Thứ Ba, 29 tháng 3, 2022

Đầu tư thành công là đón đầu dự đoán của người khác

 

ĐẦU TƯ THÀNH CÔNG LÀ ĐÓN ĐẦU DỰ ĐOÁN CỦA NGƯỜI KHÁC

Nếu bạn có thể tìm hiểu phần lớn những người chơi trên thị trường chứng khoán đang nghĩ gì, bạn có thể đánh bại họ.

John Maynard Keynes - nhà kinh tế học người Anh và là một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ 20 - đã so sánh việc đầu tư chuyên nghiệp với việc bình chọn hoa hậu, trong tác phẩm Lý thuyết chung về việc làm, lãi suất và tiền tệ, cho ra đời khái niệm tài chính hành vi.

Cuộc thi sắc đẹp Keynesian (Beauty Contest Keynesian). Cuộc thi sắc đẹp là một thử nghiệm kinh tế về lý thuyết trò chơi để nghiên cứu hành vi ra quyết định của con người, hay cụ thể là các nhà đầu tư.

Bạn nghĩ thế nào là đẹp? Thông thường thì mỗi nền văn hóa, thậm chí là mỗi người người sẽ có một tiêu chuẩn riêng cho cái đẹp. Trong thế giới tự nhiên, điều này giúp chúng ta dễ tìm được "bạn đời" hơn (sẽ thật khó khăn nếu như mọi người có tiêu chuẩn chung về cái đẹp và số đông sẽ tranh giành những người mà ai cũng cho là đẹp). Thế nhưng trong Cuộc thi sắc đẹp Keynesian thì khác.

Chắc hẳn bạn đã quen với những chương trình bình chọn hoa hậu, hay cầu thủ bóng đá, hay thần tượng âm nhạc "được yêu thích nhất". Được yêu thích nhất ở đây được hiểu là nhận nhiều phiếu bình chọn nhất. Nhưng khi việc nhận giải lại được quyết định bởi câu hỏi "phụ" (thật ra là không phụ chút nào) - "có bao nhiêu người lựa chọn giống bạn?" thì việc được bình chọn nhiều nhất không đồng nghĩa với được yêu thích nhất nữa.

Một buổi sáng, John Meynard Keynes đã đọc về trò chơi này trên tờ báo địa phương. Lúc đó Keynes đã là một nhà kinh tế vĩ mô xuất sắc, nhưng vẫn "chật vật" trên thị trường chứng khoán. Ông sẽ cố gắng dự đoán khi nào thị trường tài chính sẽ thay đổi, dựa trên các chính sách kinh tế vĩ mô mà ông dự kiến ​​sẽ thay đổi; nhưng dù hiểu biết về kinh tế hơn hầu hết người nước Anh, ông vẫn chỉ thu được lợi nhuận trung bình từ chứng khoán.

Do thất bại trong việc dự đoán thị trường, Keynes bắt đầu tự hỏi liệu làm như vậy có khả thi hay không. Do đó, ông bắt đầu quan tâm đến việc tìm kiếm một mô hình giải thích điều gì đã tạo ra bong bóng chứng khoán, sự sụp đổ và những biến động giá khác, mặc dù giá trị cơ bản của doanh nghiệp gần như không thay đổi nhiều mỗi ngày.

Keynes viết: "Đây không phải là câu chuyện bình chọn cho những thí sinh đẹp nhất trong mắt ai đó, cũng không phải là đẹp nhất theo tiêu chuẩn chung của nhiều người. Chúng ta đã đi đến bậc thứ ba, chúng ta để trí tuệ của mình phán đoán xem số đông những người cùng bình chọn sẽ dự đoán thế nào. Và tôi tin một số người còn đi đến bậc bốn, năm, thậm chí cao hơn".

Thực tế, lý thuyết này dùng để làm ví dụ cho những biến động ngắn hạn trên thị trường chứng khoán. Biến động này không phải do những thay đổi về giá trị cơ bản gây ra, mà là do các nhà đầu tư cố gắng tìm hiểu xem, cổ phiếu nào được "một nhà đầu tư trung bình" cho là có giá trị.

Trong tình huống này, đối với người bình chọn, quyết định tối ưu phụ thuộc vào những gì những người khác nghĩ và cách anh ta quyết định. Việc cố gắng xác định cổ phiếu có tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn giống như cố gắng đoán xem những người khác nghĩ rằng thí sinh nào xứng đáng là hoa hậu, là đẹp nhất. Việc này khác hoàn toàn với việc bạn cho rằng như thế nào là đẹp, vì nó chỉ là "bạn cho rằng người khác cho rằng như thế là đẹp".

"Đầu tư thành công là đón đầu dự đoán của người khác" - John Maynard Keynes nói. Nếu bạn có thể tìm hiểu phần lớn những người chơi trên thị trường chứng khoán đang nghĩ gì, bạn có thể đánh bại họ.

Và cũng giống như cách chúng ta thường không đoán đúng tiêu chuẩn cái đẹp của người khác, lý thuyết Cuộc thi sắc đẹp Keynesian cho thấy rằng khi chúng ta cố gắng dự đoán những gì người khác cho là giá trị, chúng ta thường nhầm.

Để dẫn đầu cuộc chơi, mỗi người chơi cần phải đi sâu hơn một cấp độ so với những người khác: họ cần đoán sở thích của người khác, dự đoán dự đoán của người khác và dự đoán của người khác về dự đoán của người khác...

Thậm chí, vấn đề lớn khác còn là những người tham gia không phải đều là những người ra quyết định hoàn toàn hợp lý, họ phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Nếu người tham gia trò chơi hoàn toàn lý trí biết về những người tham gia theo kiểu "cảm tính", thì việc dự đoán của họ còn trở nên khó khăn hơn nữa.

Trong khi Keynes sử dụng hệ thống này để phân tích thị trường chứng khoán, điều mà mô hình thực sự tiết lộ, là con người không hoàn toàn lý trí. Chắc chắn, bạn có thể suy luận theo cách của mình để đưa ra câu trả lời "đúng" trong một cuộc thi sắc đẹp, nhưng bạn cũng chẳng bao giờ chắc thắng. Thông thường, chúng ta dành một chút thời gian để suy luận một cách hợp lý, nhưng sau đó lại từ bỏ và phỏng đoán dựa trên nhận thức thông thường.

Tình cảm hay sự nghiệp là quan trọng

 

TÌNH CẢM HAY SỰ NGHIỆP LÀ QUAN TRỌNG

Đàn ông trẻ tuổi thường ảo tưởng về sự "vô địch" của họ. Đứng trước ngưỡng cửa vào đời, giữa lựa chọn sự nghiệp và tình cảm - rất nhiều người đã sai lầm. Vì vậy, thông qua góc nhìn kinh doanh, ta sẽ cùng phân tích xem: tình cảm hay sự nghiệp là quan trọng.

Tiền có quan trọng hay không?

Tiền ư? Tiền rất quan trọng, thiếu tiền là thiếu rất nhiều thứ. Nhưng bạn kiếm tiền để làm gì?

Mục đích của tiền là theo thang Maslowe: Ban đầu bạn kiếm tiền là để kiếm ăn, sau đó tiền bạc là để ăn vận, sau nữa là để giải trí, và cuối cùng là để được tôn sùng. Tiền kiếm được cho kiếm ăn và ăn vận thật sự dễ dàng. Giải trí cũng rất dễ nếu bạn có tiền.

Thiếu tiền, thì theo khoa học, bạn không thể tồn tại được. Như vậy, tiền là quan trọng - không thể phủ nhận.

Câu hỏi quan trọng là: bao nhiêu tiền thì đủ?

Nhiều tiền thì được gì mà ít tiền thì mất gì?

Tiền kiếm được đi theo bước của sự nghiệp của bạn. Nhiều tiền chứng tỏ sự nghiệp của bạn đang thăng tiến, bạn đủ tiền để giải trí, ăn vận và được người khác tôn sùng. Nhưng cái bạn thiếu nhất là thời gian và tình cảm.

Ít tiền đồng nghĩa với bạn phải bỏ bớt giải trí, ăn vận để tập trung có một cuộc sống ổn định. Thời gian chắc chắn là dư thừa. Nhưng lại không đủ tiền để có một đời sống tinh thần tốt.

Nghĩa là, dưới một trong hai tình huống, bạn sẽ vẫn khổ. Khổ về tâm trí vì giàu mà cô đơn hoặc khổ về tâm trí lẫn thể xác vì nghèo.

Đây chỉ là giả định tốt nhất. Trước khi giàu, bạn sẽ trải qua một giai đoạn phấn đấu đến cùng cực, tiền không có xu nào để dính túi. Vượt qua được giai đoạn đó, bạn sẽ ổn định.

Như vậy, tình cảm và sự nghiệp trong giai đoạn nào là phù hợp?

Đàn ông trải qua giai đoạn chuẩn bị (thời đi học), đến lúc chập chững vào đời (giai đoạn 20-25) và trưởng thành (từ 30 tuổi trở đi).

Câu chuyện tiền bạc dễ dàng cho ta được kết luận: thời đi học, khi mà bố mẹ còn chu cấp tiền bạc - là lúc nên có những mối tình học trò đẹp nhất. Lúc ấy tiền bạc không đè nặng lên vai của bạn, và tình phí cũng chẳng có gì quan trọng. Muốn tán được những nàng thơ 16,17 tuổi, bạn chỉ cần học giỏi, đẹp trai và có tí tài lẻ!

Lên đến thời đại học, những mối tình sinh viên cũng nên có - trong điều kiện là bạn vẫn được gia đình chu cấp. Còn nếu bắt đầu đi làm thêm hay đi thực tập, mà chưa có người yêu thì nên tập trung hẳn hoi vào sự nghiệp.

Đây là giai đoạn gọi là nền tảng trong sự nghiệp của người đàn ông. Giai đoạn này là giai đoạn học của trường đời. Học càng nhiều kỹ năng trường đời trong giai đoạn này - về sau bạn càng tiến nhanh hơn những người cùng trang lứa. Nếu đang có những mối tình đẹp trong giai đoạn này, bạn và bạn gái phải cùng thống nhất: chờ-đợi-nhau.

Sang tuổi 30, lúc sự nghiệp đạt độ chín tương đối, bạn sẽ khá hài lòng vì mớ kiến thức nền tảng về kỹ năng mềm, lẫn kỹ năng cứng sẽ đưa bạn lên một vị trí khá tốt so với tầm tuổi. Giai đoạn này là lúc bắt đầu phải chín chắn trong chuyện tình cảm.

Chúng ta không còn quá trẻ để có thể yêu dại khờ, cũng không phải là già để thận trọng. Yêu bình thường, ấm áp. Sự nghiệp vẫn là chủ đạo, vì lúc này là lúc khai phá tiềm năng của bản thân.

Thật sự, 5 năm đầu của sự nghiệp – bạn chỉ là kẻ làm "vẹt" theo yêu cầu của các sếp. 5 năm tiếp theo là lúc bạn tự có những suy nghĩ riêng, tự tạo ra hướng đi của mình.

Tại sao tình cảm trong 30 năm đầu tiên sống trên đời lại khó khăn như vậy? Tại sao sự nghiệp quan trọng hơn? Vì sự nghiệp chính là tiền, mà như đã nói ở trên, khổ tâm một chút vẫn hơn là khổ thân lẫn khổ tâm và bất lực về tiền bạc ở tuổi 30.

Ernest Hemingway từng viết: "Đàn ông có thể bị hủy hoại, nhưng anh ta sẽ không bị đánh bại!". Tình cảm là mồ chôn của sự nghiệp. Trong khi đó, bản lĩnh của người đàn ông là ở tranh đấu cùng người đàn ông khác, không phải tự vỗ ngực: mình là tình thánh!

Hãy kiên nhẫn vì bạn sẽ được thưởng…

Đứng trước tình yêu, ai mà chẳng ham muốn!

Nhưng nếu chờ đợi sự nghiệp đến trước. Bạn sẽ được luôn cả tình cảm đẹp!

Có từng nghe câu: Phụ nữ đẹp là phần thưởng của đàn ông thành công, rồi chứ?

Đó là câu chuyện của thời nay, bạn không thể nhìn đông nhìn tây và mong mình có được tất cả. Mỗi một mục tiêu trong một giai đoạn, đấy là khôn ngoan!

Cuộc đời thật sự rất công bằng. Hãy cố gắng, dù không giàu, bạn vẫn sống được. Có những người lay lắt suốt đến năm 30 tuổi với hi vọng làm giàu vẫn không được, nhưng họ có một nền tảng đủ chắc chắn để sau 30 tuổi sẽ kiếm được tiền mà không cần mơ mộng startup.

Và cũng có những người, lấy vợ sớm, chấp nhận làm một dân công sở bình thường, lương vừa đủ nộp vợ, nuôi con, uống cà phê đen đá không đường mỗi ngày…

Thứ Hai, 28 tháng 3, 2022

"Em sợ làm một học sinh giỏi vì quá nhiều áp lực"

 

"EM SỢ LÀM MỘT HỌC SINH GIỎI VÌ QUÁ NHIỀU ÁP LỰC"

Đó là câu nói của em Nguyễn Lê Thùy Linh (sinh năm 2005), một học sinh giỏi bị chính cái danh hiệu đó khiến em cảm thấy mệt mỏi và hối hận.

Em nói: "Em cảm thấy mệt mỏi và hối hận khi các bạn khác ngoài giờ học được đi chơi, tập luyện thể thao, đi ăn uống, thoải mái về thành tích học tập,... còn em phải cật lực ôn đội tuyển, quay mòng mòng bên các tập đề dày cộp, tất cả thời gian đều dành cho việc thi học sinh giỏi".

Đây không phải là suy nghĩ, tâm trạng của một mình Nguyễn Lê Thùy Linh, mà của nhiều em học sinh giỏi khác.

"Học phải đi đôi với hành. Học chỉ để đi thi lấy giải thì đó là hư danh, không giải quyết được vấn đề gì", đó là ý kiến của GS.TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Và ông đề xuất nên bỏ kỳ thi học sinh giỏi vì nó có hại: "Báo cáo hằng năm có bao nhiêu học sinh giỏi cấp tỉnh, bao nhiêu cấp huyện nhưng thực chất những giải thưởng đó không giải quyết được vấn đề gì. Thi học sinh giỏi chính là một tác nhân gây bệnh thành tích, đang "gặm nhấm" giáo dục".

Còn cách luyện "gà nòi" hiện nay là con đẻ của bệnh thành tích, là đưa một số học sinh vào học lệch.

Làm "gà nòi" để đem thành tích về cho nhà trường, cho cha mẹ thêm hoang tưởng con mình là "thiên tài".

Làm "gà nòi" để đeo cái mác học sinh giỏi, cùng với một đống áp lực như em Nguyễn Lê Thùy Linh chia sẻ.

Giáo dục phổ thông dựng lên các cuộc thi học sinh giỏi, chọn học sinh, tổ chức lớp, chọn giáo viên, luyện thi tốn rất nhiều thời gian và công sức có phải chỉ vì hai chữ "thành tích". Vậy thì có nên giữ nó hay cần một cách đánh giá khác?

Nhiều trẻ không biết học kỹ năng sống để làm gì

 NHIỀU TRẺ KHÔNG BIẾT HỌC KỸ NĂNG SỐNG ĐỂ LÀM GÌ

Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh, Giảng viên kỹ năng mềm, Phó Giám đốc kỹ năng và truyền thông hệ thống trung tâm ATC cho rằng, nhiều đứa trẻ học rất nhiều lớp kỹ năng sống nhưng vẫn thiếu tự tin, như cái cây 'cớm nắng' và không biết học để làm gì...

Trong giáo dục, không nên đánh đồng học sinh với nhau, mỗi đứa trẻ đều có một quá trình lớn lên và hình thành phát triển nhân cách khác nhau, năng lực và trí tuệ khác nhau.

Vì vậy, cần hướng dẫn và giúp các em khám phá bản thân, phát triển thế mạnh, động viên khích lệ các em sáng tạo trong học tập thay vì xem các em như nhau.

 

Nhiều đứa trẻ bị áp lực trong học tập vì thành tích, điểm số và sự kỳ vọng từ người lớn. Đặc biệt, người lớn hay so sánh con mình với con nhà người ta. Do đó, hiệu ứng "con nhà người ta" khiến không ít đứa trẻ mặc cảm, tự ti.

Chúng ta biết, mỗi đứa trẻ sinh ra không ai giống ai. Các em là duy nhất, việc người lớn bắt trẻ phải giống các bạn của mình là không thể, điều này khiến trẻ vô cùng áp lực và dễ đánh mất mình.

 

Gia đình cần khuyến khích và chỉ cho con mình biết lợi ích, tầm quan trọng của việc học để con cố gắng, tập cho con tự đặt mục tiêu để phấn đấu, có lộ trình rõ ràng để con dễ thực hiện.

Đồng thời, giúp con nhận diện thế mạnh và đam mê của mình, bằng cách cho con trải nghiệm với cuộc sống, tập cho con tính tự lập, cho con cơ hội, không gian để con có thể tìm tòi, sáng tạo và học tập.

 

Muốn có kỹ năng sống, người học cần phải đầu tư thời gian và công sức để rèn luyện, mỗi ngày một ít thì mới có được chứ không phải ngày một ngày hai.

Ngoài giờ học kỹ năng trên lớp được thầy cô hướng dẫn, phụ huynh cần quan tâm tạo điều kiện cho con mình có cơ hội thực hành các kỹ năng.

Ví dụ, với kỹ năng giao tiếp, phụ huynh cần hướng dẫn và tạo điều kiện cho con tiếp cận với bạn bè, những người chung quanh, để con có cơ hội giao lưu và trò chuyện.

 

Ngoài ra, các kỹ năng sống khác như đi chợ, tự lập… cũng cần được hướng dẫn các em trong cuộc sống hằng ngày.