MÔ HÌNH CÁC GIAI ĐOẠN THAY ĐỔI HÀNH VI
Chúng ta đều hiểu việc thay đổi một hành vi là khó khăn như thế nào. Tạo dựng một sự thay đổi lâu dài trong hành vi hiếm khi nào là một quá trình dễ dàng, thường đòi hỏi một sự cam kết cực kỳ nghiêm túc về thời gian, nỗ lực và cả cam kết cảm xúc.
Dù là bạn đang muốn giảm cân, muốn bỏ thuốc lá hay đạt được một mục tiêu nào khác, không thể có một cách làm chung cho tất cả mọi người. Bạn có thể phải thử qua nhiều cách, thường là phải trải qua một quá trình thử-sai-làm lại, để đạt được mục tiêu đã đặt ra.
Trong suốt quá trình đó, không ít người cảm thấy nản lòng và từ bỏ mục tiêu thay đổi hành vi. Chìa khóa để duy trì theo đuổi mục tiêu là thử vận dụng các chiến thuật mới và tìm cách mọi cách để giữ động lực.
Một trong những cách tiếp cận nổi tiếng nhất về quá trình thay đổi là mô hình “Các giai đoạn thay đổi”, được giới thiệu lần đầu vào cuối những năm 1970 bởi hai nhà nghiên cứu James Prochaska và Carlo DiClemente khi họ nỗ lực giúp khách hàng cai thuốc lá. Mô hình các giai đoạn thay đổi đã được coi là một công cụ hỗ trợ hiệu quả giúp ta hiểu cách con người vượt quá một quá trình để thay đổi hành vi.
MÔ HÌNH CÁC GIAI ĐOẠN THAY ĐỔI.
Giai đoạn 1 – Tiền dự định.
Giai đoạn đầu tiên của sự thay đổi được gọi là giai đoạn tiền dự định. Trong suốt giai đoạn này, người ta sẽ không tính đến chuyện thay đổi. Những người trong giai đoạn này thường được coi là trong giai đoạn “chối bỏ” vì họ cho rằng hành vi của mình không phải và cũng không gây ra vấn đề nào.
Họ không hiểu được hành vi của họ là mang tính hủy hoại hoặc coi thường những hậu quả mà nó mang lại.
Giai đoạn 2 – Dự định.
Trong giai đoạn này, người ta sẽ càng ngày càng nhận thức rõ những lợi ích tiềm ẩn của việc thay đổi, nhưng cái giá phải trả dường như vẫn còn quá lớn. Xung đột này tạo ra một mâu thuẫn lớn trong tư tưởng liên quan đến việc thay đổi.
Chính vì tình trạng nước đôi này mà giai đoạn dự định có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm trời. Trong giai đoạn này, người ta thường coi thay đổi như kiểu phải từ bỏ một cái gì đó hơn là tìm cách đạt được một lợi ích, dù là sinh lý, tâm lý hay cảm xúc.
Giai đoạn 3 – Chuẩn bị.
Trong giai đoạn chuẩn bị, bạn bắt đầu thực hiện một số thay đổi nho nhỏ để chuẩn bị cho một sự thay đổi lớn lao hơn. Ví dụ, nếu mục tiêu của bạn là giảm cân, bạn sẽ đổi sang ăn những thức ăn ít béo hơn. Nếu mục tiêu của bạn là bỏ thuốc lá, bạn sẽ thay đổi nhãn hiệu thuốc hoặc hút ít hơn mỗi ngày.
Trong giai đoạn chuẩn bị, bạn cần thực hiện một số bước để gia tăng cơ hội thay đổi thành công. Thu thập càng nhiều thông tin càng tốt về cách thay đổi hành vi bạn muốn thay đổi. Tìm kiếm các nguồn lực bên ngoài như các nhóm hỗ trợ, tư vấn viên hoặc bạn bè, những người có thể cho bạn lời khuyên và động viên bạn.
Giai đoạn 4 – Hành động.
Trong giai đoạn 4, người ta bắt đầu trực tiếp hành động nhằm đạt được mục tiêu của mình. Đôi khi, sự kiên định gặp thất bại vì bạn đã không suy xét các bước trước đó cẩn thận hoặc không cho bản thân đủ thời gian.
Ví dụ, nhiều người lên mục tiêu cần đạt được trong năm mới là giảm cân và ngay lập tức bắt đầu một phác đồ luyện tập mới toanh, bắt đầu ăn uống lành mạnh hơn, giảm ăn vặt. Đây là những yếu tố quan trọng tạo nên thành công nhưng những nỗ lực dạng này thường bị bỏ rơi và thất bại trong vài tuần sau đó vì những bước chuẩn bị trước đó đã không được đầu tư đúng mức.
Nếu bạn đang thực hiện kế hoạch để đạt được mục tiêu đề ra, hãy tự chúc mừng và tự thưởng cho bản thân trong mỗi nỗ lực tích cực mà bạn đạt được. Hãy cứ chậm mà chắc.
Giai đoạn 5 – Duy trì.
Giai đoạn duy trì trong mô hình các giai đoạn thay đổi là sự thành công trong việc tránh lặp lại các hành vi cũ và giữ vững hành vi mới. Trong giai đoạn này, người ta cảm thấy chắc chắn hơn về khả năng tiếp tục giữ vững sự thay đổi của mình.
Nếu bạn đang cố duy trì một hành vi mới, hãy tìm cách tránh những cám dỗ. Hãy thử thay thế những thói quen cũ bằng những hành động tích cực hơn. Nếu thực sự tái diễn đi chăng nữa cũng đừng quá hà khắc với bản thân hay từ bỏ.
Thay vào đó, hãy nhắc nhở bản thân rằng đó chỉ là một trở ngại nho nhỏ. Và rồi các bạn sẽ biết được trong giai đoạn tiếp theo, việc tái diễn là rất phổ biến và là một phần của quá trình thay đổi lâu dài.
Giai đoạn 6 – Tái diễn.
Trong bất kỳ quá trình thay đổi hành vi nào, tái diễn là một hiện tượng thường gặp. Khi trải qua giai đoạn này, bạn có thể sẽ trải nghiệm cảm giác thất bại, mất hy vọng và mất phương hướng.
Chìa khóa thành công là không để những trở ngại này làm xói mòn sự tự tin trong bạn. Nếu bạn tái diễn hành vi cũ, hãy nghiêm túc xem xét nguyên nhân của nó.
Bạn cũng có thể đánh giá lại các nguồn lực và chiến thuật của mình. Xác nhận lại động lực, kế hoạch hành động, và cam kết hoàn thành mục tiêu trong bạn.
Thất bại trong việc đạt được mục tiêu xảy ra khi quá trình chuẩn bị và hành động không được thực hiện một cách phù hợp. Bằng cách tiếp cận mục tiêu và hiểu rõ cách làm sao để chuẩn bị, hành động và duy trì một hành vi mới tốt nhất, khả năng cao là bạn sẽ thành công.
Nguồn: https://www.verywell.com/the-stages-of-change-2794868