Thứ Hai, 6 tháng 11, 2023

Ngăn lão hóa bằng tinh thần

 

NGĂN LÃO HÓA BẰNG TINH THẦN

 

Trớ trêu là lắm người quá lo sợ việc già đến nỗi... già cả người. Quần quật trong phòng tập, ăn uống cẩn thận như là tu tiên, thực không trẻ trung chút nào.

Ngược lại có cụ nhăn nheo, thân quắt queo đi chơi từ đầu làng tới cuối làng, chuyện gì cũng thạo như người trẻ. Những cụ năng động thế thường không quan tâm đến vẻ ngoài già, chỉ cần trong mình thấy khỏe.

Các cụ ấy có tập tành không? Không. Các cụ ấy ăn uống có kiêng khem không? Không! Xét phương diện ấy các cụ là những tấm gương tồi.

 

Các cụ chỉ có một mẫu số chung là rất hài lòng với những gì đời mình đã trải qua, những gì mình đã làm ra và sắp để lại khi rời rạp chiếu bóng để sang thế giới khác.

 
Giữa hai cực ấy là một bộ phận không nhỏ những người vừa ngại ăn kiêng và lười tập thể dục nhưng vẫn muốn mình trẻ trung, khỏe mạnh.

Lisa Wartenberg là một cây viết chuyên về dinh dưỡng có bằng cấp, có trải nghiệm lâm sàng lẫn nghiên cứu tại các bệnh viện lớn. Trong một bài viết hẳn là dành cho “một bộ phận không nhỏ” này, cô đã đưa ra một liệu pháp “thuần tinh thần” mà theo cô là hiệu nghiệm.

 
Lisa bảo thôi bớt ăn kiêng đi; cứ chăm chăm vào cân nặng rồi quan hệ giữa người với thực phẩm nó mất vui đi. Để sống khỏe, cô khuyên ta mỗi ngày ta nên tự nhủ những câu khẳng định sau, coi như uống vài viên thuốc bổ:

 
1. Mình khỏe và lành mạnh: coi chức năng của cơ thể quan trọng hơn hình dáng. Thay vì bắt cơ thể phải luyện tập để được đẹp như chuẩn nào đó, hãy xác định “thân hình lý tưởng là thân hình này trong trạng thái khỏe mạnh nhất”.

 
2. Mình biết ơn những gì cơ thể này đã làm: tách ra để coi cơ thể như “ân nhân”, như người từng mang thai con mình, nấu ăn cho mình, đưa mình đi chơi, chịu đau khi điều trị... Cơ thể đã lập nhiều công trạng rồi, đừng đòi hỏi nó hoàn hảo nữa.

 
3. Mình vẫn cử động mỗi ngày đây: không thích tập thể dục theo giờ giấc cũng không sao. Hãy coi mỗi cử động trong ngày đều là một động tác thể dục (quả thực là như vậy); thế thì cử động cho nhiều vào.

 
4. Mình có thể làm những việc rất khó: là một câu tự động viên khi cần hoàn tất một việc gì khó hay phải tập một thói quen mới. Phải coi cơ thể như một đứa trẻ mà cổ vũ đều đặn thay vì xỉ vả và nhiếc móc như ta vẫn hay làm với bản thân.

 
5. Mình ăn mỗi miếng đều thấy ngon: nghĩ như thế để ăn chậm và nghĩ về thứ mình đang ăn. Tác dụng là... bạn sẽ ăn ít đi. Người ăn mà không để ý thường sẽ ngốn một lượng thức ăn nhiều hơn người ăn chậm nhai kỹ.

 
6. Mình phải tử tế với mình: trong đầu mỗi người luôn có một cuộc độc thoại. “Buồn thay, cách chúng ta nói với bản thân thường kém tử tế như ta vẫn thường nói với người khác”.

 
Nếu ngày nào cũng bỏ ra mấy phút tự khẳng định những điều này, não ta dần dần sẽ tin điều ta nói là đúng. Não sẽ thôi bắt bẻ chê bai cơ thể, trở nên hòa hợp với cơ thể; tranh thủ cơ thể còn cử động được lúc nào thì cùng nhau tận hưởng cuộc đời lúc ấy.

 
Và đó chính là ta đang “trẻ hóa”, quay về trạng thái của trẻ thơ là luôn hài lòng về cơ thể bất kể nó thế nào, coi cơ thể là bạn thân cùng nhau vui vẻ bước vào rạp xem cuốn phim đời...

Giải pháp chống lão hóa thuần tinh thần nói trên nghe có vẻ ngây ngô, nhưng bạn hãy một lần bỏ bớt định kiến của người trưởng thành mà tập thử xem, theo đúng phong cách của người trẻ là cái gì không mất tiền và mất nhiều thì giờ ta cứ thử!

 

Đạo chung sống giữa vợ chồng: không thể thật gần, cũng chẳng thể quá xa

 

ĐẠO CHUNG SỐNG GIỮA VỢ CHỒNG: KHÔNG THỂ THẬT GẦN, CŨNG CHẲNG THỂ QUÁ XA

 

Cổ nhân có câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Gia đình chính là hình ảnh thu nhỏ của xã hội, cũng là nơi bảo vệ ta trước sóng gió cuộc đời. Một ngôi nhà bắt đầu bằng hôn nhân và trở thành nơi mài giũa con người, do đó vai trò của vợ và chồng trong gia đình là rất trọng yếu.

 

Một gia đình suy hay thịnh trước hết phải xem vợ chồng có chung sống hòa hợp hay không. Chỉ khi họ có thể hòa hợp, đồng tâm đồng lòng thì mới có thể vượt qua mọi khó khăn gian khổ và sống một cuộc đời bình yên.

 

Do đó, đạo chung sống của vợ chồng sẽ quyết định sự hưng suy của gia đình, và đó cũng là tấm gương cho con cái noi theo. Nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mỗi người mà còn ảnh hưởng đến cả “huyết mạch” của gia đình.

Như câu nói: “Vợ chồng hòa hợp thì gia đình hưng, vợ chồng không hòa hợp thì gia đình sẽ ly tán”.

 

Vợ chồng càng gần gũi càng dễ mâu thuẫn

Người xưa thường chú trọng đạo trung dung, cái gì thái quá đều không tốt.

Có thể thấy, trong thời điểm dịch bệnh nghiêm trọng, tỷ lệ ly hôn ở một số quốc gia đặc biệt tăng cao, cũng là bởi vì trong thời gian dài cả ngày vợ chồng ở với nhau đã có không ít mâu thuẫn nổi lên.

Nếu không thể bao dung nhường nhịn thì cuối cùng rồi sẽ tìm đến ly hôn.

 

Có một thuật ngữ học thuật gọi là “Nguyên tắc con nhím”: Vào mùa đông, hai con nhím muốn ôm nhau để giữ ấm, nhưng vì có quá nhiều gai trên cơ thể nên cả hai đều bị gai đâm đến bị thương do đó chúng đành phải tách ra.

 

Vợ chồng sống chung cũng vậy, mới đầu thì yêu nhau tha thiết, có ấn tượng tốt về nhau, rồi dần dần muốn ở bên nhau, thậm chí coi đối phương là người “duy nhất” trong đời mình. Nhưng thời gian trôi qua, vợ chồng ở với nhau thời gian dài đã có không ít mâu thuẫn nổi lên.

 

Tốt nhất là giữ đạo trung dung, vợ chồng nên giữ một khảng cách nhất định sẽ ít mâu thuẩn sống một cuộc đời bình yên.  

Chủ Nhật, 5 tháng 11, 2023

Nhân phẩm là sức mạnh vĩ đại nhất

 

NHÂN PHẨM LÀ SỨC MẠNH VĨ ĐẠI NHẤT

Vốn liếng chân chính của một đời người là gì? Là tuổi thanh xuân? Là sự nghiệp? Hay bạn đời chăng? Đây là vấn đề phức tạp mà rất nhiều người đang phải suy tư.

Kỳ thực, tài sản thực sự trân quý của một con người không phải tiền bạc cũng không phải nhan sắc, mà gói gọn trong hai chữ ‘nhân phẩm’.

 

Nhân phẩm chính là giấy thông hành của cuộc sống. Vào những thời khắc con người đứng trước sự lung lay dao động giữa thiện và ác, nhân phẩm chính là sự nương tựa cuối cùng của tâm linh.

 

Bất luận chế độ quản lý của một công ty có nghiêm ngặt cỡ nào, một khi đã sử dụng những người có thiếu sót về đạo đức, họ cũng vẫn sẽ giống như một quả bom nổ chậm trong tổ chức, có thể nổ tung bất cứ lúc nào.

Thử nghĩ mà xem, trong một tổ chức, có người ngày nào cũng động não ‘đục khoét’ công ty thì người đó liệu có thể đáng trọng dụng không? Lại thử nghĩ, một người có năng lực lớn nhưng nhân phẩm không tốt thì chẳng phải năng lực càng lớn càng nguy hại hay sao?

 

Franklin D. Roosevelt, Tổng thống thứ 32 của nước Mỹ từng nói: “Có học vấn nhưng không có phẩm đức, đó là một kẻ hung ác; có đạo đức nhưng không học vấn, đó là một người hèn mọn”.

 

Nhân phẩm là sức mạnh vĩ đại nhất

Một thanh niên nọ đi phỏng vấn xin việc, đột nhiên gặp một người cao tuổi trong trang phục giản dị tiến lên phía trước nói: “Tôi tìm được cậu rồi, thật cảm ơn cậu quá! Lần trước trong công viên, chính là cậu, là cậu đã cứu con gái tôi bị ngã xuống hồ nước lên“.

 

“Bác à, chắc bác nhận nhầm người rồi! Không phải cháu đã cứu con gái bác đâu ạ!”, người thanh niên thành thật trả lời.

“Là cậu, chính là cậu, tôi không thể nhầm được!”, người đàn ông lớn tuổi khẳng định lại một lần nữa.

 

Trước tình huống đó, người thanh niên đó cũng chẳng biết làm sao, chỉ một mực phủ nhận không phải mình đã cứu cô gái đó. “Không phải cháu đâu bác ạ. Công viên bác nói đến cháu còn chưa đến bao giờ!”


Nghe câu nói đó, người đàn ông cao tuổi buông tay, vẻ mặt đầy thất vọng: 
“Lẽ nào tôi nhận nhầm người?”


Về sau, chàng trai trẻ đó nhận được giấy thông báo trúng tuyển. Một hôm, anh lại gặp người đàn ông kia. Anh liền tiến lại chào và hỏi thăm: 
“Bác đã tìm thấy ân nhân đã cứu con gái bác chưa ạ?”

“Chưa, tôi vẫn chưa tìm được người đó!”. Sau đó, ông lẳng lặng bỏ đi.

 

Người thanh niên trẻ khá nặng lòng, sau đó đem câu chuyện này kể lại với đồng nghiệp. Không ngờ, đồng nghiệp cười phá lên, nói: “Ông ấy là tổng giám đốc của công ty chúng ta đó. Chuyện con gái ông bị ngã xuống nước được kể đi kể lại không biết bao nhiêu lần rồi, thực ra ông ấy không có con gái đâu!”


“Cái gì?”, chàng trai thốt lên kinh ngạc. Anh bạn đồng nghiệp tiếp tục giải thích: “Tổng giám đốc của chúng ta vẫn thường dùng cách này để chọn nhân tài đấy. Ông ấy nói rằng những người qua được bài kiểm tra về nhân phẩm đều có thể uốn nắn thành tài!”.

Khi nhân phẩm và học thức kết hợp, tương hỗ cho nhau, con người mới có thể bước đến những chân trời càng cao, càng xa hơn.

 

Khổng Tử từng giảng: “Đức nhược thủy chi nguyên, tài nhược thủy chi ba, đức nhược mộc chi căn, tài nhược mộc chi chi”, ngụ ý là đức hạnh là nguồn nước, tài năng chỉ như sóng nước, đức là cái gốc của cây còn tài chỉ như cành cây mà thôi. 

 

Abraham Lincoln, vị Tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ cũng từng nói: “Nhân phẩm là cây, thanh danh chỉ là bóng”. Chúng ta thường chỉ nghĩ đến cái bóng của cây mà quên mất rằng chính cái cây ấy đã tạo ra bóng.

 

Người nhân phẩm tốt luôn luôn tỏa ra ánh hào quang, dù đi đến đâu vẫn luôn tỏa sáng rực rỡ.