Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2021

Đức pháp chủ Thích Phổ Tuệ: Chùa có tiền không tốt

ĐỨC PHÁP CHỦ THÍCH PHỔ TUỆ: TRONG CHÙA CÓ TIỀN KHÔNG TỐT, TÔI KHÔNG Ở GẦN TIỀN ĐƯỢC

Lẽ thường, người ở địa vị cao, thì 'dân thường' càng khó với tới, nhưng với Cụ Pháp chủ, nếu ai có nhân duyên gặp, sẽ thấy Ngài rất bình dị, dân dã, không có sự kiêu ngạo, bề trên, khó gần. Mong cầu Cụ được mạnh khỏe, để được nghe Cụ giảng pháp hoặc đơn giản, chỉ là một sự hoan hỷ trong lòng!

Lần đầu tiên đến Chùa Giáng, tôi ôm theo bó hoa. Cụ c cho phép tôi thay hoa trên bàn thờ Phật.

Lúc sau, có mấy người dân làng đợi Cụ. Cụ nghe họ kể những khúc mắc của họ, rồi nói chuyện với từng người rất lâu. Tất cả đều áo nâu, nhìn từ ngoài vào không biết đó là vị Pháp Chủ đang gặp gỡ Phật tử mà cứ ngỡ như người làng đang gặp nhau chuyện vãn. Mà những người dân ấy, chắc họ cũng không nghĩ đang gặp Pháp Chủ. Với họ, đó là cụ sư ở chùa của làng họ.

Không lạ, vì Cụ là người làm ruộng cả đời. Từ khi ít tuổi, xuất gia, Cụ ở chùa này, cày cấy trên những sào đất làng dành cho chùa. Cơm gạo nhà chùa là do người tu tự trồng cấy. 


Phật Pháp giản dị nhưng cũng quá sâu xa. Ai cũng hiểu được phần nào đó, nhưng không ai hiểu hết được. Vài chục dòng của Bát Nhã Tâm Kinh mà cả ngàn cuốn sách không diễn giải hết. Hiểu một ý lại thấy mở ra đâu đó muôn ngàn ý khác.


Thường thì ta nghĩ về Phật Giáo nghiêng về phía tâm - Từ Bi Hỷ Xả. Thế cũng đủ cho cuộc sống. Nhưng Phật Giáo đề cao Tuệ. Nhà Phật nói “Hiểu và Thương”. Thiếu Hiểu thì Thương dễ sa vào vô minh. Tà pháp hay bám vào chỗ đó.


Cụ Pháp Chủ nói chuyện đạo, chuyện đời theo cách riêng của Cụ. Ai cũng hiểu. Nhưng người hiểu một phần tốt một phần. Người hiểu ba phần tốt ba phần. Nghe cụ thấy mình hiểu mà cũng thấy mình chưa hiểu hết.

 

Tôi biết có người xin cúng tiền cho Chùa. Khi biết, Cụ gọi bảo: Trong Chùa có tiền không tốt, tôi không ở gần tiền được.


Những biến tướng lệch lạc ở một số chùa và tăng ni, hiện không ít. Căn nguyên là từ các rắc rối lộn xộn của đời phản ánh vào.

Thứ Sáu, 8 tháng 1, 2021

Để sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn

Những bước đơn giản mà chúng ta có thể thực hiện để sống một cuộc sống nhẹ nhàng hơn từ bốn bài học thay đổi cuộc sống của Jaggi Vasudev (còn gọi là Sadhguru) - bậc thầy yoga người Ấn Độ, nhà huyền môn và tác giả bán chạy nhất trên New York Times.

1. Không có người tốt và người xấu

Rất nhiều người nghĩ rằng bản thân mình hoàn hảo hơn người khác. Và điều gì xảy ra khi mọi người không có chung quan điểm với bạn là những người xấu. Chúng ta thấy điều này ở khắp mọi khía cạnh: chủng tộc, tôn giáo, các mối quan hệ, thậm chí nhiều người cho rằng tính cách của mình chính là khuôn mẫu cho hành vi tốt.

Điều chúng ta không hiểu là mọi người đang sống theo cách tốt nhất mà họ thấy phù hợp. Họ có một bộ quy tắc mà họ đã xây dựng trong quá trình trưởng thành mà họ cho là ý nghĩa với bản thân.

“Có những người hạnh phúc và khốn khổ, có người phạm sai lầm nhưng không có người tốt và người xấu.” - Sadhguru

Tất cả mọi người không tốt hay xấu. Bạn có ý tưởng của bạn; bạn có quan điểm riêng của bạn về cuộc sống; bạn có những ưu tiên của bạn, và những người khác cũng vậy.

2. Tầm quan trọng của việc biết định vị bản thân

“Sai lầm lớn nhất của con người là mọi người luôn cố gắng lấy niềm vui từ bên ngoài.” - Sadhguru

Chúng ta đều thích lời khen. Chúng khiến chúng ta cảm thấy hạnh phúc đặc biệt là khi chúng được đưa ra một cách chân thành.

Hầu hết mọi người trở thành kiểu người ​​mà họ được người khác đánh giá. Họ trở nên nông cạn, bám vào mọi thứ mọi người nói hoặc nghĩ về họ. Họ như những con thiêu thân cố gắng sống theo mong đợi của người khác để rồi thất bại và mệt mỏi vì không được sống là chính mình.

Điểm mấu chốt là đây: phụ thuộc vào ý kiến ​​của người khác để đánh giá bản thân dẫn đến một cuộc sống lộn xộn. Làm thế nào để thay đổi? Câu trả lời là hiểu chính mình.

3. Xác định ý nghĩa của sự tồn tại

“Nếu mục đích của cuộc sống là hoàn thành bổn phận mà chúng ta được trao cho, cuộc sống sẽ bị lu mờ bởi mục đích của bạn.” – Sadhguru.

Không có một mục đích đồng nghĩa với việc sống không có ý nghĩa. Vấn đề là làm thế nào để biết khi nào chúng ta đã tìm thấy mục đích của mình?

Hãy để cuộc sống của bạn được thúc đẩy bởi những mục đích tốt đẹp, chứ không phải tìm kiếm một mục đích; hãy để nó mở ra hành trình, việc của bạn là tận hưởng hành trình đó. Hãy để cuộc sống tự nó có ý nghĩa với bạn.

4. Đừng vội vàng kết luận

“Nhận ra sự thiếu hiểu biết của bản thân có ý nghĩa hơn nhiều so với kiến ​​thức mà bạn học được” - Sadhguru

Một số quan niệm sai lầm đã tồn tại và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác vì mọi người chỉ muốn đi đến kết luận về mọi thứ. Chúng ta có thể học cách ở trong trạng thái trung lập: không nghiêng về phía nào, không có ý kiến…

Bạn càng đưa ra nhiều kết luận, bạn càng dễ dàng bỏ qua những chi tiết tiềm ẩn. Gạt bỏ kết luận và khám phá cuộc sống.

Theo Medium

Ảnh : Đạo sư Jaggi Vasudev (Sadhguru) sinh ra ở Myusuru, Karnataka, Ấn Độ năm 1957. Mẹ là nội trợ, cha làm bác sĩ nhãn khoa.

Những bài học đáng suy ngẫm qua ba câu chuyện.

Những bài học đáng suy ngẫm qua ba câu chuyện.

 CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT:
Một phụ nữ vào tiệm kim hoàn, trông thấy hai chiếc vòng đeo tay giống nhau như đúc, một chiếc giá 2 triệu, một chiếc giá 20 triệu. Không chần chừ, bà ta liền lấy chiếc 20 triệu vì nghĩ rằng đắt tiền chắc chắn sẽ là đồ tốt. Khi vừa quay lưng bước đi, bà nghe nhân viên nói với nhau: “Không ngờ chỉ vì đính sai bảng giá mà chúng ta lời đến 18 triệu đồng!”.


- Hãy xem, lắng nghe và kiểm định. Đó là lời khuyên trong câu chuyện này. Có nhiều thứ tưởng vậy, thấy vậy, nghe vậy mà không phải vậy, đừng vì chủ quan, tin vào suy nghĩ của mình mà lầm to.

 CÂU CHUYỆN THỨ HAI:
Hai vợ chồng vào xem triển lãm tranh của các họa sĩ trẻ, trong đó có một bức tranh của con trai họ. Người vợ đi rất nhanh, mắt chỉ kịp lướt vào tên của tác giả ở mỗi bức tranh. Một lúc sau không thấy chồng, người vợ quay lại tìm. Người chồng đang đứng trước một bức tranh say sưa ngắm nhìn. Bức trang ấy lúc nãy người vợ đã xem qua.

Bà bực bội nói: “Ông đứng đó làm gì vậy? Sao không đi tìm bức tranh của con mình?”.

Người chồng quay sang nhìn vợ: “Đây là tranh của con mình nè, nó quên ký tên trên bức tranh”.

- Trong cuộc sống, có người chỉ lo chạy băng băng nên đã không thể tìm thấy thứ mình cần tìm, đánh mất cơ hội được thưởng thức hoa nở hai bên đường.

 CÂU CHUYỆN THỨ BA:
Tại buổi lễ tốt nghiệp ở một trường cấp hai, thầy hiệu trưởng đọc tên học sinh xuất sắc nhất trong năm học. Đọc đến lần thứ ba mà vẫn không thấy ai đi lên sân khấu. Thầy hiệu trưởng nhìn xuống, hỏi cậu học sinh xuất sắc đang bình thản ngồi bên dưới:

Em không nghe thầy gọi tên à?
Cậu học sinh đứng lên, lễ phép:
Dạ, thưa thầy em đã nghe. Nhưng em sợ các bạn chưa nghe thấy ạ!

- Danh và lợi đã vô tình trở thành chiếc lồng nhốt chúng ta vào trong ấy. Chúng ta luôn giáo dục con em mình phải cố gắng học thật giỏi, phải trở thành nhân vật xuất sắc nhất nhưng lại ít khi dạy các em tính khiêm tốn.

Tại sao nhà trường và gia đình không mở rộng khái niệm thành công để tiếp sức cho con em tung đôi cánh ước mơ của mình?

 

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2021

Tự Đức dâng roi

Tượng Hoàng thái hậu Từ Dụ tại Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Tìm người tài nên tìm cửa hiếu môn

Tự Đức dâng roi

Một câu chuyện về bậc quân vương hết sức tận hiếu, nghe lời mẹ, đó là tích: "Tự Đức dâng roi".

'Việt Nam Sử Lược' chép lại, vua Tự Đức sẵn sàng đưa roi lên cho mẹ để chịu đòn mỗi khi mắc lỗi. Lên ngôi năm 18 tuổi, trị vì đất nước 36 năm, vua Tự Đức rất coi trọng bổn phận làm con với mẹ là Hoàng thái hậu Từ Dụ. Những điều mẹ dạy, ông đều cẩn thận ghi lại vào “Từ Huấn Lục".

Từ Dụ Hoàng thái hậu truyện, trong bộ 'Đại Nam liệt truyện' viết: “Đức vua phụng sự mẹ chí hiếu lắm. Bà thường muốn nghe đọc sách sử, vua thuận theo ý bà. Chẳng có khi nào dám trái ngược, chừng nào mẹ hết muốn nghe, bảo thôi đọc thì vua mới thôi. Chẳng những việc đọc sách sử mà bất cứ chuyện gì, vua cũng nhất nhất nghe theo ý mẹ”.


Trong Đại Nam liệt truyện có chép lại việc, vua Tự Đức một lần đi săn tại rừng Thuận Trực gặp phải lũ lụt không kịp về giỗ vua cha Thiệu Trị. Biết mình đã phải tội, về đến hoàng cung ông liền lên kiệu đến thẳng cung Diên Thọ nơi Hoàng thái hậu ở để xin chịu tội mặc dù trời đang đổ mưa.

Ông dâng chiếc roi mây đặt trong mâm son, để trên ghế rồi nằm xuống chịu đòn. Đức Từ Dụ ngồi quay mặt vào màn một hồi lâu không nói lời nào, sau mới lấy tay hất chiếc roi đi.

Tuy không phạt roi nhưng Hoàng thái hậu căn dặn nhà vua phải ban thưởng cho quan quân cực khổ đi hầu ngự, rồi sáng hôm sau hãy vào hầu lạy. Lúc đó, vua Tự Đức mới đứng dậy, lạy tạ lui về.

Bà từng răn dạy vua Tự Đức: “Biết lỗi với ta chỉ là phụ, biết lỗi với dân mới là chính”. Nghe lời dạy bảo của bà, Tự Đức không chỉ là vị vua hiếu thảo mà còn là một vị vua anh minh. Trong hàng ngàn những câu chuyện về đạo hiếu trên đất Việt xưa, câu chuyện trên đã phần nào làm tăng thêm lòng tự hào của những người con đất Việt.