Thứ Tư, 16 tháng 11, 2022

Đâu mới là nghỉ ngơi thật sự?


ĐÂU MỚI LÀ NGHỈ NGƠI THẬT SỰ?

Nghỉ ngơi thật sự là thế nào? Làm một giấc thật ngon vào mỗi dịp cuối tuần? Làm một chuyến du lịch để giải tỏa căng thẳng trong một tuần làm việc? Nhưng thực tế, thường thì càng nghỉ ngơi ta lại càng cảm thấy mệt mỏi. Tại sao như vậy?

 

Tại sao bạn vẫn cảm thấy mệt mỏi dù đã ngủ một giấc kéo dài 11 giờ? Tại sao bạn tiêu một khoản tiền lớn cho những kỳ nghỉ lên rừng xuống biển, nhưng vẫn không tăng thêm nhiệt huyết cho cuộc sống?

 

Kỳ thực, hàm nghĩa thật sự của nghỉ ngơi là khôi phục thể trạng, thả lỏng đầu óc, thoải mái tinh thần, khi bạn lần nữa bước vào công việc hay học tập liền cảm thấy mình như một con người mới với tinh lực tràn trề. 

 

Người lao động trí óc, việc ngủ bù với bạn là không có ích gì

Bạn soạn thảo văn bản cả một ngày, chủ trì cuộc họp cả một ngày, và khi tất cả đều xong xuôi, bạn thở dài: “Mệt quá! Hôm nay mình phải ngủ một giấc cho đã mới được”. Hiểu biết thông thường khiến phản ứng đầu tiên của chúng ta mỗi khi cảm thấy mệt mỏi là “đi nằm tý đã”. Nhưng đây lại là một cái bẫy.

 

Ngủ đúng là một hình thức nghỉ ngơi hữu hiệu, nhưng nó chủ yếu phù hợp với những người thiếu ngủ hoặc những người lao động chân tay.

Nhưng nếu bạn đang ngồi trong văn phòng làm việc, phần vỏ bộ não cực kỳ hưng phấn, trong khi thân thể lại ở trạng thái hưng phấn thấp, đối với loại mệt mỏi này, giấc ngủ không khởi được tác dụng gì lớn (trừ khi bạn thức khuya tăng ca không thể ngủ đủ giấc như người bình thường).

 

Vì điều bạn cần không phải là phục hồi năng lượng thân thể thông qua sự “tĩnh chỉ” (yên lặng), mà là tìm việc gì đó để thả lỏng đầu não.

 

Không cần phải dừng lại, chỉ cần thay đổi

Nếu giấc ngủ đã không thể giúp đầu não chúng ta nghỉ ngơi, vậy chúng ta có thể làm cách gì? Câu trả lời là không phải dừng hoạt động, mà chỉ thay đổi nội dung của hoạt động.

Hơn mười tỷ tế bào thần kinh trong vỏ não có các chức năng khác nhau, và chúng được sắp xếp để tạo thành các vùng chức năng kết hợp khác nhau, vùng này hoạt động thì vùng kia nghỉ ngơi.

 

Vì vậy, bằng cách thay đổi nội dung hoạt động, có thể khiến các vùng khác của đầu não được nghỉ ngơi.

Nhà tâm sinh lý học Ivan Sechenov đã thực hiện một thí nghiệm. Để loại bỏ tình trạng mệt mỏi cánh tay phải, ông áp dụng hai phương pháp – một là để hai tay nghỉ ngơi trong yên lặng, cách kia là cho phép tay trái di chuyển đúng cách trong khi tay phải để yên, sau đó kiểm tra sức nắm của tay phải trên máy đo độ mỏi.

Kết quả cho thấy tình trạng mỏi tay phải được giải quyết mau lẹ hơn trong tình huống tay trái hoạt động. Điều này chứng tỏ việc thay đổi nội dung hoạt động của con người quả thực là phương thức nghỉ ngơi tích cực.

 

Jean-Jacques Rousseau, nhà tư tưởng khai sáng xuất sắc của Pháp, đã nói về kinh nghiệm của mình như sau: “Tôi vốn không phải là người sinh ra để nghiên cứu học vấn, bởi tôi chỉ cần động não lâu một chút liền cảm thấy mệt mỏi, và tôi thậm chí không thể tập trung tinh lực vào một vấn đề duy nhất trong nửa giờ đồng hồ.

Tuy nhiên, tôi đã giải quyết mấy vấn đề khác nhau liên tiếp và thậm chí không bị gián đoạn, tôi có thể suy ngẫm mỗi từng vấn đề một cách thoải mái và vui vẻ. nhờ vậy mà tôi có thể loại bỏ sự mệt mỏi mà không cần phải nghỉ ngơi đầu óc một lúc.

 

Vì vậy, tôi đã sử dụng đầy đủ đặc điểm mà tôi tìm thấy này vào trong nghiên cứu học vấn của mình, tiến hành nghiên cứu luân phiên đối với một vài vấn đề. Như vậy thì dù làm việc cật lực cả ngày cũng không cảm thấy mệt mỏi”. 

Nếu bạn có một số vấn đề cần giải quyết, tốt hơn là bạn nên xen kẽ chúng hơn là hoàn thành một vấn đề và bắt đầu vấn đề thứ hai, vì điều đó sẽ nhanh chóng cạn kiệt tinh lực.

 

Khi cần nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi

Những người trân trọng cuộc sống thường tìm kiếm sự nghỉ ngơi bằng bất cứ giá nào. Nghỉ ngơi 10 ngày, nửa tháng, rồi họ trở lại. Khi nhìn lại lần nữa, thật là một sự thay đổi đáng kinh ngạc! Họ như một người mới được sinh ra, tràn trề sức sống, tinh thần sung mãn với những kế hoạch mới và khát vọng mới về cuộc sống. Họ đã tiếp thêm nhiên liệu, xóa tan mệt mỏi và có thêm động lực để ra khơi.

 

Mọi người nên bỏ tư tưởng chỉ lo công việc không để ý nghỉ ngơi. Quan niệm “mạng sống chưa hết, phấn đấu không ngừng” là sai lầm, và cần được loại bỏ khỏi tâm trí bạn ngay lập tức.

Nếu không, bạn chưa kịp đi hết tiến trình sinh mạng mà bạn muốn đi hết thì đã an nghỉ dưới lòng đất rồi. Đến lúc đó, bao nhiêu lý tưởng, tương lai và sự nghiệp của bạn chẳng phải đều tan thành bọt nước cả sao? Vì vậy, một người không nỡ bỏ thời gian nghỉ ngơi chắc chắn không phải là người thông minh.

 

Nói từ góc độ nhân tính thì việc nghỉ ngơi có lợi nhiều hơn là bất lợi, người xưa có câu: “Những lúc mắc bệnh, bất kỳ người nào cũng là người xấu”. Ngay cả những người hiền lành nhất cũng có thể trở nên vô lý và cáu kỉnh khi họ kiệt quệ về thể chất và suy nhược về tinh thần. Do đó, khi cần nghỉ ngơi thì bạn hãy nghỉ ngơi.

 

Theo Sound of Hope

Tác hại của việc thường xuyên la mắng con cái


TÁC HẠI CỦA VIỆC THƯỜNG XUYÊN LA MẮNG CON CÁI

Trong thực tế, không có đứa trẻ nào là hoàn hảo, bởi đôi lúc trẻ con sẽ có những hành vi nghịch ngợm, quậy phá, hoặc phạm phải một lỗi sai nào đó… là chuyện rất bình thường và xuất hiện ở mọi đứa trẻ.

 

Chính vì thế mà đôi khi cả những ông bố bà mẹ kiên nhẫn nhất cũng sẽ có lúc không thể kìm chế mà quát mắng, la hét với con của mình. Đặc biệt là trong cuộc sống quá bận rộn ngày nay, người lớn phải đối mặt với rất nhiều các khó khăn, thử thức và hàng loạt các áp lực đến từ công việc, gia đình, các mối quan hệ. Vì vậy mà việc cha mẹ la mắng, chửi bới con cái rất khó tránh khỏi, thậm chí nó lại xuất hiện với tần suất liên tục.

 

Tổ chức hỗ trợ phụ nữ và trẻ em Dubai (DFWC) khảo sát về vấn đề này và nhận thấy có đến 1/4 số trẻ em đang phải đối mặt với tình trạng cha mẹ la mắng, quát nạt một cách bạo lực và trẻ luôn cảm thấy sợ hãi, lo lắng khi ở nhà. Trong số đó có khoảng 8% trẻ chia sẻ rằng điều này thường xuyên xảy ra với chúng.

 

Nghiên cứu của Quỹ DFWC – bà Aisha Al Midfa khuyên rằng, các bậc phụ huynh không nên lạm dụng quá nhiều việc la mắng con cái. Cũng bởi hành vi này không gây ra hậu quả ngay trước mắt nhưng những tác động tiêu cực của nó về mặt tâm lý sẽ kéo dài và rất khó cải thiện.

 

Tiến sĩ Deema Sihweil – nhà tâm lý học lâm sàng của Viện nghiên cứu về các mối quan hệ con người Dubai (HRI) “Việc la hét, quát mắng trẻ diễn ra thường xuyên có thể gây ra những vấn đề tâm lý ở trẻ như căng thẳng, lo âu, sợ hãi, mất ngủ, chậm phát triển, ngoài ra cũng sẽ dẫn đến những vấn đề về hành vi, học tập, giao tiếp xã hội, tình cảm hay kỹ năng phản ứng và vượt qua những thử thách trong cuộc sống”.

 

Sau đây là một số tác hại nghiêm trọng đối với trẻ:

 

1. Thói quen la mắng sẽ “giết” chết sự sáng tạo của trẻ

Các nhà khoa học cho biết rằng, nếu trẻ em liên tục phải đối diện với những lời quát mắng, la hét của cha mẹ sẽ có kích thước não nhỏ hơn so với những bạn thường xuyên nghe được những lời động viên, khen ngợi.

Việc này sẽ khiến cho trẻ không thể phát triển tốt trí thông minh, thiếu đi sự sáng tạo, nhạy bén. Cũng bởi kích thước của não có mối quan hệ rất mật thiết với sự phát triển của trí tuệ.

Nếu não có kích thước nhỏ so với mức bình thường chứng tỏ chỉ số IQ của trẻ bị thấp kém, làm ảnh hưởng nhiều đến quá trình xử lý thông tin.

 

2. Con cái sẽ trở nên tiêu cực nếu cha mẹ thường xuyên la mắng

Một số nghiên cứu tâm lý nhận thấy rằng thói quen thường xuyên quát nạt, la mắng con cái của cha mẹ chẳng những không thể giúp con giải quyết tốt vấn đề mà ngược lại còn có thể khiến con cái trở nên tiêu cực, cư xử tồi tệ hơn.

 

3. Trẻ sẽ khó kiểm soát cảm xúc

Các nhà tâm lý học cũng từng chia sẻ rằng, những đứa trẻ thường xuyên chứng kiến các cơn tức giận, cáu gắt hay bị cha mẹ chửi mắng, la hét liên tục sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát cảm xúc của chính mình. Do đó, cũng dễ hiểu vì sao những đứa trẻ này có nhiều xu hướng la hét, khóc lóc, vùng vẫy, cáu gắt hoặc thậm chí là có xu hướng chống đối khi cha mẹ la rầy, trách phạt.

4. Cha mẹ la mắng con cái sẽ khiến con không biết yêu quý bản thân

Cha mẹ thường xuyên la hét, chửi mắng con cái sẽ khiến cho nhận thức của con bị tác động một cách tiêu cực. Trẻ sẽ cảm thấy thiếu tự tin vào bản thân, cho rằng mình không có giá trị và rất vô dụng.

Lâu dần trẻ sẽ có xu hướng bỏ bê bản thân, không còn quan tâm đến việc chăm sóc ngoại hình và học theo những lối sống buông thả. Lúc này trẻ sẽ không còn yêu quý bản thân, bắt đầu có những hành vi nổi loạn như hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, …

 

5. Trẻ có nguy cơ trầm cảm cao nếu cha mẹ thường xuyên la mắng

Điều này cũng khá dễ hiểu bởi tâm lý của trẻ nhỏ rất nhạy cảm, khi liên tục bị la hét, trách mắng sẽ khiến cho trẻ cảm thấy hoảng sợ, lo lắng và vô cùng bất an. Trước những lời nói chỉ trích thô bạo và khắt khe của cha mẹ trẻ có thể bị tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý, lâu dần gây ra các vấn đề rối loạn tâm thần nguy hiểm, đôi khi phải sử dụng cả đời để có thể chữa lành.

 

6. Trẻ sẽ không biết nhận sai và sửa sai

Việc chỉ trích, la mắng con chỉ nhằm mục đích giải tỏa các áp lực của bản thân khiến con cảm thấy uất ức và không biết được mình sai ở đâu. Thậm chí ngay cả khi con phạm phải sai lầm, cha mẹ cũng chỉ la hét nhưng không phân tích và cho con biết được những lỗi sai của bản thân, từ đó trẻ khó có thể phân biệt được điều gì đúng và điều gì sai.

Trẻ sinh ra tâm lý trở nên bất cần, không còn để tâm đến việc đúng sai và cứ liên tục phạm phải những sai lầm.

 

7. Trẻ sẽ nhút nhát, ngại giao tiếp

Những đứa trẻ này sẽ có tâm lý bất an, luôn cảm thấy mọi thứ xung quanh mình không an toàn nên rất ngại việc trò chuyện, giao tiếp và tiếp xúc với mọi thứ bên ngoài.

Bên cạnh đó, nếu tình trạng này không được sớm khắc phục và cải thiện tốt sẽ làm ảnh hưởng đến kỹ năng ứng phó của trẻ nhỏ, trẻ không thể tự mình vượt qua được những thách thức trong cuộc sống.

 

Làm sao để la mắng con cái đúng cách:

- Chú ý đến việc sử dụng ngôn ngữ, kể cả khi la hét: 

Thay vì sử dụng những lời nói thô bạo với con thì bạn hãy thử dùng những lời lẽ nhẹ nhàng hoặc dễ nghe hơn. Ví dụ như thay vì la mắng rằng “Con thật ngu ngốc” thì bạn hãy thử “Cha/ mẹ cảm thấy rất nóng giận khi con không vâng lời”.

- Giải thích cụ thể về lỗi sai của con và lý do bạn tức giận: Bạn có thể thử nói rằng “Cha/ mẹ cảm thấy rất buồn vì con không nghe lời”.

- Sẵn sàng nói xin lỗi nếu dùng những lời khó nghe với con: Nếu lỡ mất kiểm soát và nói ra những từ ngữ không hay đối với con thì bạn cũng nên sẵn sàng chủ động nói lời xin lỗi, giúp con giảm bớt những sự tổn thương về tâm lý mà còn là tấm gương sáng để con có thể noi theo. Nhờ đó mà con biết cách nói lời xin lỗi mỗi khi con phạm phải sai lầm.

Nếu bạn đang là những ông bố bà mẹ thường xuyên lạm dụng việc la mắng với con cái thì nên nhanh chóng thay đổi để hạn chế các ảnh hưởng nghiêm trọng đến con và giúp con phát triển hoàn thiện hơn. 

Trương Oanh