Thứ Tư, 14 tháng 6, 2023

Tôn giáo nào tốt nhất

TÔN GIÁO NÀO TỐT NHẤT

 Tại một cuộc hội thảo bàn tròn về “Tôn giáo và tự do”, có Thần học gia người Brazil, Leonardo Boff, Đức Đạt Lai Lạt Ma và một vị khách mời (là tôi). Trong giờ nghỉ giải lao, vị khách mời hỏi:

 

“Thưa ngài, tôn giáo nào tốt nhất?'

Tôi nghĩ Ngài sẽ nói: “Phật giáo Tây tạng” hoặc “Các tôn giáo phương Đông, lâu đời hơn Ki-tô giáo nhiều”. Nhưng không phải.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trầm ngâm giây lát, mỉm cười và nhìn vào mắt tôi… Điều này làm tôi ngạc nhiên vì tôi biết đây là một câu hỏi ranh mãnh.

 

Ngài trả lời:

“Tôn giáo tốt nhất là :

- Tôn giáo đưa anh đến gần Đấng Tối cao nhất.

- Tôn giáo biến anh thành con người tốt hơn”.

 

Để giấu sự bối rối của tôi trước một câu trả lời đầy khôn ngoan như thế, tôi hỏi tiếp:

“Cái gì làm tôi tốt hơn, thưa Ngài?"

 

Ngài trả lời:

“Tất cả cái gì làm anh:

- Biết thương cảm hơn

- Biết theo lẽ phải hơn

- Biết từ bỏ hơn

- Dịu dàng hơn

- Nhân hậu hơn

- Có trách nhiệm hơn

- Có đạo đức hơn”.

 

“Tôn giáo nào biến anh thành như vậy thì đó là tôn giáo tốt nhất”.

Tôi thinh lặng giây lát, lòng đầy thán phục, ngay cả bây giờ, khi nghĩ đến câu trả lời đầy khôn ngoan và khó phản bác.

Bạn thân mến, tôi không quan tâm đến chuyện bạn theo tôn giáo nào, cũng không quan tâm đến chuyện bạn có tôn giáo hay không có tôn giáo.

Điều mà tôi quan tâm chính là thái độ, là hành vi của bạn đối với bạn bè, đối với gia đình, đối với công việc, đối với cộng đồng và đối với thế giới.

Hãy nhớ rằng vũ trụ chính là tiếng vọng của hành động và tư tưởng của chúng ta. Quy luật của tác động và phản ứng không chỉ đúng trong vật lý học, mà nó cũng đúng trong các mối quan hệ của con người.

Nếu tôi làm điều lành, tôi sẽ nhận điều lành. Nếu tôi làm điều ác, tôi sẽ nhận điều ác.

Những gì mà ông cha chúng ta nói với chúng ta luôn luôn là chân lý thuần khiết. Bạn sẽ luôn luôn có được những gì mà bạn ước muốn người khác có được. Hạnh phúc không phải là một vấn đề của số phận, mà là vấn đề của sự lựa chọn.”.

Cuối cùng ngài nói:

Bạn hãy:

Thận trọng với tư tưởng của bạn, bởi tư tưởng sẽ trở thành lời nói.

Thận trọng với lời nói của bạn, bởi lời nói sẽ trở thành hành vi.

Thận trọng với hành vi của bạn, bởi hành vi sẽ trở thành thói quen.

Thận trọng với thói quen của bạn, bởi thói quen sẽ tạo nên tính cách.

Thận trọng với tính cách của bạn, bởi tính cách sẽ tạo nên số phận

Và số phận của bạn chính là cuộc đời của bạn.

Không có tôn giáo nào đứng cao hơn Chân Lý cả.

 

 

Thế nào là bình đẳng, là dân chủ trong giáo dục.

THẾ NÀO LÀ BÌNH ĐẲNG, LÀ DÂN CHỦ TRONG GIÁO DỤC.

Năm 2010 là lần đầu tiên tôi được gặp thầy, trong lớp cao học. Thầy từ Sài Gòn ra để dạy chúng tôi hai chuyên đề là Âm vị học và Lịch sử ngữ âm tiếng Việt. Đối với tất cả những người học chuyên ngành Ngữ văn thì đây là những món...ám ảnh nhất.

Điều bất ngờ khiến chúng tôi lúng túng không phải là trả lời những câu hỏi hóc búa của ông thầy, mà là phải đặt câu hỏi. Chúng tôi phải đặt câu hỏi. “Đi học mà không có gì để hỏi thì đi làm gì,” thầy luôn nhắc lại như thế.

Thế là từ tâm thế tìm kiếm câu trả lời như trước nay, chúng tôi phải vắt óc để tìm câu hỏi. Thầy nói, “không hỏi thì ngồi chơi hoặc về.” Cái cảm giác ấy đến giờ còn nguyên trong tôi mặc dù đã trở thành kỷ niệm: vừa bối rối vừa sợ.

Thầy nói, một ông thầy có mặt là bởi vì những thắc mắc của người học, chứ không phải cái tật thích nói của ông ta. Nếu các em không có bất kỳ sự tò mò, trăn trở nào thì thầy có nói bao nhiêu cũng vô ích. Chỉ có động cơ của lòng hiếu tri mới đẩy con người ta bước lên con đường tìm kiếm sự thật.

Nếu các em đến đây mà không mang theo một thắc mắc nào đó thì chắc chắn các em chưa hề tìm hiểu hoặc không hề muốn biết. Thầy có thể rót nổi thứ gì đó vào một cái bình đang đóng nút kín mít không?

Thế là sau vài buổi học đầu tiên ngỡ ngàng và choáng váng, chúng tôi bò ra đọc, ghi chép, soạn ra những câu hỏi để hôm sau làm “bảo bối phòng thân” khi đối diện với thầy. Thầy nghe rất chăm chú, đầu cứ khẽ gật gật, rồi vẫn cái giọng đanh như gỗ lim ấy thầy trả lời chúng tôi.

Rồi khi chúng tôi tai đang căng ra và tay thì tốc ký lia lịa, thầy bất giác dừng lại quay qua hỏi, “đúng không?”. Tất cả ngơ ngác.

“Đi học là phải cãi thầy. Nếu không cãi thì đó chưa phải là học, và chưa phải một học trò tốt; thầy nói gì cũng dạ dạ vâng vâng thì hỏng rồi.” Thế là chúng tôi phải có thêm một nhiệm vụ nữa: cãi thầy.

Vốn là những học trò ngoan ngoãn suốt từ những năm học phổ thông cho tới đại học, chúng tôi luôn được khen vì cái phẩm chất ấy thì bất ngờ, bây giờ nó bị phê bình, bị chê trách, thậm chí bị coi thường. Chúng tôi phải “cãi thầy” như một “nghĩa vụ đạo đức” quan trọng nhất của người học.

“Nếu hôm nay các em không cãi tôi thì cùng lắm sau này cũng chỉ trở thành những người thợ giỏi chứ không thể trở nên một nhà giáo hay nhà khoa học được. Nếu chỉ biết nghe lời thì đó không bao giờ là một trí thức. Người trí thức là phải biết phản biện. Thầy đáng quý nhưng chân lý còn đáng quý hơn, Plato nói thế.”

Đến bây giờ, khi đã trở thành một thầy giáo, những bài học về giáo dục, về mối quan hệ giữa thầy và trò, về lao động và nghiên cứu khoa học, về phẩm chất trí thức… đã trở thành một phần máu thịt trong cách hành xử của chúng tôi đối với học trò mình và với cuộc đời. Thầy đã mang tới cho chúng tôi cái ý niệm về thế nào là bình đẳng, là dân chủ trong giáo dục.