Thứ Ba, 8 tháng 11, 2022

Ai cũng có thể làm từ thiện


 AI CŨNG CÓ THỂ LÀM TỪ THIỆN

 

Cuối tháng Bảy, báo Thanh Niên đăng một bài báo một quán cháo lòng ở quận 12, TPHCM (Đó là quán ăn của vợ chồng anh Trần Văn Hòa (47 tuổi) và chị Trần Thị Dung (36 tuổi), số 317 đường Trung Mỹ Tây 13 (Q.12). với dòng thông báo: “Cháo lòng, bún lòng cho người khuyết tật, người già, người bán vé số. 5K hoặc không tiền cũng được”.

 

Theo bài báo, sau khi đại dịch lắng xuống, vợ chồng chủ quán quyết định bán tô cháo lòng của họ cho người cơ nhỡ với giá chỉ 5.000 đồng hay hoàn toàn miễn phí, thay vì 25.000 đồng như với người bình thường.

Được phóng viên hỏi vì sao có lựa chọn 5.000 đồng mà không miễn phí hoàn toàn, chủ quán trả lời vì có người nghèo ăn miễn phí còn ngại vẫn muốn trả tiền, cho nên quán để cho họ tự chọn lựa.

 

Bài báo cho biết vợ chồng chủ quán chẳng phải là người giàu có, nhưng sau khi người chồng bị tai nạn giao thông thập tử nhất sinh cuối cùng may mắn qua khỏi, họ phát nguyện phải làm điều gì đó để trả ơn đời. Đại dịch hoành hành tạm thời qua đi cũng là dịp để họ thực hiện tâm nguyện của mình.

 

Câu chuyện quán cháo lòng “kỳ lạ” này chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện về lòng hảo tâm của con người cứu giúp đồng loại. Đó cũng là gợi ý để thử bàn về từ thiện trong xã hội – không chỉ người giàu mới có thể làm từ thiện, mà người bình thường hay thu nhập thấp cũng có thể làm được.

 

Bố thí là một kho tàng phước đức

Có lẽ là các tôn giáo, điển hình là Phật giáo nhấn mạnh nhất đến tầm quan trọng của việc cho đi (đối với Phật giáo là “bố thí”, phần nào đó đồng nghĩa với “từ thiện”).

 

Theo giáo lý nhà Phật, bố thí là một kho tàng phước đức luôn đi theo người cho từ đời này sang đời khác. Cho đi để giúp người khác cũng là xây dựng hạnh phúc và tiêu trừ đau khổ cho chính mình, giúp mình được người khác thương mến và tâm hồn mình được an vui.

 

Sự san sẻ hay giúp đỡ lẫn nhau trong xã hội loài người cho đến nay tốt hơn thiên nhiên hoang dã. Tuy vậy, điều đáng buồn là dù khá phổ biến, điều này chưa đến một cách tự nhiên với tất cả mọi người. Rất nhiều người vẫn còn dửng dưng với từ thiện, bố thí, lãnh cảm ít nhiều với đau khổ của người hàng xóm, người cùng quê, đồng bào hay nhân loại.

Tình cảnh đó gần như giống với buổi bình minh loài người, khi một bầy người nguyên thủy không đếm xỉa gì đến số phận của bầy người bên cạnh bởi giữa họ luôn có sự cạnh tranh không khoan nhượng về thức ăn, lãnh thổ.

 

Của cho không bằng cách cho

Theo lẽ thường, nhiều người cho rằng chỉ những người có của cải dư thừa mới làm chuyện từ thiện hay bố thí. Điều này không hẳn đúng vì chung quanh ta có những người không giàu nhưng vẫn sẵn lòng giúp đỡ người khác.

 

Có rất nhiều câu chuyện ấm lòng. Tháng Bảy vừa rồi có câu chuyện liên quan đến một anh shipper (người giao hàng). Theo tường thuật của vnexpress.net, trưa 11-7, shipper Nguyễn Khánh Duy, 25 tuổi, xuống xe giao hàng thì kẻ gian cướp chiếc xe gắn máy lẫn hàng chạy mất. Đây là tai họa từ trên trời rơi xuống với Duy vì chiếc xe mua trả góp được một năm là công cụ mưu sinh của vợ chồng anh, chưa kể hàng hóa trị giá hàng chục triệu đồng trên xe phải bồi thường. Số tiền quá lớn so với khả năng của gia đình anh.

 

Cũng thật bất ngờ với Duy chẳng khác gì lúc bị mất xe, câu chuyện của anh lan truyền trên mạng bởi một trong số các khách hàng quen đã làm động lòng nhiều người và một “chiến dịch” quyên góp diễn ra tức thì. Một ngày sau, ngày 12-7, Duy cám ơn và xin ngưng nhận giúp đỡ vì đã có 85 triệu đồng từ hàng chục nhà hảo tâm, đủ để anh sắm chiếc xe mới, đền bù số hàng bị mất.

 

Một câu chuyện khác xảy ra vào năm ngoái cũng liên quan đến một shipper. Đang chạy xe trên đường thì Lộc, tên anh shipper, thấy một tờ tiền có mệnh giá khá lớn rơi trên đường. Anh vội tạt xe qua làn đường bên để nhặt tờ giấy bạc, quên mất là cú tạt của mình quá bất ngờ đối với người điều khiển chiếc xe hơi phía sau. Dù thắng kịp chiếc xe hơi cũng tông phải Lộc làm anh ngã xuống đường. Anh shipper đứng lên nhận cái sai của mình trước người lái xe hơi với thái độ thành khẩn nhận lỗi.

 

Thật bất ngờ với Lộc, trước dáng vẻ khắc khổ, chiếc xe gắn máy cũ nát và ánh mắt hối lỗi đầy cam chịu của anh, người lái xe hơi – là chủ một công ty – không những bỏ qua lỗi của anh mà còn tặng thêm ít tiền. 

 

Bất ngờ hơn, hai hôm sau ông chủ này tặng một chiếc xe gắn máy của công ty cho Lộc. Vị ấy giải thích mình không bỏ qua việc làm sai trái nhưng thứ lỗi và tặng quà cho Lộc vì anh ấy thành khẩn, và mong rằng đây cũng là một bài học cho người lỡ va chạm trên đường, nên bình tĩnh giải quyết thay vì to tiếng, ăn vạ hay xô xát nhau.

Thật là một kết cục có hậu hiếm hoi không những về lòng từ thiện mà còn về thái độ ứng xử!

 

Triết gia vĩ đại người Hy Lạp Aristotle (384 TCN – 322 TCN) cũng có câu nói nổi tiếng về việc từ thiện như sau: “Bố thí tiền bạc là chuyện dễ ai cũng làm được. Nhưng quyết định cho ai, cho bao nhiêu, cho khi nào và nhằm mục đích gì, cũng như cho như thế nào, lại không phải là chuyện ai cũng làm được. Đó là chuyện không dễ chút nào”.

 

Không hẹn mà gặp, những ý tưởng này của Aristotle ở phương Tây thậm chí còn xuất hiện sớm hơn ở phương Đông. Đức Phật (624 TCN – 544 TCN) dạy tín đồ rằng khi bố thí, tặng vật phải trong sạch, thích hợp; việc cho tặng phải đúng thời điểm, với sự cẩn thận; luôn luôn sẵn lòng, có sự tin tưởng khi cho và hoan hỷ sau khi cho.

 

Riêng với chuyện đúng thời điểm, Đức Phật lưu ý rằng cần bố thí cho người mới đến xứ ta, người sắp rời khỏi xứ ta, người đau bệnh, và người trong thời đói kém. Nếu nhìn lại những việc làm từ thiện được biết đến trong mùa đại dịch Covid-19, có thể thấy rằng – cũng không hẹn mà gặp – các sự việc đều xảy ra đúng như thế.

Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Bài thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính


BÀI THƠ “MƯA XUÂN” CỦA NGUYỄN BÍNH

Câu chuyện về mưa xuân nhưng mở đầu bài thơ không phải mưa, không phải cảnh xuân, mà là sự xuất hiện trực tiếp của con người. Một người con gái:

Em là cô gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa

Đó là một cô gái trẻ làm nghề dệt lụa. Chắc hẳn đây là một cô gái đẹp, tấm lòng cô trong sáng, thuần khiết, như một “vuông lụa trắng” vẫn chưa được mẹ già “bán chợ làng xa” tức là chưa có chồng. Câu thơ giàu tính tượng hình mà cũng đầy tinh tế của cô thiếu nữ thôn quê nét đẹp giản dị trong trắng, thuần khiết.

Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

Cảm giác như không phải mưa xuân phơi phới mà chính là lòng “em” đang “phơi phới” sắc xuân thì. Mùa xuân như thổi sắc “phơi phới” vào hồn “em” tươi trẻ, khiến hoa xoan cũng nở rộ, “phơi phới” báo hiệu mùa xuân về.

Rồi “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” đã làm cho khung cảnh yên bình bị phá vỡ, mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay” làm cho “vuông lụa trắng” khấp khởi khi ngồi dệt bên khung cửi hay chính tấm lòng thiếu nữ đang ngóng mong.

Câu chuyện mưa xuân lại được kể tiếp như nối tiếp tâm trạng bâng khuâng, khấp khởi nhớ đến anh của cô thôn nữ: 


 Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem

Đoạn thơ này, nhịp thơ cũng vì từ “vội vàng” mà nhanh hơn một nhịp; có cảm giác như thể em đang vội vàng để đến Thôn Đoài, nhưng đi xem hát đấy mà chẳng phải vì hát đâu, mà là vì anh, vì muốn gặp anh. Vậy mới nói, không phải phơi phới tại mưa xuân, mà tại lòng xuân:

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Anh đã hẹn nhưng rồi anh không đến, khiến hồn Em - một cô gái ngây thơ chờ đợi, tìm kiếm đến buồn bã, bơ vơ. Em thất vọng vì tìm không gặp anh, phải lủi thủi “bẽ bàng” và có cảm giác rằng mùa xuân tươi mới kia, mới đó còn “phơi phới” giờ cũng đã trở nên thật “bẽ bàng”, em lẻ loi, tội nghiệp trở về:

Mình em lầm lũi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với canh khuya

Giờ đây “mình em lầm lũi trên đường về”! “Mình em tủi với canh khuya”! Có lẽ em là người sau cùng rời đám hát, nên đường về chỉ có mình em.
Khi đi, em khấp khởi vui bao nhiêu thì bây giờ về là đoạn đường lê thê. “Mưa nặng hạt” và chỉ có “áo mỏng che đầu” khiến em bị “mưa nặng hạt” làm ướt áo.

Thấm lạnh từ mưa và cả cái lạnh từ trong “vuông lụa trắng”, làm em tê tái bước chân trên đường về cô độc.

Em buồn, Xuân buồn, bởi hội tan, gánh chèo rời đi, em đâu còn cơ hội để tìm anh nữa. Hình ảnh hoa xoan bị đạp dưới chân giày cũng giống như sự ngóng trông, khắc khoải và hy vọng của em vỡ vụn theo trong chiều mưa nặng hạt ấy. Hy vọng không còn em chỉ còn biết tự thầm thì với lòng mình, như đang nói với anh thôi:

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!”

Em không gặp được anh, em lủi thủi một mình, em tủi với canh khuya nhưng em không hề mất hết hy vọng. Cô gái trẻ ngây thơ, thuần khiết như “vuông lụa trắng” vẫn chờ đợi, vẫn tin tưởng đó chỉ là chưa gặp, có nghĩa là sẽ gặp, có điều không biết là bao giờ. Bởi biết đâu, hội sau em vẫn sẽ lại không may mắn, lại sẽ không gặp được anh?

Trong Mưa xuân có bức tranh làng quê ngày xuân, có hội làng, có nỗi lòng của một thôn nữ ở tuổi cập kê. Mưa xuân như một câu chuyện được thi sĩ kể bằng thơ. Đó là một câu chuyện về tình yêu, về nỗi nhớ mong, tương tư của một cô gái trẻ nơi thôn quê thuần khiết. Câu chuyện chưa kết thúc, cứ khiến người đọc vừa hy vọng, lại vừa man mác buồn.

Huỳnh Xuân Sơn

-----------

“MƯA XUÂN”

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình.
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

Em xin phép mẹ vội vàng đi,
Mẹ bảo: xem về kể mẹ nghe.
Mưa nhỏ nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay đường cửi lạnh,
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.

Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt,
Lạnh lùng em tủi với đêm khuya.

Em giận hờn anh cho đến sáng,
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì.
“- Thưa u họ hát...” Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.

Nguyễn Bính, 1936

Nỗi tức giận của nhà thơ Xuân Diệu

NỔI TỨC GIẬN CỦA NHÀ THƠ XUÂN DIỆU

Nhớ lại lúc sinh thời, nhà thơ Xuân Diệu đã vô cùng bực tức, nổi trận lôi đình khi một tờ báo đã sửa thơ của ông. Bài "Mưa" có hai câu kết:

"Thôi em nghỉ việc khuya rồi / Chăn đêm em đắp cùng trời với anh"

Bị sửa thành: "Chăn đêm em đắp với trời cùng anh". Nhà thơ sau khi đọc đã đùng đùng phóng đến tòa soạn làm toáng lên, đề nghị vị đứng đầu tờ báo đuổi việc người biên tập.

Tất nhiên, xử sự của nhà thơ lớn có phần cực đoan nhưng ta có thể hiểu và thông cảm với nỗi tức giận của ông. Lần ấy, tờ báo phải xin lỗi Xuân Diệu và nói rằng do in ấn.

Nhưng nhà thơ cho rằng họ nói vậy để hạ hỏa tác giả chứ sự thật là biên tập viên kia đã dốt lại thích thò bút vào bài, tỏ ra mình có trình độ.