm các trường Đại học Sorbonne, Hàng không… và lần lượt tốt nghiệp kỹ sư và cử nhân toán học tại các trường: Đại học Bách khoa Paris, Đại học Mỏ, Đại học Điện, Đại học Sorbonne, Đại học Cầu đường Paris.


Ít ai biết rằng, từ nhỏ Phạm Quang Lễ đã nuôi mộng… chế tạo vũ khí. Những cuộc khởi nghĩa trước đó thất bại phần lớn là do vũ khí quá thô sơ. Vì thế, Phạm Quang Lễ tìm cơ hội xuất dương để thực hiện hoài bão nghiên cứu và chế tạo vũ khí.


Nhưng đó là việc vô cùng khó khăn, như sau này ông kể lại: “Công việc chẳng phải là giản đơn. Không một nước nào trên thế giới lại ngớ ngẩn công bố các tài liệu kỹ thuật quân sự.

Đế quốc Pháp đâu phải là điên đến mức để cho một người Việt Nam, kể cả những kẻ đã vào “làng Tây”, được đến học ở các trường dạy về vũ khí hay vào làm ở các viện nghiên cứu, các nhà máy sản xuất vũ khí. Vì thế, trong 11 năm đằng đẵng ấy, tôi chỉ có thể mò mẫm tự học một cách âm thầm, đơn độc và bí mật hoàn toàn...”.

 

Phạm Quang Lễ đã tự học bằng cách lân la làm quen với người thủ thư, để cứ mỗi sáng thứ 6, anh viết những cuốn sách muốn mượn đưa cho người thủ thư, chiều đến nhận sách và trong 2 ngày phải đọc xong, sáng thứ hai phải trả lại thư viện để không bị phát hiện.

Vì thế, suốt bao năm ở nước ngoài mà Phạm Quang Lễ chẳng biết gì đến nhảy đầm, rượu tây, cứ rảnh là sách và sách. Trung bình cứ 20.000 tên sách mới chọn được một cuốn có liên quan đến vũ khí.


Trong số hơn một triệu tên sách ở thư viện, chỉ nhặt ra được 50 cuốn! Khó khăn như vậy nhưng cuối cùng, sau 11 năm tìm kiếm, Lễ đã có trong tay hơn 30.000 trang tài liệu về vũ khí nằm trong 1 tấn sách của mình.


Năm 1942, để thực hành những gì mình đã học, Phạm Quang Lễ sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay Halle ở miền Trung nước Đức và Viện nghiên cứu vũ khí. Kỹ thuật hàng không của Đức lúc bây giờ là tiến bộ nhất châu Âu.

Mấy tháng sau, thấy không phù hợp, Lễ trở lại Paris làm cho công ty Sud Avion. Chỉ một thời gian ngắn sau thì máy bay quân Đồng minh đã oanh tạc tan tành xưởng máy bay Halle.


Nhờ ham học, Phạm Quang Lễ thông thạo các ngoại ngữ Pháp, Đức, Anh, Nga, Trung Quốc. Cách học ngoại ngữ của ông cũng lạ, khi muốn nghiên cứu sách quân sự Đức, ông hỏi anh bạn người Đức: “Biết được bao nhiêu chữ thì có thể đọc được sách quân sự bằng tiếng Đức?”, anh bạn trả lời: “Khoảng 4.000 chữ”. Thế là Lễ mua quyển từ điển Đức- Pháp khoảng 10.000 chữ và học thuộc lòng, đến lúc nhớ khoảng 40% là đọc sách quân sự bằng tiếng Đức được rồi. Cách học ấy cũng được anh áp dụng đọc sách triết học, quân sự của các nước khác.


Những chuyện chưa biết về giáo sư viện sĩ do Bác Hồ đặt tên


Từ năm 1936, sinh viên Phạm Quang Lễ đã được nghe biết đến tên tuổi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.

Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng phái đoàn đàm phán do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn qua Pháp thương thuyết với Bộ trưởng Thuộc địa Marius Moute. Phạm Quang Lễ nhờ ông Hoàng Xuân Mạn (em của GS Hoàng Xuân Hãn) giới thiệu với ông Phạm Văn Đồng trình bày ý nguyện hồi hương cứu quốc.

Sau đó Lễ cùng các Việt kiều yêu nước hội kiến Hồ Chủ tịch.


Bác hỏi: “Nguyện vọng của chú lúc này là gì?”, Lễ trả lời rất nhanh: “Kính thưa Cụ, nguyện vọng cao nhất của tôi là được trở về Tổ quốc cống hiến hết năng lực và tinh thần”. Bác nói rõ tình hình trong nước rất khó khăn và hỏi có chịu khổ nổi không, anh trả lời “Tôi chịu nổi”. Bác lại nói ở bên nhà không có kỹ sư và công nhân vũ khí, máy móc thiếu, liệu có làm được không? anh đáp chắc như đinh đóng cột “Tôi làm được”.

Và anh quyết định từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord với đồng lương tương đương 22 lạng vàng một tháng để theo Bác Hồ về nước.

Cùng về còn có hai trí thức trẻ là bác sĩ Trần Hữu Tước và Võ Quý Huân. Anh được kề cận Bác Hồ 102 ngày: 62 ngày tại Paris và 40 ngày lênh đênh trên biển.


Ngày 20/10/1946, chiến hạm Dumont de Urville đưa Hồ Chủ tịch và đoàn tuỳ tùng cập bến Hải Phòng.

Về nước được 7 ngày, Phạm Quang Lễ được Bác trực tiếp giao nhiệm vụ lên Thái Nguyên nghiên cứu chế tạo súng chống tăng dựa theo mẫu bazôca của Mỹ, với hai viên đạn do Thứ trưởng Bộ Quốc phòng là GS Tạ Quang Bửu cung cấp.

Lúc này về vũ khí, ngành quân giới của ta chưa biết gì nhiều. Đồng chí Võ Nguyên Giáp nói: “Nghe tin anh về, anh em bên này mừng lắm!”. Con át chủ bài về vũ khí của Pháp là máy bay và xe tăng, mà chúng biết rất rõ rằng chúng ta chưa hề có súng chống tăng.


Ngày 5/12/1946, Bác Hồ giao cho Phạm Quang Lễ làm cục trưởng Cục Quân giới, đơn vị trực tiếp sản xuất súng đạn phục vụ chiến đấu. Bác nói: “Việc của chú làm đây là việc đại nghĩa, vì thế từ nay Bác đặt tên cho chú là Trần Đại Nghĩa. Dùng bí danh này để giữ bí mật cho chú và để bảo vệ gia đình, bà con chú còn ở trong Nam”.

Bác giải thích ý nghĩa cái tên: “Một là họ Trần, là họ của danh tướng Trần Hưng Đạo. Hai là, Đại Nghĩa là nghĩa lớn để chú nhớ đến nhiệm vụ của mình với nhân dân, với đất nuớc. Đại Nghĩa còn là chữ của Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo.

Chú có ưng bí danh đó không?”. Từ đó cái tên Trần Đại Nghĩa đã gắn với ông trọn đời.

Cùng các cộng sự, Trần Đại Nghĩa bắt tay vào công việc ngay từ tháng 11/1946. Ông say mê làm việc đến quên ăn, quên ngủ. Nhiều đêm ông chỉ mong cho trời chóng sáng để làm việc, nghiên cứu, thử nghiệm.

Song công việc không hề dễ dàng. Ông chỉ đạo xưởng Giang Tiên sản xuất thành công một khẩu súng Bazôca 60mm và 50 quả đạn. Khi bắn thử, đạn nổ nhưng chưa xuyên.

Đạn Bazôca của Mỹ được nhồi bằng thuốc phóng, còn ta chỉ có loại thuốc súng lấy được từ bom đạn của Pháp. Tất cả đều phải tính toán lại từ đầu và phải hiểu được những nguyên lý cơ bản về thuốc phóng, thuốc nổ.

Những kiến thức sách vở 11 năm thu lượm xứ người bắt đầu phát huy tác dụng, phải làm lại từ đầu. Đáng tiếc là gần 1 tấn sách tài liệu về vũ khí của Trần Đại Nghĩa chuyển về nước bị thất lạc.


Bằng trí nhớ của mình, ông cố gắng moi tất cả những kiến thức về vũ khí để kết nối, tính toán lại. Hình ảnh người kỹ sư miệt mài tính toán tốc độ cháy, đốt thử các loại thuốc súng, ngày đêm với cây thước tính trong tay... đã trở nên quá đỗi quen thuộc với các cán bộ chiến khu. Chỉ một sai sót nhỏ sẽ phải trả giá bằng xương thịt của chiến sĩ nơi trận mạc, vì thế trách nhiệm càng đè nặng lên vai anh.


Những cán bộ chiến khu sau này kể lại, họ rất... sợ khi đi qua phòng Trần Đại Nghĩa vì đó là nơi rất nguy hiểm.

Trong căn phòng chứa đầy thuốc nổ đủ loại, chỗ nào cũng thấy ngổn ngang bao tải thuốc nổ, trên mặt bàn làm việc la liệt các loại đạn Bazôca, quả đang nghiên cứu, quả đã nhồi xong, quả thì chưa nhồi, rồi thì hạt nổ... Kỹ sư lại có thói quen... hút thuốc mỗi lúc tư duy. Rõ ràng tai hoạ luôn rình rập.

 

Cuối cùng, điều kì diệu đã đến. Cuối tháng 2/1947, cuộc thử nghiệm Bazôca thành công. Mức đâm xuyên của đạn vừa chế tạo đạt độ sâu 75cm trên tường thành xây gạch tương đương với sức nổ xuyên của đạn Bazôca do Mỹ chế tạo.


Đêm 2/3/1947, Chánh Văn phòng Bộ Quốc phòng Phan Mỹ giao nhiệm vụ cho Cục Quân giới sản xuất cấp tốc đạn Bazôca để cản phá cuộc hành quân của Pháp. Chúng ta đã vây Pháp hơn 2 tháng ở Hà Nội và giờ chúng đang tìm cách thoát ra.

Ông Phan Mỹ yêu cầu: “Các đồng chí đã bắn thử Bazôca thành công, tuy chưa chắc chắn lắm nhưng tình hình lúc này rất cấp bách.

Sáng mai quân Pháp có khả năng chọc thủng mặt trận Cầu Mới - Hà Đông. Đề nghị anh Nghĩa cho nhồi gấp đạn Bazôca ngay trong đêm để kịp mang đến cho đồng chí Vương Thừa Vũ trong ngày mai.

 

Anh Vũ đang bảo vệ Bác Hồ và Chính phủ ở Quốc Oai, Hà Tây”. Tất cả lực lượng của Cục đều được huy động nhồi thuốc, lắp đạn. Cật lực suốt đêm, đến 3 giờ sáng thì tổ nghiên cứu của Trần Đại Nghĩa cùng anh em trong cơ quan Cục Quân giới nhồi lắp được 5 quả đạn mang mã hiệu B60, kèm 1 quả đạn khói, 1 súng Mỹ cải tiến đưa ra mặt trận.


Sáng 3/3/1947, máy bay Pháp bắt đầu quần đảo nhằm yểm trợ cho xe tăng, cơ giới của địch đánh chiếm thị xã Hà Đông. Quân ta bố trí dọc đê. Tại chùa Trầm, quân Pháp sử dụng 4 chiếc xe tăng mở đường, bên ta chỉ có đúng 5 viên đạn để bắn. Viên đầu tiên bắn ra, chiếc xe tăng đi đầu bốc cháy ngùn ngụt, chiếc thứ 2 cũng bị đạn bắn hỏng.

Cả đoàn xe địch khựng lại, hỗn loạn rồi thối lui. Sự xuất hiện của một loại vũ khí mới đã khiến chúng bất ngờ và hoang mang.

Ngày 3/3/1947 đã trở thành một mốc son của ngành Quân giới Việt Nam trong việc chế tạo khí tài, súng đạn. Chiến công này góp phần bẻ gẫy cuộc tấn công của địch ra vùng Chương Mỹ, Quốc Oai.


Sau việc sản xuất súng đạn Bazôca thành công, cục Quân giới chuyển lên Việt Bắc và tiếp tục sản xuất hàng loại súng này. Vũ khí của ta lúc này rất hiếm, riêng Bazôca là loại vũ khí quí.

Bazôca xuất hiện lần đầu tiên trên thể giới vào Thế chiến 2, năm 1943, đã trở thành vũ khí đáng sợ đối với nhiều đơn vị quân đội. Tuy nhiên việc một đất nước vừa thoát khỏi cảnh thuộc địa và nửa phong kiến như nước ta đã chế tạo thành công loại vũ khí hiện đại này, thật như huyền thoại và là điều không ngờ của địch.


Bộ đội sau khi được trang bị nhiều súng Bazôca đa có nhiều sáng tạo trong chiến đấu. Nếu trước kia Bazôca chỉ nhắm vào các loại xe tăng, thiết giáp thì sau này, bộ đội còn sử dụng để bắn ôtô, lô cốt, dùng thay thế lựu đạn ở những nơi đối phương tập trung đông.

Đạn Bazôca có tầm xa tới 600m, phạm vi sát thương tới 50m, nhưng không làm hỏng vũ khí đối phương. Vì vậy chúng ta đã tịch thu được nhiều súng đạn của giặc sau mỗi trận thắng. Từ khi đưa vào sử dụng, Bazôca đã gây cho địch nhiều tổn thất rất lớn.

Từ các mặt trận, thư của chiến sĩ gửi về ngành quân giới tới tấp. Những người lính trực tiếp chiến đấu đã có nhiều phản hồi giúp kỹ sư hoàn thiện hơn loại vũ khí này. Súng Bazôca đã trở thành nỗi kinh hoàng của kẻ địch, nhưng vẫn còn những hạn chế, chẳng hạn như tầm bắn chưa tốt, nếu bắn cách xa 100m thì sức phá sẽ kém đi...

Chiến sự ngày ác liệt, ngoài Bazôca chiến trường cần phải có thêm vũ khí hạng nặng. Trần Đại Nghĩa lại đêm ngày nghiên cứu. Tiếp đó là súng SKZ (súng không giật) ra đời. Loại này mạnh hơn Bazôca, đó là loại súng rất nhẹ (chỉ 20kg), đầu đạn lõm cỡ 160mm, dùng để bắn vào những pháo đài kiên cố của địch, đầu đạn xuyên thủng các bức tường lô cốt bêtông dày 600-1.000mm.


Chỉ sau SKZ của Mỹ mấy năm, SKZ Việt Nam xuất hiện lần đầu trong trận Phố Lu, đánh phá tan tành các lô cốt địch.


Sau này, trong cuốn “Chiến tranh Đông Dương” xuất bản tại Paris năm 1963, ký giả Lucien Bodart viết: “Cái thứ gây khó khăn cho chúng tôi, cái thứ xuyên thủng bêtông dày 60cm là những quả đạn SKZ. Chỉ cần vài quả là đã tiêu diệt được lôcốt của chúng tôi”. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Cục Quân giới chuyển vào chiến trường 10 khẩu SKZ và 100 quả đạn. Số súng đạn này đã góp phần giúp chiến sĩ hạ gục nhiều đồn bốt địch.


Năm 1948, Trần Đại Nghĩa được phong quân hàm Thiếu tướng, trở thành một trong 10 vị tướng đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Võ Nguyên Giáp là đại tướng, Nguyễn Bình là trung tướng, còn Trần Đại Nghĩa cùng Nguyễn Sơn, Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình, Lê Thiết Hùng, Chu Văn Tấn, Hoàng Văn Thái, Hoàng Sâm đều là thiếu tướng. Khi ấy Trần Đại Nghĩa mới 35 tuổi.


Đời tư của “cụ Nghĩa lơ đễnh”

 
Bà Nguyễn Thị Khánh bâng khuâng nhớ lại những ngày làm công tác quân y tại Cục quân giới do “cụ Nghĩa” làm cục trưởng. Cô y tá xinh đẹp ngày ấy tuy có nghe về tài năng của sếp mình, nhưng trong mắt cô “cụ ta” là một người lùi xùi, quần áo lôi thôi, không có gì “bắt mắt” lại lớn hơn cô cả con giáp.

Hồi đó Cục quân giới đóng trên đồi, phía dưới là trường lục quân của ông Hoàng Đạo Thúy. Để chống quân Pháp nhảy dù, Trần Đại Nghĩa hiến kế là cắm cọc nhọn ở các khu đất trống xung quanh. Không ngờ có lần chính cục trưởng Nghĩa bị va trúng cọc và người chăm sóc băng bó là cô Khánh.

 

Bà Khánh nhớ, đến một hôm người chị cùng đơn vị bảo Khánh: “Hình như ông Nghĩa để ý mày đấy”. Mọi người vun vào, rồi chuyện gì đến phải đến, một lễ cưới đơn sơ được tổ chức trong chiến khu. Bà Khánh kể rằng “Ông cục phó Xuân có bảo anh Nghĩa là viết thư báo tin vui cho Cụ Hồ và tướng Giáp để kiếm…ít quà làm đám cưới. Nhưng anh Nghĩa gạt đi, nói “Người ta bận trăm công ngàn việc, chuyện nhỏ thì chớ có quấy rầy”.

Tiệc đãi khách là những trái mắc cọoc do cục trưởng Nghĩa vét túi đi mua. Khách mời phải góp tiền lại để nấu một bữa cơm liên hoan.


Trong chiến khu, do điều kiện sống khó khăn, đứa con đầu lòng của hai người đã qua đời vì thiếu sữa, đứa con thứ hai đẻ rơi khi người mẹ phải chạy di tản 15km đường rừng…

“Ôi, cụ Nghĩa nhà ta lơ đễnh là số 1!”, bà Khánh cười thật tươi khi nói về những ngày trong chiến khu Việt Bắc gần lán Bác Hồ, tướng Giáp. Bà kể “Đầu có lúc nào cũng súng với đạn, chẳng quan tâm gì xung quanh, cả tuần không tắm, giày thì để cóc ở, quần áo thì tơi tả.

Có lần đi tắm suối quá nửa ngày chưa thấy về, anh em bủa đi tìm thì thấy cụ Nghiã ta đang ngồi trên tảng đá viết những công thức ngoằn ngoèo. Nhờ giữ con thì khi về thấy con mặt mũi tèm lem còn ba thì mải mê đọc sách…. Có lần Bác Hồ phải kêu lên “Thím nghĩa đâu mà để chú Nghĩa ra nông nỗi này?”.


Tôi nhớ lúc ấy Bác nuôi nhiều gà lắm nhưng hiếm khi làm thịt. Chị Hà (vợ tướng Giáp) thỉnh thoảng lấy trứng làm bánh mời Bác cùng ăn. Cũng có khi mấy gia đình cùng ăn mấy con cá mà Bác câu được dưới suối, thật là đầm ấm.

Anh Nghĩa giống Bác Hồ ở chỗ con gì mình đã nuôi thì không nỡ ăn. Được cái là anh rất dễ tính, ăn uống sao cũng được. Sau này về Hà Nội, có lần đi dự tiệc về, tôi hỏi tiệc có ngon không, đáp rằng: ngon lắm, hỏi: có món gì, đáp: chịu”.


Năm 1950, Bác chỉ định Trần Đại Nghĩa kiêm chức Thứ trưởng Bộ Công thương, ông có dịp gặp Bác thường xuyên ở các phiên họp của Hội đồng Chính phủ.

Có lần, Bác nói với ông, đại ý là “Nếu vì những lý do nào đó mà cản trở công việc của chú, thì chú hãy báo cáo cho Bác biết”. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, những ý kiến do ông đề xuất đều được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Văn Tiến Dũng chấp nhận, tạo điều kiện thuận lợi làm việc.

 

Ngày Quốc tế lao động năm 1952, Trần Đại Nghĩa được tuyên dương Anh hùng lao động trong số bảy Anh hùng lao động đầu tiên. Bác Hồ trong một bài báo ký tên C.B đã viết về ông: “Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa là một đại trí thức, mang một lòng nhiệt thành về phụng sự Tổ quốc, phục vụ kháng chiến”.


Dưới sự tin tưởng của Đảng và Bác, Trần Đại Nghĩa lần lượt giữ các chức vụ quan trọng: Cục trưởng Cục Quân giới, Cục trưởng Cục Pháo binh, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiến thiết Nhà nước, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước, Phó Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đầu tiên.

Ông được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng nhất… Ở cương vị nào ông cũng làm trọn nhiệm vụ của một người luôn học theo tấm gương Hồ Chủ tịch, một trí thức lớn.


Ngày 9/8/1997, ông Nghĩa trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời mình giữa những người thân, bà Khánh hỏi ông: “Nghĩa vụ của ông với đất nước đã hoàn thành. Con cháu tề tựu đông đủ. Các cháu học giỏi và ngoan. Ông đã yên lòng chưa?” với nét mặt thanh thản, ông nhìn bà trìu mến, khẽ gật đầu mãn nguyện và trút hơi thở cuối cùng lúc 16 giờ 20 phút.

 

Nguồn:baomoi.com/Home/XaHoi/phunutoday.vn/Chuyen-chua-ke-ve-Giao-su-Vien-si-Tran-Dai-Nghia/7762598.epi

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Khi về già hãy học cách im lặng,

 

KHI VỀ GIÀ HÃY HỌC CÁCH IM LẶNG, TỐT NHẤT ĐỪNG NÓI RA NHỮNG LỜI NÀY

Cổ nhân nói: “Dong ngôn chi tín, dong hành chi cẩn”.

Con người khi về già, là người lớn tuổi trong nhà, người lớn tuổi ngoài xã hội, cần “lập đạo, lập ngôn” nhiều hơn.

Vì vậy, người già nên học cách im lặng, tốt nhất là không nên nói ra những lời sau để hình ảnh của mình trở nên danh giá hơn.

Đầu tiên, nói mà không làm được thì đừng nói mới là “thành tín”

Không khó để thấy rằng, là cha mẹ, chúng ta phải tìm hiểu kỹ những suy nghĩ, và hành vi của con cái, tránh để con cái nói những lời đao to búa lớn.

Là trẻ em và thanh thiếu niên, không thể tránh khỏi việc chúng trở nên tự hào và kiêu ngạo vì một chút thành tích, nghĩ rằng chúng thực sự có thể trở thành nhà khoa học và phi hành gia.

Cha mẹ là người lớn, người già không nên mù quáng cổ vũ con cái theo đuổi mục tiêu “đi trước đón đầu” mà hãy hướng dẫn chúng sống thực tế và biết lượng sức mình.

Bạn càng lớn tuổi, bạn càng cần phải thực tế hơn. Điều không làm được thì đừng hứa với người khác, cũng đừng nói trước mặt gia đình, kịp thời nhắc nhở con cái những suy nghĩ và cách làm không thực tế.

Thứ hai, kiến thức nửa vời thì đừng nói để tránh “hiểu lầm”

Nhà triết học Wittgenstein đã từng nói: “Điều gì có thể nói được thì hãy nói rõ ràng; điều gì không thể nói được thì nên giữ im lặng”.

Những gì bạn biết là những gì bạn biết, những gì bạn không biết là những gì bạn không biết. Khi một người lớn tuổi, kinh nghiệm sẽ tự nhiên phong phú hơn, nhưng không nên vì vậy mà tự coi mình là một người “thông suốt tất cả mọi thứ”.

Xã hội ngày càng phát triển, cái mới không ngừng xuất hiện và chúng ta cần phải học hỏi không ngừng.

Đối với những điều bạn không hiểu, bạn nên yên lặng xem điều gì sẽ xảy ra, thay vì tùy ý hòa vào. hãy là người ngoài cuộc và biết lắng nghe.

Thứ ba, nếu bạn không ưa lời nói của người khác thì đừng nói mới có thể thể hiện sự “tôn trọng và thân thiện”

Làm thế nào để yêu thương người khác, chăm sóc cho người già và quan tâm đến thế hệ trẻ không thể giải thích rõ ràng trong một vài từ. Đó là thấu hiểu “câu chuyện đằng sau” của cuộc sống bằng trái tim của mình.

Những người không quen bạn thường có những nỗi buồn không nói nên lời và có những con đường khác nhau để phát triển.

Giữa cha mẹ và con cái đã có khoảng cách thế hệ, còn có chuyện bất đồng, huống hồ là người ngoài cuộc.

Vì vậy, một người già tốt bụng sẽ không chỉ trỏ vào những người không quen thuộc, mà mỉm cười đối diện với nó. Trong gia đình, con dâu và con rể khó được người già chấp nhận, nguyên nhân cơ bản là người già không biết dụng tâm thân mật.

Bên ngoài gia đình, chúng ta thường gặp phải những kẻ gian ác, nhỏ bé vì chúng ta không biết kinh nghiệm mà họ đã trải qua và lý tưởng sống của họ.

Thứ tư, nếu công kích lẫn nhau thì đừng nói chính là “trí tuệ cúi đầu”

Một lời không hợp, liền phẫn nộ, liền siết chặt nắm đấm. Rất nhiều người già tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt như trước nhưng vẫn chưa kiềm chế được tính nóng nảy.

Có lẽ bạn không sai nhưng nếu bạn không biết cúi đầu thì bạn đã sai. Cúi đầu xuống thực chất là dừng lại tổn hại.

Rand đã viết trong “Life and Death”: “Tôi không tranh cãi với bất kỳ ai, và tôi cũng không khinh thường bất kỳ ai”.

Khi con người ta già đi, tiền của và thân xác của họ sẽ biến mất, vậy tại sao lại dùng lời nói để “đánh thắng một ván”?

Tất nhiên, sự im lặng không có nghĩa là lúc nào cũng im lặng, mà là sử dụng thời gian im lặng để suy nghĩ, để thay đổi hướng phát triển của tình hình và tránh các xung đột khác nhau.

Như Chu Quốc Bình đã nói: “Im lặng gần gũi với bản chất hơn lời nói, và vẻ đẹp có giá trị hơn quyền lực”.

Đứng trước những thăng trầm của cuộc sống, người trưởng thành luôn quan sát và bình tĩnh chịu đựng. Trong vô thức, chúng ta đã quen với sự im lặng.

Về già, đúng sai, công lao sai lầm, tốt nhất là cười cho qua chuyện, giao tiếp giữa người với người, người không đắc tội mình, mình sẽ không đắc tội người khác, người đắc tội mình, mình sẽ bỏ qua.

Hãy luôn tin rằng im lặng là vàng.