Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2022

Đạo trung dung giữa vợ chồng


ĐẠO TRUNG DUNG GIỮA VỢ CHỒNG MỚI CÓ THỂ CHUNG SỐNG LÂU DÀI

 

Cuộc sống hôn nhân quá ngọt ngào thì thường không thể kéo dài, chỉ trong thời gian ngắn ngủi lại trở thành “nhạt nhẽo”.

 

San Mao (một nhà văn và dịch giả người Đài Loan) đã từng nói: “Đời người giống như ba loại trà, loại thứ nhất có vị đắng của nhân sinh; loại thứ hai có vị ngọt ái tình; loại thứ ba nhạt như cơn gió”.

 

Ba trạng thái “trà” này cũng giống như cuộc sống gia đình và mối quan hệ vợ chồng. Cuộc sống quá áp lực, dễ dàng phát sinh “vợ chồng không thương yêu nhau sẽ có trăm chuyện bi ai”, sẽ thường xảy ra cãi vã trong gia đình.

Hôn nhân chính là khi tình yêu trở nên phai nhạt cặp đôi vẫn có thể nâng đỡ lẫn nhau và cùng nhau thưởng ngoạn trên hành trình nhân sinh. Những người với lý do “không còn tình cảm” mà chia tay chỉ là muốn tìm kiếm “mùa xuân thứ hai” để sống lại tình yêu ngọt ngào, điều đó chỉ khiến người ta phải đối mặt với một vòng tuần hoàn ác tính không bao giờ kết thúc.

 

Bằng hữu tương giao cũng giống như “quân tử chi giao nhạt như nước”, mà rất nhiều cặp vợ chồng già đã trải qua những thăng trầm của đời người, đối đãi với nửa kia của họ chính là “tương kính như tân” (tôn trọng như thuở đầu), không vượt qua ranh giới cuối cùng của nhau, cũng không xâm phạm điều riêng tư của nhau, mà là tôn trọng lẫn nhau, giống như nước vậy, chảy liên tục không ngừng và dài lâu.

 

Nếu vợ chồng có thể chung sống lâu dài với nhau thì gia đình có thể dần dần thịnh vượng. Trong phần còn lại của cuộc đời sẽ sống cuộc sống hôn nhân của mình như “trà” và sống cuộc sống gia đình sẽ giống như “nước”. Chỉ sau khi từ từ ngấm, mới có thể có một tách trà ngon, đầy hương thơm và dư vị.

 

Do đó, đạo chung sống của vợ chồng sẽ quyết định sự hưng suy của gia đình, và đó cũng là tấm gương cho con cái noi theo. Nó không chỉ ảnh hưởng đến bản thân mỗi người mà còn ảnh hưởng đến cả “huyết mạch” của gia đình.

Như câu nói: “Vợ chồng hòa hợp thì gia đình hưng, vợ chồng không hòa hợp thì gia đình sẽ ly tán”.

“Lòng hiếu thảo kiểu mới”

 

“LÒNG HIẾU THẢO KIỂU MỚI” ĐANG HỦY HOẠI TRUYỀN THỐNG ĐẠO ĐỨC CON NGƯỜI

 

Hiếu thảo từ xưa đến nay vẫn luôn được coi là đức tính tốt đẹp nhất trong trăm ngàn điều thiện. khi cha mẹ già, con cái có nghĩa vụ phụng dưỡng để họ có thể an hưởng tuổi già.

Nhưng nay, trong thâm tâm của nhiều thế hệ trẻ, họ nghĩ rằng miễn là có thể cho cha mẹ đủ tiền, hoặc đưa cha mẹ đến sống cùng đã là hiếu thảo lắm rồi.

 

Ngày nay, do công việc ngày càng bận rộn, dẫn đến nhiều bạn trẻ thường nhờ cha mẹ chăm sóc con cái. Điều này vừa có thể tiết kiệm được chi phí bảo mẫu, mặt khác còn có thể yên tâm hơn nếu con cái được ông bà chăm sóc.

 

Ảnh hưởng tiêu cực của “lòng hiếu thảo kiểu mới”

 

Cha mẹ là những người có ơn nuôi dưỡng chúng ta từ khi con nhỏ cho đến lúc trưởng thành. Do đó khi về già, họ thật sự không còn đủ sức khỏe để chịu đựng mọi sự giày vò của chúng ta đối với họ.

 

Tuy nhiên, một số người trẻ chỉ coi cha mẹ như những người giữ trẻ hoặc người hầu, khiến cha mẹ làm việc quá sức. Điều này cũng sẽ khiến cơ thể của cha mẹ bị quá tải, thậm chí lâu ngày còn sinh thêm nhiều bệnh tật.

Hơn nữa, “lòng hiếu thảo kiểu mới” này vốn dĩ đã không hề đúng đắn, mà còn gây ra bất lợi cho sự phát triển sau này của con trẻ.

 

Sau khi quan sát việc đối xử của cha mẹ với ông bà trong một thời gian dài, trẻ em sẽ không cảm nhận được thế nào là sự biết ơn. Khi chúng lớn lên, chúng cũng sẽ quay lại đối xử với cha mẹ mình đúng y như vậy.

 

Ngày nay, hầu hết trẻ em trong xã hội hiện đại đều được cha mẹ và người lớn nuông chiều thái quá, điều này đã gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực.

Chẳng hạn, khi trẻ có thái độ vô lễ với người lớn tuổi, cha mẹ thường chỉ mắt nhắm mắt mở mà không có bất kỳ giáo huấn nào.

Theo thời gian, tính cách của trẻ này dần trở nên kiêu ngạo, thiếu sự đồng cảm, không biết suy nghĩ cho người khác và tự cho mình là trung tâm.

 

Khi những đứa trẻ như vậy lớn lên, chúng sẽ không thể hiếu thảo với cha mẹ, và chỉ coi cha mẹ như người hầu trong nhà.

 

Theo tinhhoa.net

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2022

Suy ngẫm 4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ

 

SUY NGẪM 4 QUY TẮC TÂM LINH CỦA NGƯỜI ẤN ĐỘ

 

Một ngày nọ, có một sự kiện bất ngờ xảy ra khiến cuộc đời bạn bắt đầu thay đổi, chẳng hạn: bạn gặp một người nào đó, bị sa thải, phát hiện ra rằng mình đang mắc một căn bệnh, gặp tai nạn hay bất cứ điều gì khác.

Thậm chí, nhiều tình huống xảy ra cùng lúc khiến bạn cảm tưởng như những chuyện không may như thể đổ ập vào mình và bạn bắt đầu mất niềm tin vào cuộc sống. Nhiều người cho rằng đó là sự trùng hợp.

 

Ở Ấn Độ, tồn tại 4 quy tắc tâm linh rất nổi tiếng, nhấn mạnh rõ không có điều gì xảy ra một cách tình cờ. Ngược lại, mọi thứ xuất hiện đều có lý do của nó.

 

Quy tắc đầu tiên: Bất cứ người nào bạn gặp cũng đúng là người mà bạn cần gặp.

Quy tắc đầu tiên này khẳng định rằng bất cứ ai xuất hiện trong cuộc đời chúng ta hoặc tương tác với chúng ta theo một cách nào đó đều không phải là sự tình cờ. Con người được sinh ra với nhiệm vụ là hoàn thiện cuộc sống và chúng ta kết nối với nhau để cùng giúp nhau hoàn thành sứ mệnh đó.

 Chình vì vậy, ngay cả khi bạn gặp một người vô gia cư trên đường, họ có thể không biết bạn đang nhìn họ nhưng khoảnh khắc mà bạn chú ý tới hoàn cảnh ấy nghĩa là trong người bạn đã được kích hoạt lòng từ bi, sự đồng cảm và sẵn sàng giúp đỡ.

 

Quy tắc thứ hai: Bất cứ điều gì xảy thì đó chính là điều nên xảy ra.

Đôi khi có những sự cố trong đời khiến bạn thất vọng hay cảm thấy cuộc sống thật bất công. Tuy nhiên, không phải vậy. Lúc bạn bị đẩy xuống vực thì đó chính là lúc bạn học được cách phải trở nên mạnh mẽ, tin tưởng và tự đứng dậy. Bất cứ hoàn cảnh nào, dù bạn gặp ai, dù bạn phải đối mặt với chuyện gì, vui hay buồn... tất cả đều là những thứ nên có.

 

Quy tắc thứ ba: Mọi sự đều bắt đầu vào đúng thời điểm.

Mọi thứ trong cuộc sống của bạn sẽ xảy ra vào đúng thời điểm đó, chứ không phải là bạn mong đợi nó xảy ra sau hay trước. Đó là bởi vì sự kiện này dẫn tới sự kiện khác, theo một thứ tự nhất định để giúp mỗi người thực hiện sứ mệnh của mình. Đừng mong chờ những điều tuyệt đối hay than thở rằng "giá mà tôi đã làm nó sớm hơn thì mọi chuyện hẳn đã khác".

 

Quy tắc thứ tư: Những gì đã qua, cho qua.

Khi điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã hoàn thành sứ mệnh mang đến cho mỗi người một bài học kinh nghiệm. Đó là lý do tại sao, để làm phong phú thêm trải nghiệm của mình, tốt hơn hết là chúng ta hãy buông bỏ và tiếp tục cuộc hành trình.