Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Tình thương chân thật

TÌNH THƯƠNG CHÂN THẬT

Nhiều người trong xã hội chúng ta đã đánh mất khả năng lắng nghe và sử dụng ngôn từ hòa ái, ngọt ngào, xây dựng. Nhiều gia đình mà trong đó không ai có khả năng lắng nghe ai được.

Sự truyền thông càng ngày càng trở nên bế tắc. Truyền thông bị bế tắc là vấn đề lớn của thời đại.

Chúng ta chế tạo ra những phương tiện kỹ thuật rất tối tân về lĩnh vực truyền tin như đường giây thép, điện thoại, điện thư, mạng lưới v.v…; những phương tiện tối tân ấy có thể giúp ta nhắn tin hoặc nhận tin cực kỳ mau chóng dù khoảng cách rất xa – bên kia địa cầu…

Thế nhưng sự truyền thông giữa các cặp cha con, giữa bạn bè, vợ chồng, thầy trò và giữa quốc gia với quốc gia đã trở nên vô cùng khó khăn và bế tắc.

Khi ta muốn làm một điều gì mà điều đó được thúc đẩy bằng tình thương thì trước hết ta cần phải thực tập nhìn sâu. Nhìn sâu mới hiểu được thực trạng, mà hiểu thì mới thương, mới giúp được.

Nếu không hiểu thì những hành động thương yêu của ta sẽ không được xác thực, sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp. Ngược lại ta sẽ làm cho người ta thương khổ thêm.

Đôi khi ta được thúc đẩy bởi ước nguyện muốn giúp đời, nhưng vì không hiểu bản chất của tình trạng, nên thay vì thương ta tạo thêm nhiều điều phiền toái, đỗ vỡ.

Ta muốn giúp người kia hạnh phúc, nhưng vì không hiểu nên càng giúp ta càng làm cho người kia khổ.

Có thể quý vị quan tâm cho hạnh phúc của con trai hoặc con gái mình. Có thể quý vị nghĩ rằng những cái mình làm sẽ đem lại hạnh phúc cho con mình. Nhưng nếu nhìn kỹ lại, có thể quý vị sẽ thấy rằng mình đang gây khổ đau cho con mình vì mình thương mà không hiểu. Quý vị phải xét lại bản chất thương yêu của mình.

Theo lời Bụt dạy, tình thương chân thật phải được phát sinh từ sự hiểu biết. Điều then chốt là phải đặt con mắt vào lòng bàn tay. Trước khi hành động, ta phải nhìn vào lòng bàn tay xem thử bàn tay của ta đã có con mắt hiểu chưa. Nếu trong lòng bàn tay của ta đã có con mắt hiểu thì những gì ta làm cũng sẽ đem lại hạnh phúc cho người.

Nếu trong lòng bàn tay của ta chưa có con mắt hiểu thì chớ vội hành động, bởi vì hành động trên căn bản đó sẽ gây thương tích và khổ đau thêm cho người kia.

Nếu quý vị không hiểu được nhu cầu của người thương của mình, không biết những gì người thương mình cần và không cần, thì không thể thương được.

Nếu quý vị không hiểu những khó khăn, thao thức và ước nguyện của người mình thương thì không thể thương họ được; bởi vì tình thương (từ bi) của quý vị không phải được làm bằng chất liệu của hiểu (trí tuệ).

Muốn hiểu, quý vị phải biết sử dụng con mắt của đức Bồ Tát Văn Thù để nhìn sâu (quán chiếu). Quý vị có thể hỏi người thương của mình như thế này:

“Em ạ, em nghĩ là anh có hiểu em không? Nếu không hiểu hoặc hiểu chưa sâu, thì xin em giúp anh hiểu em sâu hơn để anh có thể thương em đúng mức. Nếu em không giúp anh, thì anh sẽ tiếp tục nói hoặc làm những điều làm em khổ. Anh thật sự rất muốn hiểu những nỗi khổ niềm đau của em.

Anh muốn biết những nguyện vọng sâu kín của em, bởi vì anh muốn thương làm sao cho đúng để tình thương ấy không trở thành chất liệu khổ đau cho em. Anh chỉ muốn làm cho em hạnh phúc mà thôi.”

Quý vị có bao giờ hỏi câu hỏi như thế đối với người thương của mình chưa? Đó là ngôn ngữ của những người muốn thương yêu và chăm sóc thật sự, muốn xây dựng hạnh phúc với người thương của mình.

Có hai chất liệu hiểu và thương rồi thì hành động của ta sẽ đem lại hạnh phúc cho người và làm vơi bớt khổ đau của người; trước hết là những người thân cận của ta, ta có thể có mặt đích thực cho người thương của ta và có mặt bất cứ nơi nào cần đến tình thương.

Trích “Tình thương chân thật”- Làng Mai Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu.

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2023

Đọc sách cũng là cách rèn luyện bản lĩnh


ĐỌC SÁCH CŨNG LÀ CÁCH RÈN LUYỆN BẢN LĨNH

Đọc sách không chắc sẽ giàu nhưng không đọc sách chắc chắn nghèo!

Sách là nơi cất giữ trí tuệ, còn quý hơn tiền bạc, châu báu, và trí tuệ là thứ mà không ai có thể cướp đi được. Đọc sách sẽ giúp bạn phát triển tư duy, nâng tầm nhận thức, giúp bạn phát triển con người mình lên 1 tầm cao mới.

Trên chuyến bay đến Thượng Hải, vào giờ ngủ, khoang máy bay đã tắt đèn, tôi phát hiện những người còn thức chơi IPad hầu hết là người châu Á, hơn nữa họ đều đang chơi game hoặc xem phim.

Thật ra ngay từ khi ở sân bay quốc tế Frankfurt, tôi thấy phần lớn hành khách người Đức đang yên tĩnh đọc sách hay làm việc, còn đa số khách châu Á đi lại mua sắm hoặc cười nói so sánh giá cả.

 

Có lần tôi và một người bạn Pháp cùng đợi xe ở trạm tàu hỏa ở Paris, người bạn này hỏi tôi: "Tại sao ở đây, người châu Á như anh đều gọi điện thoại hoặc lướt internet chứ không ai đọc sách thế nhỉ?".

Tôi nhìn quanh, quả thật là như vậy. Mọi người đang nói chuyện điện thoại, đọc tin nhắn, lướt mạng xã hội hoặc chơi game, có vài người đọc ebook nhưng không đáng kể.

Họ bận nói chuyện ồn ào hoặc tự tỏ ra bận rộn, điều duy nhất không có là cảm giác thư thái tĩnh lặng....

 

Theo truyền thông, trung bình mỗi người Trung Quốc chỉ đọc 0,7 quyển sách/năm, Việt Nam 0.8 quyển, Ấn Độ 1.2 quyển, Hàn Quốc là 7 quyển. Chỉ có Nhật Bản là có thể sánh với các nước phương Tây với 40 quyển/năm, riêng người Nga là 55 quyển. Năm 2015, 44,6% người Đức đọc ít nhất một cuốn sách mỗi tuần. Con số tương tự ở các nước Bắc Âu.

 

Ở các thành phố và thị trấn lớn nhỏ tại Trung Quốc, loại hình giải trí phổ biến nhất phải kể đến là quán ăn, quán cà phê và tiệm internet. Bất kể trong tiệm net hay phòng vi tính của nhà trường, phần lớn sinh viên lướt mạng xã hội, chat hoặc chơi game.

 

Số học sinh tra cứu tài liệu trên mạng rất ít ỏi. Còn các vị quản lý, ví dụ doanh nghiệp, cả ngày bận rộn ứng phó với các bản kiểm điểm, tiếp khách, ăn uống…nên tôi hỏi thì họ nói chưa đọc sách kể từ lúc rời ghế nhà trường.

 

Nguyên nhân không thích đọc sách

 

- Một là trình độ văn hoá (không phải học vấn) của người dân thấp. Tò mò chuyện người khác nhiều nên luôn cập nhật mạng xã hội và nhu cầu giao tiếp lớn, họ luôn nói nhiều khi gặp nhau, và chat cả ngày không chán.

 

- Hai là từ nhỏ không được dưỡng thành thói quen tốt trong việc đọc sách.
Do gia đình cha mẹ không đọc sách (trừ người không biết chữ và lao động chân tay quá cực khổ). Nên nhớ, tính cách một đứa trẻ hình thành chủ yếu từ gia đình.

 

- Ba là "giáo dục kiểu thi cử", khiến cho trẻ nhỏ không có thời gian và tinh lực để đọc các loại sách bên ngoài. Hình thành thói quen học xong có bằng cấp thì ngưng đọc. Đọc nếu có, chỉ để đi thi.

 

Ở Israel, trung bình mỗi năm người dân đọc 64 quyển. Ngay từ khi trẻ nhỏ bắt đầu biết nhận thức, hầu như mỗi bà mẹ đều nghiêm túc dạy bảo con: "Sách là nơi cất giữ trí tuệ, còn quý hơn tiền bạc, châu báu, và trí tuệ là thứ mà không ai có thể cướp đi được. Làm gì thì làm, con phải đọc sách mới đi ngủ".

Người Do Thái là dân tộc duy nhất trên thế giới không có người mù chữ, ngay cả người ăn xin cũng luôn có quyển sách bên cạnh.

 

Trong mắt họ, đọc sách là một phẩm chất tốt để đánh giá con người.

Trong ngày Sabbath (ngày lễ nghỉ ngơi), tất cả người Do Thái đều dừng các hoạt động. Các cửa hàng, quán ăn, những khu vui chơi đều phải đóng cửa, các phương tiện giao thông cũng ngừng hoạt động, ngay cả các công ty hàng không đều ngừng bay, người dân chỉ có thể ở nhà nghỉ ngơi hoặc cầu nguyện.

Nhưng có một ngoại lệ, tất cả nhà sách, thư viện trên toàn quốc vẫn được mở cửa.

 

Một đất nước hay một cá nhân coi trọng việc đọc sách và tích lũy tri thức từ sách đương nhiên sẽ được hậu đãi. Bất luận họ làm ngành nghề gì, người đọc sách nhiều đều có một cách tư duy rất khác và dù không có thành tựu rực rỡ thì họ vẫn một đẳng cấp rất riêng.

Có nhiều dân tộc rất giàu nhưng không văn minh. Tương tự nhiều cá nhân rất nhiều tiền nhưng không thể sang trọng được. Chỉ vì họ thiếu chiều sâu của tri thức.

 

Thay vì lướt điện thoại hàng giờ đồng hồ, lang thang những trang mạng xã hội hay tiêu tốn cả ngày vào những bộ phim vô bổ chẳng mang lại cho bạn chút tri thức nào. Tại sao không dành ra cho bản thân mình dù là một khoảng thời gian ngắn ngủi để tiếp nhận những kiến thức từ sách vở.

Không có gì là thừa, nhất định đọc cả một cuốn sách sẽ giúp bạn nhận được một bài học hay điều gì đáng giá hơn là tiêu tốn hàng giờ chỉ làm những việc vô bổ.

 

Một vị học giả lớn từng nói: "Lịch sử phát triển tư tưởng của một người chính là lịch sử đọc sách của người đó. Một xã hội sẽ phát triển hay tụt hậu, là dựa vào quốc gia có ai đang đọc sách, đọc những sách gì.

Sách không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân, nó còn ảnh hưởng đến toàn xã hội. Hãy nhớ:

Một dân tộc không đọc sách là một dân tộc không có hy vọng. Và một người trẻ cũng vậy".

Đôi điều về đời sống độc thân


ĐÔI ĐIỀU VỀ ĐỜI SỐNG ĐỘC THÂN

 

Việc tận hưởng thời gian độc thân sẽ tạo cho bạn cơ hội khám phá bản thân, đâu là khía cạnh mình nên tập trung phát triển, từ đó bạn có thể đưa ra sự lựa chọn phù hợp trong tương lai.

Ngoài ra, một số nghiên cứu từ đại học Y khoa Harvard đã cho thấy, nếu bạn trải nghiệm điều gì đó một mình, não sẽ hình thành các ký ức rõ ràng và giúp trí nhớ kéo dài lâu hơn.

 

Khi độc thân, bạn có thể quan sát mọi thứ xung quanh sâu sắc hơn, dành nhiều thời

gian suy nghĩ về bản thân mà không bị chi phối bởi cái nhìn và nhận xét của người khác.

 

Sống một mình, nhất là giữa đô thị đông đúc, không phải điều dễ dàng. Những bữa ăn, niềm vui, cuộc trò chuyện, buổi hẹn hò sẽ thật cô độc khi bạn chỉ có một mình.

Nhưng ở góc khác, bạn sẽ nhận ra việc dành thời gian cho bản thân cũng rất tuyệt vời.

Bạn có cơ hội khám phá bản thân, tập trung phát hiện điểm mạnh của chính mình, tự đưa ra những sự lựa chọn phù hợp cho tương lai.

Có những điều tuyệt vời sẽ đến nếu bạn thật sự tận hưởng thời gian này.

 

Tự do làm điều mình thích

Khi ở bên một người không có cùng sở thích hay tính cách khác biệt, bạn sẽ phải học cách hòa hợp và sắp xếp thời gian của mình để chia sẻ niềm vui của cả hai.

Nhưng khi độc thân, bạn không cần gò bó hay ép mình theo lịch trình của ai.

Bạn có thể ghé một quán bar đúng gu, xem bộ phim yêu thích, đến một nơi xa lạ... mà không cần hỏi ý kiến hay nhìn thái độ của người khác.

 

Độc thân, bạn có thể quan sát mọi thứ sâu sắc hơn, đánh giá từng sự việc bằng góc quan sát của chính mình.

Bạn cũng suy nghĩ về bản thân nhiều hơn, dễ dàng thực hiện các dự định, mục tiêu, kế hoạch hơn. Bạn được toàn quyền quyết định đời mình mà không cần phải thỏa hiệp với bất cứ ai.

 

Khi độc thân, bạn tập trung nhiều hơn vào gia đình, bạn bè. Không chỉ vậy, bạn cũng có một khoảng trống để mở rộng thêm mối quan hệ, có thể là những người đồng nghiệp, người chung sở thích,...

Có những mối quan hệ trong đời cần bạn dành nhiều sự quan tâm đặc biệt, vì bạn không biết rằng mình còn có thể gặp lại những người mình trân quý bao nhiêu lần trong cuộc đời này.

 

Độc thân không có nghĩa là bạn phải dậm chân tại chỗ. Ngược lại, khi sống độc thân, bạn sẽ có nhiều thời gian dành cho bản thân.

Lúc ấy, bạn sẽ tập trung hết sức để theo đuổi các mục tiêu to lớn của mình như: mua nhà, học một ngoại ngữ mới, thành thạo một kỹ năng nào đó…

 

Đặt nhiều mục tiêu mới trong khoảng thời gian này không phải là biểu hiện của tham vọng, mà nó sẽ thúc đẩy bạn nỗ lực hướng tới một tương lai viên mãn hơn.