Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

6 cách phụ nữ thông minh 'quản lý' hôn nhân và sống vui vẻ

 

6 CÁCH PHỤ NỮ THÔNG MINH 'QUẢN LÝ' HÔN NHÂN VÀ SỐNG VUI VẺ

Cuộc sống giống như một chiếc vali, hãy nhấc nó lên khi bạn cần, đặt nó xuống khi không sử dụng.

Người ta mất 12 năm học qua các bậc học từ tiểu học cho đến phổ thông trung học, 4 đến 5 năm đại học và nhiều hơn thế nữa để chinh phục những tấm bằng cao hơn. Nhưng ai cũng sẽ mất cả đời để học cách yêu thương.

Bởi chỉ khi trải qua chúng ta mới hiểu được mọi cung bậc cảm xúc và cách đối mặt với giông tố nhẹ nhàng sẽ khó đến thế nào.

Khi bước vào hôn nhân đừng nghĩ chỉ có tình yêu là đủ, ai cũng phải học cách làm chồng, làm vợ, làm cha, làm mẹ.

 

1. Học cách thừa nhận sai lầm

Mọi người thường không chịu thừa nhận sai lầm của mình và có xu hướng đổ lỗi cho người khác. Họ quá dễ dãi với bản thân nhưng lại khắc nghiệt với người xung quanh.

Trên thực tế, không thừa nhận sai lầm chính là một sai lầm.

Đối tượng bạn gây ra sai lầm có thể là bố mẹ, người thân, bạn bè, người yêu và cả người bạn đời nhưng hãy nhớ, nhận sai không làm giảm đi thể diện mà nó chính là 1 trong những cách tốt nhất hàn gắn mối quan hệ khi bị tổn thương.

Học cách thừa nhận sai lầm chính là sự thực hành chân thực nhất, giúp bạn trưởng thành tốt nhất.

 

2. Học nhẹ nhàng

Nói vui nhưng rất sát thực tế thì cấu tạo của răng rất cứng nhưng cấu tạo của lưỡi lại mềm. Tuy nhiên, nghịch lý là khi chúng ta già đi, răng sẽ rụng hết mà lưỡi thì chẳng bao giờ rụng.

Bởi vậy, bạn phải học cách khiến mình trở nên mềm mại, trong suy nghĩ, trong hành động, trong cách ứng xử và nhất là trong tình yêu với bạn đời. Cuộc sống của bạn là đường 1 chiều, nếu cứ sống cứng nhắc với nhau sẽ chẳng còn cơ hội để quay lại thời gian mà sửa chữa, vun đắp.

Một trái tim mềm mại và bao dung sẽ giúp bạn xua tan muộn phiền, không sân si, không thù hận.

Bởi nhẹ nhàng sẽ khiến tâm hồn bạn thanh thản đầu tiên trước khi người khác được "hưởng".

 

3. Học nhẫn

Các cụ ta vẫn đề cao chữ Nhẫn. Và có lẽ cuộc sống hiện đại, hối hả đến đâu người ta vẫn cần "đánh vần" chữ Nhẫn. Đặc biệt là trong quan hệ hôn nhân, nếu ai cũng biết "nhẫn" thì những cuộc ly hôn chóng vánh sẽ không ngày càng gia tăng.

Bình tĩnh chính là cách giúp bạn vượt qua mọi vấn đề khó khăn. Ôm lửa giận ngùn ngụt chỉ khiến vợ hận chồng, chồng chán vợ. Nhưng nếu bạn biết "lùi lại 1 bước", nhìn toàn cục diện rồi nhẫn nại chờ đợi thời cơ, suy nghĩ thấu đáo bạn sẽ tránh được rất nhiều điều đáng tiếc.

Và chắc chắn dù kết quả thế nào bạn cũng không có gì để ân hận.

Sử dụng trí tuệ và khả năng để biến việc lớn thành việc nhỏ, việc nhỏ thành không có là bản lĩnh mà không phải ai cũng làm được.

 

4. Học cách giao tiếp

Rất nhiều cặp vợ chồng ly hôn không phải do ngoại tình, bạo lực gia đình hay nhiều lý do khác mà chính là thiếu sự giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày.

Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn - Ấy vậy mà vợ chồng như 2 người ở ghép trong 1 ngôi nhà với chồng chất những trách nhiệm con cái và nghĩa vụ "diễn tròn vai" hạnh phúc thì còn gọi gì là hôn nhân.

Điều quan trọng nhất là giao tiếp, chia sẻ. Đừng đòi hỏi đối phương phải hiểu mình khi mình im lặng. Có quá nhiều áp lực vô hình rồi, đừng đè nặng anh ấy bằng những hờn giận vô cớ nữa.

Hoặc anh ta không hiểu, hoặc anh ta cố hiểu nhưng lại hiểu sai và đi đến những hành động sai lầm. Vậy tại sao ngay từ đầu không trao đổi cùng nhau?

 

5. Học cách buông bỏ

Cuộc sống giống như một chiếc vali, hãy nhấc nó lên khi bạn cần, đặt nó xuống khi không sử dụng.

Khi nào chúng ta nên buông tay, giống như việc kéo hành lý nặng nề, không thoải mái và đôi khi không thực sự cần thiết phải ôm đồm nhiều đến thế. Thời gian của cuộc sống là có hạn, thừa nhận sai lầm, tôn trọng lẫn nhau, cố gắng vì tất cả nhưng không được đền đáp thì cũng đừng miễn cưỡng níu kéo.

Đôi khi từ vị tha đến mù quáng nó rất mong manh khiến phụ nữ khó để vững lòng trong những quyết định.

 

6. Học cách tồn tại

Sẽ có những lúc chúng ta chán cuộc sống, chán mọi thứ, mất phương hướng nhưng luôn nhớ rằng, trời có sụp xuống thì chúng ta vẫn phải tồn tại. Thậm chí không có anh tôi vẫn có thể sống tốt, khỏe mạnh và sống ý nghĩa.

Công việc có thể bị đình trệ, hôn nhân có thể thất bại nhưng bản thân bạn không được phép gục ngã. Khi cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Mà nếu nó không mở chỉ là do bạn chưa tìm đúng chìa khóa mà thôi.

Đứng lên, mạnh mẽ và hiên ngang sống chậm để tận hưởng rồi bạn sẽ nhận ra, còn thở là còn cơ hội được hạnh phúc!

Theo PNVN

Gốc rễ của vấn đề nằm ở văn hoá

 

GS. Neal Koblitz, Đại học Washington và từng tình nguyện giảng dạy từ sau đại học đến phổ thông của nhiều nước chia sẻ về sự trân trọng của xã hội đối với những người thầy.

 

Vào năm 2018, Mỹ đầu tư 14,4 nghìn USD cho mỗi học sinh từ tiểu học đến hết trung học cơ sở. Con số này khiến Mỹ xếp thứ năm trong 37 quốc gia thuộc khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) và cao hơn 34% so với con số trung bình của OECD. Mỹ cũng đứng thứ bảy trong những nước trả lương cao nhất cho các giáo viên tiểu học đã có 15 năm kinh nghiệm.

Nhưng cùng trong thời điểm xếp hạng đó, khi so sánh kết quả của bài kiểm tra toán chuẩn hóa chung cho học sinh ở lứa tuổi 15 giữa các quốc gia thì Mỹ xếp dưới mức trung bình của các nước OECD.

 

Có rất nhiều lý do giải thích cho việc số tiền đầu tư cho giáo dục Mỹ lớn như vậy lại không thể chuyển đổi thành kết quả học tập tốt của học sinh. Hệ thống giáo dục của chúng tôi là một trong những hệ thống phân tán và vô tổ chức nhất trên thế giới.

Mỗi bang có một bộ máy hành chính giáo dục riêng biệt và hầu hết các quyết định về những gì sẽ xảy ra trong từng lớp học được thực hiện ở từng sở giáo dục cấp quận, với 16,800 cơ sở trên cả nước.

 

Phần lớn ngân sách dành cho giáo dục được rút ra từ thuế đất ở địa phương và điều đó dẫn đến việc những khu vực càng giàu có thì càng nhiều tiền dành cho trường học hơn so với những khu vực nghèo. Điều đó cũng có nghĩa là hệ thống giáo dục này bất bình đẳng nhất thế giới. 

  

Nhưng với quan điểm của tôi thì gốc rễ của kết quả đáng thất vọng của giáo dục Mỹ có lẽ đến từ văn hóa. Trong bốn đến năm thập kỉ trở lại đây, người ta chứng kiến sự suy giảm trầm trọng sự kính trọng của công chúng đối với giáo viên và đối với nghề giáo.

 

Tôi học cấp hai và đại học trong thời kì “hậu Sputnik” của giáo dục Mỹ, kéo dài từ năm 1957 (thời điểm Liên Bang Nga phóng vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo) cho đến năm 1969 (con người lần đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng).

Trong suốt “cuộc đua lên Mặt trăng” đó, Chính phủ Mỹ đầu tư rất mạnh mẽ vào giáo dục, đặc biệt là khoa học, và công chúng nhiệt thành ủng hộ nỗ lực đó, bởi không có lý do nào hợp lí hơn việc “đánh bại người Nga trên đường đua tới Mặt trăng”.

 

Thêm nữa, ở thời điểm đó, phần lớn các nghề nghiệp đều đóng cửa với phụ nữ, giảng dạy tiểu học và trung học cơ sở là một trong số ít những lựa chọn của những người phụ nữ có học. Một vài trong số những sinh viên nữ xuất sắc nhất đại học đã đi vào con đường giảng dạy, và giáo viên thời đó rất được kính trọng.

 

Giờ đây tình thế đã trở nên rất khác. Giảng dạy ở Mỹ là một ngành nghề vô cùng căng thẳng. Giáo viên có rất ít tự chủ và phải xoay sở trong một nền hành chính cồng kềnh và chậm tiến.

Sự chống đối và hỗn hào của học sinh thì tràn lan. Những câu chuyện về xả súng ở trường học đe dọa các thầy cô giáo. Không còn nhiều sinh viên xuất sắc lựa chọn nghề nghiệp giảng dạy nữa.

 

Ở Mỹ, mỗi khi một học sinh bị điểm kém, rất thường xuyên là phụ huynh sẽ nổi giận với giáo viên chứ không phải với đứa con bị điểm thấp. Phụ huynh cũng phán nàn rằng liệu con mình học như thế có “nhiều bài tập” quá không.

Những phàn nàn của học sinh và phụ huynh có thể làm xói mòn danh tiếng của người thầy và sự nghiệp của họ.

Ở Mỹ, người ta có một động lực lớn để “ngu hóa” chương trình giảng dạy và thổi phồng điểm số. Những sinh viên tốt nhất cảm thấy sách vở quá dễ còn học sinh lười thì được điểm cao mà trước đây chỉ có những người xuất sắc mới có thể đạt được.

 

Trong những năm 90, tôi trở nên hứng thú với giáo dục toán học trước đại học. Khi vợ tôi, Ann và tôi đi khắp thế giới, chúng tôi thường tới thăm các trường ở mỗi địa phương để chia sẻ những bài giảng toán học. Chúng tôi cảm nhận một luồng gió mới khi nhìn thấy những giá trị to lớn mà người dân ở những quốc gia khác trao cho giáo dục và niềm kính trọng họ dành cho giáo viên.

Chúng tôi tới các ngôi trường ở Peru, Chile, Belize, El Salvador, Mexico, Cuba, Nam Phi, Malawi, Zimbabwe, Ấn Độ và Việt Nam.

 

Tới Hà Nội, chúng tôi tới thăm hai trường chuyên và một trường được mô tả là “trường thường”. Trong ngôi “trường thường” đó, chúng tôi dành một buổi sáng với một lớp gồm các em khoảng từ 10-11 tuổi, các em ở tầm tuổi giống như những học sinh mà tôi vẫn thường giảng dạy tình nguyện ở gần nơi tôi sống tại Seattle, Mỹ.

Nhưng các em sáng dạ hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa ở Mỹ, không chỉ ở những kĩ năng cơ bản mà còn ở cả sự sáng tạo khi xử lý những bài toán đố khá thách thức mà chúng tôi đưa ra.

 

Việt Nam có một truyền thống coi trọng học thuật sâu sắc, đó là điều chúng tôi biết được khi tới thăm Văn Miếu trong lần đặt chân đến Hà Nội vào năm 1978. Trong toán học, truyền thống đó bắt đầu với Lương Thế Vinh, rồi sau đó là Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Ngô Bảo Châu.

 

Không có gì là bí ẩn đằng sau việc tại sao một quốc gia có thể bỏ ra rất nhiều tiền cho giáo dục nhưng đổi lại chỉ có kết quả làng nhàng, trong khi một quốc gia khác có đầu tư khiêm tốn hơn nhiều và vẫn có thể xoay sở dạy được những kĩ năng phức tạp và tư duy sáng tạo cho các em nhỏ. Tôi vẫn nghĩ gốc rễ của vấn đề nằm ở văn hóa. Coi trọng người thầy hẳn là cốt lõi của một nền giáo dục thành công.

 

Thứ Sáu, 8 tháng 9, 2023

Những lời nói ngọt ngào trong tình yêu

 

NHỮNG LỜI NÓI NGỌT NGÀO TRONG TÌNH YÊU

Tình yêu là thứ tình cảm mà mọi người đều hướng đến. Những lời nói ngọt ngào rất quan trọng trong tình yêu, chúng cũng giống như gia vị khi nấu ăn, nếu thiếu thì tình yêu sẽ không đẹp.

Chính vì thế, một người đàn ông khi yêu nhất định phải biết cách nói lời ngọt ngào mới có thể giữ tình yêu luôn tươi mới.

Trong xã hội ngày nay, tư tưởng con người đã trở nên cởi mở, bạn có thể mạnh dạn biểu lộ tình cảm trước bạn khác giới, bày tỏ tình cảm là điều quan trọng trong việc tạo nên tình yêu.

Đấu khẩu là một kỹ năng các bạn có thể tham khảo.

Đấu khẩu: Gia vị của tình yêu

Những người đang yêu thường cho thêm gia vị để khiến tình yêu của mình nhiều màu sắc hơn, trong đó gia vị quan trọng nhất chính là “đấu khẩu”. Đấu khẩu ở đây không phải là cãi nhau căng thẳng mà chỉ là trò chơi ngôn ngữ giữa những người đang yêu. Do sở thích, tính cách và thói quen khác nhau nên những người yêu nhau không thể lúc nào cũng hòa hợp. Những lời tranh luận không ác ý chính là thứ gia vị quan trọng giúp tình cảm trở nên gần gũi, thắm thiết hơn.

Những người đã chơi trò xe điện đụng đều biết, cái hay của trò chơi nằm ở chỗ các xe liên tục đụng vào nhau, những người trẻ tuổi đang yêu cũng có một trò chơi ngôn ngữ thú vị, độc đáo, rất giống trò xe điện đụng, đó chính là “đấu khẩu”.

Thực tế, các chàng trai, cô gái có thể rất yêu nhau, nhưng hai người sẽ có những cách sống khác nhau, ai cũng muốn thay đổi đối phương, nhưng không ai muốn tự thay đổi chính mình. Do đó, khi gặp vấn đề, có thể dùng phương pháp “đấu khẩu” để điều chỉnh cảm xúc, nhưng nhất định phải nắm được những đặc điểm của “đấu khẩu”.

Mục đích mơ hồ. Khi những người đang yêu đấu khẩu với nhau không phải để họ giải quyết những vấn đề thực tế, chỉ là họ đang sử dụng ngôn ngữ để gia tăng tình cảm và hiểu nhau hơn.

Hình thức đấu khẩu vô hại. Giữa những người yêu nhau, “đấu khẩu” và “tranh cãi” có sự khác biệt. Tranh cãi là khi tôi nói một câu, anh nói một câu, công kích lẫn nhau và không ai chịu nhượng bộ ai.

Nhưng “đấu khẩu” không sử dụng những từ ngữ nặng nề như tranh cãi, mà chỉ là hình thức mang lại sự nhẹ nhõm, vui vẻ. Vì thế “đấu khẩu” trở thành một hình thức giao lưu tình cảm thú vị giữa những người đang yêu.

Mặc dù đấu khẩu trên thực tế có thể thể hiện chân thực tình cảm của những người đang yêu nhau, nhưng cần phải hiểu một điều rằng, đấu khẩu là một trò chơi, và trò chơi thì có quy tắc của nó. Chơi đúng cách mới có thể mang lại hiệu quả tốt.

Đấu khẩu không chỉ là một trò chơi ngôn ngữ. Có lúc nó còn là một cách hiệu quả để loại bỏ mâu thuẫn giữa những người yêu nhau.

- Một đôi tình nhân đi du lịch, hành trình không hề thuận lợi khi luôn gặp rắc rối trên đường đi, cô gái tỏ ra không vui và oán trách: “Tại sao đi chơi với anh lại đen đủi thế chứ?”

“Đúng thế, chúng ta có số làm vợ chồng!” Chàng trai trả lời. “Tại sao lại là số vợ chồng? Làm vợ chồng thì phải đen đủi à?”

“Vợ chồng chính là cùng chung hoạn nạn! Em nghĩ mà xem, nếu không có em ở bên cạnh, một mình anh làm sao giải quyết được những việc này?”

Nghe những lời này, bao nhiêu mệt mỏi trong cô gái đều tan biến.

Tốt nhất không nên làm tổn thương lòng tự tôn của đối phương, khi đấu khẩu, tuyệt đối không nên tấn công vào điểm yếu của người đối diện.

Đấu khẩu cần có một môi trường thoải mái, một tư tưởng đúng đắn, từ đó mới có thể mang lại niềm vui. Do đó, khi đấu khẩu cần phải chú ý tới tâm trạng của người yêu. Mọi người đều hiểu rõ, khi tâm trạng vui vẻ có thể thoải mái nói chuyện, cười đùa. Trong trường hợp ngược lại thì sẽ là không thích hợp để trêu chọc nhau.

Khi bắt đầu sử dụng những lời nói ngọt ngào, các bạn đừng quên chơi trò chơi “đấu khẩu” trong tình yêu.