Thứ Bảy, 15 tháng 5, 2021

Lối sống điên cuồng xô đẩy cả thế giới

 

LỐI SỐNG ĐIÊN CUỒNG XÔ ĐẨY CẢ THẾ GIỚI

 

Chúng ta đã tạo ra một lối sống điên cuồng, trong đó không một phút nào bị lãng phí. Quãng thời gian 24 giờ quý giá của mỗi ngày được nâng lên đặt xuống, mổ xẻ và giảm xuống thành các đơn vị hiệu quả, mỗi đơn vị kéo dài 10 phút.

 

Ta trở nên kích động và tức giận trong phòng chờ của một phòng khám nếu ta đã phải đợi từ 10 phút trở lên. Ta trở nên thiếu kiên nhẫn nếu máy in laser của ta không đạt được tốc độ ít nhất năm trang một phút. Ta không thể ngồi yên trên ghế trong 10 phút. Và ta phải được kết nối với mạng Internet mọi lúc. Ta mang theo điện thoại thông minh và máy tính xách tay của mình vào kỳ nghỉ. Ta xem email của mình tại các nhà hàng hoặc kiểm tra tài khoản ngân hàng trực tuyến của mình khi đi dạo trong công viên. Ta đã trở thành nô lệ cho các cuộc hẹn khẩn cấp và danh sách việc cần làm của mình, và trở nên nghiện với sự kích thích không ngừng nghỉ của thế giới bên ngoài.

 

Một nghiên cứu ngắn ngủi, nhưng ít được thảo luận đến, của Đại học Hertfordshire phối hợp với Hội đồng Anh, cho thấy tốc độ đi bộ của người đi bộ ở 34 thành phố trên thế giới đã tăng 10% chỉ trong giai đoạn 10 năm từ 1995 đến 2005. Và tất cả điều này đã xảy ra một cách vô hình.

Dần dần, tiếng ồn và tốc độ của thế giới đã tăng lên, đến nỗi chúng ta khó có thể nhớ về một kỷ nguyên chậm chạp và yên tĩnh, khi ta có thể để tâm trí mình lang thang và suy nghĩ về những gì mình muốn nghĩ, khi ta có thời gian để xem xét nơi mình đã đi và những gì mình tin tưởng.

 

Thứ Sáu, 14 tháng 5, 2021

Âm nhạc: Viên thuốc kỳ diệu trong nhịp sống vội

 

ÂM NHẠC: VIÊN THUỐC KỲ DIỆU TRONG NHỊP SỐNG VỘI

Một trong những điều thanh bình nhất con người từng sáng tạo nên chính là bài hát ru. Gần như trong mọi nền văn hoá, người mẹ đều bế con đung đưa và hát ru cho đứa trẻ ngủ.

Tuy đứa bé không hiểu ý nghĩa câu từ trong bài hát nhưng lần nào âm thanh lời ru cũng đưa nó vào giấc ngủ yên lành. Đứa bé cho chúng ta thấy rằng chúng ta là những sinh vật có khuynh hướng cảm âm trước khi hiểu ý nghĩa. Người lớn tất nhiên hiểu được ý nghĩa của câu từ, nhưng vẫn có một mức cảm nhận nhất định xuyên thấu vào tâm can nhiều hơn những gì chúng ta thấu hiểu một ý tưởng hay luận điểm. 

 

Theo cách nào đó, người nhạc sĩ đã đánh bại tất cả triết gia trong việc truyền đạt ý tưởng tới chúng ta

 

Trong Thần thoại Hy Lạp có một câu chuyện về người nhạc công nổi tiếng Orpheus - người phải giải cứu vợ mình thoát khỏi địa ngục. Để tới đó, anh cần đi qua con chó ba đầu hung dữ Cerberus, sinh vật canh gác cổng dẫn vào thế giới người chết. Orpheus đã chơi một khúc nhạc ngọt ngào mê hồn khiến con thú hoang dã trầm lại và trở nên hiền lành, dễ bảo trong chốc lát.

Người Hy Lạp viết nên câu chuyện này như muốn nhắc nhở chính mình về sức mạnh của âm nhạc. Orpheus không lý lẽ với Cerberus, không cố giải thích tầm quan trọng của việc anh phải đi qua cánh cổng thế nào, không kể lể về tình yêu của anh với vợ và anh muốn cô ấy trở về ra sao.

Cerberus cũng như chúng ta trong những lúc đau buồn - khá “miễn dịch” với lý lẽ. Nhưng nó vẫn mở lòng lắng nghe. Vấn đề là làm sao tìm ra con đường thay đổi nó.

 

Khi chúng ta lo lắng hay buồn bã, những người tốt thỉnh thoảng cố gắng vỗ về chúng ta bằng cách đưa ra ý kiến hay chỉ ra những sự thật: họ muốn thay đổi suy nghĩ của chúng ta - thông qua những lập luận cẩn trọng - để giúp làm dịu đi nỗi đau. Nhưng, giống như trường hợp của Cerberus, cách hiệu quả nhất để giải quyết chuyện này có thể chỉ đơn giản là được nghe một khúc nhạc.

Có lẽ tâm hồn chúng ta cần được làm dịu và yên bình trở lại (bằng một bài hát ru, một bản dạo đầu của Chopin hay một nhạc phẩm của Natalie Merchant), trước khi nó có thể lắng nghe bất kỳ lý lẽ nào.

 

Âm nhạc là công cụ điều chỉnh tâm trạng tuyệt vời nhất con người từng sáng tạo nên và lợi ích của nó thì có một số điểm nhấn sau:

- Âm nhạc như người cha, người mẹ vỗ về khi ta yếu đuối.

- Âm nhạc đưa chúng ta trở về với cuộc sống, nhẹ nhàng “huých” chúng ta trở lại nơi có hi vọng và lòng rộng lượng, khoan dung.

- Âm nhạc ở đó để dẫn lối chúng ta qua nhịp sống thường nhật, vượt qua sự tầm thường và từ trên cao nhìn nhận, quan sát con người ta.

- Âm nhạc phá hủy mọi rào cản giữa những người xa lạ - thôi thúc chúng ta nhìn ra những điểm tương đồng, thay vì sự khác biệt.

- Chúng ta khám phá ra tất cả duyên nợ với âm nhạc khi hiểu rõ rằng ta bất lực thế nào khi ta muốn biến chuyển tâm trạng chỉ thông qua lý trí.


Một cuộc sống tốt đẹp không chỉ cần một “thư viện” ý tưởng: nó cần một danh sách bài hát dài và phong phú có thể kéo chúng ta một cách có hệ thống quay lại với bản ngã kiên cường, nhạy cảm và đầy hy vọng.

 

Theo The Book of Life

Cây vĩ cầm Ave Maria

 

CÂY VĨ CẦM AVE MARIA 

Cây vĩ cầm Ave Maria là tác phẩm hư cấu nhưng dựa trên những sự kiện có thật.

Hannah Janssen, một thiếu nữ mười bốn tuổi người Do Thái là một thiên tài âm nhạc. Gia đình cô bị bắt vào trại tập trung Auschwitz, Hannah tình cờ đeo cây đàn violon trên vai nên thoát khỏi thảm sát, và trở thành thành viên của dàn nhạc trại tập trung. Yêu âm nhạc bằng một tình yêu thánh thiện và trong sáng nhưng Hannah buộc phải diễn tấu trước cái chết của đồng bào mình, dùng âm nhạc để che lấp đi tội ác diệt chủng trong những phòng hơi ngạt, giàn hỏa thiêu. Dù sống sót và được giải cứu sau chiến tranh nhưng Hannah không thể thoát khỏi những ám ảnh kinh hoàng trong quá khứ.

Cây vĩ cầm Ave Maria phơi bày phần nào sự thật về cuộc sống như địa ngục, đầy đau đớn và ám ảnh của những đứa trẻ trong trại tập trung. Trẻ em phải lao động đến kiệt sức, bị tra tấn, hành hạ về thể chất và tinh thần, phải chứng kiến gia đình, đồng bào mình bị thảm sát. Tất cả đều là những bi kịch tàn khốc đối với những đứa trẻ là nạn nhân trong cuộc chiến tranh phi nghĩa.

Cây vĩ cầm Ave Maria vượt qua những giới hạn của không gian, thời gian, tuổi tác.

Lịch sử như một dòng chảy, chúng ta hôm nay vẫn có thể sẻ chia được câu chuyện của quá khứ. Đó là sự thấu hiểu cần thiết giữa con người với con người để những nỗi đau, những bi kịch nhân loại không còn xảy ra nữa.

Cây vĩ cầm Ave Maria đã nhìn nhận chiến tranh qua số phận, cuộc đời những đứa trẻ. Bởi trẻ em là nạn nhân lớn, là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Cây vĩ cầm Ave Maria câu chuyện được viết với giọng văn duy cảm, mơ mộng. Tác giả muốn dùng âm nhạc để kiến tạo nên một thế giới hòa bình.

Văn minh không ngăn được chiến tranh, nhưng văn hóa, âm nhạc thì có thể làm được điều đó.

Cây vĩ cầm Ave Maria đã nhận giải vàng Huân chương Sakura của Hiệp hội thư viện trường học Nhật Bản. tác phẩm này còn được đánh giá cao bởi tránh được những bài học giáo huấn, Những gì xảy ra trong quá khứ không có nghĩa là không xảy ra trong tương lai. Cuốn sách đã đặt ra câu hỏi về tương lai của những đứa trẻ, và cách ứng xử với trẻ em như thế nào để mỗi thời đại không còn là những thảm kịch đau lòng.