THƯƠNG LƯỢNG LÀ MỘT NGHỆ THUẬT
Thuật ngữ “thương lượng” đột nhiên làm ta nghĩ đến những tình huống căng thẳng, khi con người ta nếu làm không tốt sẽ phải nhận kết cục cay đắng.
Thương lượng đơn giản là hành động hướng đến một thỏa thuận để thực hiện một điều gì đó. Nó là quá trình giao tiếp qua lại, và cuối cùng là tất cả các bên đều thống nhất với một giải pháp nào đó.
Có nhiều cách để đạt được thỏa thuận. Một số người coi thương lượng là một trò chơi mà họ buộc phải giành chiến thắng. Họ áp dụng những chiến thuật thương lượng “cứng rắn”, và điều này thường khiến cho một bên rất hài lòng và bên kia buộc phải chấp thuận vì không còn lựa chọn nào khác.
Vấn đề với phương pháp này là mối quan hệ đôi bên sẽ thường bị hủy hoại vĩnh viễn.
Phương pháp ngược lại với phương pháp trên là nhún nhường. Đây là cách mà một bên chịu nhường, bỏ qua địa vị và mục tiêu ban đầu của mình, đơn giản là đồng ý với cái người kia muốn. Chiến thuật “mềm mỏng” này thường là để gìn giữ mối quan hệ bạn bè.
Tuy nhiên, kết quả cuối cũng là người này không có được cái mình cần và cũng mất luôn sự kiểm soát với đối phương.
Thương lượng đúng nghĩa phải là: Tìm kiếm những lợi ích và nhu cầu chung.
Quá trình này cần phải có sự tin tưởng cao và khả năng giao tiếp tốt. Mặc dù không có gì bảo đảm rằng sự tin tưởng sẽ đưa đến một giải pháp tốt, nhưng thiếu tin tưởng hầu như lúc nào cũng gây hại cho mối quan hệ.
Người không tin người khác có xu hướng phòng thủ, và điều này thường khiến con người ta tìm kiếm những “cách làm bí mật” hoặc che giấu thông tin.
Khi con người ta tin tưởng nhau, họ sẽ có thể trao đổi chính xác những nhu cầu của bản thân. Khi họ chia sẻ thông tin về cái họ muốn, cái họ cần và lý do tại sao họ cần thì mọi người sẽ phối hợp với nhau để tìm ra một giải pháp chung.
Và khi bạn làm việc trong môt môi trường tôn trọng và tin tưởng, bạn sẽ dễ dàng đạt được thỏa thuận hơn rất nhiều mà không phải thỏa hiệp nhu cầu của bản thân.
Những điểm cốt lõi.
Tất cả chúng ta đều thương lượng, và ta làm điều đó mỗi ngày. Và thậm chì dù mức độ có sự khác biệt nhưng một nguyên tắc không đổi là: khi cả hai bên đều thắng thì kết quả thường sẽ khả quan hơn.
Dù là ai đó nhờ bạn giúp đỡ hay bạn cần thống nhất các điều khoản của một hợp đồng hay một dự án thì bạn phải hợp tác để đạt được một giải pháp đôi bên cũng có lợi.
Khi bạn hợp tác, bạn phải cân nhắc nhu cầu của tất cả mọi người. Vì vậy, ngay cả nếu bạn có phải nói “không” với một đề nghị nào đó thì bạn vẫn nên cân nhắc tìm cách nào đó để nhu cầu khác của đối phương được đáp ứng, và điều này sẽ giúp bạn nói “có” với ngưới ấy. Kết hợp và hợp tác là chìa khóa cho quá trình này.
Vậy nên, lần tới khi phải thương lượng với ai đó, hãy tìm cách đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người, thay vì để đôi phương trắng tay hoặc để họ trong tình trạng “có cũng như không.”
Nguồn: https://www.mindtools.com/pages/article/newCS_92.htm