DẠY TRẺ KIỀM CHẾ CẢM XÚC
Rèn luyện kỹ năng quản lý cảm xúc cho con trẻ, đặc biệt là sự nóng giận, sẽ giúp trẻ phát triển tốt, nhận thức vấn đề được chi tiết và thấu đáo hơn.
1. Giúp trẻ gọi tên cảm xúc
Nếu trẻ không hiểu cảm xúc của mình, các em dễ bộc phát sai cách hoặc không thể nói ra bằng lời. Đôi khi, những đứa trẻ đang buồn, tức giận sẽ có hành vi sai trái để thu hút sự chú ý của người lớn.
Để trẻ hiểu đúng và tránh bộc lộ cảm xúc sai cách, cha mẹ cần dạy con những cảm giác cơ bản như vui, buồn, sợ hãi, hạnh phúc...
Bạn có thể bắt đầu bằng câu "có vẻ con đang tức giận, con có thể nói cho cha mẹ biết đang gặp chuyện gì không".
Theo thời gian, trẻ sẽ biết phân biệt cảm xúc của mình và hiểu nên làm gì để đối phó với chúng.
2. Nhiệt kế cảm xúc đo mức độ tức giận
Nhiệt kế tức giận là công cụ giúp trẻ em nhận ra chúng đang giận dữ quá mức. Vẽ một nhiệt kế lớn trên một tờ giấy. Số 0 ở dưới cùng và điền vào các số cho đến 10 ở trên đỉnh nhiệt kế.
Mức 0 có nghĩa là ‘không tức giận’, mức 5 là ‘mức tức giận trung bình’, và mức 10 là ‘giận hơn bao giờ hết’.
Giải thích với con bạn về những ngôn ngữ cơ thể ứng với từng mức độ trên nhiệt kế. Con sẽ mỉm cười ở mức 0, làm mặt giận dữ ở mức 5 và tới mức 10, con có thể trở thành ‘quái vật giận dữ’.
Giải thích với con về biểu hiện cơ thể khi con thấy giận. Con cảm thấy nóng mặt ở mức hai, hay nắm tay thành nắm đấm ở mức 7.
Và khi trẻ con nhận biết được những dấu hiệu ấy, chúng sẽ tự hiểu mình cần phải bình tĩnh lại trước khi mức độ giận dữ chạm ngưỡng 10. Treo nhiệt kế tức giận ở một địa điểm dễ thấy và hỏi trẻ: “Hôm nay con giận tới mức nào?”
Khi đã xác định được mức độ tức giận, cha mẹ dẫn dắt và giúp con đối phó, loại bỏ cảm xúc này.
3. Trẻ nên làm gì khi cảm thấy tức giận?
Hãy dạy con bạn phải làm gì khi bắt đầu cảm thấy giận dữ. Hãy dạy con cách kiềm chế cơn giận, đừng để con ném đồ đạc hay đánh em mình.
Khuyến khích con cái tự ‘giải lao’ khi bực bội, dặn con là con có thể vào phòng mình để bình tĩnh lại khi bắt đầu thấy bực. Khuyến khích con tô màu, đọc sách, hoặc làm các hoạt động khác để bình tĩnh lại.
Các bậc phụ huynh có thể tạo một “bộ đồ nghề giữ bình tĩnh”, bao gồm những quyển sách tô màu và màu vẽ, một quyển sách hài hước, những miếng dán xinh xắn, một món đồ chơi quen thuộc hay một lọ nước hoa dịu nhẹ.
Và khi bé giận dữ, bạn có thể nói: “Đi lấy bộ đồ nghề giữ bình tĩnh của con nào”, giúp trẻ "tĩnh tâm" cho đến khi ổn định lại. Điều quan trọng là giúp trẻ hình thành thói quen để sau này các em tự biết cách xử lý mà không cần sự hỗ trợ của cha mẹ.
Một trong những cách tốt nhất là dạy con kỹ năng quản lý cảm xúc, cụ thể là cơn giận. Ví dụ, nếu con bực bội, khó chịu, bạn hãy dạy con hít thở sâu, đi bộ hoặc đếm đến 10. Những mẹo nhỏ, đơn giản sẽ giúp trẻ áp dụng nhanh và nhớ lâu hơn.
Trẻ con dễ cáu giận cần được chỉ bảo tận tình những kĩ năng đó để giải tỏa buồn bực.
4. Không nhượng bộ:
Khi trẻ tức giận vì không đạt được mục đích đòi hỏi, cha mẹ không nên nhượng bộ để xoa dịu cơn giận của chúng. Nếu trẻ được cha mẹ xoa dịu bằng cách đó, chúng sẽ cho rằng nổi giận là cách tốt nhất để đạt được điều mình muốn.
Nhượng bộ là cách nhanh nhất để xoa dịu đứa trẻ, nhưng về lâu dài cách này sẽ khiến các bé hung hăng hơn và lệch lạc trong suy nghĩ, hành vi. Vì thế, cha mẹ hãy bình tĩnh trò chuyện, phân tích cho trẻ hiểu những việc nên và không nên làm khi đặt yêu cầu với người khác.
5. Kiểm soát hậu quả
Kỷ luật nhất quán là điều cần thiết để trẻ hiểu rằng những hành vi nổi giận vô cớ hoặc thiếu tôn trọng là điều không nên làm.
Nếu trẻ làm sai, bạn cần xử lý nhanh. Ví dụ, khi con nổi giận và đập vỡ đồ đạc, bạn hãy yêu cầu chúng tự sửa lại hoặc làm việc nhà để bù lại lỗi sai của mình.
Bên cạnh việc đặt ra hình phạt, bạn cũng nên chỉ rõ lỗi sai để trẻ hiểu lý do chúng bị phạt. Điều quan trọng là nhấn mạnh ở hành vi sai, không nên chỉ trích con người trẻ.
Theo Zing News
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét