Thứ Năm, 9 tháng 7, 2020

Lưu Đình Thức giữ trọn hôn ước, cưới cô gái mù làm vợ




Lưu Đình Thức vẫn giữ trọn hôn ước, cưới cô gái mù làm vợ. Người hiện đại ngày nay khi nghe câu chuyện này, thường cho rằng ông thật ngốc. Tuy nhiên, ai mới thực sự là ngốc đây?

Vào thời Bắc Tống có một vị nho sinh, tên gọi là Lưu Đình Thức, tự là Đức Chi, là người Tề Châu (nay thuộc Sơn Đông). Lưu Đình Thức xuất thân từ một gia đình nông dân, bên cạnh nhà là một gia đình bần hàn, trong nhà có một cô con gái có đính ước với ông, hôn ước đã định rất nhiều năm.

Về sau, Lưu Đình Thức đỗ tiến sỹ, làm quan, có danh có tiếng và tiền đồ sáng lạn. Thế nhưng người con gái ấy lại mắc bệnh nặng một thời gian dài và bị mù cả hai mắt. Gia đình cô gái là người làm nông, gia cảnh bần hàn, vì thế cũng không dám nhắc lại chuyện hôn nhân với nhà họ Lưu nữa.

Trong số các vị bằng hữu, có người khuyên Lưu Đình Thức: “Người con gái kia đã bị mù cả 2 mắt, ông nên vì tiền đồ của bản thân và tương lai của gia đình mà chọn người khác để kết hôn”.

Nhưng Lưu Đình Thức trả lời rằng: “Ta năm đó cùng cô ấy đính ước, đã hứa trao tấm lòng mình cho cô ấy rồi. Giờ đây nàng mắt đã bị mù, nhưng cái tâm của nàng vẫn còn nguyên tốt đẹp. Ta nếu làm trái tâm nguyện xưa, thì tâm ta đã điên đảo trở nên xấu xa rồi. Mỗi người sớm muộn đều sẽ về già, lúc vợ đã già nhan sắc héo tàn chúng ta cũng không thể thay thế một cô gái trẻ đẹp đúng chăng? Con người phải giữ được lòng thành tín, bản thân không thể thay lòng”.

Bởi vậy hai người họ kết hôn. Sau khi thành hôn, Lưu Đình Thức hết lòng chăm lo cho người vợ mù, hai vợ chồng chung sống hòa thuận qua ngày, rất mực thương yêu nhau, trước sau nuôi dạy được mấy đứa con.

Lúc ấy Tô Đông Pha đang là quan Thứ sử ở đó. Tô Đông Pha rất ngưỡng mộ và kính trọng nhân phẩm của ông. Tô Đông Pha biết chuyện ấy, đối với việc làm của Lưu Đình Thức rất cảm động nói: “Lưu Đình Thức thật sự là một người có tình cảm đằm thắm cao thượng!”.

Có thể người thời hiện đại ngày nay sẽ cảm thấy Lưu Đình Thức thật là ngốc, không hiểu vì sao ông ấy lại lựa chọn như vậy? Kỳ thực, nhận thức về hôn nhân của người xưa so với người hiện đại là không giống nhau.

Nho gia cho rằng đạo lý vợ chồng là khởi đầu của đối nhân xử thế, đạo lý vợ chồng càng có thể nói là gốc rễ của nhân luân. “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ” – Đạo người quân tử khởi đầu từ vợ chồng. Người xưa cho rằng, hôn nhân gia đình là nền tảng của quốc gia. Nền tảng này vững chắc thì quốc gia và xã hội mới có thể ổn định, phồn vinh, hưng thịnh.

Tình trạng hôn nhân tùy tiện của người hiện đại ngày nay so với văn hóa truyền thống là khác biệt vô cùng. Văn hóa truyền thống cho rằng, hôn nhân không chỉ là tình cảm trong cuộc sống, mà còn là một loại trách nhiệm và sự tin cậy, ân nghĩa và đạo nghĩa hơn cả tình yêu.

Trong Kinh Thi có một câu thơ nổi tiếng rằng: “Chấp tử chi thủ, dữ tử giai lão”. Ý muốn nói rằng: Ta nắm tay nàng, Hẹn ước sẽ sống chung với nhau đến tuổi già. Hiện nay có không ít người trẻ tuổi rất thích trích dẫn lời thơ này, đặc biệt trong ngày hôn lễ còn có ước nguyện tốt đẹp như vậy.

Kỳ thực, câu thơ trước đó là “Tử sinh khiết thoát, dữ tử thành thuyết”. Ý rằng, chết sống hay xa cách, đã cùng nàng thành lời thề ước. Như vậy, hôn ước là có sức nặng lớn nhường nào! Đó là cả đời phó thác, cả đời hứa hẹn, cả đời trách nhiệm. Cho nên người xưa coi hôn nhân như đại sự chung thân, cần lạy trời đất, cần thiên địa làm chứng cho lời hứa của mình.

Ở xã hội Tây phương, người ta cũng coi hôn ước có sức nặng giống như vậy. Họ làm hôn lễ trong nhà thờ, thề trước Chúa: Vâng theo sự sắp đặt của Chúa, vô luận ở hoàn cảnh nào, đều phải yêu thương lẫn nhau, tận tâm với nhau, không rời không bỏ. Họ coi hôn nhân thật sự rất thần thánh, rất trang nghiêm.

Người hiện đại ngày nay trong hôn nhân chỉ là coi trọng cảm xúc cá nhân, “giải phóng tình dục”, “chủ nghĩa túng dục”…, quan chức còn nuôi tình nhân, hối lộ nhau tình ái, đầy rẫy khắp nơi. Trong xã hội, mọi người dần dần coi nhẹ trách nhiệm trong hôn nhân.

Tuy nhiên, làm một người bội tín thì đối phương cũng sẽ không giữ lời hứa với bạn; làm một người chỉ coi cảm xúc của mình đặt làm lợi ích hàng đầu, thì đối phương cũng sẽ chẳng đoái hoài đến cảm thụ của bạn.

Lưu Đình Thức cưới cô gái mù làm vợ, hết lòng giữ lời hẹn hôn ước, giữ trọn “hảo tâm” từ hai phía. Tấm lòng tốt đẹp này sẽ không phai nhạt theo năm tháng, mà chỉ có thể ngày càng dung hòa, càng ngày càng tâm đầu ý hợp. Hạnh phúc của họ không cần nói cũng biết, như vậy hai người họ chẳng phải là người thông minh nhất hay sao?

Lisa

Thứ Tư, 8 tháng 7, 2020

Huyền thoại y học Nhật Bản và 5 bí quyết sống thọ


 
Cụ Shigeaki Hinohara đã sống đến 105 tuổi. Vài tháng trước khi mất, cụ vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, luôn tràn đầy năng lượng và làm việc 18 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần. (Ảnh qua HotNew.vn)
 
Tiến sĩ quá cố Shigeaki Hinohara là một trong những bác sĩ hành nghề lâu năm nhất thế giới và được tôn vinh là huyền thoại y học của nước Nhật. Cả đời cụ đã nghiên cứu và thực hành những bí quyết trường thọ, đồng thời giúp xứ sở Phù Tang trở thành quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới. 

 
Cụ Shigeaki Hinohara cắt bánh chào đón sinh nhật lần thứ 105. (Ảnh qua Lifter)  
 
Cụ đã sống đến 105 tuổi. Vài tháng trước khi mất, cụ vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, luôn tràn đầy năng lượng và làm việc 18 tiếng/ngày và 7 ngày/tuần. Sau tuổi 75, mỗi năm, cụ vẫn có thể thực hiện hơn 100 buổi diễn thuyết, số lần xuất ngoại nhiều không đếm xuể.
“Cụ Hinohara tin rằng sống là để cống hiến. Với động lực phi thường, cụ luôn dậy sớm mỗi ngày và giúp đỡ người khác. Đó chính là mục tiêu giúp cụ sống khỏe. Có lẽ cụ là một trong những bác sĩ, nhà giáo sống thọ nhất thế giới bởi đến vài tháng trước khi mất, cụ vẫn còn khám cho bệnh nhân.

Cụ Shigeaki Hinohara giơ cuốn sổ khám bệnh để dành chỗ trống cho lịch khám 5 năm tiếp theo. Có lẽ cụ là một trong những bác sĩ, nhà giáo sống thọ nhất thế giới bởi đến vài tháng trước khi mất, cụ vẫn còn khám cho bệnh nhân. (Ảnh: meddybear.net

5 bí quyết trường thọ “khác thường” của cụ Hinohara
Theo cụ Hinohara, điều then chốt giúp trường thọ chính là có những suy nghĩ khỏe mạnh, đó là : Có nhiều hy vọng sống, tự điều chỉnh hành động để thực hiện các việc vừa với sức khỏe của mình, biết kiềm chế và cung cấp cho cơ thể chế độ ăn “xanh” từ khi còn trẻ,… và đặc biệt còn bao gồm cả việc suy nghĩ đến cái chết. Điều này nghe có vẻ vô lý nhưng chính cố bác sĩ Shigeaki Hinohara đã giải thích trong quyển sách nhỏ “Bí quyết trường thọ của người Nhật” của mình rằng:
“Chúng ta đếm ngược từ cái chết không phải để sống nơm nớp lo sợ, mà là để luôn biết cảm ơn mỗi ngày mới mà chúng ta được sống”.

Ngoài ra, khi chia sẻ về bí quyết dưỡng sinh – trường thọ của mình, cụ Shigeaki Hinohara còn tặng thêm cho hậu thế 5 triết lý sống đơn giản nhưng vô cùng hiệu nghiệm.

1. Đừng lo lắng nhiều về việc ăn ngủ. Hãy cứ vui chơi đi!
“Chúng ta còn nhớ lúc nhỏ, chúng ta thường mê chơi đến nỗi quên ăn quên ngủ. Tôi cho rằng chúng ta cũng có thể giữ tâm thái đó khi trưởng thành. Tốt nhất là không nên ràng buộc bản thân vào giờ giấc ăn ngủ”.

2. Nếu muốn sống thọ thì đừng để thừa cân
“Đối với bữa sáng, tôi thường uống cà phê, một ly sữa và nước cam trộn với một muỗng dầu ô liu. Dầu ô liu rất tốt cho động mạch và giúp da săn chắc. Bữa trưa là sữa, ít bánh quy, nhiều khi bận quá tôi cũng không ăn gì. Tôi không bao giờ đói vì quá tập trung vào công việc. Bữa tối thì có cơm, rau, cá, cứ 2 lần một tuần tôi ăn 100 gram thịt nạc”.

3. Đừng mù quáng nghe lời bác sĩ
“Khi bác sĩ khuyên bạn làm xét nghiệm hoặc phẫu thuật, hãy hỏi xem vị bác sĩ ấy có bảo người thân đi phẫu thuật như vậy không. Tại sao phải phẫu thuật để chịu đựng những đau đớn không cần thiết? Tôi cho rằng âm nhạc và liệu pháp thú nuôi có thể giúp trị bệnh tốt hơn các bác sĩ vẫn tưởng”.

4. Đừng đánh giá thấp hiệu quả của việc vui chơi giải trí
“Đau đớn là điều bí ẩn còn giải trí là liều thuốc hay nhất để vượt qua cơn đau. Khi trẻ con đau răng, người ta cứ việc chơi với chúng là chúng quên đau ngay. Các bệnh viện phải thỏa mãn nhu cầu cơ bản của bệnh nhân: Ai cũng muốn vui chơi. Bệnh viện quốc tế St Luke tại Tokyo (nơi tôi từng lãnh đạo và làm việc) đã đề nghị dùng âm nhạc, liệu pháp thú nuôi và mở các lớp nghệ thuật để trị bệnh”.

5. Luôn đi cầu thang và tự mang túi xách
“Tôi bước mỗi lần hai bậc thang để vận động cơ bắp”.

Cụ Shigeaki Hinohara là người đã đề ra và tuân thủ các nguyên tắc này. Chính vì vậy, khi trả lời phỏng vấn của Life Times ở tuổi 105, cụ vẫn tự tin và hóm hỉnh: “Sao không mở đèn sáng hơn chút nữa, để ai cũng đều có thể nhìn rõ khuôn mặt trẻ trung của tôi?”.

“Khi có tuổi, trên mặt ta sẽ có thêm nhiều nếp hằn sâu nhưng ta vẫn muốn được sống đẹp. Nếu lúc nào ta cũng mỉm cười thì chắc chắn sẽ có ngày ta có những nếp nhăn in theo dấu nụ cười. Mỗi một độ già thêm, nội tâm sẽ thể hiện rõ hơn trên khuôn mặt. Hãy để những nép nhăn của nụ cười nhiều lên và làm tràn trề ‘khí’. Chính thứ ‘khí’ này làm cho con người khỏe mạnh, là nguồn mạch của sự sôi nổi”. – Tiến sĩ Shigeaki Hinohara

 
Bác sĩ Shigeaki Hinohara (trái) cùng đại diện Đại sứ quán Mỹ trồng cây tại Bệnh viện quốc tế St. Luke (Nhật). (Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Nhật)
 
Thanh Thanh biên dịch