ĐI HỌC THỜI KHÁNG CHIẾN
Năm 1951 cuộc kháng chiến chống Pháp còn gian khổ lắm nhưng Trung ương Cục Miền Nam vẫn chủ trương mở lại một số trường trung học kháng chiến để chuẩn bị cán bộ lâu dài.
Trương Trung học Bạc liêu là một trong vài trường như thế. Nhưng chỉ có vùng căn cứ Bạc liêu, Cà Mau mới đủ điều kiện mở trường nên nhiều cơ quan, địa phương từ các tỉnh cả Nam bộ cử người về học.
Trường chúng tôi đóng trong vùng ven rừng U Minh. Chúng tôi tự xây hội trường, lớp học và nhà ở đều bằng cây tràm lợp lá dừa nước. Mô hình tổ chức như quân đội, phiên thành tiểu đội, trung đội.
Một số tiểu đội gồm toàn đội viên nam có thể xin ở nhà dân. Hai tiểu đội toàn nữ thì có lán trại riêng, cũng do chúng tôi tự xây dựng. Các đơn vị tự bầu ban lãnh đạo của mình và tự lo cuộc sống cho tiểu đội mình.
Lần đó Tiểu đội Tư của tôi mượn xuồng đi xuống Hòn Đá Bạc để làm mắm ruốc ăn dần.
Hoà chuẩn bị mang theo một bao muối chừng vài chục ký. Ngoài ra chẳng có gạo, thức ăn, nước uống gì hết. Đến đâu xin ăn đến đó. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, cán bộ bộ đội hoàn toàn không có lương hay trợ cấp. Rời đơn vị đi công tác đều nhờ dân nuôi, ai cũng thế cả.
Đến nơi trời đã xế chiều. Chúng tôi chọn ghé một nhà tầm trung. Qua bao nhiêu năm xin cơm của đông bào, chúng tôi đúc kết được vài kinh nghiệm. Đến nhà dân nghèo chúng tôi luôn nhận được sự nhiệt tình đón tiếp, thậm chí họ còn sẵn sàng dốc lon gạo cuối cùng ra nấu cơm mời khách nhưng thương lắm, không đành.
Ngược lại nếu đến nhà khá giả thì cán bộ như chúng tôi thường gặp phải sự lạnh nhạt, có cho ăn cũng nuốt không vô. Tìm nhà tầm trung trung xin một bữa ăn là hợp lý nhất.
Vừa buột xuồng leo lên bờ, chúng tôi thấy một ông lão tóc bạc trắng đang ngồi vá lưới .
- Con chào ba. Con chào ba. - Chúng tôi đến gần chào rôm rả.
- Ờ...Ờ - Ông ngẩn lên gật gật đầu rồi cúi xuống tiếp tục vá lưới.
Cả đám hơi lúng túng chưa biết phải nói gì thì ông lại lên tiếng hỏi:
- Tụi bây chưa cơm nước gì phải không ?
- Dạ chưa, con ghé xin cơm ba má. - Hoà vui vẻ nhanh miệng trả lời.
- Tao biết mà.
Ông gom đống lưới vào góc thềm nhà. Tôi xông đến giúp. Ông khoát tay: "Khỏi, khỏi"
- Tụi bây muốn ăn gì?
- Dạ, ba má có gì cho ăn nấy, cơm nguội cũng được ba. - Hoà lên tiếng.
- Tao không có gì hết.
Chúng tôi lại một lần nữa lúng túng nhìn nhau. Ông lão nhếch miệng cười cười hỏi:
- Ăn cua tạm nghen?
- Trời ơi. Cua thì số dách rồi ba. Ba có cua sao ạ ?
- Tao không có...
Chúng tôi chưng hửng, cười như mếu nhìn ông lão không biết nói gì.
- Tao không có mà biển có.
Cả đám ngơ ngác nhìn nhau rồi đều hiểu ra. Ông lão xem ra cũng tếu.
- Đi lấy cua thôi. Tụi bây đứa nào muốn đi chơi thì theo tao.
Tôi xung phong đi theo, trong lòng cũng thấy yên tâm. Tôi xắn quần đi theo ông, anh Hoà và Thắng ở nhà tìm việc mà "dân vận".
Ông mang theo cái móc sắt và bảo tôi mang theo mấy cọng lạt. Bùn nhão lút đến bắp chân. Ra đến bờ biển thì đất chắc hơn. Ông đi tìm hang cua, hang nào cũng đầy dấu chân. Ông chỉ tôi:
- Dấu như vầy là cua nhỏ, chỗ này là dấu cũ, chưa chắc có cua. Đây hang này coi được đây.
Ông thò móc sắt vào hang nghe lọc cọc rồi kéo ra con cua bự. Nó vừa quơ quơ hai cái càng lên đe doạ thì đã bị ông khéo léo đè xuống rồi rút cộng lạt trên tay tôi trói lại gọn rơ. Hai ông cháu lội bùn một hồi ông đã bắt được 5 con cua lớn.
- Đủ rồi đó đa. Về thôi mày.
Hai ông cháu bì bõm lội bùn quay về. Vừa về đến trước nhà ông cười lớn:
- Rồi. Chài cá chốt hả? Tụi bây gỡ lưới tới khuya không xong.
Nguyên do là Hoà Thắng ở nhà mượn chài của bà má, ra mé rạch vãi xuống. Đúng như ông nói. Chỉ một lần kéo, hai người hì hục gỡ đến giờ chưa xong.
Loại cá chốt có ba ngạnh rất khó gỡ khỏi lưới. Còn chưa nói nếu lỡ bị ngạnh cá đâm thì nhức vô kể. Cá chốt không phải không ngon. Kho nghệ thì hết xảy. Nhưng ở xứ quá nhiều cá như ở đây thì cá chốt là đồ bỏ đi. Tôi cũng xúm vào cùng gỡ, riết rồi cũng xong.
Hoà vào bếp làm cua. Thắng lo nồi cháo. Gạch cua để nấu cháo. Thân cua thì rang me. Bà má chỉ huy bếp, sai đứa này làm việc này bảo đứa kia làm việc kia. Chúng tôi đều rất thích cái cách sai bảo rất gần gũi chân tình như vậy. Răm rắp làm theo.
Chúng tôi có một bữa ăn tuyệt ngon. Dù không đứa nào biết uống rượu nhưng cũng phải tham gia nhâm nhi với ông già. Ông bà có một anh con trai đi bộ đội, còn ba cô con gái đều lấy chồng xa.
Sáng hôm sau chúng tôi mượn trũ (là một loại lưới dầy) để ra biển kéo ruốc (một loại tép biển chỉ nhỏ bằng nửa đầu đũa). Ở đây tàu tuần tra của Pháp hay chạy qua lúc khoảng trên dưới 8g sáng, sau đó thì yên.
Chúng tôi ra tới vàm nhưng vẫn nép lại mé rừng chờ đợi hoài không thấy tàu giặc đến.
Mọi người đều nghĩ có lẽ hôm nay tàu Pháp không tới. Vài chiếc xuồng liều lĩnh ra biển. Thấy không sao, chúng tôi cũng ra theo. Cả ba đứa lội dưới nước cùng kéo trũ. Nhưng chỉ vừa kéo được vài đường thì bất ngờ chúng tôi nghe tiếng la lớn:
"Tàu Tây tới"
Mọi người đều lính quýnh nhảy lên xuồng chống vào bờ. Chống xuồng nhanh hơn bì bõm lội bộ trên bãi bùn lún đến đầu gối. Nhưng tiếng tàu quá gần rồi, chúng tôi khó mà chống xuồng kịp chui vô rừng. Bên tai tôi đã nghe tiếng súng khá gần.
Mọi người không ai bảo ai đều đạp xuồng cho nước ùa vào rồi nhảy xuống biển. Chúng tôi cố gắng cho xuồng chìm xuống nước rồi trườn nhanh vào bờ.
Nhưng bờ còn khá xa mà chỗ chúng tôi nước cạn toàn bùn không đủ sâu để lặn trốn.
Tiếng súng bắt đầu rôm rả. Túng quá. Chúng tôi vóc bùn bôi lên đầu, lên mặt rồi nằm yên trên trên bãi lầy. Không động. Hít thở cũng không dám. May rủi thôi.
Những phút thót tim rồi cũng qua, tàu giặc đi xa. Lổm ngổm ngồi dậy nhìn mặt mày đứa nào cũng lem luốc mà không nhịn được cười. Chúng tôi lại lắc xuồng cho nước ra, nổi lên và tiếp tục ra biển kéo ruốc.
Kéo được nửa buổi thì cảm giác lưới khá nặng. Tôi còn nghĩ bùn nặng vì khi kéo miệng trũ gần sát mặt dưới. Nhưng khi chúng tôi mở trũ ra thì... "Ô, chỉ toàn là ruốc, rất nhiều ruốc, chừng hơn một thúng, đỏ au".
Con ruốc khi còn tươi thì thân trắng trong nhưng râu đỏ nên nhìn cả khối thấy đỏ au.
Chúng tôi ngây ngất, vội vàng kéo tiếp. Hai thằng Hoà Thắng còn bốc ruốc tươi sống bỏ miệng ăn. Tôi hơi ngại đến nửa buổi sau mới thử. Thật ngạc nhiên. Quả là rất ngọt mà không tanh chút nào.
Khi chúng tôi kéo gần được nửa xuồng ruốc thì một tai nạn nhỏ xảy ra. Hoà bị chạm sứa lửa. Cả ba đứa vài lần cảm giác sứa lửa đến gần mình. Những lúc ấy cứ thấy người tê tê, nhất là chỗ kín đặc biệt nhạy cảm. Dù biết là nguy hiểm, rất sợ nhưng chúng tôi không biết đâu để tránh.
Riêng Hoà lại bị chạm vào đùi đau đến mức không đứng nổi. Vết chạm như bị cháy xém. Đưa lên nằm trên xuồng, mặt Hoà đỏ bừng và chỉ một lúc đã sốt cao. Vài người người dân xung quanh bảo không sao, dần dần sẽ hết sốt.
Chúng tôi đưa Hoà lên đảo nhỏ Hòn Đá Bạc để tìm chỗ tránh nắng mà nằm nghỉ. Hai đứa còn lại thay nhau lên chăm Hoà và vẫn tranh thủ kéo ruốc. Đến xế chiều Hoà đã đỡ, chúng tôi về, xuồng cũng gần đầy ruốc.
Chúng tôi chầm cà dung bằng lá dừa nước để đựng ruốc trộn với muối. Chưa bao giờ tưởng tượng nổi mình lại có nhiều của cải đến thế. Muối không đủ, muốn mua thì phải vào xóm trong mà trời đã tối mịt.
- Tao cho.
- Dạ không, tụi con cần nhiều lắm, má cho mượn, sáng mai con vào xóm mua trả lại ba má.
- Ừ, vậy cũng được, để tụi bây khỏi ngại.
Chúng tôi trộn muối với ruốc, đổ vào từng chiếc cà dung. Muối như vãi trấu. Gần tới khuya mới xong.
Sáng hôm sau mua muối trả lại cho ông bà, chúng tôi bị chửi một trận:
- Bây làm như tao keo kiệt lắm vậy.
Chúng tôi liên tục cảm ơn và chào hai ông bà ra về. Nhìn lại ông bà đứng trên bờ trông theo có phần cô đơn vắng vẻ lòng tôi chợt cảm thấy nao nao bồi hồi.
(Trích Hồi ký của cố GS.TS Trần Hồng Quân)