Thứ Năm, 18 tháng 6, 2020

Trị bệnh bằng cách tìm lại những ký ức tiền kiếp

THÔI MIÊN HỒI QUY: Trị bệnh bằng cách tìm lại những ký ức tiền kiếp
.
Trong nhiều năm qua, người ta đã ghi nhận được nhiều câu chuyện liên quan đến khả năng thôi miên, từ việc thôi miên để điều khiển suy nghĩ người khác cho đến thôi miên hồi quy để đưa bệnh nhân về tiền kiếp nhằm chữa bệnh.
.
1. Thôi miên hồi quy – những hé lộ tâm linh có thể hàn gắn nỗi đau.
.
Cuốn sách đầu tiên viết về thôi miên xuất bản năm 1853 được viết bởi bác sĩ phẫu thuật người Scotland – James Braid (1795 –1860). Trong đó, James Braid định nghĩa thôi miên là “một trạng thái đặc biệt của hệ thống thần kinh, gây ra bởi chủ ý cố định và trừu tượng của ý thức và thị giác đối với một đối tượng và không phải là một trạng thái kích thích tự nhiên”.
Nhà ngoại cảm đang tiến hành một ca thôi miên hồi quy
 
Ảnh: Youtube) Thôi miên hồi quy
Hơn 40 năm trước, thôi miên hồi quy đã được sử dụng phổ biến bởi các học giả phương Tây để phục vụ nghiên cứu về luân hồi. Sau đó, liệu pháp tiền kiếp (past-life therapy) đã vận dụng khái niệm luân hồi vào trị liệu và bổ sung cho phương pháp thôi miên hồi quy. Khía cạnh đáng kinh ngạc nhất của liệu pháp tiền kiếp chính là các triệu chứng của bệnh nhân có thể biến mất một cách bí ẩn sau khi họ “thấy” được tiền kiếp của chính mình.
.
Trên thế giới có khá nhiều nhà ngoại cảm đã và đang sử dụng thôi miên hồi quy để chữa bệnh. Quá trình chữa bệnh của họ được ghi lại thành sách hoặc cũng được các nhà báo chứng kiến và thuật lại hết sức chân thực. Có thể kể ra đây một số nhà ngoại cảm nổi tiếng sử dụng phương pháp trị bệnh bằng thôi miên hồi quy trong thế giới hiện đại như Dolores Cannon, Carol Bowman, Sylvia Browne, Brian Weiss, Nicolas Aujula …
.
Sylvia Browne (1936 – 2013) được coi là một trong những nhà ngoại cảm nổi tiếng có khả năng thôi miên hồi quy của Mỹ. Khi còn sống, bà là khách mời khá thường xuyên của 2 chương trình truyền hình nổi tiếng của Mỹ là The Montel Williams Show và Larry King Live.
Sylvia Browne đã viết cuốn sách “Điều kỳ diệu của ký ức” kể lại những câu chuyện “quay về kiếp trước” được chọn lọc trong suốt 25 năm hành nghề của bà. Sau đây là một số câu truyện được kể trong cuốn sách.

Sylvia Browne trong một chương trình truyền hình ở Mỹ (ảnh: Getty Images)
 
* BS phẫu thuật não kể lại trải nghiệm 7 ngày não ngưng hoạt động
Nữ vận động viên Thế vận hội với chấn thương ở đầu và căn bệnh cấm khẩu
Talia là một nữ vận động điền kinh nhà nghề, bị chấn thương não trong trong lúc tập luyện cho một kỳ Thế vận hội Olympic mùa hè vào lúc cô 18-19 tuổi, khi hồi tỉnh thì cô bị cấm khẩu. Các bác sĩ đã tiến hành vô số xét nghiệm nhưng không tìm được nguyên nhân cấm khẩu của cô.
Các bác sĩ sau đó đã tìm đến Sylvia nhờ bà chữa cho cô. Hai người chỉ giao tiếp với nhau theo cách giao tiếp của người câm. Sylvia đưa Talia vào trạng thái thôi miên. Trong trạng thái thôi miên, Talia đã quan sát thấy nhiều kiếp sống của mình, 2 trong số các kiếp đó thật đáng sợ, cô òa khóc khi kể cho Sylvia nghe.
Trong một kiếp, Talia là một thiếu nữ sống ở nước Syria cổ đại, đang bỏ chạy vì khiếp sợ khi một trận động đất làm rung chuyển khu chợ nơi mẹ con cô đi mua sắm. Một cây cột đổ từ phía sau xuống, va vào đầu của cô, khiến cô ngã sấp mặt xuống đất. Tiếng kêu cứu tuyệt vọng cuối cùng của cô trước khi cô chết bị tắt nghẹn trong vũng máu, nên không ai nghe thấy.
Trong một kiếp khác, Talia là một thầy cúng kiêm nhà tiên tri 16 tuổi, giàu có và quyền lực. Một đêm nọ, mặc dù cha cô đã thuê người bảo vệ, nhưng ba kẻ bắt cóc đã lẻn vào phòng trong lúc cô đang ngủ, họ đánh vào đầu khiến cô ngất xỉu, rồi đem cô giấu vào hang động. Ba kẻ bắt cóc đã cắt lưỡi cô để cô không thể kể với ai về chúng. Trong suốt thời gian bắt cóc cô để đòi tiền chuộc, chúng tra tấn cô đến chết rồi đem quăng xác đi. 
 
Talia phát hiện rằng mình từng là một thầy cúng kiêm nhà tiên tri giàu có và quyền lực nhưng có cái chết bất hạnh (ảnh: Internet)
 
Hai tiền kiếp của Talia đều liên quan đến việc cô bị tác động mạnh vào đầu đồng thời không thể nói sau khi bị đánh. Điều này đã dẫn đến chấn thương não và tình trạng cấm khẩu của cô trong kiếp này. Sylvia động viên Talia rằng những gì cô nhìn thấy chỉ là quá khứ khủng khiếp, và bây giờ điều đó không xảy ra nữa. Sylvia cũng cầu nguyện đồng thời khuyên Talia cầu nguyện để những ký ức cũ sẽ được giải tỏa trong tình yêu thương thuần khiết của Chúa. Nhờ vậy mà Talia đã hồi phục hoàn toàn sau 6 tháng kể từ khi được thôi miên.
.
* Henry là một người bị chứng bị chứng co thắt và đau kinh niên ở cổ từ năm 30 tuổi.
Anh đã tốn nhiều tiền đi bác sĩ để rồi được bảo rằng không bị sao cả. Anh đã đến văn phòng của Sylvia Browne để tư vấn.
Được sự cho phép của Henry, Sylvia đã đưa anh vào trạng thái thôi miên để thư giãn trước khi bắt đầu phiên tư vấn. Trong trạng thái thôi miên, Henry quay về năm 1790, khi ấy anh là một chàng trai góa vợ và chẳng còn gì để mất. Anh đi lính và nổi tiếng về sự quyết liệt và táo bạo trong cuộc cách mạng Pháp cho đến khi bị xử chém vào năm 33 tuổi.
Henry phát hiện rằng chứng bệnh ở cổ của mình liên quan đến việc anh bị xử tử trong cuộc cách mạng Pháp thế kỷ 18
 
Cả Sylvia và Henry đều đặc biệt xúc động khi biết rằng người vợ yêu của Henry đã mất ở kiếp trước cách đây hơn hai thế kỷ lại chính là người mà anh đã vui mừng kết hôn trong kiếp này. Điều này giải thích tại sao cả hai cảm thấy đã thuộc về nhau ngay từ buổi đầu gặp gỡ.
Vết đau và chứng co thắt ở cổ của Henry từ năm 30 tuổi chính là phản ứng của cơ thể với những ký ức về chuyện phải lên đoạn đầu đài hơn 200 năm trước ở độ tuổi 33.
Ba tuần sau buổi thôi miên, Sylvia gặp lại Henry trong buổi biểu diễn gây quỹ từ thiện. Henry cho biết đã hoàn toàn khỏi chứng co thắt và đau cổ kinh niên kể từ ngày thứ 4 từ sau buổi thôi miên. 
.
Nguyên nhân của những vết bớt trong cơ thể
Sylvia còn phát hiện ra rằng: Có đến 90% số các vết bớt hoặc các vết sẹo, dị tật bẩm sinh trên cơ thể các bệnh nhân của có liên quan đến các tổn thương nghiêm trọng hoặc chết người trong tiền kiếp. 
 
Những vết bớt trên cơ thể từ khi sinh ra có thể là dấu vết của những tổn thương trong tiền kiếp (ảnh minh họa, Shutterstock)
Sylvia ví dụ:
• Một giáo sư đại học có vết bớt mảnh và dài ngang giữa đùi, liên quan đến việc ông thiệt mạng do mất quá nhiều máu khi bị cưa chân ở Trung Quốc trong thế kỷ 16.
• Một thợ may nghỉ hưu có vết bớt hình thoi trên vai trái, đúng nơi mũi tên đã đâm xuyên qua người khi cô là chiến binh da đỏ vào giữa những năm 1800.
• Người huấn luyện ngựa tiết lộ trong kiếp trước bà bị kết tội phù thủy và bị treo cổ, dẫn đến bà có cái bớt dài gần 15 cm ngang qua cổ họng.
• Một viên cảnh sát có vết bớt rộng 2,5cm ở sau gáy ứng với nơi người tình ghen tuông của anh dùng cây rìu nhỏ chém trong tiền kiếp ở Ai Cập…
.
Giải thích cho việc này, Sylvia cho rằng: Linh hồn nhập vào thể xác thông qua ký ức về những chấn thương và tổn thương nặng ở kiếp trước, và ký ức ngấm vào từng tế bào trong cơ thể. Tế bào hình thành dấu vết của tổn thương trong quá khứ thông qua các vết bớt và sẹo.
.
Không chỉ những tổn thương và biến cố trong tiền kiếp có thể là nguyên nhân gây ra căn bệnh trong kiếp này, Sylvia Browne còn phát hiện rằng có rất nhiều trở ngại về tình cảm, tâm lý, hay những thử thách về sức khỏe và vật chất, thậm trí những quan điểm tích cực trong kiếp này đều liên quan đến ký ức tiền kiếp của mỗi người.
Cuốn sách “Điều kỳ diệu của ký ức” của Sylvia Browne đã được dịch sang tiếng Việt và xuất bản ở Việt Nam. 
 
Năm 2016 Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đã tìm ra cách ghi lại ký ức phức tạp trong DNA của tế bào con người (ảnh: MIT)
.
Theo trithuc.vn

Thứ Tư, 17 tháng 6, 2020

Thay đổi mình là thần, thay đổi người khác là ngu ngốc


Có một câu chuyện triết lý như sau:
Ngày xửa ngày xưa, khi mà con người vẫn phải đi chân trần.
Một hôm, một vị quốc vương nọ bỗng dưng có hứng thú, muốn tới một vùng quê xa xôi để thăm thú. Kết quả vì đường quá gập ghềnh khó đi, lại nhiều sỏi đá khiến đôi chân của quốc vương đau đớn nên ngài đành phải quay về cung.
.
Sau khi về cung, quốc vương vừa đau đớn xót xa đôi bàn chân ngọc ngà của mình vừa tức giận ra lệnh: "Mau lót tất cả con đường trên đất nước này bằng da bò cho ta."
Quốc vương cho rằng sắc lệnh này hoàn toàn không chỉ vì bản thân mà còn vì chân của toàn bộ bách tính, vì vậy, càng nghĩ càng thấy nên lót đường lại.
Vấn đề là dù có giết hết trâu bò, cũng không đủ để lót đường. Nhưng, thánh chỉ như núi, ai dám làm trái? Bách tính chỉ biết lắc đầu thở dài.
.
Lúc này, một nô bộc thông minh đã dũng cảm nói với quốc vương: "Thay vì bắt người dân phải giết hết trâu bò, tại sao quốc vương không dùng hai miếng da bò lót vào đôi bàn chân của mình ạ?"
Quốc vương như được tỉnh mộng, liền thu hồi mệnh lệnh, và áp dụng gợi ý này.
Người ta nói rằng đây chính là nguồn gốc của giày da.
.
Có một câu nói của Lev Nikolayevich Tolstoy: "Trên thế giới này chỉ có hai loại người: một là kẻ trông chờ, hai là người hành động. Phần lớn mọi người đều muốn thay đổi thế giới này, nhưng lại chẳng có ai muốn thay đổi chính bản thân mình."
.
Thay đổi bản thân và thay đổi người khác, có thể nói là hai câu hỏi vô cùng khó.
Thay đổi bản thân không dễ, thay đổi người khác lại càng khó.
Cuộc sống sở dĩ xuất hiện xung đột này xung đột kia, nhiều khi chỉ là vì chúng ta muốn thay đổi người khác, muốn người khác trở thành cái dáng vẻ mà mình muốn.
.
Có người nói: thay đổi bản thân là thần, thay đổi người khác là thần kinh.
Câu nói này tuy trần trụi, nhưng không phải không có lý.
Cái gọi là "giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời", ý muốn nói tính cách và thói quen của một người là thứ rất khó để thay đổi.

Vì vậy, chúng ta đừng lúc nào cũng chỉ chăm chăm tập trung vào người khác, khi bạn không thể thay đổi người khác, phương pháp thông minh nhất chính là thay đổi bản thân trước.

Có cặp vợ chồng lúc mới yêu nhau, người chồng cũng đã từng nhắc nhở vợ về một tính quá ầm ỉ khi có những mâu thuẩn, hi vọng sau này cô ấy có thể thay đổi. Nhưng, kết hôn đã nhiều năm như vậy, "năng lực" đó của cô vẫn chưa hề thay đổi.

Nhà trị liệu tâm lý người Đức, Bert Hellinger từng nói: "Gia đình hạnh phúc đều có một điểm chung: trong nhà không ai có tham vọng kiểm soát mạnh mẽ."
Thử kiểm soát đối phương, thay đổi đối phương, hi vọng đối phương sẽ làm mọi thứ theo tiêu chuẩn và yêu cầu của mình, không chỉ rất khó thực hiện, mà còn có thể làm phá hoại sự hòa hợp và hạnh phúc trong hôn nhân.
.
Thực ra, không có hai người nào là hoàn toàn hòa hợp với nhau cả, kể cả là vợ chồng, hay con cái, bạn bè, khi chúng ta thử thay đổi họ, hi vọng họ trở thành người mà ta muốn họ trở thành, bạn đều sẽ phát hiện ra kết cục thường là thất bại.
.
Nhà tâm lý học Carl Gustav Jung nói với học trò của mình trước khi qua đời:
Đến cả suy nghĩ thay đổi người khác thôi cũng đừng nên có. Là một người thầy, ta phải giống như mặt trời, chỉ cần tỏa ra ánh sáng và sức nóng, phản ứng đón nhận ánh mặt trời của mỗi người là khác nhau, có người thấy chói mắt, có người lại thấy ấm áp, có người lại muốn trốn khỏi ánh mặt trời đó.
Trước khi hạt nảy mầm thường sẽ không có bất cứ hiện tượng gì, đó là vì vẫn chưa tới lúc. Hãy luôn tin rằng mỗi một người đều là cứu tinh của chính mình.

Đúng vậy, thế gian này có rất nhiều chuyện không thể cưỡng cầu, thay vì tốn công sức đi thay đổi người khác, chi bằng thay đổi tâm thái của bản thân, dành thời gian và tâm lực cho chính bản thân mình, mình sống tốt cuộc đời mình, mình trở nên ưu tú hơn, đó mới là chính đạo.

Thứ Hai, 15 tháng 6, 2020

Einstein thời trẻ


Trong khi nước Đức là một miền đất hứa thì Einstein lại bỏ nó ra đi lúc 15 tuổi và chỉ vài năm sau ông xin bố mẹ cho ông ra khỏi quốc tịch Đức để trở thành công dân Thụy Sĩ! Ông muốn chấm dứt quan hệ với nước Đức, không thích cách giáo dục gia trưởng của các thầy giáo, và có lẽ quan trọng hơn, không muốn đi quân dịch trong quân đội Phổ. Ông ra đi để tìm con đường cho riêng mình.
.
Rồi năm 1914, chỉ vài tuần trước khi Thế chiến thứ nhất bùng nổ, ông trở lại nước Đức trong sự vinh quang của tên tuổi khoa học, theo lời mời gọi của Viện hàn lâm Phổ. Viện hàn lâm đã quyết tâm mời ông về ở tuổi 35, cho ông hưởng sự ưu đãi cao nhất có thể có được của nhà nước Phổ.
.
Einstein bản tính là một người “nổi loạn”, không chịu khép mình vào những trật tự cố định. Ông sinh ra là để làm người tự do và chấp nhận mọi sự trả giá để được sống và tư duy tự do. Einstein không phải là sản phẩm của các lò đào tạo học trò xuất sắc, trường chuyên, của chế độ đào tạo bằng nhồi nhét, hay của bộ máy hàn lâm kiêu hãnh, lại càng không phải là thần đồng.
.
Ông đứng ngoài tất cả những thứ đó, là sản phẩm của tự học và óc tò mò vô hạn trước thiên nhiên. Ông đã để tư duy của mình bay bổng với đôi cánh mộng tưởng trong bầu trời tự do vô hạn của tạo hóa. Ông cho rằng không nên lấy hoạt động khoa học để làm phương tiện kiếm sống, để giữ cho mình được tự do. Đó cũng chính là con đường ông chọn sắp tới để bước vào đời.
.
Ở Đức cậu bị chê bai. Hiệu trưởng Trường trung học Gymnasium Luitpold Munich một ngày nọ đã kêu cậu đến và nói: “Einstein, cậu sẽ chẳng làm nên chuyện gì đâu” và bồi thêm để đuổi cậu khỏi trường: “Sự hiện diện của cậu đã làm mất đi sự tôn kính trong lớp học”.
.
Có lẽ do thái độ không ưa thích kỷ luật của cậu. Einstein không phải học tồi như huyền thoại lưu truyền. Einstein chấp nhận lời xua đuổi ấy, như chấp nhận sự thách thức của vua Phổ: “Ai không vừa ý, kẻ đó nên rũ sạch đất Đức dưới chân mình và hãy ra đi”.
Bỏ trường ở tuổi 15, một hành động táo bạo, như của một “kẻ bụi đời”, mong để thoát khỏi không khí gia trưởng. Ông đi về Milan sống với gia đình một thời gian rồi sau đó qua Thụy Sĩ. Đó là lần “di cư chính trị” đầu tiên ra khỏi nước Đức.
.
Ông tận hưởng những ngày tự do và bắt đầu tự nghiên cứu khoa học ở Milan. Ông rời trường học nhưng không rời khoa học. Mục tiêu của ông là vào học Trường đại học kỹ thuật ETH Zrich.
.
Trường này là trường ngoài nước Đức ra tốt nhất ở châu Âu (và hiện nay vẫn là trường tên tuổi thế giới) và không đòi hỏi bằng tú tài mà chỉ yêu cầu phải thi một kỳ khảo sát. Ông bắt đầu một cuộc sống tự lập và tự hoạch định tương lai cho mình. Thi rớt vào ĐH ETH Zrich, ông phải lui về Aarau, một thị trấn nhỏ gần Zrich, để học một năm dự bị và sau đó ra trường Aarau với điểm thủ khoa.
.
Khi tốt nghiệp cử nhân năm 1900, Einstein rất kỳ vọng vào một chân giảng nghiệm viên ở Đại học ETH Zrich để tiếp tục việc nghiên cứu khoa học. Trong khi những sinh viên tốt nghiệp khác đều được bổ nhiệm việc làm trong đại học, Einstein phải đi ra với “tay trắng” vì không giáo sư nào có thiện cảm với con người “lười biếng” này để cho một chức giảng nghiệm viên cả. Ông xin việc ở Đức và Hà Lan nhưng cũng không thành. Thất nghiệp, Einstein phải đi kèm trẻ để sống qua ngày.
.
Giữa năm 1901, một cái phao cứu hộ đã đến với ông. Do sự giới thiệu của gia đình một người bạn thân, Einstein được nhận vào làm “chuyên viên hạng ba” của Sở Bản quyền sáng chế liên bang Thụy Sĩ. Ông chỉ được làm thử việc, kéo dài cho đến năm 1904 mới được làm chính thức, và năm 1906 mới được lên hạng cấp hai.
.
Einstein đã bị đẩy ra ngoài bộ máy hàn lâm và đã có ý nghĩ bỏ giấc mơ hàn lâm đã ấp ủ của ông. Đó là hệ quả và cái giá phải trả của tính độc lập của con đường ông đang đi. Ông chẳng phải lười biếng như các thầy đã gán, mà chỉ làm một điều: theo đuổi những ý tưởng độc lập của mình.

Chủ Nhật, 14 tháng 6, 2020

GS bác sĩ Đặng Văn Ngữ, nhà trí thức yêu nước tài ba

Giáo sư, bác sĩ Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910 tại làng An Cựu, thành phố Huế, trong một gia đình nhà Nho, sống bằng nghề buôn bán nhỏ. Ông học trung học tại Huế, đỗ đầu trong kỳ thi tốt nghiệp và học tiếp tại Hà Nội. Năm 1930, ông đỗ tú tài bản xứ lẫn tú tài Pháp, và nhận được học bổng tiếp tục theo học tại Trường Y- Dược thuộc đại học Đông Dương.
.
Với thành tích học tập xuất sắc, sau khi tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937, ông là người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho giáo sư Henry Galliard- Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng Trường Y- Dược lúc đó. Sự nghiệp của ông được thay đổi từ đây, lĩnh vực “ký sinh trùng” đã theo ông trọn cả cuộc đời.

GS Đặng văn Ngữ đưa vợ bà Tôn Nữ Thị Cung, con gái của Thượng thư Bộ Hình kiêm Tổng đốc Nghệ An Tôn Thất Đản, 3 người con Đặng Nhật Minh, Đặng Nguyệt Ánh, Đặng Nguyệt Quý về nội ở An Cựu để lên đường sang Nhật du học.
Do có nhiều công trình nghiên cứu có giá trị trong lĩnh vực y học, năm 1943, ông được chọn đi du học ở Nhật với tiêu chuẩn “là người có trình độ cao, hiện đại, xứng đáng cho nền y học của Pháp tại Việt Nam”. Từ năm 1943 đến cuối năm 1948, ông học tập và làm việc tại Nhật. Ông đã học và nghiên cứu về nấm, men gây bệnh, về lao và hủi tại Trường Đại học Tokyo, về vi trùng đường ruột ở Bệnh viện Truyền nhiễm Tokyo.
.
Trong thời gian tu nghiệp ở Nhật, ông tìm ra giống nấm sản xuất Penicillin và công bố 4 công trình khoa học có giá trị. Giáo sư Tomio Takeuchi. Giám đốc Viện Hóa vi sinh Tokyo (Institute of Microbial Chemistry). nhà bác học nổi tiếng của Nhật Bản và là cộng sự của GS Đặng Văn Ngữ hai người có nhiều công trình nghiên cứu đứng tên chung, các bài báo đăng trên các tạp chí Y khoa.
.
Con đường khoa học của GS Đặng Văn Ngữ lúc bấy giờ đang rộng mở, nhất là sau khi ông phát hiện lần đầu tiên tại Nhật một giống nấm có khả năng tiết ra chất kháng sinh Penicilline. Sau khi chiến tranh kết thúc người Mỹ đã nhiều lần tìm đến gặp ông để mời làm việc. Nhưng ông đã từ chối để trở về nước.
.
Năm 1949, GS Đặng Văn Ngữ lên đường trở về nước với những hành trang quý giá. Đó là những kiến thức y học của Nhật và các nước phương Tây, đặc biệt là mang theo Souche Penicillium (giống Penicillium) để điều chế thuốc kháng sinh Penicillin.
.
Cuối tháng 12/1949, bác sĩ Đặng Văn Ngữ về đến Liên khu IV, ông lao ngay vào công việc nghiên cứu penicillin để phục vụ cứu chữa thương bệnh binh.
Đầu năm 1950, ngôi chùa Yên Thành được sửa sang để làm phòng thí nghiệm nghiên cứu kháng sinh. Bác sĩ Đặng Văn Ngữ được 2 thanh niên giúp việc – là những người chưa hề biết đến những chiếc ống nghiệm hay giống nấm là gì, nhưng lòng nhiệt thành của họ thì rất lớn.
.
Chính trong hoàn cảnh thiếu thốn, khó khăn ấy, những ống kháng sinh đầu tiên đã được bào chế thành công. Như sau này bác sĩ Đặng Văn Ngữ viết: “Chúng tôi không ngồi đợi có đầy đủ phương tiện mới nghiên cứu. Không có bàn, chúng tôi bầy mễ làm việc. Cân chính xác thiếu, chúng tôi đo bằng lối so thể tích. Ống tre thay cho eprouvette, đĩa là boite de Pétri, cylinder chỉ là những ống sậy. Cứ như thế, chúng tôi cọc cạch làm việc cho tới khi phi cơ oanh tạc Cát Văn. trong những khó khăn chật vật như thế, 3 lọ Penicillin bột đã ra đời, mỗi lọ chừng hai vạn đơn vị”.
.
Phòng thí nghiệm ở chùa Yên Thành có một không hai, nó chứng minh rằng với những nguyên vật liệu của xứ nhà, với những phương tiện tầm thường, tập thể nghiên cứu đã làm được bột Penicillin tiêm: Sáu vạn đơn vị Penicillin sản xuất trong tháng 5/1950. Đây là công trình và kết quả thật kỳ diệu.
.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ làm thế nào để có thể sản xuất được thật nhiều penicillin, đáp ứng nhu cầu kháng khuẩn của các thương bệnh binh ngoài mặt trận? Đó là một câu hỏi đã khiến bác sĩ Đặng Văn Ngữ trăn trở suốt nhiều ngày đêm.
.
Tháng 5/1950, bác sĩ Đặng Văn Ngữ lên Việt Bắc để phụ trách phòng thí nghiệm của trường Đại học Y khoa. Ông nhận ra rằng, việc sản xuất Penicillin kết tinh (bột) là một quy trình đòi hỏi mất nhiều thời gian, do vậy, nó không thể thỏa mãn được nhu cầu cấp thiết của quân đội và nhân dân.
 
GS Đặng Văn Ngữ cùng vợ và con ở phòng Thí nghiệm điều chế penicillin ở Chiêm Hóa Tuyên Quang (Việt Bắc)

Bác sĩ Đặng Văn Ngữ và các giáo sư của trường Y đều nhận ra rằng nước lọc Penicillin có tác dụng và hiệu lực hơn cả Penicillin kết tinh nếu dùng nó để chữa trị tại chỗ các vết thương phẫu thuật nhiễm trùng. Xác định như vậy, ông đã quyết tâm và dành toàn bộ tâm trí để sản xuất nước lọc Penicillin.
.
Việc sản xuất nước lọc Penicillin không thể tiến hành ở một cơ sở hay một phòng thí nghiệm. Nó cần được phân tán thành nhiều tổ sản xuất, gắn liền với các đơn vị của bộ đội. Theo GS Đặng Văn Ngữ thì: “Sự phân tán tổ chức sẽ giải quyết được vấn đề chuyển vận nguyên liệu chế tạo và người sử dụng không cần tìm thuốc ở đâu xa; nó sẽ xuất hiện hằng ngày bên cạnh bệnh nhân và thường xuyên nó chờ đợi người y sĩ tới sử dụng nó”.
.
Các lớp học điều chế nước lọc penicillin được thành lập, thu hút các dược sĩ, bác sĩ, sinh viên y dược, dược tá… Nước thân cây ngô có chứa glucose được nấu lên rồi cấy nấm bằng giống của phòng thí nghiệm được thực hiện đều đặn. Việc lấy nước từ thân cây ngô cũng là một sự sáng tạo, bắt nguồn từ hoàn cảnh của cuộc kháng chiến. Cây ngô rất sẵn trong nhân dân, nước từ thân cây ngô là môi trường lý tưởng để nuôi cấy nấm Penicillin.
.
Thời gian huấn luyện kéo dài khoảng hai tuần là một người có thể nắm rõ các quy trình của việc nuôi cấy và sản xuất nước lọc Penicillin. Song song với việc huấn luyện trực tiếp, Tập san Penicillin được phát hành hàng tháng, cũng là một công cụ hữu hiệu để phổ biến kiến thức của phòng thí nghiệm của trường Đại học Y với các cơ sở ở địa phương.
.
Việc sản xuất được nước lọc Penicillin của bác sĩ Đặng Văn Ngữ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là ở giai đoạn sau của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhờ đó mà nhiều thương binh được chữa khỏi, không bị cưa mất chân tay.
.
GS Hồ Đắc Di, Hiệu trưởng trường Đại học Y khoa nhận định: “Những thành tích sáng chói của nước lọc Penicillin qua các chiến dịch Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám và gần đây nhất, kết quả rực rỡ của nước lọc Penicillin trong chiến dịch Lý Thường Kiệt càng làm phấn chấn anh chị em dược tá Penicillin đang cần cù và hăng hái xây dựng một ngành y mới của y học trong phục vụ tiền tuyến”.
.
GS Tôn Thất Tùng, một trong những trụ cột của trường Y trong kháng chiến thì cho rằng đó là một điều kì diệu. Ông nhấn mạnh: “Mỗi chiến dịch, quân y đưa ra tiền tuyến một tổ Penicillin để sản xuất kháng sinh dùng ngay trên mặt trận. Đây là một thành tích kỳ diệu mà từ xưa đến nay, trong các cuộc chiến tranh du kích chưa ai đã làm được như vậy với những dụng cụ thô sơ, trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn”.
.
Sẽ thật là khập khiễng nếu so sánh những thành tựu y học của ngày nay với sáng tạo khoa học của 70 năm về trước. Nhưng sự kiện sáng chế ra nước lọc Penicillin và tác giả - Bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã được ghi đậm trong lịch sử Y khoa Việt Nam và sẽ được ghi nhớ mãi mãi với tư cách là "Giáo sư Penicillin". Nhớ về ông là nhớ về một nhà khoa học, một bác sĩ có tấm lòng trong sáng, vì dân vì nước, sẵn sàng hi sinh bản thân mình cho khoa học, cho độc lập tự do của Tổ quốc.
.
Theo Nguyễn Thanh Hoá