Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2023

Vấn đề tuổi trẻ qua cuốn sách của J. Krishnamurti


“ĐÔI ĐIỀU CẦN SUY NGẪM” VỀ CÁC VẤN ĐỀ TUỔI TRẺ QUA CUỐN SÁCH CỦA J. KRISHNAMURTI

 

1, Giáo dục đích thực là học cách nghĩ, chứ không phải nghĩ cái gì.

2, Các kỳ thi rồi cũng sẽ chấm dứt, nhưng việc học hỏi thì không, và bạn có thể học từ tất cả mọi thứ, nếu trí não của bạn hiếu kỳ và tỉnh thức.

3, Phương tiện sai lầm không bao giờ có thể dùng đạt được mục đích đúng. Nếu phương tiện là ác, thì mục đích cũng ác.

 

4, Khao khát thay đổi chính mình sinh ra đố kỵ, ghen ghét; trái lại, trong việc hiểu được mình đang là gì đã hàm chứa sự chuyển hoá cái bạn đang là.

5, Điều quan trọng là phải mở trí não trước những ý tưởng mới, trước điều gì đó mà có thể bạn chưa quen. Bạn càng ngẫm nghĩ và suy tư trước những vấn đề phần nào khó khăn đối với bạn, thì bạn càng có khả năng sống một cách phong phú.

6, Bạn phải tự soi sáng cho chính mình, bạn phải là vị thầy của chính mình, phải vừa là thầy vừa là trò. Chừng nào bạn còn học thì chừng đó không có thầy. Chỉ khi nào bạn ngừng thăm dò, khám phá, thấu hiểu toàn bộ tiến trình sống, thì bấy giờ người thầy mới xuất hiện - và người thầy như vậy chẳng có giá trị gì cả.

 

7, Trí não bạn giống như lớp đất trồng màu mỡ, và nếu có đủ thời gian thì bất cứ vấn đề nào cũng đều có thể bắt rễ như cỏ dại, rồi bạn sẽ phải khổ công nhổ bỏ đi; nhưng nếu bạn không cho nó đủ thời gian bắt rễ, thì nó không có chỗ để lớn lên và sẽ lụi tàn.

8, Kỷ luật chỉ khởi lên khi có mâu thuẫn. Một khi có sự tranh đấu nội tâm thì tất phải có xung đột; và để khắc phục xung đột đó, tất phải có kỷ luật. Trái lại, nếu bạn được giáo dục đúng đắn, thì mọi việc bạn làm đều là một hành động hợp nhất; không có mâu thuẫn, và do đó, không có việc hành động do ép buộc.

9, Một sự thật được ghi nhớ là một thứ đã chết. Sự thật phải được khám phá trong từng khoảnh khắc.

 

---------------------

Sinh ra tại Ấn Độ, từ hồi còn thiếu niên, Jiddu Krishnamurti được nâng đỡ bởi hội Thông Thiên học (Theosophical Society) - một tổ chức lớn ở Ấn Độ. Ông được phong là vị thầy của thế giới (World Teacher), người có sứ mệnh "giải cứu loài người".

Tờ The New York Times gọi ông là người "từ bỏ mọi loại hình tôn giáo". Tờ The Guardian đặt cho ông danh xưng "bậc thầy không tin vào những bậc thầy". Ông tuyên bố rằng những tổ chức, với những tư tưởng vốn có làm lu mờ đi sự hiểu biết của mỗi cá nhân.

J. Krishnamurti coi niềm tin vào Thượng Đế chỉ là cách con người né tránh nỗi khổ và một hình thức lệ thuộc độc hại, giả tạo: "Bởi vì trái tim chúng ta đã héo tàn, nên Thượng Đế trở nên vô cùng quan trọng".

Ông coi các đạo sư hay bậc thầy tinh thần là không cần thiết. "Đạo sư cũng trở nên vô ích khi bạn chỉ biết có chút ít về chính mình. Không có đạo sư, không có sách vở hay kinh điển nào có thể giúp bạn tự biết mình", ông nói.

Để trở thành một công dân toàn cầu đúng nghĩa

ĐỂ TRỞ THÀNH MỘT CÔNG DÂN TOÀN CẦU ĐÚNG NGHĨA

Không thể phủ nhận thời nay người trẻ được học hành, đào tạo tốt hơn nhiều so với những thế hệ 6X, 7X. Kinh tế đi lên, các bậc cha mẹ có điều kiện đầu tư nhiều hơn cho việc học của con cái.

Chương trình học có nhiều kiến thức mới và Internet mang lại cơ hội cập nhật nhanh nhất với thế giới. Tuy nhiên, rất nhiều người trẻ vẫn luôn than phiền, trong khi phản hồi từ phía các nhà tuyển dụng cũng không được khả quan.

 

​Để trở thành một công dân toàn cầu đúng nghĩa, mỗi người cần có tư duy về nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực. (Nguồn: wallstreetenglish)

Thất nghiệp vì đâu?

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành và tính đến đầu năm 2017 có hơn 200.000 cử nhân thất nghiệp. Sinh viên phàn nàn chương trình dạy ở các trường chưa phù hợp với thực tế.

Nhà trường lại cho là sinh viên thiếu các kỹ năng như giao tiếp, quản lý thời gian, thậm chí là soạn thảo văn bản.

Một số người lại đổ lỗi cho việc ồ ạt mở các trường đại học trong thời gian vừa qua khiến cho tình trạng thất nghiệp trở nên khó có lối thoát. Có thể tất cả những nguyên nhân trên đều đúng nhưng không đủ vì cùng hoàn cảnh ấy, vẫn có những bạn trẻ khác thành công dù điều kiện không tốt bằng.

 

Tôi nhớ lại bài báo gần đây khi một doanh nhân đưa hình ảnh những thanh niên mạnh khỏe, bảnh bao đi ăn cơm hai nghìn đồng. Bài báo đã gây tranh cãi gay gắt, một phe cho rằng sinh viên còn trẻ khỏe, lại có kiến thức nên không thiếu việc làm.

Nhiều câu hỏi được đặt ra: “Vì sao những thanh niên ấy không tìm việc làm thêm kiếm sống lại sống dựa vào cơm từ thiện như vậy?”; “Còn trẻ mà đã thiếu tính phấn đấu thì tương lại sẽ ra sao?”.

 

Một phe khác lại cho rằng, sinh viên chưa làm ra tiền, nhiều em con nhà nghèo thực sự nên xứng đáng được hưởng sự giúp đỡ, dư luận không nên nặng lời. Vụ tranh cãi ấy làm tôi nhớ lại một thực trạng thường gặp trong các trường mình đã từng dạy.

Học phí của những trường này đều khá cao nên sinh viên hiếm em nào thuộc hộ nghèo.

 

Tuy nhiên, khi vào lớp, tôi chứng kiến phần lớn sinh viên chỉ mua sách copy dù một cuốn sách gốc giá cũng chỉ từ 60 - 80 nghìn đồng.

Các em nghe nhạc “chùa” chứ hiếm ai biết đến khái niệm mua CD gốc... Khi tôi hỏi lý do thì 100% trả lời là "vì sinh viên nghèo" dù đang dùng smartphone, đi xe máy xịn.

 

Tôi đành nói: "Trong chương trình của trường có dạy môn Sở hữu trí tuệ, các em cũng biết là bằng việc mua sách copy, các em đang ăn cắp của chính những người đứng lớp dạy các em đấy. Tôi chưa từng thấy kẻ cắp nào can đảm đến mức đem đồ ăn cắp đến dùng trước mặt chủ nhân cả". Nghe tôi nói vậy, các em chỉ cúi mặt xuống, không nói gì.

 

Thách thức hay cơ hội - phụ thuộc vào thái độ

Tôi vẫn nhớ chuyện một người bạn di tản qua Mỹ khi mới 18 tuổi. Bạn tôi một mình vừa đi học, vừa đi làm kiếm sống và tìm cách bảo lãnh cả gia đình 6 người từ Việt Nam sang Mỹ.

Tuy nhiên, khi đưa được người em đầu tiên qua Mỹ, bạn tôi không cho em đăng ký nhận trợ cấp xã hội mà bắt phải đi làm để sống tự lập và tự trọng.

 

Lúc đầu người em rất thắc mắc vì hai anh em đang rất khó khăn trong khi xung quanh có nhiều người có việc rồi vẫn khai là thất nghiệp để được lãnh thêm trợ cấp.

Nhưng sau đó, nhờ lo học việc sớm, sống nghiêm túc nên bây giờ những người em của bạn tôi đều có nghề nghiệp tử tế, có cuộc sống đàng hoàng, ổn định trong khi những người ỷ lại vào trợ cấp ngày trước giờ vẫn vất vưởng vì chỉ muốn tìm việc dễ.

 

Thực tế cho thấy, hơn bất kỳ yếu tố nào khác, thái độ đóng vai trò quyết định cho thành công. Trong đời, ai cũng mong muốn có cơ hội thành công nhưng mấy ai biết khác biệt giữa một thách thức và một cơ hội chỉ nằm ở thái độ của bạn.

Khi niềm tin của bạn lớn hơn nỗi sợ hãi, thách thức sẽ biến thành cơ hội. Nếu nỗi sợ lớn hơn, hẳn cơ hội cũng sẽ chỉ còn là thách thức.

Được học đại học, được cầm tấm bằng đẹp trong tay là cơ hội hay thách thức chỉ phụ thuộc vào thái độ của bạn.

 

Hòa mình trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, thế hệ trẻ cần phải chuẩn bị thật tốt về chuyên môn, ý thức được vai trò của mình để sánh vai với bạn bè thế giới.

Bằng cấp, sự trợ giúp của gia đình rất quan trọng nhưng đó không phải là tất cả để giúp các bạn trẻ trở thành công dân toàn cầu thực thụ.

Chỉ khi có một thái độ đúng đắn, luôn tự nhắc nhở chính mình, rằng ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua, ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay để đáp ứng đòi hỏi của xã hội, không dựa dẫm, ỷ lại, chúng ta mới có thể tận dụng được lợi thế của cuộc cách mạng này.

 

Đặc biệt, trong một thế giới liên tục thay đổi, để trở thành một công dân toàn cầu đúng nghĩa, mỗi người cần có tư duy về nhiều vấn đề trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là tư duy phản biện, không đi theo lối mòn, dám nói lên suy nghĩ của mình và có một thái độ đúng đắn.

 

Thế giới này là một thế giới phẳng, rào cản hay giới hạn giữa các quốc gia ngày càng ít hơn, ngắn lại, người trẻ cần sẵn sàng để tiếp nhận và giao tiếp với thế giới của một chuẩn mực toàn cầu. Khoảng cách không còn là vấn đề, cơ hội được làm việc như một công dân toàn cầu có thể ở bất cứ đâu, quan trọng là chúng ta có thái độ đúng đắn để nắm bắt được cơ hội đó! 

 

Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Hãy trân trọng người dẫn dắt bạn

HÃY TRÂN TRỌNG NGƯỜI DẪN DẮT BẠN

Mỗi cuộc gặp gỡ trong cuộc đời đều mang đến cho chúng ta những bài học. Bạn xấu, bè đểu sẽ kéo cuộc đời của bạn xuống đáy vực thẳm.

Còn Quý nhân chính là những người sẽ dẫn lối và đưa bạn đến một nền tảng mới:

 

– Đi với người trung thực – Bạn luôn nhận được sự uy tín.

– Đi với người chăm chỉ – Bạn sẽ không bao giờ lười biếng.

– Đi với người hòa nhã – Bạn học được cách kiềm chế bản thân.

– Đi với người kiên trì – Bạn sẽ học được tính kỷ luật.

– Đi với người chu toàn – Bạn sẽ tự học được cách ngăn nắp.

– Đi với người dám nghĩ dám làm – Bạn sẽ có động lực vượt qua mọi sợ hãi.

– Đi với thành công – Ánh sáng của họ sẽ soi rõ con đường có thể bạn lâu nay chưa nhìn rõ.

 

Chim ưng mà ở lâu trong ổ gà sẽ mất đi bản lĩnh bay lượn, cũng như ở bên những người tiêu cực sẽ khiến bạn thiếu đi áp lực để hướng lên.

Vì vậy, nếu muốn giống như chim ưng bay lượn tự do trên bầu trời, thì bạn phải bay cùng với chim ưng. Đi cùng những người dẫn bạn đến một nền tảng cao hơn.

 

Mỗi cuộc gặp gỡ đều là một cái ơn, ơn sâu thì trả nghĩa sâu cho vừa, hãy trân trọng những người xuất hiện và chỉ lối cuộc đời bạn!