Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2023

7 kiểu 'bác sĩ' bạn nên tránh

 

7 KIỂU 'BÁC SĨ' BẠN NÊN TRÁNH

Bác sĩ "phán quan"

Đây là một kiểu bác sĩ mà bạn nên cẩn trọng trước khi quyết định thăm khám. Chuyện này áp dụng cho cả các bác có bằng và các “bác sĩ dởm” tự phong.

Trước khi chẩn đoán một bệnh nào đó cho một ai đó, một bác sĩ phải thu thập càng nhiều thông tin đúng, có giá trị càng tốt, rồi mới vẽ nên bức tranh của bệnh nhân sao cho phù hợp nhất. Một bác sĩ có nghề sẽ rất cẩn trọng khi đưa ra một kết luận bệnh tình của ai đó, vì bước một bước sai là cả con đường sẽ sai, sai một ly đi một dặm.

 

Khi tôi đi học bác sĩ nội trú, phải luân phiên nhau trực tư vấn qua điện thoại. Mỗi người được phát một cuốn sách rất dày, trong đó có hướng dẫn đủ loại từ hạ sốt tới giải độc. Trang đầu tiên của sách có dòng chữ lớn: không được đưa ra chẩn đoán, chỉ cho lời khuyên trong hoàn cảnh đó thôi. Ví dụ như hạ sốt làm sao, khi nào đi khám, cấp cứu.

Ví dụ trẻ biếng ăn cũng 5-7 loại biếng ăn, bác sĩ nếu chỉ nghe con biếng ăn, chưa hỏi được ăn uống kiểu gì, vận động ra sao mà "auto phán" thiếu kẽm rồi bù kẽm thì đó là bác sĩ "phán quan" rồi. Nghe khai đau bụng mà bụng bác sĩ dù chưa rờ tới nhưng đã phán thì… bệnh nhân tự lo là vừa.

  

Đi khám mà bác sĩ nói chưa biết bạn bệnh gì, phải tìm hiểu thêm, cho xin 5 phút đi đọc sách, các bạn nên mừng vì ít ra đó là một bác sĩ chân thật, không phải là phán quan. Tôi cũng xin "quyền trợ giúp" nhiều lần vì vốn không phải là "thần y". 

 

Bác sĩ "nhà họ hứa"

Nếu bạn đã từng khám bệnh nhân sốt viêm hô hấp trên, cuối cùng là nhiễm trùng huyết liên cầu A phải đoạn chi, hoặc chỉ là một bệnh nhi cúm A rồi lại thành viêm phổi, suy hô hấp và chết, thì bạn sẽ không dám hứa.

Hứa càng nhiều rồi thất hứa càng nhiều.

Phương pháp điều trị nào cũng có khả năng thất bại, thủ thuật nào dù an toàn tới đâu cũng có thể có tai biến, bệnh nào dù nhẹ tới đâu cũng có khả năng tử vong nhất định dù rất nhỏ. Chưa kể chẩn đoán có thể thay đổi, điều trị có thể có tai biến.

 

Y khoa vốn là khoa học của sự bất ngờ nên không ai dám cam đoan điều gì.

Ngay cả tôi khi khám một ca nhiễm siêu vi hô hấp trên bình thường cũng chỉ nói "tôi nghĩ con chị có bệnh này, nên làm vậy, thường sẽ khỏi trong 1-2 tuần, nhưng phải đi khám lại nếu có ABC…".

Tôi dạy sinh viên không bao giờ hứa sẽ trị khỏi bệnh nhân, có khi mình sẽ phải thất hứa dù không muốn.

 

"Bác sĩ online" hứa rất mạnh miệng, vì điếc không sợ súng, vì có bao giờ nhìn bệnh nhân chết trong tay mình đâu mà biết sợ. Bác sĩ trên mạng có thể phủi tay cái rẹt, thuốc của tôi hay, con chị chết tại xui, uống thuốc không coi giờ.

Bác sĩ siêu nhân  

Bạn thấy bác sĩ nào mà bệnh gì cũng giỏi, từ trẻ con tới người già 80 tuổi, phụ nữ mang thai đều biết, thì bạn đã gặp "chuyên gia chất nổ".  

Kiến thức y khoa bao la. Học biết là một chuyện, thực hành trên bệnh nhân là chuyện khác, nên vị nào từ già tới trẻ không tha thì mau né sớm.

  

Bác sĩ bán hàng  

Bác sĩ quảng cáo cho một vài nhãn hàng là bình thường, nhưng khi bác sĩ thành chuyên gia bán thực phẩm chức năng thì đó là vấn đề, vì nó tạo ra xung đột lợi ích ghê gớm. Hơn một nửa bệnh trẻ em là tự hết, không cần thuốc và cũng không cần bổ sung gì.

Hồi trước, một người bạn trình dược viên kêu tôi kê toa Cefixim, một viên 13.000 đồng, tôi được 2.000 đồng. Một tháng chắc tôi viết được một toa vì bệnh nhân có cần đâu, viết toa thuốc bằng nửa tháng lương công nhân, tôi viết không được

 

Bác sĩ cực đoan

Tùy từng bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau, thuốc nào cũng có chỗ dùng, quan trọng là đúng chỗ. Một bác sĩ lành nghề sẽ không phát ngôn kiểu cực đoan.

Bác sĩ nào hễ ho là cho uống kháng sinh thì dĩ nhiên không đúng. Nhưng bác sĩ hô hào "nói không với kháng sinh" cũng không tốt hơn mấy.

 

Tôi tình cờ thấy được giấy khen của một bác sĩ nhi khoa (trên giấy ghi vậy) khen bà mẹ cùng con vượt qua viêm họng không kháng sinh. Tôi phì cười, tới lúc gặp viêm họng do liên cầu không biết các bạn trị bằng gì?

Rồi các bạn "anti corticoid" tuyệt đối, không biết tới lúc lên cơn suyễn gần chết thì cắt cơn bằng gì, sốc phản vệ trị bằng gì?

Cho nên một bác sĩ tốt sẽ không hô hào một cách cực đoan, nên có chẩn đoán tốt rồi giải thích vì sao cần kháng sinh, khi nào không cần.

 

Bác sĩ bán "kính hồng"

Kiểu "bác sĩ online" này khi bán cho bạn thứ gì thì ca ngợi tới trời. Ai giới thiệu tôi thuốc gì mới, tôi đều hỏi hiệu quả ra sao, tác dụng phụ là gì. Trên đời này không có thứ gì không có tác dụng phụ hay nguy cơ kèm theo. Nên ai bán cho bạn thứ gì kèm theo "cặp kính hồng", nhìn đời thứ gì cũng tươi như hoa thì bạn phải tháo kính mà nhìn.

Các bạn hô hào sinh tự nhiên, sinh tại nhà, mà không biết trước khi sinh tại nhà các bác sĩ sản phải khám rất kỹ để tránh tai biến, lúc sinh còn có xe cấp cứu chờ sẵn bên ngoài.

 

Bác sĩ bán "thuốc tiên"

Một bác sĩ thực sự sẽ dùng thông tin có kiểm chứng từ nhiều nghiên cứu, không phải kiểu "nhà tôi 3 đời thần y", "thuốc này hay lắm đã cứu nhiều người" rồi đem một ai đó nói "nhờ uống thuốc này đã khỏi bệnh".

Muốn biết một thứ nào trị được bệnh nào không, phải làm nghiên cứu trên hàng ngàn người, một bên âm thầm uống thuốc, một bên âm thầm cho uống trà (giả dược) rồi so sánh hai bên xem có khác gì không thì mới có thể nói thuốc có hiệu quả hay không.

 

Trong một bài viết của tôi, có người bình luận: Nhờ nhỏ chanh vào miệng con lúc nó đang sốt cao, co giật, nên trẻ hết co giật. Tôi không biết nên nói gì. Vậy mấy triệu, mấy tỷ trẻ con sốt cao, co giật nó tự hết sau 5 phút mà không cần nhỏ chanh là nhờ cái gì?

Trẻ đang co giật, có nghĩa là bé không thở không nuốt được, vắt chanh vào miệng bé, sặc vào phổi, viêm phổi, hít hạt chanh thì lại phải đi khám bác sĩ.

 

Mỗi bệnh có nguyên nhân gây nên khác nhau, mỗi thuốc có tác dụng khác nhau nên "thuốc tiên trị bách bệnh, bách độc bất xâm" chỉ có trong phim thôi. Cho nên bác sĩ bán thuốc 3 đời tự chế, không có nghiên cứu, không có tác dụng phụ, bệnh gì cũng trị, bạn nên tự hiểu.

 

Bác sĩ Nhi khoa Trương Hoàng Hưng (từ Texas, Mỹ)

Thứ Năm, 20 tháng 7, 2023

Ba phép lịch sự gây hại cho con bạn

BA PHÉP LỊCH SỰ GÂY HẠI CHO CON BẠN

Ép con chào người lạ, bố mẹ đang khiến con đánh mất cơ chế "tự bảo vệ".

Ứng xử lịch sự là chuẩn mực mà nhiều cha mẹ đặt ra cho con cái, xã hội cũng coi đó là thước đo sự giáo dục của cha mẹ. Tuy nhiên, nhiều bậc cha mẹ mắc lỗi áp đặt các quy tắc lịch sự sai cách, vô tình đưa con vào những khuôn mẫu sai lầm khiến con cái bị ảnh hưởng tâm lý.

Dưới đây là ba phép lịch sự gây hại cho con:

 

1. Buộc con nhường nhịn trẻ bé hơn

Nhiều cha mẹ áp đặt rằng đứa lớn phải nhường nhịn trẻ bé hơn, tuy nhiên quan điểm lịch sự này sẽ có thể làm tổn thương ý thức của trẻ em về quyền sở hữu. Ví dụ, một bé 4 tuổi đang chơi món đồ chơi của mình, em gái 2 tuổi chạy đến đòi bằng được món đồ đó. Người mẹ chạy tới dỗ dành con bé, nói với con lớn: "Em nhỏ, con phải nhường cho em. Hãy đưa nó cho em ngay".

Quan niệm "kính trên nhường dưới" này khiến trẻ hoang mang về việc phải trao sở hữu của mình cho người khác, chỉ vì đối phương nhỏ tuổi hơn. Cách ứng xử này vô tình gây ra sự mất bình đẳng trong các mối quan hệ, đồng thời gieo mầm suy nghĩ cho trẻ rằng có thể ỷ lại mình bé hơn để vòi vĩnh, giằng giật, hoặc được đối xử dễ dãi hơn so với người khác.

 

2. Buộc trẻ nói lời chào

Bạn có thể bắt gặp tình huống này ở nhiều nơi: Người mẹ cùng con đi siêu thị thì gặp một cô bạn thân. Vui mừng, mẹ quay sang con trai, yêu cầu cậu bé "Chào cô đi con". Tuy nhiên, đứa bé không những không chào, còn quay đi chỗ khác và tỏ ra không thích.

Người mẹ mất vui, nghiêm mặt yêu cầu lần nữa, và khi con không tuân thủ, cô mắng con là đứa hư, không nghe lời, khó bảo... Đứa trẻ sau đó gào khóc vì tức giận.

 

Chào là một nghi thức xã hội cơ bản, một kỹ năng mà mọi trẻ đều được đào tạo. Tuy nhiên, nếu bạn gượng ép con bật ra lời chào, mệnh lệnh này thường phản tác dụng, đặc biệt với trẻ cá tính, dễ nổi loạn.

Việc nhắc nhở trẻ trước đám đông về việc chào hỏi vô tình biến trẻ thành thụ động, khiến đứa bé thu mình, ngại giao tiếp, xấu hổ với việc phải làm hài lòng người khác.

 

Đừng quên, tâm lý không thích chào hỏi là hết sức bình thường của trẻ, xuất phát từ việc cảm thấy xa lạ, hoặc tâm lý đang không vui, hoặc đơn giản là bé đang hướng chú ý đến điều khác.

Với trẻ nhạy cảm, có sự cảnh giác nhất định với người lạ, việc trở nên gần gũi sẽ đòi hỏi nhiều thời gian. Đó đơn thuần là cơ chế "tự bảo vệ" của bé, bởi thông qua cơ chế này, trẻ tự học cách phân biệt những người mình "có thể tin cậy" - "không thể tin cậy", thực chất là một loại cảm xúc bản năng.

Cha mẹ nên cho con cơ hội phát triển cảm xúc bản năng này, giống như một dạng "camera an ninh" của chính mình.

 

Dạy con chào hỏi đúng cách là biến mình thành hình mẫu cho trẻ, ví dụ mẹ có thể chủ động niềm nở, vui vẻ với khách, trong khi đứa trẻ quan sát mẹ để học theo. Bạn cũng có thể chủ động giới thiệu con với bạn của mình, để trẻ dần tiếp cận với người đối diện.

Khi trẻ không chào, cũng không nên đặt nặng việc này và mắng con trước đám đông. Bạn có thể về nhà, lựa lúc vui vẻ và hỏi con sao lại không chào, đồng thời nhắc nhở con ý thức về việc chào hỏi như một biểu hiện của sự yêu quý, tôn trọng.

Dần dà, bé sẽ hiểu quy tắc đơn giản đó.

 

3. Bắt trẻ khiêm tốn khi được khen ngợi

Khiêm tốn là một đức tính tốt, nhưng trong một số hoàn cảnh, việc bắt buộc trẻ phải khiêm tốn sẽ khiến bé đánh mất sự tự tin.

Ví dụ, một bà mẹ cho con tập xe. Nhiều người qua lại khen cậu bé: Con đạp xe giỏi quá. Người mẹ - với tính cách khiêm tốn vốn có đã nói: "Đâu có, mấy đứa trẻ khác còn giỏi hơn con tôi nhiều".

Câu nói tưởng như vô thưởng vô phạt này lại có tác động lớn đến cậu bé. Thay vì cảm thấy được động viên, khuyến khích, cậu bé sẽ nảy sinh sự hồ nghi: "Hóa ra mình chẳng giỏi giang gì, nhiều người giỏi hơn mình". Thậm chí, trẻ hiểu là mẹ không đánh giá tốt những thể hiện của mình, so sánh mình không bằng những bạn khác.

 

Trước mỗi lời khen, điều đầu tiên cha mẹ làm không phải là khiêm tốn khước từ, mà là học cách đón nhận. Bạn có thể sử dụng quy tắc giao tiếp: 5 điểm cảm ơn, 3 điểm hỗ trợ, 2 điểm kỳ vọng.

Tức là: Bạn cảm ơn sự khen ngợi của đối phương, sau đó bạn đề cập đến sự tích cực của trẻ để đạt thành quả, và thứ ba là bày tỏ kỳ vọng con sẽ làm tốt hơn nữa trong tương lai.

 

Thùy Linh (Theo Gmw)