Chủ Nhật, 3 tháng 9, 2023

Nghịch lý ở đời

 

NGHỊCH LÝ Ở ĐỜI

– Khi bạn Im Lặng,
+ Những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn biết lắng nghe,
+ Những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn khinh người.

– Khi bạn Nói,
+ Những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn biết chia sẻ,
+ Những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn nói nhiều.


– Khi bạn Nói về những điều to lớn,
+ Những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn đang truyền cho họ cảm hứng,
+ Những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn đang “nổ”.


– Khi bạn Nói về những điều rất đời thường,
+ Những người yêu thương bạn sẽ bảo bạn giản dị,
+ Những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn tầm thường.


– Khi bạn Xin lỗi,
+ Những người yêu thương bạn sẽ nói bạn khiêm nhường,
+ Những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn yếu đuối.


– Khi bạn Hy sinh,
+ Những người yêu thương bạn sẽ nói “cảm ơn”,
+ Những kẻ ghét bạn sẽ nói “đạo đức giả”.


– Khi bạn Sống thật,
+ Những người yêu thương bạn sẽ tha thứ và yêu thương bạn nhiều hơn,
+ Những kẻ ghét bạn sẽ lại càng căm ghét bạn hơn.


– Khi bạn Thành công,
+ Những người yêu thương bạn sẽ nói bạn tài năng,
+ Những kẻ ghét bạn sẽ bảo bạn cơ hội.


Bởi vậy, hãy đơn giản sống thật với chính mình. Hãy biết khi nào nên nói và khi nào nên im lặng. Hãy chọn hạnh phúc, sống tử tế và biết người, biết ta là được.

Khi thương nước đục cũng trong

Khi ghét nước sạch giữa dòng cũng dơ !!!

 

Bớt muối giảm đường, cuộc đời trở nên nhạt nhẽo

 

BỚT MUỐI GIẢM ĐƯỜNG, CUỘC ĐỜI TRỞ NÊN NHẠT NHẼO

Ngọt là một trong bốn vị cơ bản (chua, ngọt, mặn, đắng) mà giới ẩm thực nâng niu và được quý bà ưa thích. Thật tiếc, y học lại không ưa ngọt.

Ngọt mà giới y học nhắm tới là đường ăn, loại đường được tiêu thụ nhiều nhất. Thị trường có nhiều loại đường ăn: đường cát, đường phèn, đường nâu, đường đỏ, mật đường, đường mật, đường thẻ, đường thốt nốt… Đi kèm những loại đường này là huyền thoại đủ kiểu tốt xấu.

Đường ăn, tiếng Anh dân dã gọi là đường bàn (table sugar), sách vở gọi là đường sucrose với công thức hóa học duy nhất - C12H22O11 (glucose kết hợp với fructose).

Đường cát, hay đường tinh luyện, là loại đường được tiêu thụ nhiều nhất. Loại đường này được làm từ mía, ép lấy nước cốt, rồi cô lại bằng nhiệt, loại bỏ tạp chất và tẩy màu.

Sau đấy kết tinh lấy đường, hạt nhỏ hoặc mịn tùy theo nhà sản xuất. Loại đường công nghiệp này chứa tới 99,9% là đường sucrose, được tẩy màu và mùi bằng than hoạt tính, nên không có vấn đề gì về an toàn thực phẩm.

BS Hiromi Shinya, tác giả quyển Nhân tố enzyme. Để đề cao đường đỏ (tương tự đường vàng), BS Shinya cho rằng đường tinh luyện đã mất đi các chất dinh dưỡng vi lượng như vitamin, khoáng chất và chuyển sang tính acid.

Nên khi ăn thực phẩm có tính acid, cơ thể không đủ khoáng để trung hòa acid, thiếu hụt nhất là khoáng calci, nên phải lấy calci từ xương và răng. Đó là lý do vì sao khi ăn nhiều đồ ngọt hay bị sâu răng và loãng xương.

Đường mật (molasses sugar) cũng được sản xuất từ nước mía, cho qua nhiệt, rồi đem kết tinh lấy một phần đường (ăn). Phần nước còn lại, gọi là nước nhất, còn khá nhiều đường, đem cô tiếp thành đường mật. Nếu kết tinh tiếp để lấy thêm đường thì nước còn lại gọi là nước nhì, đem cô tiếp cũng thành đường mật.

Đường mật sái nhất, sái nhì có màu sắc và hương vị hơi khác nhau. Sái nhì đậm màu hơn sái nhất. Nói cách khác, đường mật chính là rỉ mật "chất lượng cao", sản phẩm phụ của quá trình làm đường tinh luyện. Rỉ mật sái 3, sái 4 làm thức ăn gia súc hoặc cho lên men lấy cồn.

Nấu mật đường xem có vẻ thủ công, đơn giản vậy chứ không dễ làm. Mật đường là đường ăn có lẫn đường fructose và glucose với tỉ lệ khá cao, có khi lẫn tới hơn 20%, nhiều nhất là fructose, nên mật mới ngọt hơn đường ăn là vì vậy (đường fructose ngọt gấp 1,7 lần đường ăn), nhưng mật còn thoảng hương vị tự nhiên của mía.

Bánh chay, bánh nếp, khoai lang, khoai mì... chấm với mật đường, hay khi kho cá, kho thịt, nấu chè… cho chút mật đường thì không chê vào đâu được. Mật này mới đúng là mật thứ thiệt, chết từ ruồi tới người.

Bên Tây còn có loại đường nâu (brown sugar), trông giống đường cát nhưng có màu vàng nâu. Đây là đường tinh luyện, mà tinh thể đường được phủ lớp mật đường (molasses) có màu nâu nhạt, với mức từ 8-10% mật. Đường nâu có màu sắc đậm nhạt tùy vào lượng mật cho vào.

Đường nâu dễ bị caramel hóa (hóa nâu khi gia nhiệt) hơn đường tinh luyện, nên mấy bà cũng thêm vào nước sauce cho bắt màu, bắt mùi.

Đường nâu ở mình gọi là đường cát vàng, là loại làm thủ công, cũng là đường kết tinh nhưng còn lẫn mật đường do tinh luyện chưa kỹ hoặc không tẩy trắng. Loại đường nâu còn nhiều mật đường nhất là đường thẻ, đường miếng.

Đường thốt nốt làm bằng nước cốt thu được từ bông thốt nốt. Nước cốt phải đem nấu đường ngay, để lâu vài ngày sẽ bị lên men chua.

Làm theo kiểu thủ công, nên đường thốt nốt còn lẫn một ít chất béo, protein, khoáng… có trong dịch thốt nốt, nhưng độc đáo nhất là hương vị đặc trưng tự nhiên với cảm giác ngọt dịu của thốt nốt.

Đường thốt nốt nấu chè thì ngon không chê vào đâu được, nhưng vẫn là đường sucrose, có hương vị thốt nốt.

Đường phèn được cho là có tính mát, vị ngọt thanh vì ít đường hơn so với đường trắng. Đem đường phèn nấu chè, làm bánh hay chưng yến sào cho có vị thanh mát, giúp giải nhiệt… Còn nhiều ca tụng khác nữa về đường phèn, cả trong các bài thuốc dân gian trị ho, viêm họng… Sự thật thế nào?

 Đường thẻ mịn, có độ ẩm cao nên dễ tan trong miệng, lưỡi cảm nhận được vị ngọt ngay, nên ăn có cảm giác ngọt đậm. Đường tinh luyện cũng gần như thế, hạt tinh thể nhỏ, nên vị ngọt ra chậm hơn một chút. Đường phèn ở dạng tinh thể gồ ghề lởm chởm, "nhả" đường ra chút chút vào lưỡi nên có cảm giác ngọt nhẹ, ngọt thanh.

Các loại đường như đường tinh luyện, đường vàng, đường nâu, đường mật, mật đường, đường thốt nốt và đường phèn đều là đường sucrose, có cùng độ ngọt là 1 như nhau. Ngọt dịu vị thanh của đường phèn chỉ là vị giác bị đánh lừa mà thôi.

Đường cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng là thứ năng lượng rỗng. Các loại đường nâu hay đường đỏ mà BS Shinya ca tụng vì chứa khoáng này hay vitamin nọ, thực tế hàm lượng quá ít, nên mức đóng góp dinh dưỡng không đáng kể như trái cây.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào năm 1989 đã đưa ra khuyến cáo giảm ngọt còn 50g đường/ngày.
Hạn chế sử dụng đường là một phần kế hoạch hành động toàn cầu của WHO, nhằm giảm đà gia tăng bệnh tiểu đường và béo phì. Theo Bộ Y tế VN, năm 2020 tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì khu vực thành thị đã chạm ngưỡng 26,8%.

Con số 50g đường/ngày chỉ là mở hàng. Mức đường mà WHO thực sự mong muốn còn nghiệt hơn nữa: không quá 25g/ngày.

Thứ đường mà WHO đề cập không chỉ là đường sucrose (đường cát, đường phèn, đường nâu, đường mật…) mà đủ thứ đường khác: đường mạch nha (đường maltose), mật ong (chủ yếu đường glucose và fructose), siro…

Thậm chí nước ép trái cây như chanh dây, dâu tằm, táo, cam... cũng tính luôn. Tuy nhiên, trái cây (ngọt) được tha bổng vì có nhiều chất xơ và dưỡng chất.

Một loại đường khác mà khoa học ngán hơn cả đường ăn là đường sirô bắp cao fructose (high fructose corn syrup - HFCS), gây rủi ro tim mạch, tiểu đường type 2, béo phì cao hơn đường ăn. Đường HFCS có độ ngọt cao hơn đường ăn, giá lại rẻ nên được dùng nhiều trong các loại nước giải khát.

ST

 

Thứ Bảy, 2 tháng 9, 2023

Trẻ em không nên có quá 5 bộ quần áo?

 

TRẺ EM KHÔNG NÊN CÓ QUÁ 5 BỘ QUẦN ÁO? LỜI GIẢI THÍCH CỦA NHÀ TÂM LÝ HỌC

 

Trước đây, các bậc cha mẹ đã từng lớn lên trong thời đại khan hiếm vật chất, vậy nên tâm lý luôn lo lắng con cái mình bị thiếu thốn. Họ thà làm việc chăm chỉ và chấp nhận vất vả hơn gấp bội để cung cấp những điều kiện vật chất tốt nhất cho con. Tuy nhiên điều này có thực sự mang lại hạnh phúc cho con cái?

 

Càng nhiều sự lựa chọn, hạnh phúc càng ít

Nhà tâm lý học người Mỹ Barry Schwartz cho rằng sự thoải mái quá mức dẫn đến sự suy giảm mức độ hài lòng trong cuộc sống của mọi người và gia tăng tình trạng trầm cảm lâm sàng.

Vì vậy, bạn sẽ thấy rằng mặc dù điều kiện sống bây giờ rất tốt nhưng rất nhiều trẻ em không biết cách trân trọng.

Đồ chơi sẽ bị vứt đi sau một thời gian, những món ăn đã từng được yêu thích, chỉ sau vài ngày sẽ không còn được nhòm ngó đến...

 

Một người mẹ đã từng kể về sự nhầm lẫn của mình

Một lần, tôi đưa con trai đến nhà cô bạn chơi và nghĩ rằng cậu bé sẽ có một khoảng thời gian vui vẻ, nhưng thực tế thì không...

Lúc đầu, con trai tôi rất hào hứng khi chơi xe tải. Sau đó, sự quan tâm của cu cậu được chuyển đến xe cứu hỏa, chơi xe cứu hỏa xong lại chạy đến xe cảnh sát, và cuối cùng là tranh giành chiếc xe cứu thương với cậu bạn.

Tôi nói với con trai: "Con nhìn xem, có bao nhiêu ô tô để chơi, sao con còn tranh giành với bạn?". Con trai tôi ấm ức khóc.

 

Thực lòng mà nói, tôi cho rằng đó không phải là lòng tham của trẻ em, nhưng khi có nhiều sự lựa chọn hơn, trẻ khó có được 100% hạnh phúc từ những đồ chơi này, bởi hạnh phúc sẽ bị giảm đi.

 

Một người bạn của tôi, xuất thân từ một gia đình nhỏ ở vùng nông thôn nghèo

Khi cô ấy còn là một đứa trẻ, chỉ có hai món đồ chơi, một con búp bê Barbie, được mua khi cha cô đi làm xa, một con búp bê bằng gỗ, là quà tặng sinh nhật của người bạn thân nhất của cô ở trường tiểu học.

Cho đến bây giờ, cô vẫn trân trọng hai món đồ chơi này. Mỗi lần kể lại, cảm giác hạnh phúc và cảm động khi nhận được quà vào thời điểm đó dường như vẫn còn mới nguyên trong cô.

 

Lựa chọn quá mức có thể gây mất tập trung

Khi trẻ phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn, trái tim của chúng thường bị vướng mắc và do dự. Chúng không biết những gì chúng thực sự muốn, và chúng không biết cách trân trọng chúng.

Một khi trẻ phát triển thói quen mất tập trung, rất khó phát triển chất lượng tập trung và dễ bỏ cuộc hơn khi gặp khó khăn. Những điều này không có lợi cho sự phát triển trong tương lai của trẻ.

Vậy làm thế nào để chúng ta cho con cái lựa chọn, điều gì là tốt nhất cho chúng?

 

1. Về khía cạnh vật chất - làm cho sự lựa chọn của trẻ ít hơn và tốt hơn

Không nên có quá nhiều đồ chơi, 5 cái là tốt nhất.

Các học giả thuộc Đại học Virginia, Mỹ cho rằng trẻ em nên được cung cấp khoảng 5 đồ chơi. Trong phạm vi lựa chọn này, đứa trẻ tập trung vào những đồ chơi mà nó thích, và liên tục tìm tòi, suy nghĩ, và có thể tạo ra nhiều cách chơi mới, khi đó giá trị của đồ chơi có thể được tối đa hóa.

 

Tối đa 3 đôi giày và tối đa 5 bộ quần áo trong mỗi mùa

Các nhà tâm lý học Nhật Bản đã gợi ý rằng trẻ em trên 4 tuổi cần không quá 5 bộ quần áo mỗi mùa. Đồng thời, chúng không cần nhiều hơn 3 đôi giày (bao gồm cả dép đi trong nhà) và chỉ cần có 1 chiếc mũ.

Quần áo và giày dép nhiều quá mức có thể khiến trẻ gặp "khó khăn trong việc lựa chọn" và dễ bị phân tâm.

Ngoài ra, một căn phòng gọn gàng cho phép trẻ em tập trung hơn vào việc chơi và khám phá. Khi sống trong một không gian bừa bộn, sẽ dễ cảm thấy buồn chán và thiếu kiên nhẫn.

 

2. Về khía cạnh học tập: đừng tham lam đăng ký nhiều lớp học cho con

Nhiều bậc cha mẹ chỉ chăm chăm lo cho con tham gia các lớp học khác nhau để con cái của họ có thể giỏi nhất ngay từ vạch xuất phát, chẳng hạn như taekwondo, piano, khiêu vũ, hội họa ...

Tuy nhiên, mặc dù trẻ em đang đổ xô đến các lớp học năng khiếu khác nhau, cuối cùng... mọi thứ đều không ổn. Điều này là do năng lượng của trẻ bị hạn chế, quá nhiều môn học, dẫn đến việc học không thể tập trung.

Bạn nên chọn một hoặc hai theo năng khiếu của con bạn. Đừng quá tham lam, nếu không con bạn sẽ mất nhiều hơn được.

 

Giảm lựa chọn vật chất, tăng sự đồng hành chất lượng cao

Trẻ em rất háo hức được đồng hành cùng cha mẹ. Tầm quan trọng của việc này đối với sự phát triển của trẻ thực sự tốt hơn nhiều so với những gì mà vật chất có thể mang lại.

Nhà giáo dục người Ý Montessori tin rằng đứa trẻ là một "phôi thai tâm linh". Từ khi sinh ra, đứa trẻ đã phát triển nhờ kinh nghiệm, nhận thức và tương tác với thế giới xung quanh. Nó giống như một miếng bọt biển không ngừng hấp thụ mọi thứ mà môi trường mang lại.

Cha mẹ là người đầu tiên kết nối với trẻ em và thế giới, cách thức và chất lượng sự đồng hành của cha mẹ quyết định cách trẻ em sống với thế giới và cách cư xử của bản thân.

Vượt xa những giá trị vật chất, những khoảnh khắc ngọt ngào giữa cha mẹ và con cái luôn có thể trở thành dấu ấn trong trái tim đứa trẻ và trở thành những ký ức đẹp nhất trong cuộc đời của chúng.

 

Theo: aboluowang.com