Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

Bài thơ “Mưa xuân” của Nguyễn Bính


BÀI THƠ “MƯA XUÂN” CỦA NGUYỄN BÍNH

Câu chuyện về mưa xuân nhưng mở đầu bài thơ không phải mưa, không phải cảnh xuân, mà là sự xuất hiện trực tiếp của con người. Một người con gái:

Em là cô gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như vuông lụa trắng
Mẹ già chưa bán chợ làng xa

Đó là một cô gái trẻ làm nghề dệt lụa. Chắc hẳn đây là một cô gái đẹp, tấm lòng cô trong sáng, thuần khiết, như một “vuông lụa trắng” vẫn chưa được mẹ già “bán chợ làng xa” tức là chưa có chồng. Câu thơ giàu tính tượng hình mà cũng đầy tinh tế của cô thiếu nữ thôn quê nét đẹp giản dị trong trắng, thuần khiết.

Bữa ấy, mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng rơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay”.

Cảm giác như không phải mưa xuân phơi phới mà chính là lòng “em” đang “phơi phới” sắc xuân thì. Mùa xuân như thổi sắc “phơi phới” vào hồn “em” tươi trẻ, khiến hoa xoan cũng nở rộ, “phơi phới” báo hiệu mùa xuân về.

Rồi “hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ” đã làm cho khung cảnh yên bình bị phá vỡ, mẹ bảo: “Thôn Đoài hát tối nay” làm cho “vuông lụa trắng” khấp khởi khi ngồi dệt bên khung cửi hay chính tấm lòng thiếu nữ đang ngóng mong.

Câu chuyện mưa xuân lại được kể tiếp như nối tiếp tâm trạng bâng khuâng, khấp khởi nhớ đến anh của cô thôn nữ: 


 Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
Em ngửa bàn tay trước mái hiên,
Mưa chấm tay em từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem

Đoạn thơ này, nhịp thơ cũng vì từ “vội vàng” mà nhanh hơn một nhịp; có cảm giác như thể em đang vội vàng để đến Thôn Đoài, nhưng đi xem hát đấy mà chẳng phải vì hát đâu, mà là vì anh, vì muốn gặp anh. Vậy mới nói, không phải phơi phới tại mưa xuân, mà tại lòng xuân:

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
Em mải tìm anh chả thiết xem
Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em

Anh đã hẹn nhưng rồi anh không đến, khiến hồn Em - một cô gái ngây thơ chờ đợi, tìm kiếm đến buồn bã, bơ vơ. Em thất vọng vì tìm không gặp anh, phải lủi thủi “bẽ bàng” và có cảm giác rằng mùa xuân tươi mới kia, mới đó còn “phơi phới” giờ cũng đã trở nên thật “bẽ bàng”, em lẻ loi, tội nghiệp trở về:

Mình em lầm lũi trên đường về,
Có ngắn gì đâu một dải đê
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt
Lạnh lùng em tủi với canh khuya

Giờ đây “mình em lầm lũi trên đường về”! “Mình em tủi với canh khuya”! Có lẽ em là người sau cùng rời đám hát, nên đường về chỉ có mình em.
Khi đi, em khấp khởi vui bao nhiêu thì bây giờ về là đoạn đường lê thê. “Mưa nặng hạt” và chỉ có “áo mỏng che đầu” khiến em bị “mưa nặng hạt” làm ướt áo.

Thấm lạnh từ mưa và cả cái lạnh từ trong “vuông lụa trắng”, làm em tê tái bước chân trên đường về cô độc.

Em buồn, Xuân buồn, bởi hội tan, gánh chèo rời đi, em đâu còn cơ hội để tìm anh nữa. Hình ảnh hoa xoan bị đạp dưới chân giày cũng giống như sự ngóng trông, khắc khoải và hy vọng của em vỡ vụn theo trong chiều mưa nặng hạt ấy. Hy vọng không còn em chỉ còn biết tự thầm thì với lòng mình, như đang nói với anh thôi:

Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ bảo rằng: “Hát tối nay!”

Em không gặp được anh, em lủi thủi một mình, em tủi với canh khuya nhưng em không hề mất hết hy vọng. Cô gái trẻ ngây thơ, thuần khiết như “vuông lụa trắng” vẫn chờ đợi, vẫn tin tưởng đó chỉ là chưa gặp, có nghĩa là sẽ gặp, có điều không biết là bao giờ. Bởi biết đâu, hội sau em vẫn sẽ lại không may mắn, lại sẽ không gặp được anh?

Trong Mưa xuân có bức tranh làng quê ngày xuân, có hội làng, có nỗi lòng của một thôn nữ ở tuổi cập kê. Mưa xuân như một câu chuyện được thi sĩ kể bằng thơ. Đó là một câu chuyện về tình yêu, về nỗi nhớ mong, tương tư của một cô gái trẻ nơi thôn quê thuần khiết. Câu chuyện chưa kết thúc, cứ khiến người đọc vừa hy vọng, lại vừa man mác buồn.

Huỳnh Xuân Sơn

-----------

“MƯA XUÂN”

Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già.
Lòng trẻ còn như cây lụa trắng,
Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay,
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy.
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ,
Mẹ bảo: Thôn Đoài hát tối nay.

Lòng thấy giăng tơ một mối tình.
Em ngừng thoi lại giữa tay xinh.
Hình như hai má em bừng đỏ,
Có lẽ là em nghĩ đến anh.

Bốn bên hàng xóm đã lên đèn,
Em ngửa bàn tay trước mái hiên.
Mưa thấm bàn tay từng chấm lạnh,
Thế nào anh ấy chẳng sang xem.

Em xin phép mẹ vội vàng đi,
Mẹ bảo: xem về kể mẹ nghe.
Mưa nhỏ nên em không ướt áo,
Thôn Đoài cách có một thôi đê.

Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm,
Em mải tìm anh chả thiết xem.
Chắc hẳn đêm nay đường cửi lạnh,
Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

Chờ mãi anh sang anh chả sang,
Thế mà hôm nọ hát bên làng.
Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn,
Để cả mùa xuân cũng bẽ bàng.

Mình em lầm lụi trên đường về,
Có ngắn gì đâu môt dải đê!
Áo mỏng che đầu, mưa nặng hạt,
Lạnh lùng em tủi với đêm khuya.

Em giận hờn anh cho đến sáng,
Hôm sau mẹ hỏi hát trò gì.
“- Thưa u họ hát...” Rồi em thấy
Nước mắt tràn ra, em ngoảnh đi.

Nguyễn Bính, 1936

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét