Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2022

Đàn bà lý tưởng


 ĐÀN BÀ LÝ TƯỞNG

 

Có một đệ tử hỏi Osho:

Thầy có thể nói cái gì đó về cái thực và đàn bà đích thực không... hay thậm chí người đàn bà lí tưởng của thầy?

 

Osho:  Mọi phân chia là nguy hiểm, và mọi phân chia đều tạo ra một loại tinh thần phân liệt. Đủ về nó rồi! Bỏ chính ý tưởng đó đi! Đừng bắt đầu đi sang cực đoan kia. Con người đã khổ nhiều - với 'con người' tôi ngụ ý 'người' - nhân loại đã khổ nhiều vì phân chia này. Những người nghĩ họ đang cố đem lại một thế giới mới, nhân loại mới, vẫn liên tục nghĩ theo cùng cách cũ rích của sự phân chia.

 

Nghĩ về nhân loại đi. Đừng nghĩ về đông và tây, đừng nghĩ về đen và trắng, và đừng nghĩ về người bị áp bức và kẻ áp bức. Bắt đầu nghĩ dưới dạng tính một. Chính cách tiếp cận đó sẽ làm tan biến nhiều vấn đề.

 

Tôi tin rằng khi không có lí tưởng, con người sẽ tự do. Khi không có mục đích, con người sẽ tự do - không bao giờ trước điều đó.

Mọi lí tưởng đều tạo ra sự nô lệ - vì lí tưởng đứng đó trong tương lai, nó bắt đầu chi phối bạn từ tương lai. Nó bắt đầu kết án hiện tại của bạn. Nó bắt đầu bảo bạn rằng bạn không đạt: Trở nên hoàn hảo đi! là cái này! là cái nọ! Nó đem tới cả nghìn lẻ một cái phải và không phải. Với mọi cái phải và không phải đó, làm sao bạn có thể tưởng tượng được sống trong tự do? Chúng gõ búa lên bạn từ mọi nơi, chúng giới hạn bạn theo mọi cách có thể - vì chúng kết án hiện tại của bạn.

 

Các lí tưởng đã đầu độc cuộc sống của họ. Và những người lí tưởng là những kẻ đầu độc lớn.

Suốt nhiều thời đại, lí tưởng đã từng là thủ đoạn tinh vi nhất để thao túng con người - vì lí tưởng tạo ra mặc cảm. Bạn liên tục nghĩ bạn không đạt tới mục đích - bạn không tới, bạn ở dưới mức, bạn không phải như bạn đáng phải. Và điều này trở thành tảng đá đè lên tim bạn. Nó làm bạn què quặt, nó làm bạn tê liệt. Nó không cho phép bạn đi vào tự do, nó không cho phép bạn múa.

 

Làm sao bạn có thể mở hội cuộc sống khi có nhiều lí tưởng thế ở mọi nơi? Và ở mọi nơi bạn cảm thấy bị giới hạn - những giới hạn đó được tạo ra bởi các lí tưởng. Bất kì cái gì bạn làm đều không bao giờ hoàn hảo. Cho nên bất kì cái gì bạn làm, nó không bao giờ làm cho bạn hạnh phúc.

Và người lí tưởng không thể yêu bản thân người đó được; người đó rất nghiêm khắc, người đó là người tự bạo. Và khi một người là tự bạo, khi một người liên tục hành hạ bản thân mình nhân danh lí tưởng - 'Mình phải giống cái này'... và người đó không vậy, cho nên người đó tự hành hạ bản thân mình.

 

Lí tưởng theo nhu cầu bên trong là không thể hoàn thành được; không thể nào đạt tới được nó. Do đó, nó vẫn còn là củ cà rốt treo lủng lẳng trước mắt bạn. Và con lừa liên tục di chuyển... và củ cà rốt liên tục lủng lẳng. Nó là ảo vọng. Nó giống như đường chân trời xa xôi - bạn liên tục đi, nhưng bạn không bao giờ đạt tới; đường chân trời cũng chuyển.

 

Có lí tưởng, và bạn sẽ trở thành người bản ngã. có lí tưởng lớn hơn, và bạn sẽ là bản ngã lớn hơn. Lí tưởng càng lớn, bản ngã càng lớn.

Người là vô ngã là người không có lí tưởng nào. Để điều này là tiêu chí, và bạn đã tình cờ gặp điều nền tảng. Người không có bản ngã là người không có lí tưởng. Thế thì làm sao bản ngã có thể được tạo ra? - chính năng lượng này bị thiếu. Năng lượng bắt nguồn từ va chạm, xung đột, ý chí.

 

Trích Oshovietnam.

Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2022

Sự dũng cảm đến từ sự yếu đuối

 

SỰ DŨNG CẢM ĐẾN TỪ SỰ YẾU ĐUỐI

Trong cuộc sống không thiếu những lúc chúng ta cảm thấy bản thân chìm vào ti tỉ cảm xúc tiêu cực vì điều gì đó. Nhưng trái lại, từ góc nhìn của người ngoài, họ có thể sẽ thấy bạn thật thu hút, thật giỏi giang. Hiện tượng quen thuộc này đã được giới Tâm lý đã đặt một cái tên riêng: "Beautiful mess effect" (Hiệu ứng Mớ hỗn độn xinh đẹp)

 

"Beautiful mess effect" là gì?

"Beautiful mess effect" từng được nhắc đến trong nhiều bài viết về tâm lý học nước ngoài nhưng lại chưa có thuật ngữ chính xác tại Việt Nam. Theo tiếng Việt, cụm từ "beautiful mess" nghĩa là "mớ hỗn độn xinh đẹp". Có thể hiểu đây là hiện tượng mâu thuẫn giữa cái nhìn tiêu cực của người trong cuộc và tích cực của người ngoài cuộc trong cùng một vấn đề.

 

Khi hành động đúng đắn nhưng đụng chạm đến "cái tôi" hoặc chẳng may thất bại, người ta sẽ dễ rơi vào "chiếc hố" mặc cảm. Đó chính là "mớ hỗn độn" của mỗi người. Nhưng ngược lại, đối với người ngoài cuộc (không bị tác động bởi "cái tôi”), họ có thể thấy được điều tích cực, sức hấp dẫn của một nhân cách tốt. Đây chính là yếu tố "đẹp" trong “beautiful mess effect”.

 

Có bao giờ bạn buồn đến cùng cực nhưng lại không thể tìm lời lẽ để biểu đạt nỗi buồn cho người khác? Có bao giờ bạn sợ hãi việc thú nhận rằng bạn rất thích một ai đó vì sự vô định trong câu trả lời của họ? Có bao giờ bạn sợ việc thú nhận lỗi lầm của mình vì bạn cho rằng người khác sẽ nghĩ bạn không tài giỏi, không có năng lực? Tất cả những nỗi sợ này đều được quy tụ lại trong một nỗi sợ to lớn vô hình, đó là nỗi sợ yếu đuối.

 

Mọi biểu tượng của sự yếu đuối như việc khóc khi nói về cảm xúc thật của mình, việc xấu hổ khi bị quê trước đám đông, hay việc tổn thương khi tình cảm không được đáp trả đều được não bộ của chúng ta lập trình rằng phải né ngay lập tức. Vậy nhưng yếu đuối có phải là một điều gì đó đáng coi thường, đáng trách và đáng bị tẩy chay hay không? Chúng ta sẽ cùng nhau giải mã cái mạnh mẽ, cái đẹp của sự yếu đuối trong cuộc sống.

Khi đặt mình vào tình huống bản thân phải yếu đuối, chúng ta cảm thấy việc yếu đuối là một điều tiêu cực và không muốn phải làm nó. Tuy nhiên chúng ta lại không đánh giá người khác tiêu cực khi họ yếu đuối. Vậy có nghĩa là chúng ta có xu hướng ghét bản thân yếu đuối hơn là khi người khác yếu đuối. và hành động khiến chúng ta cảm thấy yếu đuối nhất đó là phải xin lỗi trước và thú nhận rằng mình đã làm sai.

Nếu bạn là một người có xu hướng high-achieving tức coi trọng thành tích hay perfectionism hay chủ nghĩa hoàn hảo, việc mắc sai lầm hoặc hành động một cách hậu đậu hoặc ngốc nghếch có thể là một việc bạn luôn cố né tránh. Đó là bởi đây là những hành động có khả năng phơi bày điểm yếu của bạn cho người khác, một điều mà bạn vô cùng vô cùng không thích. Tuy nhiên, nghiên cứu của Aronson, Willerman & Floyd (1966) cho thấy, việc phơi bày sự kém hoàn hảo của bạn sẽ khiến người khác yêu thích bạn hơn.

 

Điều này có nghĩa rằng đôi khi sự không hoàn hảo, sự có chút yếu đuối ở bạn mới là thứ khiến người khác cảm thấy bạn thật con người, thật gần gũi và relatable (hay dễ thông cảm được).

Brown (2012) trong cuốn sách Daring Greatly có đề cập về cách ta nhìn nhận lỗi sai ở bản thân một cách tàn nhẫn hơn khi ta nhìn nhận sự yếu đuối đó ở người khác. Nguyên văn bà viết có thể dịch như sau: Chúng ta thích việc nhìn thấy sự thật trần trụi và cởi mở ở người khác nhưng lại sợ hãi việc để người khác nhìn thấy điều tương tự ở ta. Tôi muốn trải nghiệm cảm giác yếu đuối nhưng tôi không muốn yếu đuối. Sự yếu đuối ở bạn là sự dũng cảm nhưng lại là sự kém cỏi ở tôi. Tôi bị thu hút bởi sự yếu đuối ở bạn nhưng lại khước từ sự yếu đuối của chính mình.

 

Thiết nghĩ trong cuộc sống, chúng ta ai cũng sợ việc phải yếu đuối, cố né tránh những khoảnh khắc yếu đuối và nghĩ rằng tỏ ra mạnh mẽ đồng nghĩa với việc kiểm soát mọi việc trong đời. Vậy nhưng sự thật là yếu đuối mới chính là định dạng cao cấp nhất của dũng cảm. Chỉ qua việc chấp nhận sự yếu đuối và chân thật ở bản thân, chúng ta mới có thể kết nối và yêu thương nhau.

Diệp Quế-Tổ sư học phái ôn bệnh Trung Hoa

 

DIỆP QUẾ-TỔ SƯ HỌC PHÁI ÔN BỆNH TRUNG HOA

 

Theo sử cũ của Trung Quốc, Diệp Quế có tên chữ là Thiên Sĩ, hiệu Hương Nham, người vùng Tô Châu, huyện Ngô, là y gia trứ danh đời Thanh. Ông là người đặt nền móng cho phái ôn nhiệt học. Tổ phụ của ông là Diệp Thời (tự Tử Phàm) là người thông y lý, tinh chuyên khoa tiểu nhi, trị bệnh trẻ con không quản gian khó nên đã cứu sống rất nhiều người và nổi danh một vùng đất Ngô.

 

Diệp Quế từ nhỏ đã thông mẫn hơn người, đọc sách qua mắt rồi là không quên. Ban ngày theo thầy học thư kinh, ban đêm học nghề thuốc với cha. Các sách y do các danh gia Hán, Đường, Tống ông đều xem qua là nhớ. Điều bất hạnh là ông mồ côi cha khi 14 tuổi.

Tuổi trẻ mồ côi lại nghèo và để sinh sống, ông chỉ còn cách một mặt hành nghề xem mạch chẩn trị, một mặt bái sư họ Chu vốn là đồ đệ của cha để tiếp tục học y. Người họ Chu đem toàn bộ sở học của thầy Diệp truyền lại cho con thầy. Thiên Sĩ hết lòng nghe dạy, nghe đến đâu hiểu ngay đến đó, thông thuộc rất nhanh, có chỗ tâm đắc còn hơn cả thầy.

 

Nhưng ông không hề tự mãn, nghe ai có sở trường nào về trị liệu thì tìm cách bái sư học thêm.

Làm như thế trong thời gian từ 14 đến 19 tuổi, ông đã theo học ở 17 vị danh y. Nhờ đó mà ông học được những cái hay của nhiều người. Ông chẩn đoán giỏi, lúc xem bệnh bắt mạch, xem thần sắc con bệnh, nghe giọng nói, quan sát hình tướng, cho nên khi trị bệnh, ông không cố chấp thành kiến và đã trị được nhiều bệnh lạ, được người ta khen là y học đại gia. Ông nổi tiếng trong triều ngoài nội, trên từ nhà quyền quý, dưới đến bình dân bách tính, gần xa trong ngoài tỉnh, ít có người không biết tiếng ông.

Một hôm, có người bế con bị sởi đến nhờ Diệp Thiên Sĩ cứu chữa, vì sợ đứa bé đi đường bị gió lạnh nên dùng chăn bông quấn kỹ. Khi mở chăn ra thăm khám, ông thấy mặt bé đỏ rực, thở hổn hển và ho liên tục. Ông vội mở toang hết chăn ra và nói với gia đình họ: “Trẻ bị bệnh vốn đã bức bối khó chịu, thế mà các ông các bà còn quấn chặt chăn bông như thế này làm sao nó chịu nổi! Tôi kê đơn thuốc uống sẽ khỏi ngay, nhưng khi về đến nhà, phải mở hết chăn áo ra, mở hết cửa sổ cho nhà thoáng đãng, sạch sẽ. Cháu cần hít thở không khí trong lành, bệnh mới chóng khỏi được”. Gia đình nọ vội quỳ xuống cảm ơn và về làm theo lời ông, quả nhiên bé rất nhanh khỏi bệnh.

Y học hiện đại chứng minh, bệnh sởi là một bệnh truyền nhiễm thường xảy ra đối với trẻ em, dùng thuốc điều trị tất nhiên là rất quan trọng, nhưng tạo không khí thông thoáng là điều không thể coi nhẹ. Thời bấy giờ Diệp Thiên Sĩ đã nhận thức được như vậy quả là người hiểu biết.

Sự cống hiến cực lớn của ông cho nền y học Trung Quốc là ông đã sáng lập học phái ôn bệnh. Ông đã tổng kết kinh nghiệm của tiền nhân, nhận thấy các sách y học kinh điển của Trung Quốc tuy có tên là ôn bệnh nhưng không rõ ràng phép trị liệu, lại thiếu sót lý luận và thực tiễn không có hệ thống. Ông bèn tiến hành nghiên cứu sâu và kỹ lưỡng ôn bệnh, trải qua thời gian tìm tòi, bàn thảo không nghỉ, cuối cùng ông đã có nhận thức mới đối với quy luật phát sinh, phát triển của ôn bệnh và cách điều trị. Hơn hai trăm năm nay, có nhiều người kế tục hoàn thiện học thuyết của ông, học phái ôn bệnh do đó mà hình thành và ông đã được tôn là tổ sư của học phái ôn bệnh.


Ông trọn đời bận lo nhiệm vụ chẩn trị bệnh, đem kinh nghiệm của mình tùy lúc truyền cho đồ đệ. Hiện còn các sách “Ôn Nhiệt Luận” và “Lâm Chứng Chỉ Nam Y Án” đều là do đồ đệ của ông là Cố Cảnh Văn, Hoa Tụ Vân đem kinh nghiệm trị liệu và học thuyết của ông tập hợp chép ra thành sách.

 

Ông mất năm 1749, hưởng thọ 79 tuổi. Lúc lâm chung, ông di chúc cho con dặn đi dặn lại: ‘Nghề y nên làm, mà cũng chẳng nên làm. Đầu óc sáng suốt, thiên tư thông mẫn, đọc nhiều sách, sau đó khả dĩ cứu đời; bằng không, ít có ai không giết người vì bánh thuốc cũng như đao kiếm vậy. Ta chết, con cháu thận trọng, chớ xem nhẹ y đạo. “Danh y danh ngôn, ngữ trọng tâm trương” câu này đã nói rõ sự nghiệp y học là một sự nghiệp cao thượng cứu người giúp đời, lại cũng phản ánh đầy đủ thái độ trị học nghiêm túc của Diệp Thiên Sĩ.”