Thứ Ba, 7 tháng 2, 2023

“Vạn sự tuỳ duyên”


“VẠN SỰ TUỲ DUYÊN”

Có một câu nói: “Những người chúng ta gặp không phải là tình cờ. Họ đi ngang qua đời ta là có một lý do”

* Giữa người với người, có thể gần, cũng có thể xa. Giữa việc với việc, có thể phức tạp, cũng có thể giản đơn. Giữa tình cảm với nhau, có thể sâu, cũng có thể cạn.

* Đừng mong cầu mọi người đối xử với mình đặc biệt, cũng chẳng nên hy vọng họ sẽ bớt đi những toan tính.

 

* Cuộc sống có người nói ít làm nhiều, cũng sẽ có kẻ chỉ biết hoa chân múa tay. Bạn không nên quá bận lòng, chỉ cần quản tốt việc của bản thân, còn lại mọi việc hãy thuận theo nhân duyên.

* Đức Phật từng nói: Với người không có duyên, dù bạn nói bao nhiêu lời cũng là thừa; còn như đã hữu duyên thì chỉ cần xuất hiện, bạn cũng có thể đánh thức mọi giác quan của họ.

 

* Có một số việc, vừa phân trần trắng đen đã trở thành quá khứ. Có một số người, giận hờn vài ngày đã trở thành dĩ vãng. Có những nỗi đau, vừa cười lên đã tan thành bọt nước. Có những hoàn cảnh, nhờ chịu chút thương đau mà trở nên kiên cường.

* Đôi khi hôm nay là việc lớn, ngày mai nhìn lại chẳng có gì đáng kể. Năm nay quan trọng, sang năm sẽ trở thành thứ yếu. Chuyện vĩ đại đời này, đời sau người ta gọi là truyền thuyết.

 

* Chúng ta, nhiều nhất cũng chỉ là câu chuyện của một người. Vì thế trong cuộc sống hay công việc, nếu gặp chuyện không vừa ý, hãy nói với bản thân: “Hôm nay sẽ qua đi, ngày mai rồi cũng đến, hãy buông bỏ tất cả để bắt đầu ngày mới!”.

* Trên đời, có một số việc không phải không để tâm, mà để tâm cũng không làm được gì hơn.

 

* Cuộc sống không có “Nếu như”, chỉ có “Hậu quả” và “Kết quả”.

* Đón nhận đời mình như thế nào là do bản thân lựa chọn, người khác không thể quyết định thay.

 

Trưởng thành rồi, bạn sẽ biết cách lấy nụ cười đối diện với tất cả.

Giữ năm cái tâm để kinh doanh thăng tiến


GIỮ NĂM CÁI TÂM ĐỂ KINH DOANH THĂNG TIẾN

Có một vị đại sư hay giảng dạy rằng: Muốn kinh doanh thành công cần phải có đạo đức. Nhưng lấy gì để làm tiêu chuẩn đạo đức, đó là 5 cái tâm: hy sinh, siêng năng, nhẫn nhục, chân thật và tình thương. Nếu rèn luyện được năm cái tâm này, kinh doanh nhất định sẽ thành công.

Tâm chân thật: Nếu không có tâm chân thật, ở đời sẽ thật vô nghĩa. Đây là một trong những yếu tố quan trọng làm nên giá trị sống của con người, nhất là người kinh doanh. Tâm chân thật tạo niềm tin để khách hàng ngày càng ủng hộ và đó là cơ hội tốt để phát triển nghề nghiệp.

Tâm từ: Tình thương là yếu tố không thể thiếu trong xã hội loài người. Nhờ đó mà ta có động lực để phấn đấu và thực hiện những điều tốt nhất cho người thân, cộng đồng. Tình thương là chất liệu để cuộc sống trở nên đáng sống.

Tâm hy sinh: Người kinh doanh nhưng tâm ích kỷ, hẹp hòi sẽ khó lòng thành công. Làm lãnh đạo phải có tâm hy sinh cho tổ chức và nhân viên của mình.

Người có tâm rộng lớn thì trí mới rộng lớn, trí rộng lớn thì đức mới rộng lớn, đức rộng lớn thì phương tiện rộng lớn, phương tiện rộng lớn thì quyến thuộc rộng lớn, quyến thuộc rộng lớn thì hạnh phúc an lạc rộng lớn.

Như vậy, tâm có hy sinh mới đem lại lợi ích cộng đồng, vì lợi ích cộng đồng thì phúc đức rất lớn lao. Khi có phúc đức lớn, việc gì cũng thành công cả.

Tâm nhẫn nhục: Nếu muốn trở thành một người kinh doanh mà không có tâm nhẫn nhục, sẽ khó có thể thành công. Rào cản lớn nhất của mỗi người là thiếu kiên nhẫn, dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Nhờ rèn luyện tâm nhẫn nhục nên biết kiềm chế khi gặp nghịch cảnh, có sức chịu đựng dẻo dai, bền chí khi việc chưa thành. Đó là một trong những tố chất quan trọng của những người kinh doanh thành công.

Tâm siêng năng, Cổ nhân từng dạy: “Giàu đâu những kẻ ngủ trưa, sang đâu những kẻ say sưa tối ngày”. Ở đời “có làm thì mới có ăn”, trên bước đường thành công không có dấu chân của kẻ lười biếng. Trên thương trường, đó là sự siêng năng, cần mẫn, nỗ lực không ngừng mới có thể đạt được mục đích.

Như vậy, chỉ cần căn cứ vào năm yếu tố trên để tự đánh giá cái tâm của mình. Đó là thước đo đạo đức của mỗi người, đặc biệt với người lãnh đạo. Những ông chủ tốt, công việc sẽ phát triển bền vững và nhất định thành công. Đồng thời, người chủ cũng dựa vào năm yếu tố đó để nhận biết nhân viên, đối tác của mình có đạo đức hay không.

Giữ gìn đạo đức trong kinh doanh là điều vô cùng quan trọng. Nó không trực tiếp tạo ra tiền tài nhưng là nhân tố quan trọng giúp cho người kinh doanh giữ uy tín, niềm tin với khách hàng. Người kinh doanh chân chính, tâm mới thanh thản, tự tin và an lạc. Người kinh doanh gian dối, tâm sẽ bất an và phải cố tình tạo ra nhiều mưu mẹo để giữ khách hàng và cách làm đó không hề bền lâu.

Giữ gìn đạo đức trên thương trường là rất khó nhưng người biết dùng năm cái tâm trong việc điều phục mình chính là biểu hiện của người có đạo đức, có khả năng thích nghi mọi hoàn cảnh để hoàn thành tốt vai trò.

Người có năm cái tâm ấy có mặt ở đâu là thành công ở đó, đem lại niềm tin yêu và hạnh phúc cho muôn người.

Theo vuon hoa phat giao