Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

Hữu Loan và một màu tím làm day dứt mãi

HỮU LOAN và MỘT MÀU TÍM LÀM DAY DỨT MÃI 

Có một điều rất lạ: bài thơ của một người lính Việt Minh lại nổi tiếng trong vùng Pháp chiếm hơn là trong vùng mà nó được sinh ra. Từ Hà Nội, đến Huế, Sài Gòn, ở đâu cũng có nhiều người chuyền tay nhau chép rồi ngâm ngợi bài thơ của Hữu Loan: Màu tím hoa sim.

Nhiều người cho rằng, trong “liên làng” văn - nhạc của Việt Nam, Màu tím hoa sim là bài thơ độc nhất vô nhị. Tính “độc nhất” của bài thơ ở chỗ, cảm xúc trong đó không có ranh giới đối tượng: là bài thơ xuất phát từ “bên đây” nhưng lại được “bên kia” yêu thích như thể viết cho mình.

Trên chiến trường, nhiều người lính nằm đêm ngửa mặt nhìn sao, nhớ lời thơ ông mà khóc: “Nhưng không chết người trai khói lửa/ Mà chết người gái nhỏ hậu phương/ Tôi về không gặp nàng/ Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối/ Chiếc bình hoa ngày cưới thành bình hương tàn lạnh vây quanh…”.

Nỗi niềm ấy, nào chỉ thuộc riêng lòng chàng trai của “phe này” hay “phe kia”…

Những câu thơ dung dị đến tận cùng, cũng yêu thương đến tận cùng, và cũng đau đến tận cùng. Mở đầu cứ thủ thỉ như lời chuyện trò. Mà đúng hơn, là lời tự mình trò chuyện với mình:

Nàng có ba người anh đi bộ đội 

Những em nàng có em chưa biết nói 

Tôi Người Vệ quốc quân xa gia đình

Yêu nàng như tình yêu em gái…

Ngày hợp hôn 

Nàng không đòi may áo cưới 

Tôi mặc đồ quân nhân

Đôi giày đinh bết bùn đất hành quân 

Nàng cười xinh xinh

Bên anh chồng độc đáo

Đúng là độc đáo: một đám cưới độc đáo, một chú rể độc đáo, một cô dâu độc đáo. 

Tôi ở đơn vị về cưới nhau xong là đi

Thật giản dị, thật hồn nhiên.

Thế mà trong cái vui đã ẩn chứa cái buồn:

Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại

Lấy chồng đời chiến chinh

Mấy người đi trở lại

Lỡ khi mình không về 

Thì thương người vợ chờ bé bỏng “Chiều quê

Đẹp quá, tình yêu của người chồng. Nhưng sao mà buồn thế! Cứ như một dự cảm.

Nhưng không chết người trai khói lửa

 Mà chết Người gái nhỏ hậu phương

Rồi dự cảm thành sự thật:

Tôi về không gặp nàng

Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối 

Chiếc bình hoa ngày cưới 

Thành bình hương tàn lạnh vây quanh 

Khi tóc nàng xanh xanh ngắn chưa đầy búi

 

Em ơi

Giây phút cuối không được nghe nhau nói

Không được trông nhau một lần 

Kỷ niệm cũ ùa về:

Ngày xưa

Nàng yêu hoa sim tím 

Áo nàng màu tím hoa sim

Ngày xưa

Đèn khuya bóng nhỏ

Nàng vá cho chồng tấm áo 

Ngày xưa…

Đúng là những nỗi đau chỉ thời chiến tranh mới có:

Một chiều rừng mưa

Ba người anh trên chiến trường Đông Bắc

Được tin em gái mất

Trước tin em lấy chồng

Một sớm thu về 

Dờn dợn nước sông 

Đứa em nhỏ lớn lên 

Ngỡ ngàng trông ảnh chị

Những sm thu về

Cỏ vàng chân mộ chí

Chao ôi, một đoạn thơ cuối cùng, đọc là không thể quên, bởi nó đi đến tận cùng nỗi buồn, tận cùng nỗi đau:

Những chiều hành quân 

Qua những đồi hoa sim

Những đồi hoa sim

Những đồi hoa sim

Dài trong chiều không hết 

Màu tím hoa sim

Tím chiều hoang biền biệt 

Nhìn áo rách vai

Tôi hát trong màu hoa

Áo anh đứt chỉ đường tà

Vợ anh mất sớm mẹ già xa lâu

 

Ảnh: Hữu Loan và các bạn văn trưng bày tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Thật như một sự tình cờ cho thơ Việt Nam: cái chết bất ngờ của cô gái trẻ tên Ninh ở một làng quê Thanh Hoá, đã đưa đến cho thơ Việt Nam một bài thơ tình giản dị mà hay vô cùng. Đây là bài thơ tình hay nhất thời chiến, bài thơ tình hay nhất của thơ Việt Nam!

Tấm lòng một người chồng. Tấm lòng một người lính. Tấm lòng một nhà thơ...

Một màu tím cứ day dứt mãi lòng người!

LƯƠNG DUY CÁN

-----------------

Hữu Loan (1916 –2010) quê xã Nga Lĩnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

Màu tím hoa sim là một bài thơ rất nổi tiếng của nhà thơ Hữu Loan, được sáng tác năm 1949 tại Thanh Hoá

Bài thơ xuất hiện đầu tiên trên tờ Trăm Hoa của Nguyễn Bính. Trong vụ án Nhân văn giai phẩm, nó bị coi là thứ văn chương ủy mị, mang tư tưởng tiểu tư sản, và là một trong những bằng chứng để bộ văn hóa đương thời kết tội tác giả của nó.

Tuy nhiên bài thơ vẫn được truyền đi rộng rãi trong công chúng bằng những bản chép tay và được đưa vào miền Nam Việt Nam, tại đây bài thơ đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc thành những bài hát nổi tiếng.

Vào năm 2004, nó được mua bản quyền với giá 100 triệu đồng tiền Việt Nam, trở thành một kỷ lục Việt Nam.

Năm 1990, bài thơ được in lần đầu trong 1 tập thơ, đó cũng là tập thơ đầu tiên được xuất bản của Hữu Loan: Mầu tím hoa sim.

 


Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

Cần phải dành cả đời để học nói, học làm việc, và học làm người.


CON NGƯỜI CÓ BA VIỆC CẦN PHẢI DÀNH CẢ ĐỜI ĐỂ HỌC, ĐÓ LÀ: HỌC NÓI, HỌC LÀM VIỆC, VÀ HỌC LÀM NGƯỜI.

 

Nói chuyện không thể tùy tiện

Có câu: “Lương ngôn nhất cú tam đông noãn, ác ngữ thương nhân lục nguyệt hàn”, ý chỉ một câu nói tử tế có thể làm ấm lòng người 3 mùa đông, một câu nói tổn thương khiến người ta sống giữa tháng 6 mà cảm thấy lạnh.

 

Miệng chính là phát ngôn của nội tâm, lời nói không phải do miệng quyết định, mà là do trái tim quyết định.

Lời một khi đã nói ra thì như nước đã đổ, không thể lấy lại được. Vì vậy hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi nói.

 

Lời hứa cũng không thể tùy tiện. Có những việc bản thân đã không thể hoàn thành thì đừng khiến người khác phải ôm kỳ vọng. Hành vi này chính là tự mình phá hủy đi sự thành tín của bản thân mình.

Một điều tối kỵ nữa chính là điều riêng tư của người khác thì không thể nói. Người ta vì tin tưởng bạn nên mới thổ lộ những bí mật của họ, nên một khi đã hủy hoại đi lòng tin của người khác, nghĩa là bạn đã không còn đáng để họ tin cậy nữa.

 

Con người ta có 2 năm để học nói, nhưng cả đời chỉ để học cách im lặng. Hiểu hay không hiểu, không cần phải nói quá nhiều. Vì lời nói mà không chân thật thì tốt hơn hết hãy đừng nói.

 

Làm việc không thể tùy hứng 

Chúng ta không thể làm mọi việc một cách tùy tiện, cần nhìn tổng thể và cân nhắc đến tương lai lâu dài, không nên chỉ giới hạn trong tâm trạng nhất thời.

Mọi thứ trên đời đều có giá của nó, muốn có được gì thì phải nỗ lực. Thay vì lời nói suông, bạn muốn làm gì thì hãy bắt tay vào làm việc ấy.

 

Mỗi người đều có bản sắc của riêng mình, nhưng đều cần phải học được 2 chữ trách nhiệm. Ví như người cha là trụ cột trong gia đình, thì cần có trách nhiệm với gia đình; giáo viên là người đáng tin cậy của trẻ em, thì cần có trách nhiệm với học sinh.

 

Có nhiều lúc, chúng ta không thể dựa vào suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Vì một khi bạn trở nên tức giận và mất kiểm soát, nó sẽ gây ra vô vàn những hậu quả không thể cứu vãn được.

Cảm xúc chính là điểm yếu của con người, chỉ khi làm chủ được cảm xúc thì mới làm chủ được cuộc đời. Làm việc gì cũng cần đúng mực và biết cách dừng lại đúng lúc.

 

Làm người không thể tùy ý

Cuộc sống luôn có nhiều cám dỗ, mặc dù ai cũng có điểm yếu của riêng mình, nhưng là một con người, chính là cần phải khống chế được dục vọng và sống có nguyên tắc.

“Quân tử hữu sở vi, hữu sở bất vi”, nghĩa là: người quân tử biết việc gì nên làm và việc gì không nên làm. Mỗi người đều cần có lối đi cho riêng mình. Duy trì sự thiện lương, nhưng cũng cần có tôn nghiêm và phân định đúng sai của riêng mình.

 

Làm người là không thể tùy ý, nhiều người ân hận cả đời chỉ vì một sai lầm nhất thời, mà phải chịu sự lên án của lương tâm trong suốt cuộc đời.

Xã hội có nguyên tắc của xã hội, làm người thì có nguyên tắc của lương tâm. Chỉ những người lương thiện mới có thể nhận được sự tôn trọng của người khác.

Con người thật ra không thể tùy tiện, cần biết coi trọng cuộc sống. Nếu mọi người không nhận ra giá trị của cuộc sống, thì rất có thể sẽ chọn chạy theo trào lưu.

 

Đời người ngắn ngủi chỉ mấy chục năm, cuộc sống không nên trở thành một cuộc phiêu lưu của những người trẻ tuổi, cần nỗ lực phấn đấu và khai nở đóa hoa của chính mình, như thế mới có thể làm cho cuộc sống này trở nên đáng giá.

 

Theo tinhhoa