Thứ Năm, 19 tháng 1, 2023

Năm mới từ đâu tới? Năm cũ đi đâu mất rồi?

 

NĂM MỚI TỪ ĐÂU TỚI? NĂM CŨ ĐI ĐÂU MẤT RỒI?

Năm cũ đã đi về hướng nào? Và năm mới tới từ hướng nào? Chúng có thể tin là năm mới tới từ hướng Đông, tức là từ Việt Nam, Nhật Bản trước. Chỉ còn khoảng hai giờ nữa là năm mới đặt chân tới Việt Nam, sau đó sẽ đi thiền hành mất sáu tiếng nữa mới tới Pháp.

 

Như vậy có nghĩa là năm mới nằm ở vùng Viễn Đông. Nhìn trên quả địa cầu, chúng ta đang ở Pháp thì Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan nằm ở phía Đông. Nhưng nếu chúng ta đang ở Việt Nam thì hướng Đông lại là ở bên Mỹ, bên Pháp.

Thành ra khi nhìn kỹ thì ta không tin là năm mới tới từ hướng Đông. Bụt dạy, không đến, không đi, không sau, không trước.

 

Sự chết là một phần của sự sống

Hồi sáng, lúc đi thiền hành ở Xóm Thượng, tôi đi xuôi xuống chùa Sơn Hạ. Mỗi bước chân giúp tôi tiếp xúc với sự sống rất sâu sắc. Sự sống xung quanh tôi, sự sống ở ngay trong từng bước chân tôi, ngay nơi nào tôi đứng.

Khi ở Cốc Ngồi Yên tại xóm Thượng, tôi đi theo con đường nhỏ đầy những lá sồi. Mùa thu rừng sồi trút lá. Tuyết rơi mấy bữa trước làm cho lá sồi ướt sũng, rồi từ từ rữa ra trở thành một loại đất rất màu mỡ.

 

Tôi đi rất chánh niệm và thấy rất rõ là những lá sồi này sẽ trở thành loại đất mịn, xốp, rất tốt và phì nhiêu để nuôi cây. Hiện giờ mắt thường chúng ta có thể thấy được những chiếc lá sồi đang hoại dần. Nhưng vài tháng nữa, ta sẽ không trông thấy hình dạng của lá nữa mà chỉ thấy đất thịt xốp mịn thôi vì chúng đã mủn thành đất hết rồi.

Lúc ấy ta có thể cười và nói với những chiếc lá: “Này, đừng có tưởng thay hình đổi dạng mà tôi không nhận ra được em nhé, tôi biết là em đang nằm ở trong lòng đất ấy”.

 

Nhìn sâu ta sẽ thấy mỗi năm cây rụng lá để làm cho đất màu mỡ thêm, sang năm cây sẽ cho nhiều lá hơn năm trước, đẹp hơn và tốt hơn năm trước. Tới mùa hè, nó xanh mướt đầy nhựa sống, chất nhựa này nuôi cho cây to lớn. Tới mùa thu nó lại rụng lá, rồi tới mùa đông nó mủn trở lại thành đất, đất trở lại nuôi cây.

 

Khi thấy như vậy, tôi không sợ chết. Chết không là gì hết, chết chỉ là đổi thân, thay một chiếc thân mới mạnh khỏe hơn, đẹp đẽ hơn mà thôi.

Vì vậy khi lá rụng khỏi cây, nó chết, nhưng nó không buồn rầu. Nó nói: “sướng quá, mình sắp được trở về đất, trở về nhà mình rồi”. Mình sẽ ở đó vài tháng rồi sẽ lại chui vào thân cây trở lại, và thân cây sẽ đưa ra những chiếc lá mạnh khỏe, bụ bẫm hơn.

 

Vì vậy, dù đi trên mặt đất và không nhìn thấy những chiếc lá, nhưng ta biết chiếc lá đang có mặt trong lòng đất. Và ta nói: “Này, mấy cái lá của tôi ơi, tôi biết em còn đâu đó, và em sẽ lại trở thành những chiếc lá xanh, những chiếc lá rất đẹp trong mùa xuân, mùa hè, mùa thu”.

 

Biết rõ như vậy thì khi rơi xuống đất lá chẳng sợ gì hết, nó vừa rơi vừa khiêu vũ múa ca, vừa thảnh thơi để làm một điệu vũ chót trước khi chạm xuống mặt đất, chuẩn bị một cuộc hành trình mới.

Cái chết và cái sống tưởng chừng chống đối nhau, là kẻ thù của nhau. Nhưng kỳ thực trong tuệ giác của đạo Bụt, cái sống và cái chết tương tức với nhau, nó dựa vào nhau để làm ra nhau.

Không có cái chết thì không bao giờ có cái sống. Và không thể có cái sống nếu không có cái chết.

 

Biết được điều đó chúng ta sẽ không sợ hãi nữa. Và chánh kiến mà ta đạt được làm cho ta không còn buồn đau, tủi hận, giận hờn, sợ hãi nữa.

Nếu trân quý sự sống thì mình biết rằng sự chết là một phần của sự sống, là một nguyên tố để làm ra sự sống. Giống như cánh hoa phải chết đi để cho quả lớn lên. Cái vỏ cứng phải vỡ ra thì hạt mới nảy mầm.

 

Chúng ta biết rằng trong cơ thể chúng ta có rất nhiều tế bào, các tế bào sinh diệt không ngừng. Ngày nào cũng có các tế bào cũ chết đi để các tế bào mới sinh ra. Lúc đó, mình thấy mình ôm hết cả cái chết và cái sống ở trong lòng. 

(Trích từ sách “Con đã có đường đi” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

Thầy cô càng kỳ vọng, học sinh càng thông minh


THẦY CÔ CÀNG KỲ VỌNG, HỌC SINH CÀNG THÔNG MINH

 Là học sinh, chắc chắn bạn sẽ có một lần thậm chí nhiều lần được các thầy cô kỳ vọng, trông đợi sẽ thành công trong học tập và cuộc sống. Và chính sự trông đợi, kỳ vọng của thầy cô giáo đã truyền cảm hứng cho lớp lớp thế hệ những học trò.

 

Các nhà tâm lý học đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về vấn đề này là một giáo sư Harvard tên là Robert Rosenthal, vào năm 1964 đã làm một thí nghiệm tuyệt vời tại một trường tiểu học ở phía nam San Francisco, Mỹ.

Ý tưởng của thí nghiệm là: "Điều gì sẽ xảy ra khi các giáo viên động viên học sinh của mình và nói rằng chúng rất thông minh."

 

Sau đó, giáo sư Rosenthal đã cho các em học sinh làm bài kiểm tra IQ.

Và giáo sư đã theo sát các em trong 2 năm tiếp theo, ông phát hiện ra rằng những kỳ vọng của các giáo viên với những đứa trẻ này thực sự đã ảnh hưởng đến chúng

 

"Các thầy cô giáo càng kỳ vọng nhiều, thì chỉ số IQ của đứa trẻ đó càng cao hơn."

Điều đó chứng tỏ, sự động viên, đánh giá cao, khích lệ của thầy cô giáo đối với những học sinh của mình, kể cả những học sinh giỏi hay học sinh yếu kém đều mang đến những kết quả thực sự tích cực cho những học sinh đó.

 

Trong cuộc đời là học sinh của mình, đã bao nhiêu lần bạn được thầy cô giáo thăm hỏi, quan tâm, theo dõi, giảng giải? Chắc chắn bạn không nhớ được đúng không? Hãy cảm ơn thầy cô giáo mình vì điều đó vì chính sự quan tâm, đánh giá cao của họ đã truyền cảm hứng và niềm tin cho bạn để bạn cố gắng và đạt được thành công.

 

Trong cuộc đời, chắc hẳn bạn đã hơn một lần nếm mùi thất bại, nhưng thầy cô giáo vẫn người hiểu được khả năng của bạn nhất, là người luôn tin tưởng vào thành công và nội lực của bạn, bạn phải cảm ơn vì thầy cô giáo vì điều đó, những việc họ làm, tuy nhỏ thôi cũng đủ để thổi bùng sức mạnh tiềm ẩn bên trong con người bạn.

 

"Là một học sinh học khá, khi chọn trường để thi, tôi đã chọn trường vừa tầm để có thể thi đậu, nhưng may mắn vẫn không mỉm cười với tôi. Tôi đã khóc rất nhiều và người luôn ở bên an ủi, động viên tôi chính là cô giáo chủ nhiệm cấp 2 của tôi. Cô cũng kể về con đường học hành trắc trở của cô, cách mà cô vượt qua để có được ngày hôm nay và động viên tôi tiếp tục. Tôi đã quyết định không học nguyện vọng 2 mà thi lại, thật may mắn vì năm sau tôi đã thi đậu vào ngôi trường mà tôi mơ ước" - Một sinh viên chia sẻ.

 

"Ngày đó tôi là một học sinh cá biệt, tôi học rất dốt và lười học. Các cô giáo đều chán nản khi nhìn thấy tôi và thái độ của tôi ngoại trừ cô giáo tiếng Anh của tôi. Cô thường lại gần hỏi và kèm cặp tôi cho đến khi tôi thực sự hiểu bài. Cô thường xuyên khen ngợi cho mỗi câu trả lời đúng của chúng tôi, đó chính là nguồn động lực lớn lao. 1 năm rồi 2 năm trôi qua, tôi đã trở thành một học sinh giỏi và đặc biệt yêu thích môn tiếng Anh." – (Trung – SV trường ĐH Sư phạm khoa Tiếng Anh kể lại)

 

Bạn đã từng được thầy cô giáo kỳ vọng, động viên như thế nào?