Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

Nhận diện kẻ tiểu nhân không khó


NHẬN DIỆN KẺ TIỂU NHÂN KHÔNG KHÓ

Cuộc sống luôn có hai mặt trắng và đen, con người cũng vậy. Chúng ta trong đời có lẽ phải ít nhất một lần gặp kẻ tiểu nhân, để dạy cho ta những bài học kinh nghiệm sống. Bọn chúng có một vài đặc điểm có thể bạn sẽ gặp:

1. Trước mặt nói lời dễ nghe, nhưng lại đâm sau lưng

Điều gì không thể nói trước mặt một người, cũng đừng nên nói sau lưng họ. Bởi cho dù đó là sự thật, thì điều đó cũng đã đi ngược lại với những nguyên tắc đạo đức. Chẳng thà nói thẳng ra để góp ý giúp một người sữa chữa, chứ đừng đi bêu rếu sau lưng để làm hạ thấp danh dự của người ta.

Nhưng những kẻ tiểu nhân thì chuyện gì không vừa ý thì không bao giờ dám góp ý trực tiếp, hơn nữa trước mặt còn giở trò giả tạo, nói lời ngon ngọt tâng bốc, rồi sau lưng lại dè bỉu chê bai. Việc đó sẽ là làm hạ thấp giá trị của chính kẻ tiểu nhân trong mắt mọi người.

 

2. Có sở thích nói thêm bớt

Nói không thành có, nói có thành không. Một người hiểu biết và thông minh sẽ không bao giờ nói lời như vậy, vì hơn ai hết, họ biết điều đó chẳng khác gì rước họa vào thân đầu tiên.

Những người hay nói những lời này thực chất là vì bản thân họ có tính đố kỵ, tâm tính hẹp hòi nên chẳng muốn ai hơn mình, đụng chút chuyện liền khơi lên, thêu dệt vào nhằm đạp người khác xuống thấp, cho thỏa mãn sự ghen ghét.

Kẻ tiểu nhân như vậy bạn nên tránh xa, dù ban đầu có thể họ lựa chọn bạn để kể cho bạn nghe về những điều xấu xa của những người khác. Nhưng không có nghĩa là họ sẽ đứng về phía bạn, biết đâu bạn cũng đang là mục tiêu kế tiếp trong mắt họ.

 

3. Lợi dụng thời cơ, đục nước thả câu

 

Chăm chăm vào đợi chờ người khác sơ suất để chuộc lợi, cũng là một thủ đoạn của những kẻ tiểu nhân. Kiểu người này khá nguy hiểm, bạn nên cẩn trọng khi ở bên cạnh. Tốt nhất là khi chưa đảm bảo mình có thể hiểu rõ một người, thì đừng vội cảm thấy thoải mái mà lơ là hay thậm chí tâm sự với họ.

Hơn nữa, những kẻ như vậy cũng chẳng bao giờ có bạn thân thật sự, vì chỉ toàn là bè phái cấu kết để nhăm nhe người khác thôi. Đôi khi ta nên cảm thấy thương hại cho những kẻ tiểu nhân như vậy, vì họ đang sống và tự nhấn chìm chính tương lai của mình mà không hề hay biết. 

 

4. Thích lôi đạo đức lý lẽ ra phán xét người khác

 

Đây là những kẻ giả nhân giả nghĩa điển hình và tồn tại khá nhiều trong cuộc sống quanh ta, đặc biệt là những nơi có nhiều người trọng đạo lý. Người này mở miệng ra là nói đạo lý, tiếp sau đó là đem người khác ra so sánh với những đạo lý đó, rồi hạ bệ và coi thường. 

 

Thực ra những người này ban đầu đôi khi lại nhận được khá nhiều sự ngưỡng mộ từ người khác, vì sự hiểu biết sâu rộng và những triết lý họ hay nói. Nhưng tiếp xúc lâu dài bạn sẽ thấy họ là kiểu người cực kỳ hẹp hòi, chẳng bao giờ chịu công nhận người khác, nhìn ai cũng thấy khuyết điểm. Kết giao với hạng người này, chỉ khiến bạn cảm thấy bé nhỏ, tự ti và hoài nghi bản thân hơn thôi.

 

Có một nghịch lý là đa số mọi người vẫn thường hay phán xét người khác dựa theo quan điểm cá nhân của mình, rồi lại dành cả cuộc đời mình để sống theo quan điểm của người khác.

Thế nên người trung thực dám nói điều muốn nói, tự do thể hiện cá tính, một lòng theo đuổi thứ mình thích đôi khi sẽ không thể sống vừa lòng tất cả mọi người, những rồi họ sẽ là người khiến người khác phải trầm trồ và sống tự tin hạnh phúc theo cách riêng của mình./.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét