WHO: 80% THIẾU NIÊN TOÀN CẦU LƯỜI VẬN ĐỘNG
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết lối sống lười vận động, “cắm mặt" vào điện thoại ở giới trẻ trên toàn thế giới hiện nay gây tổn hại cho sức khỏe và rất đáng báo động.
Các nghiên cứu của WHO cho thấy hơn 80% thanh thiếu niên trên toàn thế giới không vận động đủ. Họ chọn ngồi trước màn hình máy tính thay vì chạy bộ. Điều này gây nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ hiện tại và trong tương lai.
90% trẻ vị thành niên nữ giới ở 27 quốc gia không vận động đủ trong năm 2016, theo số liệu mới nhất. Trên thế giới, các cô gái tụt lại khá xa so với các chàng trai về hoạt động thể chất, chỉ trừ ở 4 quốc gia: Afghanistan, Samoa, Tonga và Zambia.
WHO cảnh báo tình trạng hiện tại ở mức nguy hiểm và phải có hành động khẩn cấp để khiến giới trẻ vận động. “Hiện tại, cần có chính sách hành động khẩn cấp để khuyến khích và duy trì hoạt động thể chất ở các bé gái”, tác giả nghiên cứu của WHO, Tiến sĩ Regina Guthold, cho biết.
Theo Guardian, các cuộc khảo sát đã được tiến hành ở các trường học của 146 quốc gia. Kết quả cho thấy từ năm 2001, có rất ít sự cải thiện trong hoạt động thể chất ở trẻ từ 11-17 tuổi, cách xa mục tiêu của WHO.
Các quốc gia LHQ năm 2018 đã thống nhất giảm tỷ lệ trẻ lười vận động xuống còn 15% trong năm 2030. Trong nhiều năm trước đó, tỷ lệ chỉ giảm một chút ở các bé trai, và không giảm ở các bé gái. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Lancet Child and Adolescent Health.
Trong một bình luận được công bố cùng với nghiên cứu, trên tạp chí The Lancet Child & Adolescent Health, một nhà nghiên cứu người Canada cho biết xã hội hiện đại là nguyên nhân của sự lười vận động.
Tiến sĩ Mark Tremblay, từ Bệnh viện Nhi đồng thuộc Viện Nghiên cứu Đông Ontario, đã viết: 'Thế giới đang thay đổi nó đang thay đổi con người, với sự vận động là một trong những chỉ số rõ ràng nhất về sự thay đổi này.
'Cuộc cách mạng điện tử đã thay đổi cơ bản mô hình di chuyển của mọi người bằng cách thay đổi địa điểm và cách họ sống, học tập, làm việc, vui chơi và đi lại, dần dần cô lập họ trong nhà (ví dụ: nhà ở, trường học, nơi làm việc và phương tiện giao thông), thường xuyên nhất là trên ghế.
'Mọi người ngủ ít hơn, ngồi nhiều hơn, ít đi bộ hơn, lái xe thường xuyên hơn và ít hoạt động thể chất hơn trước đây.
'Họ đang ngày càng di chuyển từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ nông thôn đến thành thị, từ ngoài trời đến trong nhà, từ đứng sang ngồi, từ đi bộ sang lái xe và từ chơi vận động sang chơi kỹ thuật số.
'Những tác động này và cách chúng thay đổi theo không gian, thời gian hoặc văn hóa là rất quan trọng, đặc biệt vì không hoạt động thể chất là yếu tố rủi ro hàng đầu thứ tư dẫn đến tử vong sớm trên toàn thế giới, nhưng vẫn chưa được hiểu rõ.'
Giáo sư Viner của Đại học Hoàng gia về Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em cho biết không hoạt động thể chất đi đôi với béo phì.
Ông nói thêm: '[Trẻ em béo phì] là nhóm chúng ta nên quan tâm nhất vì nhiều trẻ trong số này sẽ bắt đầu phát triển các vấn đề về sức khỏe và phúc lợi tương đối sớm trong đời.
'Khuyến khích hoạt động thể chất là một phần của giải pháp - nó cần đi kèm với nhiều sự đồng cảm, hỗ trợ và khả năng tiếp cận các không gian công cộng an toàn và miễn phí. Chúng ta cũng cần thúc đẩy ngành thực phẩm và đồ uống làm nhiều hơn nữa.'
Các chuyên gia khuyến khích thanh thiếu niên nên vận động vừa phải 1 giờ/ngày, sau đó chuyển dần sang vận động nặng hơn 1 giờ/ngày. Các hoạt động có thể duy trì là đi bộ, đạp xe hoặc chơi trò chơi vận động.
Hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sự phát triển của xương và cơ bắp, cũng như tim và phổi. Nó giúp những người trẻ tuổi tránh mắc bệnh béo phì, bệnh tim, ung thư và tiểu đường. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy hoạt động thể chất giúp trẻ nâng cao nhận thức, kỹ năng xã hội.
Kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về hoạt động thể chất nhấn mạnh cần phải thay đổi cách giáo dục. Bà Bull cảnh báo về hậu quả của việc lạm dụng quá mức các phương tiện kỹ thuật số như điện thoại, máy tính xách tay và thiết bị chơi game.
“Đây không phải là khởi đầu tốt đẹp trong cuộc sống mà chúng ta mong muốn cho trẻ em và thanh thiếu niên”, chuyên gia hàng đầu của WHO cho biết. “Dữ liệu khảo sát đáng báo động với tất cả từ các bậc phụ huynh đến cộng đồng và hệ thống y tế”.
TRE EM VẬN ĐỘNG NHIỀU NHẤT Ở ĐÂU? |
TRẺ EM VẬN ĐỘNG ÍT NHẤT Ở ĐÂU?
|
1. Bangladesh (66,1% trẻ em hoạt động ít hơn một giờ mỗi ngày) 2. Slovakia (71,5%) 3. Ireland (71,8%) 4. Hoa Kỳ (72%) 5. Bulgari (73,3%) 6. Albania (73,9%) 7. Ấn Độ (73,9%) 8. Greenland (73,9%) 9. Phần Lan (75,4%) 10. Cộng hoà Moldova (75,7%)
|
1. Hàn quốc (94,2% trẻ em hoạt động ít hơn một giờ mỗi ngày) 2. Philippin (93,4%) 3, Campuchia (91,6%) 4. Xu-đăng (90,3%) 5, Đông Timor (89,4%) 6. Zambia (89,3%) 7. Úc (89%) 8. Venezuela (88,8%) 9. New Zealand (88,7%) 10. Ý (88,6%) 11. Viet Nàm. (86,3%) 12. Lào (86,4%)
|