7 KIỂU 'BÁC SĨ' BẠN NÊN TRÁNH
Bác sĩ "phán quan"
Đây là một kiểu bác sĩ mà bạn nên cẩn trọng trước khi quyết định thăm khám. Chuyện này áp dụng cho cả các bác có bằng và các “bác sĩ dởm” tự phong.
Trước khi chẩn đoán một bệnh nào đó cho một ai đó, một bác sĩ phải thu thập càng nhiều thông tin đúng, có giá trị càng tốt, rồi mới vẽ nên bức tranh của bệnh nhân sao cho phù hợp nhất. Một bác sĩ có nghề sẽ rất cẩn trọng khi đưa ra một kết luận bệnh tình của ai đó, vì bước một bước sai là cả con đường sẽ sai, sai một ly đi một dặm.
Khi tôi đi học bác sĩ nội trú, phải luân phiên nhau trực tư vấn qua điện thoại. Mỗi người được phát một cuốn sách rất dày, trong đó có hướng dẫn đủ loại từ hạ sốt tới giải độc. Trang đầu tiên của sách có dòng chữ lớn: không được đưa ra chẩn đoán, chỉ cho lời khuyên trong hoàn cảnh đó thôi. Ví dụ như hạ sốt làm sao, khi nào đi khám, cấp cứu.
Ví dụ trẻ biếng ăn cũng 5-7 loại biếng ăn, bác sĩ nếu chỉ nghe con biếng ăn, chưa hỏi được ăn uống kiểu gì, vận động ra sao mà "auto phán" thiếu kẽm rồi bù kẽm thì đó là bác sĩ "phán quan" rồi. Nghe khai đau bụng mà bụng bác sĩ dù chưa rờ tới nhưng đã phán thì… bệnh nhân tự lo là vừa.
Đi khám mà bác sĩ nói chưa biết bạn bệnh gì, phải tìm hiểu thêm, cho xin 5 phút đi đọc sách, các bạn nên mừng vì ít ra đó là một bác sĩ chân thật, không phải là phán quan. Tôi cũng xin "quyền trợ giúp" nhiều lần vì vốn không phải là "thần y".
Bác sĩ "nhà họ hứa"
Nếu bạn đã từng khám bệnh nhân sốt viêm hô hấp trên, cuối cùng là nhiễm trùng huyết liên cầu A phải đoạn chi, hoặc chỉ là một bệnh nhi cúm A rồi lại thành viêm phổi, suy hô hấp và chết, thì bạn sẽ không dám hứa.
Hứa càng nhiều rồi thất hứa càng nhiều.
Phương pháp điều trị nào cũng có khả năng thất bại, thủ thuật nào dù an toàn tới đâu cũng có thể có tai biến, bệnh nào dù nhẹ tới đâu cũng có khả năng tử vong nhất định dù rất nhỏ. Chưa kể chẩn đoán có thể thay đổi, điều trị có thể có tai biến.
Y khoa vốn là khoa học của sự bất ngờ nên không ai dám cam đoan điều gì.
Ngay cả tôi khi khám một ca nhiễm siêu vi hô hấp trên bình thường cũng chỉ nói "tôi nghĩ con chị có bệnh này, nên làm vậy, thường sẽ khỏi trong 1-2 tuần, nhưng phải đi khám lại nếu có ABC…".
Tôi dạy sinh viên không bao giờ hứa sẽ trị khỏi bệnh nhân, có khi mình sẽ phải thất hứa dù không muốn.
"Bác sĩ online" hứa rất mạnh miệng, vì điếc không sợ súng, vì có bao giờ nhìn bệnh nhân chết trong tay mình đâu mà biết sợ. Bác sĩ trên mạng có thể phủi tay cái rẹt, thuốc của tôi hay, con chị chết tại xui, uống thuốc không coi giờ.
Bác sĩ siêu nhân
Bạn thấy bác sĩ nào mà bệnh gì cũng giỏi, từ trẻ con tới người già 80 tuổi, phụ nữ mang thai đều biết, thì bạn đã gặp "chuyên gia chất nổ".
Kiến thức y khoa bao la. Học biết là một chuyện, thực hành trên bệnh nhân là chuyện khác, nên vị nào từ già tới trẻ không tha thì mau né sớm.
Bác sĩ bán hàng
Bác sĩ quảng cáo cho một vài nhãn hàng là bình thường, nhưng khi bác sĩ thành chuyên gia bán thực phẩm chức năng thì đó là vấn đề, vì nó tạo ra xung đột lợi ích ghê gớm. Hơn một nửa bệnh trẻ em là tự hết, không cần thuốc và cũng không cần bổ sung gì.
Hồi trước, một người bạn trình dược viên kêu tôi kê toa Cefixim, một viên 13.000 đồng, tôi được 2.000 đồng. Một tháng chắc tôi viết được một toa vì bệnh nhân có cần đâu, viết toa thuốc bằng nửa tháng lương công nhân, tôi viết không được
Bác sĩ cực đoan
Tùy từng bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau, thuốc nào cũng có chỗ dùng, quan trọng là đúng chỗ. Một bác sĩ lành nghề sẽ không phát ngôn kiểu cực đoan.
Bác sĩ nào hễ ho là cho uống kháng sinh thì dĩ nhiên không đúng. Nhưng bác sĩ hô hào "nói không với kháng sinh" cũng không tốt hơn mấy.
Tôi tình cờ thấy được giấy khen của một bác sĩ nhi khoa (trên giấy ghi vậy) khen bà mẹ cùng con vượt qua viêm họng không kháng sinh. Tôi phì cười, tới lúc gặp viêm họng do liên cầu không biết các bạn trị bằng gì?
Rồi các bạn "anti corticoid" tuyệt đối, không biết tới lúc lên cơn suyễn gần chết thì cắt cơn bằng gì, sốc phản vệ trị bằng gì?
Cho nên một bác sĩ tốt sẽ không hô hào một cách cực đoan, nên có chẩn đoán tốt rồi giải thích vì sao cần kháng sinh, khi nào không cần.
Bác sĩ bán "kính hồng"
Kiểu "bác sĩ online" này khi bán cho bạn thứ gì thì ca ngợi tới trời. Ai giới thiệu tôi thuốc gì mới, tôi đều hỏi hiệu quả ra sao, tác dụng phụ là gì. Trên đời này không có thứ gì không có tác dụng phụ hay nguy cơ kèm theo. Nên ai bán cho bạn thứ gì kèm theo "cặp kính hồng", nhìn đời thứ gì cũng tươi như hoa thì bạn phải tháo kính mà nhìn.
Các bạn hô hào sinh tự nhiên, sinh tại nhà, mà không biết trước khi sinh tại nhà các bác sĩ sản phải khám rất kỹ để tránh tai biến, lúc sinh còn có xe cấp cứu chờ sẵn bên ngoài.
Bác sĩ bán "thuốc tiên"
Một bác sĩ thực sự sẽ dùng thông tin có kiểm chứng từ nhiều nghiên cứu, không phải kiểu "nhà tôi 3 đời thần y", "thuốc này hay lắm đã cứu nhiều người" rồi đem một ai đó nói "nhờ uống thuốc này đã khỏi bệnh".
Muốn biết một thứ nào trị được bệnh nào không, phải làm nghiên cứu trên hàng ngàn người, một bên âm thầm uống thuốc, một bên âm thầm cho uống trà (giả dược) rồi so sánh hai bên xem có khác gì không thì mới có thể nói thuốc có hiệu quả hay không.
Trong một bài viết của tôi, có người bình luận: Nhờ nhỏ chanh vào miệng con lúc nó đang sốt cao, co giật, nên trẻ hết co giật. Tôi không biết nên nói gì. Vậy mấy triệu, mấy tỷ trẻ con sốt cao, co giật nó tự hết sau 5 phút mà không cần nhỏ chanh là nhờ cái gì?
Trẻ đang co giật, có nghĩa là bé không thở không nuốt được, vắt chanh vào miệng bé, sặc vào phổi, viêm phổi, hít hạt chanh thì lại phải đi khám bác sĩ.
Mỗi bệnh có nguyên nhân gây nên khác nhau, mỗi thuốc có tác dụng khác nhau nên "thuốc tiên trị bách bệnh, bách độc bất xâm" chỉ có trong phim thôi. Cho nên bác sĩ bán thuốc 3 đời tự chế, không có nghiên cứu, không có tác dụng phụ, bệnh gì cũng trị, bạn nên tự hiểu.
Bác sĩ Nhi khoa Trương Hoàng Hưng (từ Texas, Mỹ)