Thứ Tư, 14 tháng 12, 2022

Dạy trẻ kiềm chế cảm xúc


DẠY TRẺ KIỀM CHẾ CẢM XÚC

 

Rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc cho con trẻ, đặc biệt là sự nóng giận, sẽ giúp trẻ phát triển tốt, nhận thức vấn đề được chi tiết và thấu đáo hơn.

 

1. Giúp trẻ gọi tên cảm xúc

Nếu trẻ không hiểu cảm xúc của mình, các em dễ bộc phát sai cách hoặc không thể nói ra bằng lời. Đôi khi, những đứa trẻ đang buồn, tức giận sẽ có hành vi sai trái để thu hút sự chú ý của người lớn.

Để trẻ hiểu đúng và tránh bộc lộ cảm xúc sai cách, cha mẹ cần dạy con những cảm giác cơ bản như vui, buồn, sợ hãi, hạnh phúc...

Bạn có thể bắt đầu bằng câu "có vẻ con đang tức giận, con có thể nói cho cha mẹ biết đang gặp chuyện gì không".

 

Theo thời gian, trẻ sẽ biết phân biệt cảm xúc của mình và hiểu nên làm gì để đối phó với chúng. 

 

2. Nhiệt kế cảm xúc đo mức độ tức giận

Nhiệt kế tức giận là công cụ giúp trẻ em nhận ra chúng đang giận dữ quá mức. Vẽ một nhiệt kế lớn trên một tờ giấy. Số 0 ở dưới cùng và điền vào các số cho đến 10 ở trên đỉnh nhiệt kế.

Mức 0 có nghĩa là ‘không tức giận’, mức 5 là ‘mức tức giận trung bình’, và mức 10 là ‘giận hơn bao giờ hết’.

 

Giải thích với con bạn về những ngôn ngữ cơ thể ứng với từng mức độ trên nhiệt kế. Con sẽ mỉm cười ở mức 0, làm mặt giận dữ ở mức 5 và tới mức 10, con có thể trở thành ‘quái vật giận dữ’.

 

Giải thích với con về biểu hiện cơ thể khi con thấy giận. Con cảm thấy nóng mặt ở mức hai, hay nắm tay thành nắm đấm ở mức 7.

 

Và khi trẻ con nhận biết được những dấu hiệu ấy, chúng sẽ tự hiểu mình cần phải bình tĩnh lại trước khi mức độ giận dữ chạm ngưỡng 10. Treo nhiệt kế tức giận ở một địa điểm dễ thấy và hỏi trẻ: “Hôm nay con giận tới mức nào?”

Khi đã xác định được mức độ tức giận, cha mẹ dẫn dắt và giúp con đối phó, loại bỏ cảm xúc này. 

 

3. Trẻ nên làm gì khi cảm thấy tức giận?

Hãy dạy con bạn phải làm gì khi bắt đầu cảm thấy giận dữ. Hãy dạy con cách kiềm chế cơn giận, đừng để con ném đồ đạc hay đánh em mình.

Khuyến khích con cái tự ‘giải lao’ khi bực bội, dặn con là con có thể vào phòng mình để bình tĩnh lại khi bắt đầu thấy bực. Khuyến khích con tô màu, đọc sách, hoặc làm các hoạt động khác để bình tĩnh lại.

 

Các bậc phụ huynh có thể tạo một “bộ đồ nghề giữ bình tĩnh”, bao gồm những quyển sách tô màu và màu vẽ, một quyển sách hài hước, những miếng dán xinh xắn, một món đồ chơi quen thuộc hay một lọ nước hoa dịu nhẹ.

 

Và khi bé giận dữ, bạn có thể nói: “Đi lấy bộ đồ nghề giữ bình tĩnh của con nào”, giúp trẻ "tĩnh tâm" cho đến khi ổn định lại. Điều quan trọng là giúp trẻ hình thành thói quen để sau này các em tự biết cách xử lý mà không cần sự hỗ trợ của cha mẹ.

 

Một trong những cách tốt nhất là dạy con kỹ năng quản lý cảm xúc, cụ thể là cơn giận. Ví dụ, nếu con bực bội, khó chịu, bạn hãy dạy con hít thở sâu, đi bộ hoặc đếm đến 10. Những mẹo nhỏ, đơn giản sẽ giúp trẻ áp dụng nhanh và nhớ lâu hơn.

Trẻ con dễ cáu giận cần được chỉ bảo tận tình những kĩ năng đó để giải tỏa buồn bực.

4. Không nhượng bộ:

Khi trẻ tức giận vì không đạt được mục đích đòi hỏi, cha mẹ không nên nhượng bộ để xoa dịu cơn giận của chúng. Nếu trẻ được cha mẹ xoa dịu bằng cách đó, chúng sẽ cho rằng nổi giận là cách tốt nhất để đạt được điều mình muốn.

Nhượng bộ là cách nhanh nhất để xoa dịu đứa trẻ, nhưng về lâu dài cách này sẽ khiến các bé hung hăng hơn và lệch lạc trong suy nghĩ, hành vi. Vì thế, cha mẹ hãy bình tĩnh trò chuyện, phân tích cho trẻ hiểu những việc nên và không nên làm khi đặt yêu cầu với người khác.

5. Kiểm soát hậu quả

Kỷ luật nhất quán là điều cần thiết để trẻ hiểu rằng những hành vi nổi giận vô cớ hoặc thiếu tôn trọng là điều không nên làm.

Nếu trẻ làm sai, bạn cần xử lý nhanh. Ví dụ, khi con nổi giận và đập vỡ đồ đạc, bạn hãy yêu cầu chúng tự sửa lại hoặc làm việc nhà để bù lại lỗi sai của mình.

 

Bên cạnh việc đặt ra hình phạt, bạn cũng nên chỉ rõ lỗi sai để trẻ hiểu lý do chúng bị phạt. Điều quan trọng là nhấn mạnh ở hành vi sai, không nên chỉ trích con người trẻ.

 

Theo Zing News

 

Taylor swift không ngừng lan tỏa những giá trị tích cực


TAYLOR SWIFT KHÔNG NGỪNG LAN TỎA NHỮNG GIÁ TRỊ TÍCH CỰC

Phát biểu khi nhận bằng Tiến sĩ danh dự ngành Nghệ thuật của trường Đại học New York*, Taylor Swift đã chia sẻ:

 

“Một phần của sự trưởng thành và bước sang chương mới của cuộc đời bạn là phải nắm bắt cũng như buông bỏ. Ý tôi là, biết thứ gì cần níu giữ và thứ gì cần buông tay”. 

 

“Nhưng mất đi nhiều thứ không có nghĩa là mất đi tất cả. Ông trời lấy đi của bạn vài thứ để rồi trao lại cho bạn những điều giá trị khác.” 

 

“Hãy học cả cách sống cùng với rắc rối. Dù bạn có cố gắng tránh gặp rắc rối đến đâu, bạn cũng sẽ phải nhìn lại cuộc đời mình và cảm thấy bi lụy. Rắc rối là điều khó tránh khỏi”.

 

The Man hay Look What You Made Me Do là những lời đáp trả đanh thép của Taylor trước những lời đàm tiếu, phán xét mà người khác dành cho cô. Sự chuyển mình mạnh mẽ từ “Công chúa nhạc đồng quê” sang “Rắn chúa” đã giúp nữ nghệ sĩ truyền tải được nhiều hơn những mảng tối trong nội tâm của mình. 

 

“Cuộc sống có thể rất nặng nề, đặc biệt nếu bạn cố gắng gánh vác tất cả cùng một lúc.”

 

Sau tất cả, những điều bất như ý là nhân tố quan trọng giúp bạn trở nên kiên cường hơn và là lực đẩy để bạn không ngừng tiến về phía trước. Vì vậy, những vấp ngã trong năm qua là những trải nghiệm cực kỳ đáng giá mà cuộc đời dành cho bạn.

 

Trong không khí ấm áp của mùa Giáng sinh đang gần kề và ngày sinh nhật của một nữ nghệ sĩ tiêu biểu của thời đại, đây là lúc bạn nên bước qua những nỗi đau, cởi bỏ những muộn phiền, bạn hãy nhớ cô ấy đã từng nói với bạn rằng:

 

“NHỮNG ĐIỀU KHÓ KHĂN SẼ LUÔN ĐẾN TRONG ĐỜI. CHÚNG TA RỒI SẼ VƯỢT QUA, SẼ HỌC ĐƯỢC NHIỀU ĐIỀU TỪ ĐÓ, ĐỂ RỒI TRỞ NÊN KIÊN CƯỜNG TRƯỚC NHỮNG THÁCH THỨC”.

Theo ELLE

------------

*  Taylor Swift nhận bằng Tiến sĩ danh dự ngành Nghệ thuật của trường Đại học New York ngày 18/5/2022.

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

Nên sống thẳng nhưng phải khéo


NÊN SỐNG THẲNG NHƯNG PHẢI KHÉO

Đức tính thẳng thắn sẽ khiến mọi việc dễ dàng hơn gấp mười lần, vì thẳng luôn là con đường ngắn nhất. Nhưng người thẳng tính thường kéo theo họ khá nhiều kẻ thù, vì hầu như ai cũng thích nghe nịnh.

Những người thẳng thắn thường nói thật, và dám nói ra điều mà nhiều người không dám. Những lời nói đó có thể tốt hoặc xấu nhưng không hề thêm hoặc bớt nhằm xuyên tạc câu chuyện.

Thẳng thắn là một đức tính tốt, nhưng lời nói thẳng thường hay mất lòng. Nhưng không thể phủ nhận, những góp ý thẳng thắn sẽ giúp chúng ta nhận ra nhiều bài học quý báu. Đầu tiên là học cách làm bạn và nói chuyện “thẳng thắn” với những người “thẳng thắn”.

“Thẳng thắn” thôi chứ đừng “vô duyên”

Để sự thẳng thắn không biến thành vô duyên, chúng ta phải biết lắng nghe và đâu đó cũng nên học cách ứng xử trong cuộc sống từ những người quá khéo ăn khéo nói trong giao tiêp, biết lấy lòng mọi người xung quanh, biết tạo ra những lợi ích cho riêng mình. Không ai thích những cô nàng “2 mặt”. Tuy nhiên, những cô nàng giả dối đó lại có khá nhiều người yêu mến.

Trong khi đó, cái sự thẳng thắn của bạn nhiều khi khiến người khác bực mình, thậm chí bạn có thể bị ghét ra mặt. Trong cuộc sống, có khá nhiều người thích được ngọt nhạt, thích được khen và thích được tung hô. Khi họ tiếp nhận lời khen, cái tôi của họ được vuốt ve, và khi đó lý trí của họ thường bị mất kiểm soát. Dù người nghe rất thông thái hoặc ngờ nghệch, thì cả hai cũng đều sẽ đón nhận lời khen trong tâm trạng hân hoan.

Bạn biết đấy, chúng ta cần “thẳng thắn” đúng nơi, đúng lúc để không trở nên vô duyên và bị ganh ghét. Không một người “thẳng thắn” nào lại thích bị nhiều người ghét cả. Chỉ là họ chưa biết cách điều chỉnh các hành vi ứng xử của bản thân trong cuộc sống. Có những tình huống cho phép chúng ta nên thẳng thắn, nên rõ ràng, nên công khai. Tuy nhiên sẽ có những tình huống khiến chúng ta phải biết khéo léo bằng cách nói giảm, nói ẩn dụ hoặc chỉ cần tiết lộ một phần của câu chuyện.

Những người thẳng thắn thường không biết nói dối, nhưng không có nghĩa là họ phải có bổn phận nói hết mọi thứ. Nói một phần và giấu đi một phần là nghệ thuật. Đôi khi sự hé mở một vài thông tin sẽ có hiệu quả gấp trăm lần việc nói ra tất tần tật với mục đích nhẹ lòng!

“Thẳng” nhưng “Khéo” vì có sự chân thành

Mấy ai vừa thẳng thắn mà lại khéo léo khiến người nghe không bị tổn thương mà còn tâm phục khẩu phục? Người thẳng thắn và khéo léo biết nói những điều cần phải nói tại những thời điểm thích hợp, tùy đối tượng người nghe.

Nếu người nghe là người cũng thẳng thắn và khéo léo, nói một hiểu mười, chắc bạn sẽ không cần phải diễn đạt đến lần thứ hai hoặc ba. Họ chắc chắn là những người thông minh, vừa có chỉ số IQ cao vừa có chỉ số EQ không tệ.

Bản thân những người “thẳng” nhưng “khéo” đã được tôi luyện trong rất nhiều tình huống tâm lý phức tạp, cũng như trải nghiệm nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống (không xét đến yếu tố tuổi tác). Họ hẳn đã từng có kinh nghiệm ở vị trí là người tiếp nhận thông tin, và khi họ trở thành người truyền tải thông tin, họ sẽ hiểu người nghe cần gì và có những phản ứng như thế nào. Những người thẳng thắn và khéo léo sẽ biết cách đạt được những điều họ muốn.

Việc biết lấy lòng một ai đó trong một hoàn cảnh hoặc một thời điểm nào đó không khiến bạn trở thành kẻ giả dối. Quan trọng vẫn là bạn biết cách khéo léo trong giao tiếp với một tấm lòng chân thành.

Những người thẳng thắn không thích lải nhải

Những người thẳng thắn, họ có thể nói nhiều hoặc nói ít tùy tính cách, nhưng đa phần họ không thích nói dai, lải nhải hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần. Ngay cả những người “thẳng” nhưng “khéo”, nếu họ phải lặp đi lặp lại một điều gì đó trên hai hoặc ba lần, họ có xu hướng không nói về vấn đề đó nữa mà sẽ chuyển sang phương án hành động.

Tùy điều kiện, hoàn cảnh và tình huống mà hành động của họ có thể khác nhau: không dây dưa với bạn nữa, không nói chuyện đó với bạn nữa, không quan tâm cảm nhận của bạn về chuyện đó nữa, không làm việc đó chung với bạn nữa, không nhờ bạn làm việc đó nữa,…

Người thẳng thắn quan niệm “không có mợ thì chợ vẫn đông”, “bạn không thích tôi thì tôi cũng không cần bạn” và “thiếu gì người có thể thay thế bạn”. Những người thẳng thắn có nhiều trải nghiệm sẽ khéo léo hơn khi quyết định sẽ thẳng đến mức độ nào trong cư xử và giao tiếp với mọi người.

Tuy nhiên mọi thứ đều có giới hạn, nếu thẳng thắn cần có giới hạn thì sự khéo léo cũng cần phải có giới hạn để không bị biến thành giả dối. Chắc chắn một điều, những người thẳng thắn và được việc, họ không thích chơi với những người nói xấu sau lưng nhưng tươi cười trước mặt họ.