Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2022

Sức khỏe và giá trị của sức khỏe

 

Bác Hồ tập võ cùng các cảnh vệ

SỨC KHỎE VÀ GIÁ TRỊ CỦA SỨC KHỎE

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về sức khỏe:

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về sức khỏe rất giản dị và dễ hiểu nhưng lại chứa đựng cả một nội dung rộng lớn, nêu bật bản chất của vấn đề “khí huyết lưu thông, tinh thần đầy đủ, như vậy là sức khỏe”. Quan niệm về sức khỏe của Người trước hết là sự thống nhất giữa hai yếu tố: thể chất và tinh thần, mang tính khái quát cao và rất hàm súc. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh chẻ củi những ngày ở Việt Bắc

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: người khỏe mạnh không chỉ có cơ thể cường tráng mà còn có tinh thần thoải mái, lành mạnh. Ngược lại, tinh thần có lành mạnh thì cơ thể mới khỏe khoắn. Người luôn đánh giá cao yếu tố tinh thần, ý chí.

Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và khó khăn chống thực dân pháp xâm lược, Chủ Tịch Hồ Chí Minh đã ý thức một cách sâu sắc rằng: “Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công”.

Sức khỏe cá nhân gắn liền với sức khỏe cộng đồng. Người đặc biệt quan tâm đến sức khỏe của mỗi người dân, đến sức khỏe của toàn dân tộc.

Theo Người: “Mỗi người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi người dân khoẻ mạnh tức là cả nước khoẻ mạnh,... dân cường thì qjuốc thịnh”.

Quan niệm về sức khỏe thời nay

Thời nay có rất nhiều quan niệm về sức khỏe, nhưng nhìn chung đều thống nhất ở khái niệm của Tổ chức y tế thế giới (WHO): “Sức khỏe là một trạng thái thoải mái về thể chất, tinh thần và xã hội, chứ không chỉ là không có bệnh hay thương tật” và được khẳng định tại Điểm 1, Bản Tuyên ngôn Alma-Ata năm 1978.

Như vậy, sức khỏe gồm ba thành tố: sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần, sức khỏe xã hội. Chỉ có thể hiểu khái niệm sức khỏe, khi và chỉ khi lĩnh hội được đầy đủ các thành tố trên.

Sức khỏe thể chất:

Sức khoẻ thể chất được thể hiện một cách tổng quát, đó là sự sảng khoái và thoải mái về thể chất. Càng sảng khoái, thoải mái, càng chứng tỏ là người khỏe mạnh.

Cơ sở của sự sảng khoái, thoải mái thể chất thể hiện ở: Sức lực (khả năng hoạt động cơ bắp mạnh); sự nhanh nhẹn (khả năng phản ứng nhanh); sự dẻo dai (làm việc hoặc hoạt động chân tay tương đối lâu và liên tục mà không cảm thấy mệt mỏi);

khả năng chống đỡ được các yếu tố gây bệnh; khả năng chịu đựng được những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như chịu nóng, lạnh, hay sự thay đổi đột ngột của thời tiết.

Sức khoẻ tinh thần:

Sức khoẻ tinh thần là sự thỏa mãn về mặt giao tiếp xã hội, tình cảm và tinh thần. Nó được thể hiện ở sự sảng khoái, ở cảm giác dễ chịu, cảm xúc vui tươi, thanh thản; ở những ý nghĩ lạc quan, yêu đời; ở những quan niệm sống tích cực, dũng cảm, chủ động; ở khả năng chống lại những quan niệm bi quan và lối sống không lành mạnh.

Có thể nói, sức khoẻ tinh thần là nguồn lực để sống khoẻ mạnh, là nền tảng cho chất lượng cuộc sống, giúp cá nhân có thể ứng phó một cách tự tin và hiệu quả với mọi thử thách, nguy cơ trong cuộc sống.

Sức khoẻ tinh thần chính là sự biểu hiện nếp sống lành mạnh, văn minh và có đạo đức. Cơ sở của sức khoẻ tinh thần là sự thăng bằng và hài hòa trong hoạt động tinh thần giữa lý trí và tình cảm

Sức khoẻ xã hội:

Sự hòa nhập của cá nhân với cộng đồng được gọi là sức khoẻ xã hội. Sức khoẻ xã hội thể hiện ở sự thoải mái trong các mối quan hệ chằng chịt, phức tạp giữa thành viên: gia đình, nhà trường, bạn bè, xóm làng, cộng đồng cư dân, cộng đồng xã hội ...

Cơ sở của sức khoẻ xã hội là sự thăng bằng, là việc giải quyết hài hòa giữa hoạt động và quyền lợi cá nhân với hoạt động và quyền lợi của xã hội, của những người khác; là sự hòa nhập giữa cá nhân, gia đình và xã hội.

 


Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2022

Hachiko- biểu tượng của sự trung thành

Bức tượng lớn Hachiko đặt tại lối ra nhà ga Shibuya của Tokyo, 
Nhật Bản.

   HACHIKO- BIỂU TƯỢNG CỦA SỰ TRUNG THÀNH

Đối với nhiều người, Hachiko không chỉ đơn giản là một chú chó trung thành. Với việc đằng đẵng 10 năm đợi chủ tại nhà ga cho tới lúc qua đời, Hachiko đã trở thành biểu tượng của sự trung thành trong lòng người dân Nhật Bản.

Hachiko là 1 chú chó giống Akita Inu lông màu trắng chào đời vào tháng 11 năm 1923 ở tỉnh Akita, Nhật Bản. Hachiko được giáo sư Ueno của trường đại học Tokyo nuôi dưỡng. Tại đây Hachiko được coi như thành viên ruột thịt trong gia đình. Mỗi ngày, chú chó Hachiko thường tiễn giáo sư đi làm buổi sáng và ngồi chờ trước cổng nhà ga xe lửa buổi chiều để cùng ông về nhà. 

 Hachiko và gia đình giáo sư Hidesaburō Ueno

Tin dữ xảy ra vào ngày 12 tháng 5 năm 1925 giáo sư Ueno qua đời sau một cơn đột quỵ khi đang giảng bài ở trường đại học và mãi mãi không thể trở về. Hachiko, vẫn như mọi ngày đến nhà ga lúc 3 giờ chiều để đón người bạn của mình. Đã qua 3 giờ rất lâu, nhiều chuyến tàu đã đi qua, trời đã tối mà không thấy giáo sư về.

Hachiko vẫn đứng chờ. Liên tục các ngày sau đó, những người xung quanh bắt đầu để ý tới sự chờ đợi vô vọng của Hachiko đối với người chủ đã qua đời của mình. Lần lượt, từ người làm vườn trước đây của giáo sư, đến giám đốc nhà ga và những người dân trong vùng đã cho Hachiko ăn và chăm sóc nó.

Câu chuyện về chú chó trung thành nhanh chóng được lan truyền khắp nơi và Hachiko được coi như một tấm gương sáng về lòng trung thành. Người ta tìm đến Shibuya chỉ để nhìn Hachiko, cho nó ăn, hoặc nhẹ nhàng xoa đầu để chúc may mắn.

Lòng trung thành của chú chó này đã gây ấn tượng cho tất cả mọi người, các giáo viên đã lấy Hachiko như một tấm gương sáng về lòng trung thành cho trẻ em noi theo. Các nghệ sĩ nổi tiếng cũng đã bắt đầu tạc tượng chú. Trên cả nước dấy lên phong trào phát triển giống chó Akita và danh hiệu Chūken (忠犬 - chú chó trung thành) cũng từ đó ra đời...

Thấm thoắt hơn 10 năm trôi qua, Hachiko vẫn có mặt đều đặn ở nhà ga vào lúc 3h chiều, mặc dù nó đã bị bệnh viêm khớp và đã quá già yếu. Cuối cùng vào ngày 8 tháng 3 năm 1935, gần 11 năm kể từ ngày nó nhìn thấy chủ nhân lần cuối cùng, người ta tìm thấy Hachiko (lúc đó đã 12 tuổi) nằm gục chết tại chính cái nơi mà nó đã đứng đợi chủ nhân của mình trong suốt những năm qua. Nguyên nhân cái chết của Hachiko là do tuổi già. Xác của Hachiko đã được nhồi bông và bảo quản tại Bảo tàng Quốc gia về Thiên Nhiên và Khoa học Nhật Bản thuộc quận Ueno, Tokyo. 

Cái chết của Hachiko được đăng lên trang nhất của rất nhiều tờ báo lúc bấy giờ và Nhật Bản đã dành một ngày để để tang Hachiko. Hachiko đã mãi mãi trở thành biểu tượng của lòng trung thành. Từ số tiền đóng góp của người dân trong cả nước, người ta đã thuê nhà điêu khắc Ando Teru để làm một bức tượng Hachiko bằng đồng. Bức tượng hoàn thành và được đặt trang trọng ở bên trong sân ga tại chính vị trí Hachi đã đứng đợi chủ nhân trong suốt 10 năm.

Vài năm sau đó Nhật Bản lâm vào cảnh chiến tranh. Tất cả những thứ gì là kim loại đều bị lấy đi để làm vũ khí. Bức tượng của Hachiko cũng không phải là ngoại lệ. Sau khi chiến tranh kết thúc, vào năm 1948, con trai của Ando Teru là Takeshi đã làm một bức tượng Hachiko mới. Bức tượng đó được đặt ở ga Shibuya cho đến tận ngày hôm nay. Năm 2004, một bức tượng mới cũng được dựng lên trên bệ đá từ Shibuya ngay trước Bảo tàng các loài chó giống Akita tại thành phố Odate. 

- Ngày 8/3 là ngày mất của Hachi. Ngày này hàng năm được những người yêu Akita trên thế giới tưởng nhớ và gọi là International Akita Day (tạm dịch là Ngày Akita quốc tế)

 


 

Tình yêu là khi chúng ta học được cách bao dung với cả phần trẻ con trong một người lớn


TÌNH YÊU LÀ KHI CHÚNG TA HỌC ĐƯỢC CÁCH BAO DUNG VỚI CẢ PHẦN TRẺ CON TRONG MỘT NGƯỜI LỚN

Khi người yêu không đủ trưởng thành như chúng ta vẫn hằng mong đợi, chúng ta thô bạo gắn cho họ cái mác "cư xử trẻ con" mà không hề để ý rằng điều mình cần làm không phải là buộc tội người khác, mà nên chấp nhận một nét tính cách rất bình thường của con người.

 

Trẻ con có đặc điểm gì? Chúng rất đáng yêu, khuôn mặt bầu bĩnh, đôi mắt to tròn, cười nói ngô nghê. Nhưng đôi khi, chúng lại hành xử theo cách vô cùng khó hiểu và khiến tôi bị sốc: chúng la hét ầm ĩ, gạt đổ bát cơm, thẳng tay vứt đồ chơi người khác vừa tặng cho chúng... Nhưng kì lạ là, rất ít khi tôi, và chúng ta cảm thấy bị kích động hay bị tổn thương bởi những hành động của bọn trẻ.

Đó là vì chúng ta chưa từng gán một động cơ xấu, hay ý đồ tiêu cực nào cho hành động của đám trẻ ấy.

 

Tôi luôn coi sự tức giận vô lý của bọn trẻ con là điều bình thường, dù cho chúng có phản ứng lại tôi một cách thái quá. Tôi luôn tìm ra những lý do hợp lý nhất, nhân đạo nhất để "biện minh" cho những hành động quá khích ấy. 

Bọn trẻ không nhận quà tôi tặng không phải vì chúng ghét tôi, mà có thể vì chúng đang mệt, chúng bị điểm kém ở trường... 

Bọn trẻ gạt đổ bát cơm không phải vì chúng chê tôi nấu ăn không ngon, mà chúng bị đau bụng, chúng thích ăn kẹo hơn... Tôi luôn có sẵn một bản ghi chú khổng lồ cho những lý giải như thế, và không có lý do nào khiến tôi sợ hãi hay bực tức đến phát điên.

 

Thế nhưng, người lớn luôn đối xử với nhau theo cách ngược lại. Đặc biệt là trong tình yêu.

Người yêu tôi đến muộn trong bữa tiệc sinh nhật của mẹ tôi vì công việc, nhưng tôi lại cho rằng anh ấy chỉ lấy cớ để không phải tiếp xúc nhiều với gia đình mình.

Có một lần anh ấy hứa mua cho tôi đồ ăn nhẹ để tôi làm việc vào ban đêm, nhưng anh ấy lại quên mất. Tôi thì cho rằng anh ấy cố tình vì tiếc một chút tiền.

Nhiều khi đi chơi cùng nhau, anh ấy chỉ đơn giản là có vẻ không vui, nhưng tôi lại nghĩ rằng anh ấy cố tình bày ra vẻ mặt đưa đám đó để huỷ hoại cuộc đời tôi, khiến tôi cũng chán chường, buồn thảm như anh ấy.

 

Không hiểu vì lý do gì, mà tôi không thể dùng những suy nghĩ đơn thuần để lý giải hành động của người yêu mình như đã từng làm thế với lũ trẻ, dù cho chúng có hành xử quá quắt hơn người yêu tôi nhiều lần. Thay vì gán ghép cho người tôi yêu những ý đồ xấu xa hay hành động tiêu cực, tôi đã có thể suy nghĩ mọi việc dưới góc độ đơn thuần và nhẹ nhàng hơn.

Nếu anh ấy nói bận, tức là anh ấy bận thật. Nếu anh ấy nói quên, tức là anh ấy không nhớ ra việc phải làm thế. Nếu anh ấy không vui, thì đơn giản là tôi cần an ủi, động viên để anh ấy cảm thấy tốt hơn.

Chỉ cần thay đổi cách nhìn nhận và suy nghĩ, hành vi trưởng thành của người ta yêu sẽ trở nên đẹp đẽ và dễ dàng chấp nhận hơn. Tình yêu cũng trở nên bao dung và vị tha hơn.

 

Sẽ thật ấm áp khi được sống trong một thế giới dạy chúng ta cách bao dung với trẻ em, nhưng sẽ còn tốt hơn nếu chúng ta học được cách rộng lượng với cả phần trẻ con trong một người lớn.

Khi người yêu không đủ trưởng thành như chúng ta vẫn hằng mong đợi, chúng ta thô bạo gắn cho họ cái mác "cư xử trẻ con" mà không hề để ý rằng điều mình cần làm không phải là buộc tội người khác, mà nên chấp nhận một nét tính cách rất bình thường của con người.

 

Tình yêu là cho đi và nhận lại, ngay lúc này chúng ta cố gắng chấp nhận đứa trẻ mới chỉ 3 tuổi trong nội tâm của người yêu, một phần cũng vì biết rằng sẽ có lúc chúng ta cần họ làm điều tương tự cho mình.