Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

4 dấu hiệu "lão hóa" của tâm hồn khiến chúng ta già đi nhanh chóng

 

4 DẤU HIỆU "LÃO HÓA" CỦA TÂM HỒN KHIẾN CHÚNG TA GIÀ ĐI NHANH CHÓNG

Theo thời gian ai rồi cũng sẽ phải già đi, thế nhưng có những người mặc dù bề ngoài còn rất trẻ, nhưng tâm hồn lại già nua, cằn cỗi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người đó đã đánh mất đi niềm đam mê của chính mình, trở thành nô lệ cho cuộc sống.

Vậy nên nếu bản thân cảm thấy xuất hiện 4 dấu hiệu sau, nghĩa là chúng ta đã bắt đầu già đi rồi đó.

1. Thích ổn định, không còn hứng thú với những điều mới mẻ
Hầu hết kế hoạch cuộc sống của mỗi người đều đi theo một mô tuýp chung, đại khái như học tập chăm chỉ, vào một trường đại học tốt, sau đó tìm cho mình một công việc tốt. Mỗi ngày đều bấm thẻ đi làm từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, cuộc sống cứ đơn giản và thoải mái như thế mà êm đềm trôi qua.

Nhưng trên chiếc thuyền lớn nhân sinh này, nếu rủi ro nào bạn cũng đều tránh được và có thể nhìn thấy được, thì đây chẳng phải là sự già đi sao?

Con người không sợ thử thách, chỉ sợ không có tinh thần chiến đấu. Một số người được ngưỡng mộ bởi sự can đảm của họ khi dám thách thức với những điều mới mẻ.

Vậy nên khi một người cảm thấy không còn muốn theo đuổi những trải nghiệm mới nữa thì người đó thật sự đã bắt đầu già đi rồi.

2. Ngừng học tập, không muốn đi du lịch

Mỗi một chuyến đi đều là lúc để ta học hỏi thêm nhiều góc nhìn mới. Nhưng khi một người đã không còn muốn tiếp nhận những điều mới mẻ khác nữa, nghĩa là khi đó tâm trí và cuộc sống của họ đã bị đóng băng lại.

Một người luôn nỗ lực tiến về phía trước trên đường đời hẳn là người hiểu biết và dễ chấp nhận những điều mới.

Như nhà văn Tam Mao tin rằng, cuộc sống của con người không phải là ở chỗ dài hay ngắn, mà là việc sống sao cho hạnh phúc và không ngừng học tập.
Bằng chứng là cuộc đời bà đã từng đến rất nhiều nơi và học tập không ngừng trên 54 quốc gia, từ quê hương đến sa mạc Sahara, châu Âu rồi đến châu Mỹ. Và đó đều là những trải nghiệm đã giúp Tam Mao có nguồn tài liệu sống phong phú cho việc sáng tác.

3. Không còn theo đuổi cái đẹp, từ bỏ việc quản lý cơ thể

Hầu hết chúng ta đều hiểu rõ tầm quan trọng của việc quản lý vóc dáng cơ thể mình. Tuy nhiên, nhiều người lại quá lười biếng để duy trì điều đó, và chọn cách sống những chuỗi ngày thoải mái.

Thực ra, có thể quản lý tốt vóc dáng cũng có nghĩa là người đó có thể quản lý tốt cuộc sống của mình.

Một chuyên gia sắc đẹp người Pháp từng nói: “Đừng đánh giá thấp một người có thể duy trì thân hình đẹp trong thời gian dài. Đây thường là một người kiên cường và tự chủ. Và tất nhiên, họ cũng là người không bao giờ thỏa hiệp với sự già đi”.

4. Không còn chủ kiến riêng, trôi dạt theo dòng chảy

Có một tiểu hoà thượng đi cùng một lão hòa thượng đến một con sông thì thấy một vài con cá đang bơi dưới nước.

Tiểu hoàng thượng nói: “Con cá này thực sự rất ngu ngốc. Phải mất nhiều công sức và vất vả để đi ngược dòng nước”.

Lão hòa thượng nghe xong bèn mỉm cười: “Nhưng nó đang tận hưởng hạnh phúc, con có thấy những chiếc lá vàng kia không?”

Tiểu hòa thượng nhìn theo ngón tay của lão hòa thượng, thấy những chiếc lá vàng đang trôi theo dòng nước.

Vị hòa thượng già tiếp tục nhắc nhở tiểu hòa thượng rằng: “Chỉ những gì đã chết mới trôi theo dòng chảy”.

Quả thật khi một người bắt đầu trôi dạt theo dòng chảy và không còn chủ kiến riêng, thì trái tim của người đó cũng giống như đã chết đi vậy.

Khi chúng ta vẫn sẵn sàng thử thách với sự mới mẻ, sẵn sàng đi du lịch, quản lý thân thể mình một cách chủ động, đồng thời vẫn có chủ kiến riêng, thì tuổi già sẽ tự nhiên tránh xa bạn.

 

 

Bài học đáng ngẫm về đạo đức nghề nghiệp

BÀI HỌC ĐÁNG NGẪM VỀ ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

 Một người dù có tài giỏi tới đâu mà không có đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng bán rẻ nơi mình đã từng làm việc thì cũng chỉ là người bỏ đi.

Công ty nơi Andrew làm việc làm ăn gặp khó khăn, sản phẩm sản xuất ra bị nhiều đối thủ cạnh tranh kịch liệt, nên không có khả năng cải thiện tiền lương lương cho các kỹ sư và công nhân, vì vậy Andrew muốn tìm công việc khác.

Là trụ cột trong gia đình, Andrew rất lo lắng về tình trạng tài chính của gia đình, anh tìm đến mấy nơi nộp hồ sơ ứng tuyển, khi được một tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn đang tuyển dụng kỹ sư hẹn lịch tới làm bài kiểm tra, Andrew đã rất vui mừng và kỳ vọng mình sẽ được tuyển dụng.

Ngày hẹn làm bài kiểm tra đã tới, Andrew cùng hơn 100 kỹ sư phải trải qua 3 bài kiểm tra: bài kiểm tra về chuyên môn, ngoại ngữ và bài kiểm tra viết theo yêu cầu. Andrew rất tự tin về chuyên môn và ngoại ngữ của mình, anh nhanh chóng vượt qua 2 bài kiểm tra đầu tiên.

Đến bài kiểm tra cuối cùng, Andrew rất bất ngờ khi nhận được đề bài: Bí quyết kinh doanh và bí mật kỹ thuật của công ty cũ của bạn là gì? Andrew thừ người suy nghĩ: “Câu hỏi này quá dễ với mình nhưng công ty cũ đang trong giai đoạn rất khó khăn, Ban giám đốc phải chật vật lắm mới giữ được không phải đóng cửa, nếu giờ mình nói ra bí quyết kinh doanh và bí mật kỹ thuật của họ thì họ sẽ quỵ mất, mình không thể vì cuộc sống của mình mà khiến nhiều người khác khốn khổ được”.

Nghĩ vậy nên Andrew quyết định viết vào phần trả lời: Tôi không thể tiết lộ được và nộp bài ra về.

Andrew hiểu rằng anh đã chẳng còn hy vọng được làm việc ở đây nhưng anh không hối hận về quyết định của mình, anh lại tiếp tục đi nộp hồ sơ tìm việc.

Một tuần sau, Andrew ngỡ ngàng khi nhận được thư thông báo tuyển dụng anh vào vị trí kỹ sư phụ trách kỹ thuật của Tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng. Nghĩ lại và anh đã hiểu ra bài thi cuối cùng chính là bài kiểm tra về đạo đức của các ứng viên. Một kỹ sư dù có tài giỏi tới đâu mà không có đạo đức nghề nghiệp, sẵn sàng bán rẻ nơi mình đã từng làm việc thì cũng chỉ là người bỏ đi.

Một công ty có phát triển lớn mạnh và bền vững hay không là do đội ngũ nhân viên có tài và có cả đức.

Thứ Bảy, 14 tháng 10, 2023

Những thói quen dẫn đến sự giàu có

 

NHỮNG THÓI QUEN DẪN ĐẾN SỰ GIÀU CÓ

Thomas Corley, tác giả quyển sách “Những thói quen dẫn đến sự giàu có” đã trải qua 5 năm nghiên cứu về cuộc sống của những người giàu giải thích rằng, mỗi người đều có một số “thói quen giàu” và một số “thói quen nghèo” – “Điều quan trọng là làm sao để có được nhiều hơn 50% là những “thói quen giàu”, ông nói.

Những “thói quen giàu” có thật sự ảnh hưởng đến sự giàu có của mỗi người hay không và ảnh hưởng như thế nào. Mời các bạn quan sát nhé.

1. Luôn luôn có mục tiêu để theo đuổi

Tỷ lệ người giàu đồng ý với tiêu chí này là 62%, trong khi đối tượng còn lại tỷ lệ đồng ý chỉ chiếm 6% mà thôi.

Những người giàu cho rằng mong muốn, hoài bão không phải là mục tiêu”. Mục tiêu” là khi nó hội đủ 2 điều kiện cần và đủ – đó là có thể đạt được và có động lực thúc đẩy bạn theo đuổi cho đến khi đạt được.

2. Việc hôm nay không để ngày mai

Có 81% người giàu và 19% người nghèo đồng ý với ý kiến này.

3. Không lãng phí thời gian với tivi

Có 67% người giàu chỉ xem TV 1 giờ hoặc ít hơn mỗi ngày, trong khi tỷ lệ này ở những người nghèo là 23%. Tương tự như vậy, chỉ có 6% của những người giàu có theo dõi các chương trình truyền hình thực tế, so với 78% là những người nghèo.

“Họ không lãng phí thời gian để xem TV bởi vì họ hoặc là tự áp đặt kỷ luật cho chính bản thân mình hoặc do ý chí của họ đã chiến thắng. Thêm một lý do họ không mất thời gian để TV vì họ đang theo đuổi một “thói quen giàu” khác đó là đọc sách.

4. Đọc sách không phải để mua vui

Đến 86% người giàu thích và có thói quen đọc sách và chỉ có 26% đối tượng thứ hai có sở thích này thôi.

Thông thường đối tượng giàu có chắc chắn là thích đọc sách, nhưng họ không đọc tiểu thuyết, truyện hư cấu, họ đặc biệt thích đọc các thể loại về hoàn thiện nhân cách, nghệ thuật sống.

“Hơn ai hết, người giàu có là những đối tượng có tham vọng cải thiện, hoàn thiện bản thân mình. ” Corley nói. Trong thực tế, có 88% trong số họ, mỗi ngày dành 30 phút để đọc các cuốn sách thể loại này và chỉ khoảng 2% trong số những người nghèo làm công việc tương tự này mà thôi.

6. Chuyên cần, tận tụy với công việc

81% những người giàu cho biết họ làm nhiều hơn rất nhiều lần so với những gì công việc đòi hỏi ở họ, còn những người được xếp vào đối tượng “nghèo” thì sao? Con số này chỉ dừng lại ở mức 17%.

Điều đáng chú ý là 86% số người giàu (so với 43% của người nghèo) làm việc trung bình đến 50 giờ mỗi tuần và chỉ có 6% số người giàu tham gia trong cuộc khảo sát này cho biết họ không hài lòng với công việc của mình.

7. Không hy vọng thắng trong trò chơi xổ số

Người giàu ít tin vào sự may rủi, đó cũng là lý do chỉ có 6% các đối tượng nhà giàu thường xuyên chơi xổ số trong khi có đến 77% người nghèo tham gia trò chơi may rủi này.

Nói điều này không có nghĩa là những người giàu chỉ tham gia các trò chơi an toàn với túi tiền của họ. Các đối tượng nhà giàu được khảo sát trong nghiên cứu này hầu hết là chủ các doanh nghiệp, những người thường xuyên đối mặt và đánh cược với các rủi ro tài chính có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và dĩ nhiên họ là những người không sợ rủi ro, Corley kết luận.

ST

Giáo viên trước hết là nhà giáo dục

 

GIÁO VIÊN TRƯỚC HẾT LÀ NHÀ GIÁO DỤC

Theo PGS.TS Vũ Trọng Rỹ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, bất cập về năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV đang là thách thức lớn đối với việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Đã đến lúc cần đặt ra những yêu cầu về năng lực nghề nghiệp đối với đội ngũ GV nhằm đáp ứng Chương trình GDPT mới.

 

Nhận diện thách thức

* Là thành viên của các nhóm nghiên cứu về thực trạng năng lực nghề nghiệp của GV, từ khảo sát thực tế, PGS có nhận định gì về năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV hiện nay?

- Năm 2012, trong khuôn khổ đề tài độc lập cấp Nhà nước “Nghiên cứu các giải pháp cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng GV phổ thông” do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình chủ trì, tôi cũng là thành viên nhóm nghiên cứu, tiến hành điều tra khảo sát thực tế về thực trạng phẩm chất, năng lực đội ngũ GV phổ thông. Kết quả khảo sát cho phép chúng tôi rút ra một số nhận định:

Đại đa số GV chưa nắm vững tính chỉnh thể của chương trình môn học; hiểu biết về ứng dụng của tri thức môn học còn hạn chế;

 

Phần lớn GV chưa có chuyển biến thực sự về phương pháp dạy học, đánh giá kết quả học tập, sử dụng hiệu quả phương tiện dạy học; sức ỳ còn lớn, thói quen dạy học cũ vẫn còn ngự trị;

Đa số GV nhận thức chưa đầy đủ về chức năng của người GV – nhà GD mà chủ yếu mới dừng lại ở vai trò người dạy, chưa lưu tâm thực sự đến việc dạy người qua dạy chữ; chưa nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò và trách nhiệm của nhà GD; chưa làm tròn vai trò “người của cộng đồng”.

 

Mới đây, trong khuôn khổ của Chương trình ETEP, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tiến hành khảo sát thực trạng năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV phổ thông để phục vụ cho việc thiết kế chương trình bồi dưỡng thường xuyên GV đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT mới.

Tôi cũng là một trong những thành viên tham gia khảo sát. Chúng tôi tiến hành khảo sát hơn 6.000 GV, trong đó 2.800 GV tiểu học, trên 2.800 GV THCS, hơn 450 GV THPT và trên 1.000 cán bộ quản lý trường học thuộc các vùng: nông thôn, đồng bằng, thành thị, miền núi và vùng đặc biệt khó khăn.

 

Từ kết quả khảo sát cho thấy, nhìn tổng thể năng lực nghề nghiệp của đội ngũ GV phổ thông hiện nay vẫn còn hạn chế so với các yêu cầu của Chương trình GDPT mới. Chẳng hạn như: Ngoại ngữ, nghiên cứu khoa học phục vụ dạy học; dạy học phân hóa, sử dụng công nghệ thông tin, dạy học giải quyết vấn đề, giúp HS vận dụng kiến thức, GD HS cá biệt, GD giới tính… Đây là thách thức cơ bản khi triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới.

 

GV quyết định chất lượng và hiệu quả GD

* Nói như vậy có nghĩa, GV sẽ phải thay đổi rất nhiều mới có thể đáp ứng mục tiêu của Chương trình GDPT mới, thưa PGS?

- Đúng vậy! Đội ngũ GV luôn là lực lượng cốt cán trong việc biến các mục tiêu GD thành hiện thực, giữ vai trò quyết định chất lượng và hiệu quả GD. Theo đó, GV trước hết là nhà GD, bằng chính nhân cách của mình, tác động tích cực đến việc hình thành nhân cách HS.

Trong thời đại phát triển công nghệ thông tin như vũ bão, GD nhà trường không còn là nguồn thông tin duy nhất đem đến cho HS các tri thức mới mẻ của loài người. Tuy nhiên, GD nhà trường, dưới sự dẫn dắt của GV vẫn là con đường đáng tin cậy và có hiệu quả nhất, giúp các em tiếp thu có mục đích, chọn lọc, hệ thống tinh hoa văn hóa nhân loại.

 

Trong một nền GD mới, vai trò truyền thụ kiến thức một cách thụ động của người thầy sẽ giảm đi, nhưng phải làm tốt hơn vai trò của một người hướng dẫn các quá trình tìm kiếm tri thức, gợi mở những con đường phát hiện tri thức, qua đó trau dồi khả năng độc lập tư duy và sáng tạo cho người học.

 

* Trước yêu cầu của Chương trình GDPT mới, PGS có đề xuất, kiến nghị gì để đội ngũ GV có thể vượt qua những thách thức, đồng thời khắc phục hạn chế về năng lực nghề nghiệp?

GV dạy HS cách thức tìm kiếm thông tin thay cho việc dạy các em học cái gì. GV phải dạy cho các em phương pháp học và phương pháp nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, GV không chỉ đóng vai trò truyền đạt tri thức mà còn phải phát triển cảm xúc, thái độ hành vi, đảm bảo cho người học làm chủ tri thức, biết vận dụng tri thức vào cuộc sống.

 

* Xin cảm ơn PGS!

Minh Phong (Thực hiện)

https://etep.moet.gov.vn/tintuc/chitiet?Id=1068