Thứ Sáu, 25 tháng 9, 2020

Sức tưởng tượng của đám đông

 

SỨC TƯỞNG TƯỢNG CỦA ĐÁM ĐÔNG

 

Giống như ở tất cả những ai không biết suy nghĩ một cách logic, sức tưởng tượng đặc biệt của đám đông dễ dàng tạo nên sự xúc động cực kỳ sâu sắc. Những hình ảnh hiện lên trong trí óc họ bởi một người nào đó, bởi một sự kiện, bởi một tai nạn xảy ra đều sống động gần như là hiện thực. Đám đông gần như ở trong trạng thái của một người đang ngủ, khả năng suy xét trong phút chốc bi gạt sang một bên, nhường chỗ cho những hình ảnh cực kỳ mạnh mẽ hiện lên trong đầu và sau đó chúng cũng sẽ biến đi rất nhanh một khi sự suy xét có ý định xen trở lại. Đám đông, không có khả năng xem xét và suy nghĩ một cách lô gic, với họ chẳng có gì là không có thể. Ngược lại những cái không có thể nhất thường lại hay lộ ra rõ nhất.

 

Chính vì thế đám đông thường bị những mặt diệu kỳ và huyền thoại của các sự kiện tác động mạnh mẽ nhất. Sự diệu kỳ và huyền thoại quả đúng là những trụ cột của một nền văn hóa. Cái ảo trong lịch sử luôn có vai trò quan trọng hơn là cái thực. Cái không thực luôn có quyền đứng trước cái thực.

Đám đông chỉ có thể suy nghĩ qua hình ảnh và chỉ để các hình ảnh tác động vào mình. Chỉ có những hình ảnh mới làm cho họ khiếp sợ hoặc say đắm và chúng là nguyên nhân của những hành động của họ.
Quyền lực của kẻ chiến thắng và sức mạnh của nhà nước được xây dựng trên trí tưởng tượng của người dân. Nếu ta gây được ấn tượng trong trí tưởng tượng đó, ta có thể lôi kéo cả đám đông đi theo. Tất cả những sự kiện có ý nghĩa trong lịch sử, sự ra đời của đạo Phật, của đạo Thiên chúa, đạo Hồi, các cuộc cải cách, các cuộc cách mạng trong thời đại của chúng ta đều là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của những ấn tượng mạnh vào trí tưởng tượng của đám đông.

Cũng thế, những nguyên thủ quốc gia trong mọi thời đại ở tất cả các nước, là những người chiếm đựợc quyền thống trị tuyệt đối, đều coi trí tưởng tượng của dân chúng là các cột trụ của quyền lực. Không bao giờ họ có ý định cai trị ngược với những trí tưởng tượng đó. “Tôi đã kết thúc cuộc chiến tại Vendeé, bởi vì tôi đã trở thành người công giáo”, Napoleon đã nói như vậy trước hội đồng quốc gia, “tôi chiếm giữ được Ai cập, bởi vì tôi đã trở thành người theo đạo Hồi, và tôi đã chiến thắng những thầy tu người Ý bởi vì tôi ủng hộ sự toàn quyền của giáo hoàng. Khi tôi cai trị người Do thái tôi sẽ cho xây lại đền thờ vua Salomon.” Từ thời Alexander và Cäsar có lẽ chưa có một con người vĩ đại nào lại biết cách gây ấn tượng vào tâm hồn đám đông như Napoleon; mối quan tâm thường xuyên của Napoleon là sự tác động vào tâm hồn đám đông. Ông ta mơ đến nó trong chiến thắng, trong lời nói, trong hành động, và trong tất cả các công việc – ngay cả khi nằm chờ chết ông ta vẫn còn mơ đến điều đó.

Làm thế nào để có tạo nên ấn tượng trong trí tưởng tượng của đám đông? Chúng ta sẽ thấy điều này ngay bây giờ. Trong khi chờ đợi chỉ có thể nói rằng, mục đích này sẽ không bao giờ đạt đến đựơc bằng cách thử tác động vào suy nghĩ và lý trí. Antonius không cần đến những sự hùng biện trừu tượng để kích động nhân dân chống lại những kẻ đã sát hại Cäsar. Ông ta chỉ đọc cho họ nghe di chúc và cho họ xem thi hài của Cäsar.

Tất cả những gì làm kích động trí tưởng tượng của đám đông đều thể hiện ở dạng một hình ảnh cô đọng, rõ nét, không cần có một phương tiện giải thích nào đi kèm và chỉ được một vài sự kiện tuyệt vời hỗ trợ như: một thắng lợi lớn, một điều kỳ lạ lớn, môt tội ác lớn, một niềm hy vọng lớn.

Chúng làm cho sự vật được tiếp nhận một cách chớp nhoáng và không mảy may cần biết đến nó đã như thế nào. Vậy có thể nói, không phải tự bản thân các sự kiện đã kích thích trí tưởng tượng của dân chúng, mà là hình thức và cung cách của chúng đã xảy ra như thế nào. Chúng phải qua dồn nén – nếu tôi được phép nói như vậy – thành một hình ảnh cô đọng thỏa mãn và nắm bắt được tâm trí. Nghệ thuật kích thích sức tưởng tượng của đám đông cũng chính là nghệ thuật để lãnh đạo họ.

Gustave Le Bon

 

 

Bệnh thành tích giáo dục, những con số giật mình

Bệnh thành tích giáo dục, những con số giật mình

Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thực hiện năm 2017 đưa ra những con số đáng suy ngẫm về bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay.

Nhóm nghiên cứu đã tổ chức 140 cuộc tọa đàm với 710 đối tượng là học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý, cán bộ sở, phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương, cán bộ cộng đồng, các chuyên gia trong và ngoài ngành giáo dục ở 4 tỉnh thành phổ được khảo sát là Hà Nội, TPHCM, Hưng Yên và Nghệ An.

 

Bệnh thành tích biểu hiện ở mọi đối tượng

* Đối với học sinh, bệnh thành tích được biểu hiện ở khía cạnh học sinh gian dối trong học tập cốt để có thành tích cao (73% học sinh, sinh viên, cha mẹ học sinh và giáo viên được hỏi khẳng định có biểu hiện này ở học sinh), học sinh nhờ can thiệp làm đẹp học bạ, hồ sơ để được khen thưởng hoặc được lên lớp (hơn 48% ý kiến đồng ý với ý kiến này).

Đặc biệt, kết quả phỏng vấn học sinh, sinh viên cho thấy các em quá chú trọng các kỳ thi để lấy điểm số cao mà không chú tâm tới kiến thức mình thu nạp được. Vì vậy, nhiều học sinh không có những hiểu biết xã hội, thiếu kỹ năng sống, còn sinh viên ra trường thiếu kiến thức thực tế, không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.

 

* Đối với giáo viên, gần 38% đối tượng được khảo sát cho rằng giáo viên thiếu trung thực trong đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp mình dạy/chủ nhiệm để được nhà trường công nhận danh hiệu thi đua. Gần 65% các chuyên gia đánh giá biểu hiện này ở giáo viên là tương đối phổ biến và phổ biến. 27% người được khảo sát cho rằng giáo viên thiếu trung thực trong báo cáo kết quả công tác của mình để được nhận danh hiệu thi đua cao hơn thực tế.

Tuy nhiên, 40% giáo viên, giảng viên né tránh không trả lời hai câu hỏi này. Trong đó, giáo viên THCS “né” không trả lời là 66,7%, THPT 47,9% và tiểu học 38,4%.

 

* Đối với cấp lãnh đạo, 50% các chuyên gia, cán bộ quản lý, giáo viên cho rằng có 4 biểu hiện của bệnh thành tích:

Lãnh đạo nhà trường chỉ đạo xếp loại học lực, hạnh kiểm học sinh vào cuối kỳ, cuối năm cao hơn thực tế để nhà trường đạt các chỉ tiêu thi đua.

Lãnh đạo nhà trường báo cáo thiếu trung thực với cấp trên và cha mẹ học sinh.

Lãnh đạo nhà trường dung túng, tạo điều kiện cho cấp dưới thổi phồng, ngụy tạo thành tích, che giấu những hạn chế yếu kém để nhà trường đạt danh hiệu thi đua.

Lãnh đạo nhà trường mua chuộc cấp trên và những người có chức, quyền để lấp liếm những yếu kém, hạn chế của cá nhân cũng như của nhà trường để nhà trường đạt danh hiệu thi đua.

 

* Đối với cha mẹ học sinh, 43,1% đánh giá họ xin điểm, chạy chứng chỉ, giấy khen giải thưởng cho con mình để có hồ sơ học tập đẹp để có thành tích cao hơn thực lực là phổ biến và tương đối phổ biến. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, chính quyền địa phương cũng góp phần tạo ra bệnh thành tích trong giáo dục.

46,2% đối tượng khảo sát cho rằng chính quyền địa phương gây áp lực cho ngành giáo dục bằng mọi cách đạt chỉ tiêu thi đua do địa phương đặt ra. 52,4% các đối tượng được khảo sát cho rằng cơ quan quản lý giáo dục các cấp báo cáo nâng cao thành tích so với thực tế và 59,2% cho rằng cơ quan quản lý còn có biểu hiện dung túng, làm ngơ sự gian dối của cấp dưới vì thành tích của ngành là biểu hiện của bệnh thành tích.

 

Xem tiếp --> Theo https://zingnews.vn/benh-thanh-tich-giao-duc-nhung-con-so-giat-minh-post911187.html

Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

Kinh tế học hành vi, một ngành kết hợp giữa kinh tế và tâm lý học.

Kinh tế học hành vi, một ngành kết hợp giữa kinh tế và tâm lý học.

Giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2017 được trao cho TS. Richard Thaler thuộc ĐH Chicago vì những công trình của ông trong ngành kinh tế học hành vi, một ngành kết hợp giữa kinh tế và tâm lý học.

Dù giải thưởng dành cho ông không hoàn toàn bất ngờ, ông đã sớm có tên trong danh sách đề cử, nó vẫn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp hành vi thực tế của con người vào tư duy kinh tế. Nó đánh dấu lần thứ hai một nhà tiên phong trong lĩnh vực kinh tế hành vi, một lĩnh vực đang bùng nổ – dù vài thập kỷ trước còn chưa tồn tại – dành được giải Nobel, người đầu tiên là nhà tâm lý học Daniel Kahneman vào năm 2002.

Vậy Thaler là ai và tại sao những công trình của ông lại quan trọng?

Richard Thaler sinh năm 1945 tại East Orange, New Jersey. Ông theo học tại trường Case Western và ĐH Rochester, nơi ông nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế năm 1974.

Thaler có thể được biết đến nhiều nhất qua cuốn sách nổi tiếng “Nudge,” mà ông cùng viết với GS luật Harvard Cass Sunstein. “Nudge” được xem đã truyền cảm hứng cho cựu thủ tướng Anh David Cameeron trong việc thành lập Nhóm Nội quan Hành vi (Behavioral Insights Team), một nhóm chuyên trách ứng dụng các nguyên lý tâm lý để làm tăng tính hiệu quả của các dịch vụ công.

Cụ thể hơn, VIện hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thuỵ Điển chọn Thaler vì đóng góp của ông trong ba lĩnh vực: “lý trí hữu hạn” (limited rationality), “cảm xúc xã hội” (social preferences) và “thiếu khả năng tự kiểm soát (lack of self-control).

Những giới hạn trong lý lẽ

Thaler chỉ ra rằng vì con người thường không thể giải quyết nhiều vấn đề kinh tế trong cuộc sống, chúng ta thường sử dụng các nguyên tắc chung đơn giản. Tuy nhiên, những nguyên tắc tối giản đó có thể dẫn đến những lựa chọn kì lạ và đôi khi lại tiêu cực.

KẾ TOÁN TINH THẦN (mental accounting) là một hiện tượng có các lựa chọn kì lạ mà Thaler là người đầu tiên nhận diện. Do các vấn đề tài chính trong cuộc sống chúng ta quá phức tạp, chúng ta thường tự mình phân tiền bạc vào các khoản khác nhau trong tâm trí và chỉ tiêu những khoản tiền có trong từng khoản.

Ví dụ,Thaler mô tả một cặp vợ chồng mới nhận được 300 đô tiền mặt đền bù thiệt hại do hãng hàng không làm thất lạc hành lý của họ. Hai người liền lấy 300 đô đó và chi cho một bữa tối sang trọng. Họ vung tay cho bữa tối chỉ vì trong suy nghĩ, họ xem 300 đô đó là một khoản tiền có được do may mắn. Tuy nhiên, nếu tiền lương cả năm của họ được tăng tổng cộng 300 đô, khả năng cao họ sẽ không chi tiêu nó cho việc ăn uống mà thay vào đó trong tinh thần, sẽ phân khoản tiền trên vào chi tiêu cho việc thuê nhà và các khoản hoá đơn khác.

CẢM XÚC VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

Thaler, cùng với đồng tác giả Kahneman và nhà kinh tế học người Canada Jack Knetsch, vào năm 1986 đã chứng minh khách hàng không đồng tình với việc các công ty cố gắng tối đa hoá lợi nhuận trong mọi hoàn cảnh. Ví dụ, khi có bão tuyết, mọi người thường không đồng ý với việc các cửa hàng sẽ tăng giá xẻng xúc tuyết, ngay cả khi nhu cầu theo tự nhiên thường sẽ tăng khi có tuyết rơi dày.

Thaler cùng các tác giả đã cho thấy khách hàng thường sẽ ‘trừng phạt’ các doanh nghiệp nếu họ tăng giá. Đây là một kết quả bất ngờ do nó cho thấy các doanh nghiệp cố gắng tối đa hoá lợi nhuận ngắn hạn, như nhiều nơi vẫn hay làm, sẽ phải chịu những thiệt hại lâu dài nếu khách hàng cho rằng họ đang hành xử một cách thiếu công bằng.

Đóng góp này vẫn còn hữu dụng đến tận ngày nay khi nó giúp nắm bắt phản ứng của khách hàng khi các công ty thuốc muốn đẩy giá thuốc được cho phép kê đơn cao hơn và với các doanh nghiệp muốn lợi dụng tăng giá sau các trận bão. Thaler chỉ ra rằng cảm xúc, như cảm giác về tính công bằng, đóng vai trò rất quan trọng tuy nhiên hay bị bỏ qua trong lĩnh vực kinh tế.

TRẢ TIỀN ĐỂ TỰ KIỂM SOÁT

Lĩnh vực thứ ba được Viện hàn lâm Thuỵ Điển công nhận là đóng góp của Thaler và nhà kinh tế Hersh Shefrin trong ý tưởng về khả năng tự kiểm soát.

Các nhà kinh tế nhận thấy chúng ta hay chi tiền cho việc tránh đưa ra các lựa chọn tồi tệ hay để tránh vướng vào các kiểu hành vi tiêu cực. Ví dụ, Thaler và Shefrin viết, nhiều người “trả tiền để đến các ‘các khu nghỉ dưỡng dành cho người thừa cân’, các khu nghỉ dưỡng cam kết không phục vụ đồ ăn cho khách hàng”

Chúng ta không chỉ trả tiền để tự kiểm soát mà còn tạo ra những quy định cá nhân nhằm đảm bảo bản thân không đi quá các giới hạn do chính mình đặt ra. Ví dụ, những người hút thuốc thường sẽ mua thuốc lá theo gói thay vì theo cây. Điều này đảm bảo việc hút ít hơn mỗi ngày dù họ phải trả nhiều tiền hơn vị chi trên mỗi điếu thuốc.

Đóng góp của Thaler trong việc tự kiểm soát ngày càng trở nên quan trọng khi internet và dịch vụ giao hàng tức thì ngày càng tạo ra nhiều cách tiếp cận dễ dàng và không phải chờ đợi với các loại sản phẩm ‘cám dỗ’ khác nhau. Việc hiểu cách con người vận hành sẽ đem đến các chính sách công tốt hơn giúp đạt đến cùng một mục tiêu mà không phải tiêu tốn tiền của mọi người.

Link nguồn: https://theconversation.com/economist-who-helped-behavioral-nudges-go-mainstream-wins-nobel-85430