TRIẾT LÝ ÂM DƯƠNG TRONG TRUYỀN THỐNG
VĂN HÓA VIỆT
Âm dương là một phạm trù triết học. Hai mặt âm dương ở trong một sự vật
thống nhất, tức là bất cứ một sự vật nào trên thế giới đều có thể phân chia hai
mặt âm dương.
Ví dụ quyển sách, mặt trước là dương, mặt sau là âm; bên ngoài là dương,
bên trong là âm. Nếu như mở quyển sách ra, thì trang bên trong tiếp nhận ánh
sáng là dương, mặt trước mặt sau lại trở thành âm.
Cũng như thân thể con người, xuất phát từ phân biệt tính chất: nam là
dương, nữ là âm;
Xuất phát từ phân biệt trên thân thể: nửa thân trên là dương, nửa thân
dưới là âm; bên ngoài là dương, nội tạng là âm; lưng là dương, bụng là âm;
xương thịt cố định là âm, khí huyết lưu động là dương.
Phần xương thịt đối ứng: xương là âm, thịt là dương.
Khí huyết đối ứng: huyết là âm, khí là dương, khí là thầy của huyết, thúc
đẩy huyết lưu hành.
Da thịt đối ứng: da là dương, thịt là âm. Da lông đối ứng: da là âm, lông
là dương. Da không tồn tại, thì lông cũng không mọc được.
Như vậy, là nói âm dương không phải cố định, nó có thể chuyển đổi theo
điều kiện ngoại giới chuyển đổi.
Cho nên Lão Tử nói: Âm dương có thể chuyển đổi cho nhau, dựa vào nhau tồn
tại. Không có âm, dương không thể tồn tại; không có dương thì âm cũng không thể
tồn tại.
Cũng giống như không có trời thì không có đất và ngược lại. Đó là qui
luật phát triển, biến đổi sự vật.
Âm dương hai mặt mâu thuẫn đối lập, thống nhất, cái này mất đi (tiêu) cái
kia lớn lên (trưởng); cái này tiến, cái kia lui, cuối cùng ở trong trạng thái
cân bằng mới có thể duy trì sự vật biến đổi phát triển bình thường.
Người Việt từ lâu đã nhận thức về triết lý âm dương ở nhiều lĩnh vực. Do
sống trong hoàn cảnh của nghề trồng lúa nước, cho nên nhân dân ta tiếp xúc với
những cặp âm dương đối lập, như:
Nắng -- mưa (Nắng không ưa, mưa không chịu)
Đất -- trời (Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời)
Sương -- gió (Dầm sương dãi gió,)...
Bản thân cây lúa cũng là: gốc ngâm trong bùn nước (âm), ngọn phơi trong
nắng gió (dương). Đến độ nảy bông thì hoa lúa chỉ phơi màu vào giờ Ngọ (giữa
trưa, lúc dương khí thịnh) và giờ Tí (nửa đêm, lúc âm khí thịnh) để tiếp thu đủ
khí âm dương trời đất mà biến thành hạt lúa.
Người Việt đã nhận thức được số chẵn là âm, số lẻ là dương. Lê Quí Đôn
phân biệt tre đực tre cái bằng cách xem cành thứ nhất ở gốc: Nếu có 2 cành là
tre cái, còn nếu một cành là tre đực.
Ngay trong cách lựa chọn vật tổ của người Việt cũng biểu hiện đặc trưng
quân bình âm dương. Từ thời tiền sử, các dân tộc trên thế giới đã chọn những
con vật có liên quan mật thiết đến đời sống con người làm biểu tượng, chẳng
hạn, Ai Cập chọn con Bò, Pháp chọn con Gà trống, Nga và Thụy Sĩ chọn con Gấu,
Mỹ chọn con Ó, dân Bách Việt ta tự hào là con Rồng cháu Tiên và chọn Tiên -
Rồng làm biểu tượng, thể hiện dấu vết tư duy âm dương của thời xa xưa.
Đặc trưng quân bình âm dương lại được người Việt Nam sử dụng trong ẩm
thực: đồ ăn âm tính thường kèm theo gia vị dương tính - [ăn ốc luộc (âm) đi kèm
với nước chấm gừng ớt (dương)].
Ở Việt Nam mọi thứ thường đi đôi theo nguyên tắc âm dương đối ứng, hài
hòa: Ông đồng bà cốt, con Rồng cháu Tiên...
Khái niệm âm dương thể hiện ở mọi phương diện: xin âm dương (gieo hai
đồng tiền sao cho một sấp một ngửa), chợ âm dương (chợ họp vào chập tối); ngói
âm dương (ngói lợp nhà kiểu viên ngửa viên sấp) v.v.
Cả những khái niệm vay mượn đơn lẻ, khi vào Việt Nam chúng được nhân đôi
thành cặp: ở Trung Hoa mai mối chỉ là một ông tơ hồng, vào Việt Nam được biến
thành ông tơ - bà nguyệt. ở Ấn Độ chỉ có Phật ông, vào Việt Nam xuất hiện Phật
ông - Phật bà (ở một số nơi, người Mường gọi là bụt đực - bụt cái.
Thậm chí cả trong ca dao, thành ngữ cũng phản ánh qui luật “trong âm có
dương, trong dương có âm” khá rõ, như: trong khổ có sướng, trong họa có phúc,
trong rủi có may...
Theo qui luật âm dương chuyển hóa (âm sinh dương, dương sinh âm), người
Việt lại có các thành ngữ: Tre già măng mọc; Trèo cao ngã đau; bán bò tậu ễnh
ương...