Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Con tôi đã học đánh giày ở… Mỹ như thế nào?

CON TÔI ĐÃ HỌC ĐÁNH GIÀY Ở… MỸ NHƯ THẾ NÀO?

Tôi chuẩn bị đi công tác dài ngày và vì yêu cầu công việc, tôi cần đem theo quần áo, giày dép đẹp đẽ, trang trọng. Quần áo của tôi đã được ủi thẳng thớm, phẳng phiu. Duy chỉ có giày vì quá bận tôi không có thời gian mang ra hàng đánh. Rồi tôi nhớ ra trong nhà có sẵn một “tài năng”… đánh giày. Đó là con trai tôi, cháu về nhà nghỉ hè trước khi vào đại học ở Mỹ. Cháu biết đánh giày là do được dạy bài bản ở trường trung học.

Rất sẵn sàng, cháu lấy bộ đồ đánh giày riêng của mình ra, với bàn chải và xi các loại, cần mẫn đánh mấy đôi giày cho tới khi bóng loáng. Khi về nhà, nhìn thấy chúng, tôi rất hào hứng cám ơn con và nói đùa rằng: “Anh chàng này không lo thất nghiệp, vì mất việc vẫn có thể đánh giày kiếm sống”.

Ở nhà, gia đình tôi vẫn thường dạy các con học cách đi chợ, nấu ăn, tự đạp xe đi học, dọn nhà cửa. Vì vậy trước khi cháu đi du học tôi khá tự tin vì khả năng tự lập của con.

Tuy nhiên, trong mấy năm con tôi theo học trung học ở Mỹ, tôi rất biết ơn trường mà cháu theo học. Bởi các thày cô ở đây đã dạy cho cháu rất nhiều kỹ năng sống quan trọng, bổ túc vào những gì gia đình chưa hoàn thiện.

Ban đầu, các cháu được học những kỹ năng đơn giản nhất. Ví dụ sáng dậy sớm, các cháu phải gấp chăn màn gọn gàng, giày dép để đâu vào đó, tất cả các kệ bàn, ngăn tủ, thậm chí cả hộc tủ cũng phải ngăn nắp. Sau khi tự dọn phòng, các cháu sẽ phải học tự đánh giày sao cho bóng loáng không một lớp bụi, tự chuẩn bị quần áo phẳng phiu, sạch sẽ để mặc lên lớp, học cách thắt cà vạt, cách ăn vận đẹp đẽ, trang nghiêm. Các cháu cũng được học cách tự dọn toilet, giữ sạch khu vực chung…

Sau đó, nhà trường sẽ dạy các kỹ năng khó hơn. Ví dụ như làm thế nào để chống chọi với thời tiết khắc nghiệt. Các cháu phải tập thể thao hàng ngày và tập ngay cả trong thời tiết xấu. Dù trời có nắng to hay tuyết rơi thì học sinh vẫn chạy bộ quanh sân trường. Trường cũng dạy cho các cháu có khả năng vượt chướng ngại vật, leo rào cao chừng 2 m, tập leo núi… Chính vì vậy mà suốt 3 năm trung học, dù thay đổi thời tiết và hoàn cảnh sống so với ở nhà, con tôi hầu như không bị đau ốm gì.

Để tập chống chọi với những tình huống khẩn cấp, trường tổ chức dạy cho các cháu cách thoát hiểm và tự vệ. Một năm trường có 2 lần diễn tập chống khủng bố và xâm nhập trái phép, làm như thật, có cả cảnh sát tham gia. Và trong các tình huống này, các cháu được nhà trường hạn định thời gian sau 5-10 phút phải im lặng thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm giả định để tới điểm tập kết an toàn.

Nhưng quan trọng hơn cả là các kỹ năng liên quan đến việc phát triển nhân cách sống. Ví như cách cư xử với phụ nữ sao cho lịch sự, đàng hoàng hay thái độ đúng đắn khi trò chuyện với người khác, cách chấp nhận các thất bại trong cuộc sống, cách sống sao cho trung thực, cách cạnh tranh lành mạnh và tự vươn lên, cách trở thành nhà lãnh đạo…

Các kỹ năng mềm này được nhà trường của cháu dạy rất bài bản theo nhiều cách khác nhau. Ví như kỹ năng đơn giản thì được ủy nhiệm qua các bạn khóa trên, kiểu đàn anh chỉ dạy cho đàn em. Kỹ năng khó hơn được các thày cô là huấn luyện viên chỉ dạy trên thực tế. Các kỹ năng mang tính tinh thần sẽ dạy qua các chương trình hội thảo, các chương trình hội trại theo chủ đề, các chương trình diễn tập…

Và rõ ràng, nhà trường và các cháu đã dành rất nhiều thời gian cho những chương trình đào tạo kỹ năng sống nêu trên. Thời gian này, có thể chiếm tới 50% tổng thời gian các cháu sử dụng hàng ngày cho việc học hành, rèn luyện. Chính vì vậy, trường trung học của con tôi với lịch sử 112 năm luôn đào tạo được nhiều học sinh có đủ kỹ năng để tự tin sống tốt trong các hoàn cảnh khó khăn của cuộc sống.

Khi sang Mỹ thăm con, tôi lại nghĩ đến học sinh Việt Nam mình. Rõ ràng, để các em có được kỹ năng sống mạnh mẽ, chắc chắn nhà trường và cha mẹ cần giảm thời gian “chúi đầu” vào học gạo của các cháu để tăng thời gian rèn luyện kỹ năng sống cho các cháu. Bởi vì chỉ khi sở hữu những kỹ năng sống mạnh mẽ, cùng với kiến thức phù hợp, các cháu mới có thể thực sự vững vàng và thành công trong đời sống. Nếu không thì tình trạng mất cân bằng trong giáo dục học sinh các cấp học phổ thông của chúng ta vẫn tiếp tục diễn ra, gây ra những hệ lụy khôn lường trong tương lai.

Nguyễn Anh Thi (Nhà báo, sống tại Thành phố Hồ Chí Minh)

Tội đánh chết con riêng thời nhà Nguyễn bị xử ra sao?

 

TỘI ĐÁNH CHẾT CON RIÊNG THỜI NHÀ NGUYỄN BỊ XỬ RA SAO?

Ngày 19 tháng 5 năm Tự Đức thứ 2 (1849), Tuần phủ Bắc Ninh, Hộ lý Tổng đốc quan phòng Ninh Thái Trương Văn Uyển trình tấu về bản án cha dượng đánh con riêng của vợ đến chết. Vụ việc xảy ra ở huyện Võ Giàng.

Theo đó, một người tên Nguyễn Khiêm ở xã Thị Cầu, tổng Đỗ Xá có đơn trình xin tra xét.

Nội dung đơn cho biết, con gái ông Nguyễn Khiêm là Nguyễn Thị Dao, trước đi buôn bán xa nhà, dan díu có thai, sinh được một con trai, đặt tên là Đổ.

Sau đó, ông Khiêm gả Thị Dao cho người trong xã là Nguyễn Tả làm thiếp. Đứa con của Thị Dao khi đó 4 tuổi, vẫn ở với ông ngoại, thỉnh thoảng theo mẹ đến nhà Nguyễn Tả.

Vào giờ Ngọ hôm 11 tháng 4 năm 1849, Nguyễn Tả ôm con riêng của vợ mới 4 tuổi, tên là Đổ đến nhà bố vợ. Nguyễn Tả đặt đứa bé lên giường, nói đứa bé bị trúng gió, người nhà mau tìm thuốc điều trị, rồi bỏ đi.

Nhưng khi ông ngoại đứa bé vào xem thì thấy cháu mình bị thương, liền hô hoán. Sau đó một lát thì đứa bé chết.

Phó tổng, lý dịch bắt được Nguyễn Tả, đem trói lại.

Theo tra xét, Nguyễn Tả là chồng sau của Thị Dao. Con riêng của Thị Dao với chồng trước là Đổ vốn không ở cùng với Nguyễn Tả, lần ấy theo mẹ đến nhà Nguyễn Tả. Sau đó, vì Thị Dao đi buôn bán ở nơi khác nên đứa bé ngủ lại nhà Nguyễn Tả. Đến khi tỉnh giấc, đứa bé nhớ mẹ nên khóc.

Các quan tra xét vụ án cho rằng đó là thói thường của trẻ nhỏ. Vậy mà Nguyễn Tả lại tức giận lấy cây gỗ đánh đứa bé.

Theo luật triều Nguyễn, "đánh con riêng của vợ đến chết, bị xử giảo" (tức xử thắt cổ) nên Nguyễn Tả chiếu theo luật, giam lại chờ xử theo hình phạt này.

Còn Nguyễn Thị Dao và Nguyễn Thị Tô (vợ cả của Nguyễn Tả), trong khi Nguyễn Tả đánh tên Đổ, các thị ấy vắng nhà, không biết tình hình, nên đều miễn nghị xử.

Theo danviet.vn

Thứ Sáu, 21 tháng 1, 2022

Lá thư ấm áp từ cô giáo Pháp và bài kiểm tra của học sinh Việt

 

LÁ THƯ ẤM ÁP TỪ CÔ GIÁO PHÁP VÀ BÀI KIỂM TRA CỦA HỌC SINH VIỆT

Con gái tôi vừa gấp quần áo vừa lấy tay quệt nước mắt. Tôi hốt hoảng hỏi con, có phải ở trường đã xảy ra chuyện gì hay không. Tôi càng hoảng hơn khi con gật nhẹ đầu thay cho câu trả lời.

Con tôi năm nay học lớp 9 - một năm học quan trọng đối với những học sinh ở Pháp vì cuối năm sẽ có kỳ thi tốt nghiệp cấp 2. Chúng tôi lại vừa chuyển tới một thành phố lớn và hiện đại hơn, cho nên trường học, bạn bè của con cũng hoàn toàn mới. Thấy con như vậy, tôi đã lo sợ con bị bạn bè bắt nạt ở trường. 

.

Bài kiểm tra Toán 

Hoá ra không phải, tôi thở phào nhẹ nhõm. Con tôi khóc vì lo bài kiểm tra môn Toán hôm đó sẽ bị điểm kém. Con bảo bài quá dài, cô giáo nói không cần làm hết, nhưng con đã cố làm cho xong. Và giờ con lại lo lắng, thậm chí hối hận vì có thể câu trả lời đã sai hết cả. Bài kiểm tra hệ số 4, nên con rất sợ nếu điểm kém thì tổng kết học kỳ sẽ thấp. 

Tôi cũng bất giác thở dài, trong khi nhẽ ra vào thời điểm đó, tôi nên an ủi con, nói với con rằng điểm số không quan trọng, chỉ cần con biết sai ở đâu để mình khắc phục là được. Suy nghĩ trực giác bảo tôi cần làm vậy, nhưng vào thời điểm đó, bản tính xấu xa của một bà mẹ mong đứa con học giỏi đã bộc lộ ra không chút giấu giếm. 

Tôi biết, cái thở dài của tôi khiến cho con tôi cảm thấy nặng nề và lo lắng hơn rất nhiều. Để ngăn mình nói thêm điều gì không hay, tôi đi vào bếp để chuẩn bị bữa tối. 

.

Một lúc lâu sau, con tôi chạy vào bếp, hớn hở khoe: 

- Mẹ, cô giáo đã chấm bài của con rồi. Điểm không tồi chút nào đâu mẹ. 

Tôi ngạc nhiên, sao cô lại chấm bài sớm như vậy. Buổi học hôm nay là buổi cuối trước kỳ nghỉ Thu, theo lẽ thường, phải 2 tuần nữa các con mới biết điểm.

Lúc này con tôi mới kể lại rành rọt câu chuyện. Khi nộp bài, con cúi gằm mặt, cô giáo bảo ngẩng lên nhìn vào mắt cô thì biết rằng con đã khóc khi làm bài. Cô nói, nếu muốn, con có thể ở lại để cùng cô chấm bài kiểm tra. Cô cho con cơ hội giải thích tại sao lại làm thế này hay thế kia. Nhưng con không ở lại vì lúc đó đã muộn, con phải về nhà. 

Trước khi con quay lưng đi, cô giáo hứa rằng sẽ chấm bài của con đầu tiên để con yên tâm. Cho nên con mới có thể biết điểm ngay qua hệ thống liên lạc điện tử. Cô còn chưa chấm bài các bạn khác, chắc phải nghỉ lễ xong mới có. 

.

Hãy học cách làm chủ cảm xúc 

Tôi giục con hãy mau viết thư cảm ơn cô. Bởi nếu cô không làm vậy, kỳ nghỉ 2 tuần sắp tới của con sẽ không thoải mái chút nào. 

Mở hòm thư ra chúng tôi mới biết, không chỉ báo điểm, cô giáo còn viết cho con một bức thư.

“V. yêu quý, 

Như đã hứa, cô đã chấm xong bài kiểm tra của em. Cô chúc mừng em đã hoàn thành tốt bài kiểm tra và đạt điểm cao. 

Cô chỉ muốn nói thêm với em một điều, kể cả nếu như bài kiểm tra này em không làm tốt cũng không cần phải quá lo lắng. Sẽ còn nhiều khó khăn hơn và bài kiểm tra này chỉ là một việc nhỏ. 

Em lo lắng cho việc học hành như vậy rất đáng hoan nghênh. Nhưng em hãy học cách làm chủ cảm xúc của mình nữa, V. nhé. 

Cô chúc em một kỳ nghỉ vui vẻ. 

Cô M”. 

.

Tôi cảm thấy biết ơn cô giáo vô cùng, không chỉ vì cô yêu trò và tận tụy, mà còn vì lòng thấu cảm của cô đối với học trò. Cô đã tặng cho mẹ con tôi bài học quý giá. Rằng, trên thế giới này, vẫn có những nơi mà lòng nhân ái quan trọng hơn tất cả mọi quy tắc và luật lệ. 

.

Trường học thực sự không chỉ là nơi giáo viên truyền dạy kiến thức cho học trò, mà còn là nơi học trò học cách làm người tử tế. 

.

Nguyên Kan (từ Pháp)