Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

Khoa học về nụ cười

 

Khoa học về nụ cười

 

* Thật, giả nụ cười


Các cơ khác cũng có thể tạo nụ cười, nhưng chỉ có sự phối hợp đặc biệt của cơ gò má và cơ quanh mi mắt mới tạo nên biểu hiện chân thật của cảm xúc vui vẻ. Các nhà tâm lý học gọi đây là "nụ cười Duchenne", theo tên của nhà giải phẫu học người Pháp ở thế kỷ 19 - Guillaume Duchenne, người đầu tiên “giải phẫu” nụ cười qua “đôi môi, khóe mắt”. Trong cuốn sách Mecanisme de la Physionomie Humaine xuất bản năm 1862, Duchenne viết rằng, người ta có thể chủ ý vận động cơ gò má, nhưng chỉ có "cảm xúc ngọt ngào của tâm hồn" mới buộc được cơ quanh mi mắt tham gia. "Tính ì của nó trong việc cười vạch mặt sự giả tạo", Duchenne viết.


Trong nhiều thập kỷ, nghiên cứu của Duchenne bị quên lãng. Mãi đến thập niên 1970, sử dụng hệ thống mã hóa nét mặt được gọi là FACS (Facial Action Coding System), hai nhà tâm lý học Paul Ekman và Wallace Friesen ở Đại học California tại San Francisco xác định chính xác các cơ chi phối 3.000 nét mặt, tái khẳng định sự phân biệt của Duchenne giữa nụ cười thật lòng và các loại nụ cười khác.


Thật ra, não chúng ta phân biệt dễ dàng nụ cười nào là thật lòng, nụ cười nào là “xã giao”, nhờ đối chiếu hình dạng khuôn mặt với “nụ cười chuẩn”, cân nhắc tình huống và lường trước nụ cười. Khi cười đáp lại, não sẽ kích hoạt các vùng thần kinh giống như người cười và chúng ta có thể nhận diện thật, giả.

* Hình chiếu xã hội


Không có gì lạ khi trẻ sơ sinh cũng có thể “diễn cảm”, nở nụ cười “xã giao” với người lạ và dành nụ cười Duchenne thật lòng với mẹ của mình.


Khi trẻ trưởng thành, khuynh hướng cười khác đi theo giới tính. Hai giới đều có khả năng nở nụ cười Duchenne ngang nhau, nhưng nam giới nói họ cười ít hơn phụ nữ và cả hai giới đều nghĩ đó là do giới tính. Các nhà khoa học hành vi cũng tin thế (rằng nữ cười nhiều hơn so với nam). Nói chung điều đó có vẻ đúng.


Sự hiện diện của những người xung quanh cũng ảnh hưởng đến nụ cười của chúng ta. Tất nhiên mọi người cũng thường cười một mình, nhưng nhiều người tin rằng, bối cảnh xã hội tác động đôi môi của chúng ta mạnh hơn. Ngay cả ở cùng mức độ hạnh phúc, người ta cũng mỉm cười nhiều hơn khi tưởng tượng có những người khác xung quanh hơn khi ở một mình.

 

* Đời khác đi khi ta cười


Vào thế kỷ 19, nhà tâm lý học người Mỹ William James cho rằng nét mặt của chúng ta và những thay đổi khác của cơ thể không phải là hệ quả của cảm xúc tình cảm mà là nguyên nhân. Một điều gì đó tích cực xảy ra, bạn mỉm cười, và điều này – chính hành vi cười chứ không phải là sự kiện - làm cho bạn cảm thấy vui. Khoa học hiện đại đã phần nào ủng hộ luận thuyết này - có bằng chứng cho thấy việc mỉm cười có thể cải thiện tâm trạng của bạn.

 

Hãy tưởng tượng đến một buổi tiệc với tâm trạng lo lắng và khuôn mặt nhăn nhó, và điều đó ảnh hưởng tiêu cực như thế nào đến cảm xúc của bạn khi gặp gỡ những người khách khác. Ngược lại, đến dự tiệc với một nụ cười và bạn có khả năng nhìn thấy nét mặt của người khác thông qua lăng kính tích cực. Nếu bạn có thể làm cho những người khách khác ở bữa tiệc mỉm cười, bạn thực sự có thể thay đổi cách họ nhìn thế giới.

STINFO số 10/2015

Hạnh phúc tròn, hạnh phúc khập khiểng trong hôn nhân

 

Hạnh phúc tròn, hạnh phúc khập khiểng trong hôn nhân

 

Ngày nay, niềm tin vào một hạnh phúc TRÒN không còn tồn tại. Có những thứ gọi là hạnh phúc nhưng vẫn có phần méo mó, và ở những điểm méo đó, họ chấp nhận và cảm thấy thoải mái. Bấy giờ, họ sẽ đặt ra quy luật riêng.

 

Lấy ví dụ về một mối quan hệ tình yêu mở (open relationship), hai vợ chồng sẽ có quy tắc riêng là có thể quan hệ với những người thứ ba nhưng không được nảy sinh tình cảm. Họ cho rằng, làm như vậy là để mang lại cảm xúc mới lạ và hâm nóng tình cảm. Thế nhưng, hạnh phúc mà đấng tạo hóa ban tặng cho loài người luôn phải TRÒN. Trong cảm giác yêu phải bao gồm cảm giác an toàn. Nghĩa là khi ở bên người đó, mình không còn cảm giác lo lắng, sợ sệt. Một khi đã đặt ra quy luật hay bất cứ điều kiện gì, có nghĩa là một trong hai người đang lo sợ người kia sẽ vượt qua ranh giới và phá vỡ vỏ bọc hạnh phúc.

Nói cho dễ hiểu hơn, mối quan hệ KHÔNG TRÒN đó sẽ có nhiều sự thiệt thòi. Họ cho rằng nếu cả hai chịu thiệt thòi vì nhau và xem nó là công bằng, họ sẽ đạt được hạnh phúc. Tuy nhiên, dưới góc nhìn khoa học, đó chính là một dạng hạnh phúc “khập khiễng”.

Có thể nói tỷ lệ ly hôn ngày nay cao hơn ngày trước rất nhiều, nhưng điều đó không có nghĩa là ngày nay chúng ta ít hạnh phúc hơn ngày trước. Trước đây một cặp vợ chồng nhiều mâu thuẫn vẫn sống chung và chịu đựng, cũng bởi do định kiến xã hội. Ngày nay, phụ nữ có sự nghiệp, có chính kiến… đương nhiên quyết định chia tay là khó khăn nhưng động lực thúc đẩy họ chấm dứt mối quan hệ mạnh hơn rất nhiều. Đó là vì rào cản xã hội bây giờ ít hơn ngày xưa. Sự thật là chúng ta không có nhiều kiến thức về tình cảm và không áp dụng được vào cuộc sống.

Theo nghiên cứu ở Hoa Kỳ, tỷ lệ ly hôn là 53%. Trong số 53% cặp ly dị này sẽ có một số tái hôn. Trong số hôn nhân lần hai này sẽ có 66% tiếp tục ly dị, có nghĩa là trong 3 người tái hôn sẽ có 1 người ly dị. Tiếp tục, nếu như họ ly hôn lần hai và tiến tới hôn nhân lần 3, tỷ lệ ly hôn là 75%, tức là trong 4 người tái hôn lần 3, sẽ có 3 người ly dị. Một tỷ lệ khủng khiếp, điều đó chứng minh, người tưởng chừng đã từng sai, có kinh nghiệm sẽ khôn hơn, làm đúng hơn nhưng trên thực tế, sau mỗi lần ly hôn, họ đúc kết ra được một định kiến khác mà họ cho là đúng. Họ đã “khập khiễng” rồi, lại bê luôn cái “khập khiễng” đó vào cuộc hôn nhân sau, nên đã sai lại càng sai tiếp. Bởi vậy, nếu bạn không có kiến thức về hôn nhân thì nên học, nếu có khập khiễng hay tổn thương thì nên chữa lành, để những vết sẹo mới không chồng lên những vết sẹo cũ.

Nhưng làm sao để chữa lành?

Để hàn gắn vết thương tinh thần cần có cả một bộ môn khoa học về chữa lành, về triết lý sống. Chúng ta cần hiểu về cái tâm không phán xét, biết mình là ai, biết tha lỗi cho mình, tha lỗi cho người. Đến lúc đó, chúng ta mới trở thành một người lành lặn cả bên ngoài lẫn bên trong. Khi không được trang bị kiến thức về tình yêu, tình cảm, chúng ta sống cùng những tổn thương và mang theo suốt cuộc đời. Bản chất của hôn nhân không hề có sự hiện diện của đau khổ, có con đường dù rất hẹp nhưng nếu đi đúng đường, chúng ta vẫn có được hạnh phúc thật sự. Và số người hạnh phúc thật sự theo tôi không đến 5%.

Nhưng thực tế, quan niệm về hạnh phúc khác nhau bởi mỗi người có một con đường khác nhau.

Họ có thể có con đường đi khác nhau nhưng cảm giác hạnh phúc là cảm giác hạnh phúc. Ở đây là hạnh phúc đôi lứa, nó chỉ có một. Chúng ta quay về khái niệm hạnh phúc tròn. Tất nhiên, bạn có khái niệm về hạnh phúc riêng, nhưng chỉ khi bạn khái niệm nó với một cái tâm không phán xét. Bởi khi bạn áp đặt thước đo của mình lên hạnh phúc của người khác, bạn sẽ không thể trải nghiệm được cảm giác hạnh phúc thực sự là gì. Chúng ta cần trước tiên giải phóng bản thân ra khỏi những định kiến hay những áp đặt do xã hội, gia đình và chính mình đặt ra. Chỉ khi đó, bạn mới nhận ra hạnh phúc thực sự thật ra rất đơn giản chứ không phức tạp như chúng ta vẫn nghĩ.

Thạc sĩ Tuấn Lê

Những thứ mà tiền không thể mua được: Giới hạn đạo đức của thị trường

 

Michael J. Sandel* : Giới hạn đạo đức của thị trường

Ngày nay, tiền gần như mua được tất cả mọi thứ. Những việc mua bán này có gì sai trái không? Để trả lời cho những câu hỏi như thế, chúng ta phải đặt ra câu hỏi lớn hơn: Tiền bạc và thị trường đóng vai trò gì trong một xã hội tốt đẹp?

 

Nếu ta bị phạt tù ở Santa Barbara, bang California, nhưng lại không thích điều kiện chuẩn của nhà tù thì ta có thể mua gói nâng cấp buồng giam của mình với giá 90 USD/đêm.
Nếu ta muốn ngăn chặn cái thực trạng bi kịch rằng mỗi năm có hàng ngàn đứa trẻ do các bà mẹ nghiện hút sinh ra thì ta có thể đóng góp vào một quỹ từ thiện dùng cơ chế thị trường để cải thiện vấn đề: đó là tặng 300 USD cho bất kỳ phụ nữ nghiện hút nào tình nguyện đi triệt sản.

Hay nếu ta muốn dự một phiên điều trần của Quốc hội Hoa Kỳ nhưng lại ngại xếp hàng mấy giờ đồng hồ, ta có thể sử dụng dịch vụ của công ty xếp hàng thuê. Công ty này sẽ thuê những người vô gia cư hay những người cần việc làm để đứng chờ, ngay cả qua đêm nếu cần. Ngay trước khi phiên điều trần diễn ra, khách hàng chỉ việc xuất hiện và lấy chỗ của người đã đứng xếp hàng thay trước đó rồi ngồi vào ghế hàng đầu.

Một số người cho là không; mọi người nên được quyền tự do mua bất cứ thứ gì thiên hạ bán. Một số người khác lại cho rằng có những thứ không nên đem ra đổi chác bằng tiền. Nhưng tại sao lại như vậy? Cụ thể là bán gói nâng cấp phòng giam cho những người có tiền, hay thưởng tiền để triệt sản, hay thuê người xếp hàng thay thì sai ở chỗ nào?

Việc đặt ra và tranh luận câu hỏi như thế này trên các diễn đàn chính trị có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta đã chứng kiến một cuộc cách mạng thầm lặng diễn ra trong suốt ba thập kỷ qua. Thị trường và tư duy thị trường đã vươn tới mọi khía cạnh đời sống mà trước kia do các giá trị phi thị trường quyết định như: đời sống gia đình, quan hệ cá nhân, y tế và giáo dục, bảo vệ môi trường và công lý, an ninh quốc gia và đời sống dân sự.

Chúng ta đã trôi dạt từ chỗ có kinh tế thị trường (market economy) đến chỗ trở thành xã hội thị trường (market society) mà gần như không hề hay biết. Sự khác biệt nằm ở chỗ: kinh tế thị trường là công cụ – một công cụ rất giá trị và hiệu quả – trong tổ chức hoạt động sản xuất; còn xã hội thị trường thì ngược lại là một xã hội mà cái gì cũng đem ra bán được. Xã hội thị trường là một lối sống mà giá trị thị trường len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội và thống trị mọi mặt của đời sống.