Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Cuộc sống thời nay đã mất đi nhiều thứ


CUỘC SỐNG THỜI NAY ĐÃ MẤT ĐI NHIỀU THỨ

 

Điều mất thứ nhất: Yên lòng

Ngày xưa ta sống trong gian nhà cũ, xung quanh là vườn cỏ xanh rì. Sáng nghe “Ò… o…” gà gáy sớm, đêm nghe ộp oạp tiếng ếch kêu, ngẩng đầu nhìn trăng qua song cửa, cúi đầu thấy nệm cỏ thơm lừng. Không khí trong lành mát mẻ yên tĩnh, đêm ngủ không cần đóng cửa, cũng chẳng phải lo lắng sẽ mất đi thứ gì.

Giờ đây, ta sống trong tòa nhà cao tầng, ở đô thị hoa lệ, vật chất tiện nghi chẳng thiếu thứ gì. Nhưng cửa trên cửa dưới đều phải đóng thật chặt, ngồi trong nhà vẫn thấp thỏm không yên. Nào là cửa chống trộm, nào là camera, nào là lưới bảo vệ vây kín khắp tòa nhà, có những lúc ngay cả bản thân ta cũng không vào được…

 

Điều mất thứ hai: Nhiệt tình

Ngày xưa, hàng xóm như anh em, láng giềng như bằng hữu, người không thân thích vẫn thường hay qua lại với nhau. Có gì ngon cùng nhau tận hưởng, có gì ngọt cùng nhau sẻ chia, nhà ai có việc, thì mọi người đều chung tay giúp đỡ nhiệt tình.

Giờ đây, chúng ta cùng sống chung một tầng lầu chung cư, thậm chí hai nhà sát vách, cửa ngõ đối diện, mỗi ngày đều chạm mặt, nhưng trước sau lại không biết “nhà ấy” tên họ là gì.

 

Điều mất thứ ba: Sức khỏe

Ngày xưa, lũ trẻ nhà quê rồng rắn ra bờ sông mò cua bắt cá, chiều chiều lại chạy ra đồng “mót” mấy củ khoai lang. Giữa trưa nắng gắt, tiện tay hái mấy quả thèn đen bên bụi cây, ăn xong đứa nào đứa nấy miệng đen xì… Mà cũng kỳ lạ, trẻ con nhà quê toàn ăn quả dại, vậy mà cả đời chẳng biết đến đau bụng là gì.

Giờ đây, thịt cá trong siêu thị đầy ắp, hoa quả chín đỏ mọng mỡ màng, khắp các gian hàng đều tưng bừng quảng cáo rau củ sạch – Vậy mà ai cũng nơm nớp sợ ăn phải chất kích thích vào người!? Rau củ đóng gói rất đẹp mắt, nhãn hiệu cũng chẳng kém cạnh gì, nhưng ai dám chắc đồ ăn này có đảm bảo hay không?

 

Điều mất thứ tư: Náo nhiệt

Ngày xưa, cả làng chỉ có duy nhất một chiếc ti vi, buổi tối mọi người đều kéo đến xem nhờ, nô nức đông vui như trẩy hội. Tuy chỉ là ti vi đen trắng, hình ảnh đôi khi không rõ nét, nhưng cả làng đều rôm rả vây quanh. Người thì ngồi, kẻ thì đứng, trẻ nhỏ thì ngồi trong lòng mẹ, trẻ lớn thì kiễng chân ngó qua khe, đứng chật khắp gian nhà, nhưng không thấy chật chội, không khí thật náo nhiệt tưng bừng.

Bây giờ, ti vi tinh thể lỏng trở thành cổ lỗ sĩ, ti vi màn hình rộng cũng chẳng hấp dẫn ai. Thứ duy nhất khiến mọi người không thể rời mắt chính là chiếc điện thoại, mỗi người một chiếc, đều là thứ tân tiến mới trình làng. Tuy mọi người tụ họp với nhau, nhưng ai nấy chỉ dán mắt vào điện thoại, dẫu có ngẩng đầu lên cũng chẳng muốn nói với nhau đôi lời.

 

Điều mất thứ năm: Hoài niệm

Ngày xưa, tiệm chụp ảnh không nhiều, cơ hội được chụp một tấm ảnh cũng không nhiều. Ảnh chụp sau khi rửa rồi lại còn phải ép nhựa cẩn thận. Mỗi lần mở album ra xem, bao nhiêu hồi ức lại ùa về, tinh khôi như ngày còn thơ bé!

Giờ đây, điện thoại, ipad, máy ảnh kỹ thuật số, đi đến đâu là chụp ảnh đến đó, món ăn ngon, phong cảnh đẹp đều tận sức mà chụp. Một ngày chụp cả ngàn tấm ảnh, nhưng hầu hết đều sẽ bị lãng quên trong tâm trí, còn những gì đáng trở thành kỷ niệm lại chẳng còn được bao nhiêu.

 

Điều mất thứ sáu: Chân tình

Ngày xưa, ông nội cưới bà nội, chỉ mất một đấu gạo; Bố cưới mẹ, chỉ mất một con bò. Thời đó cưới xin, chỉ cần mang theo một bản chứng nhận kết hôn, mở mấy bàn tiệc rượu, đồ ăn chẳng có nhiều, cũng không cần của hồi môn, nhưng hôn lễ lại ngập tràn vui vẻ. Vợ chồng đến với nhau chỉ qua mai mối, nhưng vẫn sống những ngày tháng hạnh phúc an vui, chung thủy bên nhau đến trọn đời.

 

Giờ đây, không xinh thì không lấy, không tiền thì không yêu, không có nhà cửa, xe hơi, quyền lợi, thì kết hôn không hạnh phúc. Mà có đầy đủ những thứ này rồi, kết hôn lại càng không hạnh phúc!

 

Và còn vô số điều giờ đây đã mất …

 

Tư vị của đời người, cần phải chờ đợi đến một tuổi tác nào đó mới có thể cảm nhận được sâu sắc. Tuy nhiên, khi chúng ta bắt đầu hiểu ra rồi, thì cũng là lúc mọi thứ đều trở nên quá xa vời…

 

ST

Đa phần chúng ta đang ra sức làm phép công...


ĐA PHẦN CHÚNG TA ĐANG RA SỨC LÀM PHÉP CÔNG, THÌ KHÔNG ÍT NGƯỜI BIẾT SỐNG ĐANG RA SỨC LÀM PHÉP TRỪ

 

Năm 1845, học giả người Mỹ Thoreau trong tác phẩm nổi tiếng của mình “Walden – Một mình sống trong rừng”, ông viết: “Tôi muốn chầm chậm tiến sâu và hút hết từng vị ngọt tới tận xương tủy của cuộc sống. Tôi sẽ sống một cách chậm rãi, đơn giản, loại bỏ tất cả những điều không thuộc về cuộc sống một cách sạch sẽ gọn gàng. Dùng hình thức cơ bản đơn giản, đơn giản nhất để đoạn tuyệt hết những thứ không liên quan”.

 

Steven Jobs – nhà sáng lập Apple cả một đời luôn tin rằng “ít tức là nhiều”, khi ở vào tuổi đã gần 30 mà cuộc sống gia đình và mọi thứ trong gia đình ông đơn sơ tới mức đáng ngạc nhiên. Một bức hình của Einstein, một chiếc đèn bàn Tifanny, một cái ghế và một cái giường. Ông thận trọng khi lựa chọn từng vật dụng nhỏ trong ngôi nhà mình.

 

Người sáng lập Facebook Zuckerberg, tỷ phú trẻ tuổi nhất thế giới là một người trung thành ủng hộ “chủ nghĩa chí giản”. ….

 

Hóa ra những nhân vật nổi tiếng và thành công mà chúng ta vẫn ngưỡng mộ về mọi mặt, họ cả đời đều đang làm phép trừ. Vậy nên họ luôn cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống của mình.

 

Có 2 chàng trai người Mỹ là Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus là những người người đã thổi bùng trào lưu Minimalism – Sống tối giản vào những thập niên 2010.

Ryan từng làm giám đốc điều hành và bị sa thải. Sau khi bị thất thế anh trở nên vô cùng buồn rầu chán nản, cuối cùng anh quyết định sống một cuộc sống chí giản trong 21 ngày.

 

Ngay ngày hôm sau, Ryan và Joshua Millburn đã dùng 8 giờ đồng hồ để dọn dẹp mọi đồ dùng trong gia đình và đóng gói chúng vào những cái thùng to. Sau đó mỗi ngày Ryan sẽ lấy những đồ mình cần dùng từ trong đó ra để sử dụng.

Kết thúc 21 ngày những đồ còn lại trong thùng là những thứ không cần thiết sẽ được bỏ hết đi.

 

Ba tuần sau đó, 80% đồ dùng không cần thiết của Ryan được thanh lý. Cái thì anh mang đi bán, đi quyên góp và vứt vào thùng rác. Ryan chuyển nhà và mang theo 20% đồ dùng cần thiết của mình, bắt đầu một cuộc sống mới. Anh chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên anh thực sự cảm thấy mình giàu có.

 

Buông bỏ những thứ vật chất lộn xộn và những gánh vác trách nhiệm quá độ, cuộc sống của họ trở nên thoải mái và thú vị. Và bởi vậy, họ quyết định truyền đạt “bí quyết hạnh phúc” này tới toàn thế giới.

 

Joshua và Ryan đã đề xướng ca ngợi chủ nghĩa tối giản. Từ Mỹ chủ nghĩa này đã lan rộng tới Châu Âu và toàn thế giới từ đó ngày càng có nhiều người thoát khỏi những ham muốn ràng buộc về vật chất và cuộc sống trở nên hạnh phúc hơn.

 

Những đồ dư thừa rất có thể sẽ lấy đi tính mạng của bạn

Quay trở lại với đại đa số những người lao động phổ thông bình thường như chúng ta, bởi đắc được không nhiều nên chúng ta ai cũng đều đang cố gắng làm phép cộng. Tuy nhiên nếu bạn muốn thực sự có được hạnh phúc, xin hãy cố gắng học phép trừ.

 

Những thứ dư thừa trong cuộc sống hiện tại, mặc dù không đến nỗi làm chúng ta mất mạng như trong một bộ phim nào đó, nhưng sẽ làm lãng phí rất nhiều thời gian, tinh thần và thể lực của chúng ta.

Trong lòng chất chứa càng nhiều những ham muốn vật chất thì càng khiến nội tâm ta thêm hỗn loạn; có càng nhiều những thứ dư thừa thì những thứ đồ quan trọng sẽ càng bị ngập chìm trong đó.

 

Kỳ thực, không phải vì không gian sống quá hẹp mà là những thứ dư thừa quá nhiều

Mọi người ai cũng hy vọng sống trong nhà to rộng rãi thoải mái tự tại. Nhưng lại không ngừng đi mua thêm và tích trữ khiến những thứ dư thừa ngày càng nhiều và dồn ép không gian sinh sống của chúng ta.

 

Có câu chuyện rằng, vua Nghiêu muốn nhường thiên hạ lại cho Hứa Do. Nhưng Hứa Do lấy ví dụ một con chim nhỏ làm tổ trên cây trong rừng sâu, cái cần chẳng qua là một nhánh cây; con chuột uống nước bên dòng sông, cái cần chẳng qua cũng là để no bụng. Ông cho rằng cuộc sống ẩn cư thanh bần khiến ông cảm thấy quá hài lòng, còn cần chi đến thiên hạ của Nghiêu làm gì?

 

Suy rộng ra một đạo lý rất đơn giản trong xã hội, mỗi người đều có một vị trí và một cuộc sống tương xứng với bản thân mình, cũng nên biết đủ giống như những chú chim ri, chuột đồng kia.

Nhưng con người ngày nay khi quá chìm đắm vào những ham muốn vật chất và lợi ích thực tế trước mắt, thì để đạt đến “tri túc” (biết đủ) thì quả là việc không hề dễ dàng!

 

Có thể xả bỏ mới có thể đắc được, người càng hiểu cách buông bỏ sẽ đắc được càng nhiều. Xử lý và buông bỏ những thứ dư thừa trong cuộc sống, bạn sẽ cảm nhận được một niềm hạnh phúc nhẹ nhõm, thanh tịnh, an yên – niềm hạnh phúc mà vật chất không thể mang lại. Đó là lý do mà người biết sống hạnh phúc thực sự sẽ làm phép trừ…

 

Trừ một chút vật chất, thêm một phần thanh sạch

Trừ một chút dục vọng, thêm một phần an lành

 

Và bạn sẽ hiểu, hạnh phúc không đến từ nhừng gì bên ngoài, niềm hạnh phúc thực sự chỉ đến từ bên trong. Chỉ cần bạn buông bỏ những ham muốn, dục vọng bên ngoài, bạn sẽ cảm nhận được giá trị và niềm vui của nó.

 

Theo NTDTV