Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Chuyện người không muốn sống


CHUYỆN NGƯỜI KHÔNG MUỐN SỐNG

Có một vị tăng nhân cứu được mạng sống của một người thanh niên tự sát. Người thanh niên sau khi tỉnh dậy, nói với vị tăng nhân: “Cảm ơn đại sư, nhưng xin ngài đừng phí sức cứu tôi bởi vì tôi đã quyết định không sống nữa rồi. Hôm nay cho dù không chết thì ngày mai tôi cũng vẫn chết”.

Vị tăng nhân thở dài nói: “Ta thực sự không ngăn cản được ngươi tìm đến cái chết, nhưng ta muốn hỏi ngươi là, các khoản nợ của mình, ngươi đã trả hết chưa?”. Người thanh niên cảm thấy rất kỳ quái: “Tôi mặc dù gia cảnh bần hàn, nhưng cũng vẫn còn được ăn no mặc ấm chứ chưa từng vay mượn của ai cái gì”. 

Vị tăng nhân chậm rãi nói: “Thân thể của ngươi là mượn từ cha mẹ ngươi cho nên ngươi thiếu cha mẹ ngươi một khoản nợ. Cái mà ngươi ăn, mặc là mượn từ trời đất núi sông cho nên ngươi thiếu trời đất núi sông một khoản nợ. Tri thức và trí tuệ của ngươi là đến từ thầy cô giáo cho nên ngươi thiếu họ một khoản nợ. Kỳ thực, đời người ai cũng thiếu nợ nhiều lắm, ngươi đã hoàn trả hết chưa?”. 

Người thanh niên hoảng sợ nói: “Nếu nói như ngài thì quả thực tôi còn thiếu nợ nhiều người lắm. Nhưng làm thế nào tôi mới trả hết được?”. Vị tăng nhân cười rồi nói: “Điều này nào có khó khăn gì, chỉ cần hai chữ là đủ”.

Người thanh niên vội vàng nói: “Xin đại sư chỉ điểm giúp ạ!”. Vị tăng nhân nhẹ nhàng nói: “Chỉ cần hiểu hai chữ “quý trọng” mà thôi”. Người thanh niên trầm tư một lát rồi bái lạy vị tăng nhân và vui vẻ bước đi.

Nhưng trong cuộc sống không phải tất cả mọi người đều được “cứu sống” giống như người thanh niên trong chuyện. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 1.500.000 người tự tử, và tự tử đứng hàng thứ 10 trong số những nguyên nhân dẫn đến tử vong trên thế giới. 

Đặc biệt, đối với độ tuổi thanh thiếu niên và người lớn dưới 35 tuổi, tự tử là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Hiện tượng tự tử đã xảy ra từ thời xa xưa, và trong thời đại ngày nay, tỷ lệ tử vong lại ngày càng tăng cao.

Ở góc độ tâm lý, theo nhà tâm lý học người Mỹ, Edwin Shneidman, tự tử là hành động tự làm tổn thương, cố ý chấm dứt sinh mạng của bản thân. Tự tử không phải là một chứng bệnh, không phải là do sự bất bình thường về mặt sinh học, không phải là một hành vi phạm pháp. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động tự tử như: các chứng bệnh về tâm lý, những rối loạn tinh thần; lạm dụng các chất kích thích; bị mắc phải các chứng bệnh nan y, bị khuyết tật hoặc bị mất khả năng vận động do tai nạn đột ngột gây ra; những tác nhân thuộc về môi trường xã hội như bị người yêu chối bỏ, bị thầy cô giáo phạt, bị bạn bè trêu chọc, bị quấy rối, bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng hiếp, bị cha mẹ trách mắng, bị mất cha hay mẹ… Như vậy, người tự tử có rất nhiều lý do mà đối với họ là chính đáng để chấm dứt cuộc đời mình.

Nhưng ở góc độ Phật giáo, dường như hành vi này không được nhìn nhận một cách đơn giản như vậy, mà phải soi chiếu dưới góc độ động cơ, yếu tố tâm lý bên trong, chứ không đơn giản dựa vào những biểu hiện bên ngoài.

Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rằng: "Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nói năng và hành động với tâm thanh tịnh thì sự an lạc sẽ theo ta như bóng không rời hình. Nói năng và hành động với tâm ô nhiễm thì sự khổ sẽ theo ta như bánh xe lăn theo chân con vật kéo". Do vậy, đánh giá tính chất của hành động tự tử cũng dựa theo nguyên tắc này.

Những người tự tử không phải vì muốn chết mà là muốn trốn chạy khổ đau trong hiện tại. Tự tử đối với họ xem như là một lối thoát, một giải pháp cho tình cảnh bế tắc của bản thân. Hành động này hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần của đạo Phật. 

Như vậy, đứng về góc độ Phật giáo, có thể kết luận nguyên nhân của tự tử là do nhiều lòng tham ái, do chấp ngã, sống thiếu chánh niệm, hoặc sâu xa hơn là do các nghiệp nhân bất thiện đã tạo ra trong quá khứ.

 

Vì sao so sánh bản thân với người khác lại tốt cho bạn?


VÌ SAO SO SÁNH BẢN THÂN VỚI NGƯỜI KHÁC LẠI TỐT CHO BẠN?

Nhiều người có thể nói rằng so sánh bản thân với người khác là độc hại và hoàn toàn không lành mạnh. Nhưng đó là vì họ chưa từng nhìn nhận việc này từ góc độ khác. Nếu việc so sánh bản thân với người khác khiến bạn thấy tốt hơn thì bạn không nên bỏ thói quen này, thay vào đó hãy biến nó trở thành thói quen tích cực.

Lợi ích tích cực của việc so sánh bản thân với người khác.

 

1. Bạn đạt được nhiều hơn

So sánh bản thân với người khác giúp bạn được truyền cảm hứng từ họ, điều này giúp bạn phát triển. Bạn có thể được thúc đẩy bởi năng suất hoặc sự bền bỉ của người khác. Hãy so sánh bản thân với những người này và cố gắng học hỏi những thói quen tốt nhất của họ.

 

Bạn cũng không nên so sánh về tài chính vì điều này sẽ chỉ làm bạn tin rằng thế giới bất công. Thay vào đó, hãy cố hiểu vì sao ai đó kiếm nhiều tiền như vậy (mà không phải là được thừa kế). Bằng cách này, bạn sẽ biết được mình cần nỗ lực như thế nào để có một cuộc sống tốt đẹp. Bạn nên nhìn vào những gì mà người thành công làm và học hỏi từ họ.

 

Tuy nhiên hãy nhớ rằng bạn cần học hỏi một cách có ý thức, biết chắt lọc, đặt câu hỏi chứ không chỉ sao chép người khác.

 

2. Bạn học cách biết ơn nhiều hơn.

Khi chúng ta không ngừng nỗ lực để ngày càng trở nên tốt hơn, chúng ta thường coi những điều bình thường là điều hiển nhiên.

So sánh cuộc sống của bạn với người khác có thể là một cách thực hành lòng biết ơn hiệu quả. Chỉ cần nhận thức rằng bạn có nhà để ở, có giường để ngủ và có đồ ăn, thức uống, bạn có thể biết ơn cuộc sống của mình hơn.

 

Nhiều người không có được một nửa những gì bạn đang có, vì vậy hãy nhớ rằng bạn vẫn hạnh phúc như thế nào so với nhiều người khác.

Đây được gọi là so sánh dưới (downward social comparison), tức là so sánh với những người kém hơn mình, và điều đó có thể khiến bạn thấy tốt hơn.

 

3. Giúp bạn giải quyết vấn đề

So sánh vấn đề của bạn với những người đã trải qua những gì bạn đang phải đối mặt có thể là giúp an ủi và truyền động lực cho bạn.

Chúng ta thậm chí có thể tưởng tượng ra người mà chúng ta thần tượng, tôn trọng sẽ cho chúng ta lời khuyên như thế nào. Chúng ta có thể xác định cách người khác đối phó với những vấn đề tương tự và áp dụng cho chính trường hợp của mình.

 

Thậm chí bạn có thể phòng tránh những vấn đề này ngay từ đầu bằng cách rút bài học từ thất bại của người khác.

Bằng việc so sánh, phân tích kỹ lưỡng, bạn sẽ giảm được khả năng thất bại của mình.

 

4. Bạn sửa chữa những khuyết điểm của mình

So sánh mình với người khác có thể giúp bạn nâng cao sự tự tin. Ví dụ, nếu bạn là người nhút nhát, bạn có thể hòa đồng hơn bằng cách so sánh và bắt chước người khác. Đó chính là cách con người tiến hóa - thông qua so sánh và bắt chước.

 

Bạn cũng có thể dễ dàng điều chỉnh hành vi kém của mình khi bạn thấy ai đó cũng cư xử tồi tệ. Nó sẽ là tấm gương phản chiếu ăn sâu vào trí nhớ của bạn ngay lập tức và có thể bạn sẽ không bao giờ cư xử như vậy nữa.

 

(Theo Bright Side)

 

 

 

 

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

Điều đáng sợ nhất là gì?


ĐIỀU ĐÁNG SỢ NHẤT LÀ GÌ?

 

Đó là sự tự giới hạn niềm tin, giống như việc mình sợ một điều gì đó, sâu bên trong là vì ta chưa chịu tìm hiểu và biết về nó mà thôi, khi biết và hiểu rồi thì có gì để sợ nữa.

Niềm tin bị giới hạn chính là vật cản lớn nhất che khuất đi mọi tầm nhìn và cơ hội của chúng ta. Những gì chúng ta biết từ trước đến nay và được đại đa số công nhận, chắc gì đã đúng mà mình cứ bám víu vào đó. Hay ngoài kia, có những khái niệm mới lạ lần đầu bạn biết đến và đánh giá nó là sai - nó chỉ sai so với niềm tin hạn chế của cá nhân bạn.

 

Có những niềm tin là hữu hình, và cũng có cái vô hình, lấy cái hữu hình để đong đếm cái vô hình và phán xét vì cái hữu hình không thể nhìn thấy hay chạm vào được cũng là biểu hiện cho một tư duy bị bó hẹp.

Cái không hiện hữu chỉ là nó không tồn tại trong không gian thực, nhưng ta đâu chỉ chịu tác động của riêng một chiều không gian. Có những thứ vô hình đang tác động vào chính chúng ta, ví dụ là những ý nghĩ đó thôi.

Phải chăng mình đã quá đề cao vai trò của hữu hình trong khi vai trò của vô hình thì lớn hơn rất nhiều nhưng đang bị bỏ quên. Và quả thực, niềm tin hay tư duy mở ra đến đâu, thực tại sẽ mở ra đến đó.

 

Bất cứ thông tin nào lần đầu mình biết tới, nghe có vẻ không thực tế đó, bạn phán xét nó là sai nhưng chắc gì hệ thống niềm tin của mình là đúng. Trên đời không có điều gì là sai hoàn toàn, nó vẫn đúng ở một khía cạnh cụ thể nào đó, nếu chưa đúng thì bởi vì đây chưa phải thời điểm đó, chỉ vậy thôi.

 

Song hành với những điều trên, việc mình luôn thay đổi quyết định hay suy nghĩ về vấn đề nào đó là sự bình thường và biểu hiện cho một tư duy mới đang dần được hình thành.

Nghĩ đơn giản, đó là khởi đầu cuả quá trình tiếp nhận, trao đổi với bản thân để tìm ra cái phù hợp hơn. Có thể trước kia và bây giờ bạn quá khác biệt, đến chính mình cũng chẳng nhận ra, nhưng điều đó ổn cả mà.

 

Mọi sự thay đổi, thế giới thay đổi, chúng ta lại càng phải thay đổi nhiều hơn, thật ra đây lại là một hiện tượng tích cực đấy chứ nhỉ, không quá đáng sợ như bản thân vẫn nghĩ. Một điều còn quan trọng hơn hết là bản thân không gắn chặt với bất cứ điều gì mà ta làm chủ lựa chọn niềm tin mình muốn.

 

Thế đấy, cho phép bản thân suy tư với mọi dòng suy nghĩ sẽ đơn giản và nhẹ nhàng hơn nhiều thay vì cứ tìm cách chống lại những điều vốn dĩ nên thế đúng không nào?

 

Phân tích để hiểu bản chất nghe có vẻ phức tạp thế thôi chứ khi hiểu ra rồi thì bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng lắm bạn ơi!